Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Tuổi Trẻ Chẳng Diễn Ra Hai Lần - Hãy Tự Viết Nên Câu Chuyện Du Học Phần Lan Của Chính Mình

Cuốn sách “Hãy cứ ước mơ – Hãy cứ dại khờ” sẽ dẫn đường và tiếp thêm “lửa” cho khao khát vùng vẫy trong biển trời tri thức tại đất nước Phần Lan của bạn. Học phí “đắt đỏ” cùng nhiều tiêu chuẩn cao để được cấp học bổng tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, Anh, Pháp hay Úc khiến không ít bạn chùn bước trên hành trình hiện thực hoá giấc mơ du học của mình. Và lúc này, nếu bạn quay sang tìm hiểu về Phần Lan thì đây có thể là một miền đất hứa đối với bạn. Phần Lan hấp dẫn du học sinh quốc tế không chỉ bởi nền giáo dục đại học chất lượng cao mà còn bởi mức học phí phải chăng và nhiều cơ hội được nhận học bổng.

Có lẽ, đến đây, bạn đã nảy ra ý định tra cứu và tìm hiểu các thông tin du học Phần Lan rồi phải không? Nếu không muốn tốn nhiều thời gian tự tìm hiểu, bạn hãy để cuốn “Hãy cứ ước mơ – Hãy cứ dại khờ” của Sisu là “người chỉ đường thông thái” cho bạn. Sách do một nhóm các bạn trẻ đang học tập và sinh sống ở những vùng miền khác nhau tại Phần Lan biên soạn.

Đây là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều kinh nghiệm thực tế rất chi tiết và bổ ích dành cho các bạn học sinh, sinh viên, bậc phụ huynh quan tâm đến du học Phần Lan. Sách có bố cục trình bày mạch lạc, được chia nhỏ thành từng giai đoạn từ bước lựa chọn ngành học, quá trình ôn thi, chuẩn bị hồ sơ dự thi, kinh nghiệm vượt qua kỳ thi đầu vào đến việc làm thẻ cư trú, xuất ngoại, cách phòng tránh cú sốc văn hoá, chuyện nhà ở, nơi mua sắm đồ đạc, chuyện có nên đi làm thêm hay không, việc học tập, thi cử và những nét văn hoá thú vị ở quốc gia này… Nhóm biên soạn còn đầu tư một phần phụ lục rất công phu nhằm hướng dẫn bạn cách điền hồ sơ điện tử trên cổng thông tin giáo dục Phần Lan, StudyInfo, những lời khuyên hữu ích của du học sinh…

“Hãy cứ ước mơ – Hãy cứ dại khờ” cuốn hút người đọc bởi nhóm tác giả đã xây dựng rất thành công nhân vật “tôi”, một chàng thanh niên 18 tuổi trong vai trò người dẫn dắt câu chuyện, kể về cuộc hành trình biến mơ ước của một học sinh có học lực ở mức trung bình khá đến chàng sinh viên du học trên đất nước Phần Lan.

Động lực thôi thúc cậu muốn sang bên trời tây học tập là bởi cậu muốn làm “điều tốt” cho bản thân. Theo cậu, “điều tốt” ở đây có nghĩa là, cậu được lĩnh hội thêm những kiến thức mới, kiếm được công việc lương cao, du lịch bốn phương, làm quen với những người bạn mới, rèn luyện những kỹ năng sống tự lập để trưởng thành hơn và đơn giản là tìm cảm hứng cho một cuộc sống đa sắc màu.

Ý nghĩ du học Phần Lan chợt đến với nhân vật chính khi một người bạn của bố anh chàng gợi ý rằng, “Hay là cháu thử tìm học bổng một số nước Bắc Âu xem. Chú nghe nói Phần Lan miễn học phí cho sinh viên quốc tế đấy!”. Lời nói ấy đã mở ra một lối đi mới cho chàng trai còn đang bế tắc trong các lựa chọn đi du học Anh, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Đức. Và nhân vật “tôi” trong câu chuyện đã dành cả tuần sau đó để tìm hiểu về Phần Lan, “đất nước kỳ lạ” – theo lời của cậu.

Ngay khi đặt chân đến đất nước Phần Lan, nhân vật “tôi” đã đắm chìm trong vẻ đẹp cổ kính, xinh đẹp của một quốc gia Bắc Âu điển hình. Cậu say sưa khám phá khắp các ngõ ngách, tìm hiểu những điều mới lạ, kỳ bí và vẫy vùng trong cảm giác tự do, được làm chủ một cuộc sống mới. Tuy vậy, thời gian “mật ngọt” ấy đã sớm chấm dứt khi những khó khăn dần xuất hiện như chuyện phải tự nấu ăn, dọn dẹp, bạn bè không gần gũi hay những lần tỉnh giấc giữa đêm, nhận ra mình đang ở một xứ sở xa lạ, cách nhà gần 11.000 cây số, cảm giác cô độc đến tận cùng và rồi cậu nhớ nhà, bạn bè thân thiết, quán xá quen thuộc ở quê hương…

Sự tự ti và tâm lý sợ sai đã khiến các du học sinh khoác lên mình tấm áo tàng hình trước những cuộc vui do bạn bè quốc tế tổ chức. Đúng như lời nhân vật “tôi” đã chia sẻ, “người không bao giờ sai là người không bao giờ thử”, vì vậy, chỉ khi bạn nhập cuộc, bạn mới biết hết được khả năng và những giới hạn của bản thân. Một trong nguyên nhân khiến chúng ta sốc văn hoá khi đến một quốc gia mới là việc không tìm được một người bạn đồng cảm với những khó khăn bạn đang trải qua.

Vì thế, chỉ khi bạn rời khỏi tổ kén của mình và làm quen với những người bạn khác, bạn sẽ thấy rằng, “Một người bạn mới cũng giống như một hộp chocolate vậy, bạn sẽ không thể biết được bạn nhận được gì trừ khi bạn nếm nó”. Khi vượt qua giai đoạn sốc văn hoá, đây sẽ là cột mốc đánh dấu bước trưởng thành mới trong con người bạn. Và khi ấy, bạn càng vững vàng hơn trên con đường du học mình đã chọn.

“Một người bạn mới cũng giống như một hộp chocolate vậy, bạn sẽ không thể biết được bạn nhận được gì trừ khi bạn nếm nó”

“Tuổi trẻ của chúng ta chẳng diễn ra hai lần trong đời, các bạn còn chần chừ gì nữa mà không bắt đầu hành trình du học của mình?”, đó là lời cuối cùng nhóm tác giả dùng để kết thúc cuốn sách đầy tâm huyết của họ. Và có lẽ đọc đến đây, chắc hẳn bạn đã đủ tự tin để viết nên câu chuyện du học Phần Lan của chính mình rồi phải không nào!

Theo Minh Phương

Nguồn: https://goo.gl/evmWt9

Sưu tầm bởi: Anh Thi - Bookademy

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

407 lượt xem