Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Vài Suy Nghĩ Về Việc Tẩy Chay

Bài viết đăng tải trên trang Mai Anh D. Viết, tựa đề do YBOX đặt lại

--------------------

1.Tuần trước, mạng xã hội xôn xao một vụ thế này: Ông chủ của một chuỗi cửa hàng cà phê ở Sài Gòn vung tay tát cô bán hàng trong trung tâm thương mại. Đoạn phim từ camera an ninh được phát tán trên mạng xã hội. Vào thời điểm đó, ông chủ không có động thái gì là ăn năn, phát ngôn đại diện của chuỗi cửa hàng cũng nghiêng về hướng đổ-lỗi-cho-nạn-nhân.

Bên cạnh việc phê phán và chửi bới, nổ ra một chiến dịch kêu gọi tẩy chay chuỗi cửa hàng.

Chúng ta sẽ chọn gì: “Boycott” hay không “Boycott”?

Khi tôi đem câu chuyện hỏi mấy người bạn. Có người cho rằng: “Ông chủ lùm xùm là chuyện của ông chủ, còn chúng ta là người tiêu dùng chỉ quan tâm đến sản phẩm”, hay như lời đại diện của thương hiệu lên tiếng: “Đây là vấn đề cá nhân của ông chủ”.

2.Trước hết, tôi có một câu chuyện muốn kể bạn nghe.

Tôi đang đi học ở Pháp, nơi người ta hay đùa “biểu tình là một thứ đặc sản”. Dường như tất cả những người tôi gặp (kể cả người Pháp), luôn nghĩ về nó như một sự phiền toái và phi năng suất. Có một lần, ngồi trên xe buýt về nhà, đường bị tắt do đang có biểu tình, tôi có chút hậm hực:

“Sao người ta cứ phải biểu tình làm gì nhỉ?”

“Đó là cách để họ được lắng nghe. Nếu không có biểu tình, chẳng bao giờ các ông chủ lớn thèm để tâm đến nguyện vọng của những người ít tiền và ít quyền hơn họ”, bạn tôi nói.

Điều đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và thay đổi góc nhìn đối với những hình thái mà trước đây tôi cho là cực đoan.

Việc tẩy chay một sản phẩm, cũng rất giống việc biểu tình, xuất phát từ mong muốn được lắng nghe. Tẩy chay như một cách giao tiếp, mạnh mẽ hơn lời nói, để thể hiện sự phản đối, để truyền tải những mong muốn chung của đám đông, để tạo ra áp lực cho “bề trên” thay đổi.

Nếu không phải là tẩy chay - “tấn công” trực tiếp vào sự giàu có của ông chủ lớn bằng những thiệt hại do việc ngừng tiêu dùng, thì liệu có cách nào một người lao động bình thường có thể đòi hỏi một ông chủ “ta-giàu-ta-có-quyền” phải thay đổi hành vi và cách ứng xử?

Boycott không phải là cách duy nhất, nhưng khi người ta không có niềm tin vào việc được lắng nghe và được bảo vệ bởi các công cụ khác, họ phải chọn công cụ duy nhất họ có trong tay: Quyền lựa chọn mua hay không mua, dùng và không dùng.

3.Chữ “boycott” xuất phát từ tên một người đàn ông, đại úy Charles C. Boycott, cai quản vùng đất xứ Erne, Ireland. Những năm 1880, xảy ra mất mùa và nạn đói liên tiếp, Boycott đòi trục xuất tất cả tá điền không nộp đủ tô thuế. Người dân trong vùng phẫn nộ, nhưng không có quyền lực nào trong tay để “đụng” đến một nhân vật như Boycott. Họ cùng nhau lên kế hoạch: Không ai nhận làm công cho Boycottt, không ai bán hàng hóa cho Boycott, không ai mua hàng của Boycott.

Rất nhanh chóng, Boycott bị đè bẹp trước sự tẩy chay. Chỉ trong vài tuần, cái tên Boycott được bàn tán khắp nơi, lan ra cả nước ngoài. Từ đó, “boycott” trở thành một động từ, để chỉ sự phản dối và đấu tranh đòi thay đổi bằng việc ngừng mua-bán và sử dụng hàng hóa của một cá nhân, tổ chức hay thương hiệu.

Một người không mua có thể là mất mát không đáng kể, nhưng một chiến dịch tẩy chay quy mô là khủng hoảng cho mọi thương hiệu, buộc các ông bà chủ phải chú ý hành động và quyết định của mình, buộc họ phải quan tâm đến đạo đức và quan điểm của khách hàng. Trong thời gian gần đây, các cuộc vận động vì môi trường, phúc lợi xã hội, quyền lợi người tiêu dùng trên thế giới dần chuyển dịch sang một hướng đấu tranh mới: Thay đổi lựa chọn tiêu dùng.

Mới đầu năm đây có vụ scandal bạo hành và đuổi hành khách gốc Á do máy bay hết chỗ của hãng United Airlines. Đây là một hãng hàng không giá rẻ, và việc tẩy chay đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể phải tìm một sự thay thế không rẻ bằng. Nhưng chiến dịch tẩy chay United Airlines vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo, khiến cổ phiếu hãng này lập tức sụt giá và lãnh đạo hãng phải tuyên bố từ chức và xin lỗi vị hành khách. Không chỉ dừng ở đó, hậu quả nặng nề của United Airlines còn có ý nghĩa răn đe với rất nhiều doanh nghiệp khác.

4.Quay lại cuộc trao đổi của tôi và mấy người bạn, có người quay sang hỏi tôi: “Vậy bạn nghĩ đa số mọi người sẽ phản ứng thế nào trước lời kêu gọi tẩy chay ông chủ tát người?”

Tôi lại nghĩ, có khi chỉ tuần sau không ít người sẽ vẫn tung tăng ra quán cà phê đó uống, đóng góp thêm vào sự giàu có của ông chủ mà chỉ tuần trước họ còn chửi bới không tiếc lời. Cũng như cách họ chửi bới cô ca sĩ này, anh người mẫu nọ, anh hot blogger kia vô văn hóa, vô học, vô duyên, vô đạo đức, nhưng nếu có bài hát mới thì vẫn nghe, TV show vẫn phải xem, sách mới ra vẫn mua. Dễ phẫn nộ và cũng dễ quên mất mình từng phẫn nộ. Có thể phản đối bằng lời, nhưng vô thức vẫn lựa chọn và làm giàu cho họ bằng chính sự ghét bỏ của chúng ta. Chúng ta có thể bức xúc nhưng nó vẫn chưa chuyển hóa thành hành động.

Chúng ta có đủ phẫn nộ để “hy sinh” việc tiêu dùng? Chúng ta có cần một sản phẩm đến mức không thể tẩy chay cho dù có bức xúc thế nào? Khi những status phê phán, nhưng thông điệp phản đối vẫn chưa đủ, khi sự thay đổi thực sự không thể chỉ dừng ở chỗ nghĩ và nói, khi lên án chưa đủ răn đe và áp lực, một cách rất tự nhiên ta cần một hình thức phản đối mạnh mẽ hơn. “Boycott” có thể là một hình thức đấu tranh văn minh, nếu sử dụng với mục đích rõ ràng và có chừng mực hợp lý.

Quyền lực thực sự của đám đông nằm trong chính lựa chọn tiêu dùng của họ.

Theo Mai Anh D. Viết

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,166 lượt xem