Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tuổi Trẻ Là Thời Đẹp Nhất Chỉ Là Lời Nói Dối Của Em

Một cô bé gửi email cho mình, kể em cảm thấy bản thân là một kẻ vô dụng và thất bại. Trong khi bạn bè đứa thì đi du học, đứa thì đi du lịch bụi khoe ảnh khắp nơi, đứa thì được đủ thể loại giải thưởng tham gia hoạt động này khác. Còn em thì vẫn hoang mang hỗn độn với những vấn đề trong cuộc sống, công việc, học hành, tình cảm, và những mối quan hệ chưa được cân bằng. Trong khi xung quanh em, người ta vẫn bảo tuổi trẻ là thời kỳ đẹp nhất, phải sống phải cháy hết mình, mà em thấy cuộc sống của mình không có vẻ gì như vậy.

Dạo này người trẻ thường bị bao vây bởi những thông điệp từ truyền thông, báo chí và mọi người, rằng: “Tuổi thanh xuân là độ tuổi đẹp nhất đời người. Quãng đời tuổi trẻ là quãng đời rực rỡ nhất, tuyệt vời nhất của cuộc sống”?

Với tất cả sự chân thành của mình, mình xin nói nhỏ với bạn, rằng đó chỉ là lời nói dối. Vì thực sự là tuổi nào cũng đẹp đẽ và tuyệt vời, nếu như người ta biết sống sao cho đúng cách.

Và nói cho ngay thì, độ tuổi đôi mươi rất khó để là một thời kỳ đẹp đẽ. Vì sao? Vì bạn phải rời bỏ gia đình và bước vào xã hội, túi bạn thường lép kẹp, bạn thường vớ phải một công việc tồi tệ, những cơn thất tình tồi tệ nhất trong giai đoạn này.

Trả lời câu hỏi tương tự trên trang mạng Quora, nhiều người lớn tuổi cho rằng họ thực sự tận hưởng độ tuổi ba mươi, bốn mươi trong cuộc đời mình, khi họ có tài chính ổn định hơn, sự nghiệp vững vàng hơn, một gia đình hỗ trợ mình, và những người bạn cùng chung giá trị. Còn độ tuổi hai mươi đối với họ là một thời kỳ khổ sở.

Chúng ta có thể nói rằng tuổi thanh xuân là một giai đoạn quý giá, hoặc là quãng đời mang tính chất quyết định cho phần đời còn lại (Bởi thế mà có nguyên cả một quyển sách khá nổi tiếng nói về quarter - life crisis mang tên: “The defining decade” – Thập niên quyết định, của nhà tâm lý học người Mỹ Meg Jay). Nhưng tươi đẹp nhất ư? Thật sự là không.

Tuổi trẻ là một giai đoạn cực kỳ khó khăn và thử thách trong cuộc đời mỗi người. Bạn phải đối diện với những lựa chọn quan trọng cho suốt quãng đời còn lại: một chuyên ngành để học, một nghề nghiệp để theo, một môi trường phù hợp để sinh sống, một người bạn đời để sống cùng, và một hoặc một số cộng đồng để hòa nhập. Bạn sẽ phải chuẩn bị cho cú nhảy từ trường học vào trường đời, học cách để sắp xếp một cuộc sống tự lập, hoạch định tài chính cho bản thân, đáp ứng kỳ vọng của gia đình xã hội, và bao nhiêu trở ngại khác cần phải đương đầu. Mà bạn lại thường quá trẻ nên không có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để xử lý. Ngạn ngữ Anh có câu: “Youth is wasted on the young” - tuổi trẻ thường bị bỏ phí vì người ta còn quá trẻ.

Có lẽ vì tuổi trẻ là quãng thời gian khá khó khăn của đời người, nên rất nhiều người trẻ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Phương Tây đã có nhiều nghiên cứu về “quarter life crisis” – một loại khủng hoảng chuyên xảy ra với người ở độ tuổi sung sức nhất của cuộc đời, từ 18 đến 29. Trong sách Chế Ngự Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên và quyển Tuổi Trẻ của mình cũng đề cập một số dấu hiệu của loại khủng hoảng này:

- Bạn không biết mình muốn gì, thích gì.

- Những năm tháng tuổi hai mươi không giống với những gì bạn đã hình dung.

- Không ngừng so sánh bản thân mình và người khác

- Lo sợ thất bại, trì hoãn việc ra quyết định.

Vậy phải làm gì nếu đang rơi vào khủng hoảng? Mình nghĩ mỗi người sẽ tự tìm ra cách riêng cho bản thân nếu họ tìm đủ lâu và đào đủ sâu. Nhưng khi đã trải qua quá trình đó, cũng như tiếp xúc và làm việc với người trẻ trong quá trình nghiên cứu về đề tài này, mình thấy có những cách sau hữu ích với một số người. Hy vọng giúp được bạn phần nào nếu bạn đang trải qua quarter – life crisis:

1/ Chuẩn bị tâm lý:

Đầu tiên, hãy chuẩn bị tâm lý rằng rằng khủng hoảng không có gì là bất thường. Bởi tuổi trẻ là một giai đoạn chuyển giao đầy khó khăn trong cuộc đời mỗi người. Và ta không được trang bị đầy đủ để đối phó với nó. Gia đình không thể lúc nào cũng kề cận bên ta. Bạn bè khó thể hỗ trợ ta. Và hãy thừa nhận một điều, rằng trường học thường chẳng giúp được gì nhiều trong vấn đề này.

Ngày xưa lúc mình mới viết về đề tài khủng hoảng tuổi đôi mươi, một bạn độc giả từng nhắn cho mình rằng bạn đọc những bài viết này khi bạn đang rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Bạn bảo nhờ đọc những bài đấy mà bạn mới biết rằng bạn không chỉ là người duy nhất như thế, rằng bạn không cô độc và bất thường, vì có bao nhiêu người khác cũng đã và đang trải qua quarter life crisis. Và vì biết được điều đấy, mà bạn có thêm sức mạnh để nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Thực ra lúc đấy mình cũng chẳng làm gì nhiều cả. Mình chỉ quan sát và gọi tên một hiện tượng rất phổ biến nhưng vẫn chưa nhận được nhiều quan tâm.

2/ Ngừng thương hại bản thân.

Một điểm mà mình thấy khá phổ biến là thói quen thương hại bản thân. Cần phân biệt rõ giữa thương hại bản thân với yêu thương bản thân. Việc tự thấy mình đáng thương và tội nghiệp, là tự lún sâu vào cái bẫy của thú đau thương, của sự bi lụy, yếu đuối. Thương hại bản thân chỉ là một kiểu ái kỷ, ru ngủ chính mình, cho phép mình chìm đắm vào những cảm xúc tiêu cực, và dễ dẫn đến hủy hoại bản thân.

Mặt khác, yêu thương bản thân giống như một người cha người mẹ tốt, có khả năng giáo dục đứa trẻ của mình. Tức là hiểu rõ nó muốn gì, cái gì thì tốt cho nó, cho nó môi trường tốt để phát triển với những nguồn lực cần thiết, sách vở, kỹ năng. Hãy tự mình là một bậc phụ huynh tuyệt vời của bản thân, chăm sóc vừa phải, cứng rắn vừa phải, thúc đẩy và kỷ luật để giúp bản thân ngày càng lớn lên và trở thành người mà mình muốn trở thành.

3/ Tích cực đọc sách

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người đọc sách thường xuyên sẽ ngủ ngon hơn, có mức độ căng thẳng thấp hơn, tự tôn cao hơn những người không đọc. Hãy dành khoảng thời gian trầm lặng này để đọc thật nhiều sách, bổ sung kiến thức, nâng cao hiểu biết và kiến thức, chuẩn bị nền tảng cho quãng đường tương lai.

Bản thân mình cũng tránh những quyển sách đơn thuần nói về yêu đương ủy mị khiến thêm chìm đắm vào hố sâu cảm xúc. Mình thích đọc những tác phẩm đã được thời gian minh chứng giá trị của chúng, những quyển văn học kinh điển, hay sách truyền động lực phát triển bản thân, ưu tiên sách về tư duy tích cực. Bạn có thể bắt đầu bằng một quyển sách khiến bạn hứng thú tò mò và phù hợp với bạn, sau đó dần dần nâng lên đọc những quyển sách khó hơn khả năng đọc của mình. Bằng cách đó sẽ giúp phát triển kỹ năng đọc sách, nâng cao khả năng nhận thức và tư duy.

4/ Hoạt động thể chất

Cơ thể khỏe mạnh giúp tinh thần cường tráng. Trong thời kỳ này, hãy thường xuyên tham gia một hoạt động thể chất nào đó, ví dụ dành thời gian đi bộ 30 phút mỗi ngày, tham gia tập yoga hoặc đi bơi 2 – 3 lần/tuần, đạp xe đạp, tập võ, hay các môn thể thao khác như cầu lông, bóng chuyền… Trong sách 6 Tỉ Đường Đến Hạnh Phúc có các nghiên cứu nói lên tác động cực kỳ tích cực của hoạt động thể chất đối với những người đang bị rối loạn cảm xúc, một quyển sách rất nên đọc.

5/ Duy trì nhật ký cảm xúc.

Sách Mind Tools: Essential Skills for an Excellent Career có nói về việc thường xuyên ghi lại biểu đồ cảm xúc của mình như một cách để phát triển bản thân. Buổi tối mỗi ngày dành ra 10 – 15 phút để ghi lại cảm xúc và những gì diễn ra trong ngày của mình. Có lúc nào mình có cảm giác tiêu cực và mãnh liệt như tức giận hay chán nản không. Những biểu hiện từ lúc bắt đầu đến kết thúc của cảm xúc đó. Thử nêu nguyên nhân của cảm xúc đó. Và nếu lần sau mỗi lần nổi lên cảm giác như vậy nữa thì làm thế nào. Đây vừa là một cách để giải tỏa cảm xúc qua con chữ, lại có thể tác dụng giúp ta tự rèn luyện, xem xét lại bản thân.

Trong các chương trình về tự học, phát triển bản thân, các bạn nhỏ hay hỏi mình làm cách nào để thay đổi. Nhưng khi mình chia sẻ những cách rất đơn giản để bắt đầu, thì các bạn ấy dường như không quá quan tâm. Có lẽ họ mong đợi một cái gì đó ấn tượng và vĩ đại hơn. Các bạn ấy thường hỏi lại: Vâng, nhưng bí quyết thực sự là gì? Bí quyết để thực sự xoay chuyển cuộc sống ấy.

Đối với mình, chẳng có bí quyết nào vĩ đại cả, ngoài một điều: làm tốt từng việc nhỏ mỗi ngày. Chúng ta rất khó thay đổi bản thân mình theo một cách đột ngột và triệt để. Thay đổi và phát triển chính mình là một hành trình đều đặn liên tục, bắt đầu bằng những thói quen tích cực nho nhỏ mỗi ngày. Ví dụ, chỉ cần mỗi ngày dành thời gian đọc vào chục trang sách, hoặc hoạt động thể chất đều đặn. Một thời gian sau sẽ thấy tinh thần mình khác hẳn. Và từ đó có thêm năng lượng để bắt tay vào chỉnh đốn những vấn đề khác trong cuộc sống của mình.

Vậy thôi, làm tốt từng việc nhỏ. Từng bước đi qua cơn bão. Start with baby steps. No rush. Nha.

Thương.

Theo Roise Nguyen

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,394 lượt xem