Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Vì Sao Bạn “Không Thể Cưỡng Lại” Cái Điện Thoại?

Nghiện công nghệ giờ không còn là giả thuyết hay hiện tượng hy hữu. Chứng nghiện này đã ở mức cần phải báo động bởi những hệ lụy trực tiếp của nó với sức khỏe và hiệu suất công việc.

Cuốn sách Irresistible (2017) của tác giả Adam Alter đã chỉ ra cho chúng ta thấy rất nhiều người đã và đang trở thành "nô lệ" cho những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, video game và các nền tảng mạng xã hội theo một cách "trung thành" đáng ngại tới mức nào.

Cuốn sách của Adam Alter lý giải cho độc giả hiểu theo cách nào chúng ta đã dính vào cơn nghiện thiết bị điện tử và bằng cách nào mà các nhà thiết kế những công nghệ đó đã lôi kéo chúng ta một cách đầy chủ động vào cơn nghiện ấy.

Dĩ nhiên theo đó cuốn sách mang tính cảnh báo và là một sự báo động mạnh mẽ buộc nhiều độc giả phải nhìn lại thói quen lướt và bấm với những chiếc smartphone của mình.

Tiến sĩ Adam Alter là giảng viên ngành tâm lý học tại trường kinh doanh Stern thuộc Đại học New York. Với những tư tưởng cùng kiến thức chuyên sâu trong nghiên cứu về tâm lý xã hội, ông đã trở thành chuyên gia cố vấn cho một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Google và Microsoft.

Ông từng viết nhiều bài cho báo News York Times và trang web công nghệ nổi tiếng Wired. Cuốn sách trước đây của ông cũng từng là một cuốn best-seller có tên là Drunk Tank Pink.

TTO xin được giới thiệu cùng bạn đọc những nội dung cốt lõi và hữu ích trong cuốn sách của ông, với mong muốn mỗi người có thể đối diện với thực tế này và tìm giải pháp kịp thời cho bản thân và con cái.

Bạn "rời xa" điện thoại được bao lâu?

Nếu bạn đang đọc những dòng này, một điều gần như chắc chắn là bạn đang đọc nó trên màn hình của một smartphone, một máy tính bảng hay một máy tính.

Nhiều khả năng đây không phải là lần duy nhất bạn ngó vào màn hình thiết bị điện tử trong ngày hôm nay. Chuyện này nghe "quen quen" quá phải không?

Trong một thời đại mà các thiết bị thông minh và máy tính đang trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống, có một nguy cơ ngày càng tăng cao là con người đang dễ dàng hơn trong việc mắc chứng nghiện những "món đồ chơi công nghệ mới".

Chúng ta đơn giản nhận thấy mình không thể cưỡng lại việc cầm tới chúng.

Bạn cảm thấy ra sao nếu không được sử dụng smartphone trong một ngày? Sẽ thế nào nếu bạn không dùng nó trong cả một tuần?

Đó có lẽ là viễn cảnh hầu hết chúng ta đều không muốn nghĩ tới. Bởi không ít người chúng ta đều bắt đầu cảm thấy lo lắng khi bị tách rời khỏi thiết bị điện tử chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Có thể bạn đã từng tự cật vấn mình những câu như tại sao bạn đang dành quá nhiều thời gian cho điện thoại và không có đủ thì giờ cho bạn bè và những người thân yêu. Nếu như vậy, đừng lo, bạn không phải là người duy nhất.

Đây chính xác là những gì mà ông Kevin Holesh đã từng nghĩ tới vào năm 2014 khi ông phát triển một ứng dụng có tên là Moment.

Mục đích của ứng dụng này là thu thập các dữ liệu người dùng và xác định mức thời gian chính xác mà mọi người tiêu tốn trên các thiết bị di động của họ.

Mặc dù người dùng Momen nhìn chung đều tin rằng họ chỉ tiêu tốn khoảng 90 phút mỗi ngày nhìn vào thiết bị của họ, tuy nhiên ứng dụng Moment lại tiết lộ rằng họ cầm điện thoại lên khoảng 40 lần trong suốt ngày vàdành cho nó trung bình tổng cộng 3 tiếng mỗi ngày để dán mắt vào nó.

Trong khi đó các chỉ dẫn tư vấn về sức khỏe khuyến cao người dùng không nên dán mắt vào điện thoại nhiều hơn một tiếng mỗi ngày, nhưng 88% người dùng Moment đã vượt quá xa mức giới hạn đó.

Nở rộ trung tâm cai nghiện công nghệ

Video game là một chứng nghiện công nghệ đáng kể khác.

Hãy nhìn vào ví dụ của game World of Warcraft, một dạng game nhập vai online nhiều người chơi cùng lúc đã tạo ra một thế giới tương tác ảo vô cùng rộng lớn, cho phép người dùng tự tạo avatar của họ và tương tác với những người chơi online khác theo thời gian thực.

Mỗi ngày có hàng triệu người chơi đăng nhập vào thế giới ảo này mỗi ngày, và theo chuyên gia về video game, Jeremy Reimer, có tới 40% trong số họ đã nghiện game đó.

Thế nên không có gì ngạc nhiên khi các trung tâm điều trị nghiện game mọc lên khắp nơi trên thế giới. Trong đó có ReStart, một trung tâm ở gần thành phố Seattle của Mỹ là một cơ sở điều trị game do một nhà tâm lý học và một lập trình viên hợp tác mở ra.

Có một câu hỏi đặt ra, phải chăng chúng ta đang gắn bó quá chặt với những thiết bị này là vì sự tiện dụng chúng mang lại cho cuộc sống và công việc? Hay vì chúng ta thực sự đã bắt đầu nghiện những cảm giác tưởng thưởng tinh thần vốn đơn giản và vô nghĩa và "rất ảo" mà các thiết bị kết nối đó mang lại cho ta?

Những tình huống cụ thể và các kích thích thần kinh ở bộ não diễn ra trong quá trình tiếp xúc với những nội dung thông tin và giải trí trên mạng Internet khiến bạn dễ nghiện điện thoại hơn.

Trong suốt một thời gian dài đã tồn tại một lầm tưởng cho rằng những người nghiện ngập là những người tha hóa đạo đức hoặc ý chí quá kém cỏi. Tuy nhiên dần dà theo thời gian, khi chúng ta hiểu thêm về cơ chế gây nghiện, ta biết rằng sự thực không hoàn toàn như vậy.

Ai cũng có thể mắc nghiện

Trên thực tế có rất nhiều "tình huống xô đẩy" theo đúng nghĩa đen khiến một ai đó bị nghiện. Qua nghiên cứu của mình, nhà tâm lý học Lee Robbins của Đạihọc Washington nhận thấy chỉ có 3-5% những người nghiện heroin có thể kiểm soát bản thân để không tái nghiện sau thời gian điều trị.

Bà Lee Robbins tin rằng lý do chính của tình trạng tái nghiện rất lớn này có liên quan tới bối cảnh, hoàn cảnh sống cụ thể của người đó.

Chẳng hạn, nhiều người nghiện ma túy là bệnh nhân của bà Lee Robbins sau khi được tách khỏi các hoàn cảnh, điều kiện sống khắc nghiệt và không dễ tiếp cận với ma túy đã có thể cai nghiện thành công.

Kết quả nghiên cứu của bà Lee Robbins khiến nhiều người đặt câu hỏi chất vấn ngược lại với những niềm tin đã từng được mặc định trước đó về chứng nghiện.

Theo đó hiện nay, việc nghiện một thứ gì đó ở một người đã được nhìn nhận không chỉ là tình trạng xảy ra với những người thiếu ý chí, mà còn là vấn đề tâm lý có thể xảy ra với bất cứ ai, miễn là họ rơi vào trong các điều kiện hoàn cảnh phù hợp tương ứng với chứng nghiện đó.

Nhận thức mới này sau đó đã được củng cố thêm bằng các chứng cứ khoa học do nhà tâm lý học James Olds công bố từ các thí nghiệm tiến hành với chuột của ông vào đầu những năm 1950.

Sau khi tình cờ phát hiện trung tâm hưng phấn trong não chuột, ông Olds đã cấy một điện cực vào não chúng, cho phép những con chuột của ông có thể kích thích vùng não này bằng cách nhấn vào một chiếc nút.

Theo đó, những con chuột trong thí nghiệm đã bấm đi bấm lại nút này nhiều lần, quên cả ăn và uống, cho tới khi chúng kiệt sức mà chết.

Sau đó thí nghiệm này đã được tiến hành với khỉ và cũng cho các kết quả tương tự. Từ đó các nhà khoa học kết luận rằng, tất cả các loài động vật, kể cả con người, đều có thể bị nghiện trong những điều kiện phù hợp nhất định.

Nhiều chất hóa học có khả năng tạo ra các phản ứng tác động vào trung tâm hưng phấn của bộ não người, cộng thêm với việc một người nào đó đang tìm cách thoát ra khỏi một hoàn cảnh không thuận lợi, như nỗi sợ chiến tranh, buồn chán hay thất vọng, lập tức họ rất dễ bị nghiện.

Trở lại vấn đề công nghệ, các tiện ích hiện đại này cũng có những tác động kích thích tới các trung tâm hưng phấn trong bộ não chúng ta theo một cơ chế không khác gì với các chất gây nghiện.

Nghiện hành vi cũng nguy hiểm như nghiện ma túy

Trong xã hội cũng đã xuất hiện các nhóm chuyên hỗ trợ những người nghiện một số hành vi nào đó, chẳng hạn những người nghiện sex, nghiện cờ bạc hay ám ảnh về việc lau dọn, vệ sinh.

Thông thường ta vẫn nghĩ các chứng nghiện nghiêm trọng thường liên quan tới các chất kích thích kiểu như ma túy hay rượu. Tuy nhiên trong những năm gần đây, đã có các bằng chứng khoa học cho thấy nhiều hành vi của con người cũng có tác động tới bộ não giống hệt như cơ chế tác động của các chất kích thích.

Theo nhà thần kinh học Claire Gillian của đại học Cambridge, các hành vi có thể kích thích lên các vùng não tương tự cách kích thích của các loại ma túy như heroin hay cocaine. Trong số đó có các hành vi đang diễn ra trên mạng như chơi video game, chat sex hoặc đánh bạc.

Trong tất cả các trường hợp này, chất truyền dẫn thần kinh dopamine sẽ được tiết ra trong não, tạo cảm giác hưng phấn rất mạnh cho con người.

Tuy nhiên cảm giác hưng phấn ban đầu này dần giảm đi khi hành vi đó được lặp lại. Điều này khiến mọi người sẽ nghiện nặng hơn khi cố dành thời gian ngà một nhiều hơn để lên mạng, theo đó cũng cố gắng đạt được lượng dopamine tiết ra nhiều hơn, thỏa mãn niềm hưng phấn của họ.

Tin tốt lành ở đây là vì các chứng nghiện hành vi dù sao cũng không nghiêm trọng như nghiện ma túy, do đó cơ hội để thoát nghiện cũng đơn giản hơn.

Một trong những tác hại ghê gớm nhất của việc cứ chúi mắt liên tục vào màn hình thiết bị điện tử suốt cả ngày là nó sẽ khiến bạn triền miên thiếu ngủ.

Một thực tế cho thấy nhiều người trong chúng ta không thể rời xa màn hình điện thoại là việc ta mang theo cả nó lên giường ngủ mỗi ngày.

Trong cuốn sách The Sleep Revolution (Cuộc cách mạng ngủ), tác giả Arianna Huffington cho biết 60% người Mỹ đã luôn để thiết bị điện tử trong tầm với khi họ lên giường đi ngủ.

Cùng với đó, cơ thể chúng ta cảm nhận về ánh sáng xanh thường phát ra từ màn hình thiết bị điện tử là tín hiệu nhắc cơ thể cần tỉnh táo. Ở phương diện hóa học, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh cũng ngăn cơ thể chúng ta sản sinh ra chất melatonin, một loại hormone giúp điều hòa giấc ngủ.

Khi ngủ không đủ, chúng ta đối mặt với nguy cơ gia tăng các bệnh tim mạch, trầm cảm. Tình trạng thiếu ngủ cũng gây hại cho hệ miễn dịch của cơ thể, khiến ta dễ mắc các chứng bệnh hơn bình thường.

"Về lâu dài, những lệ thuộc vào công nghệ sẽ có hại trực tiếp với sức khỏe của chúng ta" - Tiến sĩ Adam Alter.

Email cũng gây nghiện

Một trong những lầm lẫn thường xảy ra với nhiều người là họ nhầm tưởng việc trả lời email nhanh chóng, chỉ vài giây sau khi nhận được là một động tác giải quyết công việc hiệu quả.

Tuy nhiên đây lại cũng là một dạng thức nghiện hành vi không tốt, gây mất tập trung và ảnh hưởng tới hiệu quả công việc của bạn rất đáng kể.

Trên thực tế, việc phản ứng nhanh với email này cũng là một dạng thức nghiện hành vi khác và nó thực sự nghiêm trọng hơn bạn tưởng.

Theo một số nghiên cứu, 70% email gửi cho các nhân viên văn phòng đã được đọc trong vòng 6 giây sau khi được gửi đi. Thoạt nghe điều này có vẻ như rất hiệu quả, tuy nhiên thực tế lại trái ngược hoàn toàn.

Để trả lời một email, bạn cần tạm dừng công việc đang làm, theo đó đương nhiên sự tập trung của bạn bị ngắt quãng. Và cũng theo các nhà nghiên cứu, ước tính trung bình chúng ta mất khoảng 25 phút để có thể quay trở lại với trạng thái tập trung sâu sau khi đọc một email.

Các nghiên cứu cũng nhận thấy một nhân viên văn phòng trung bình kiểm tra email 25 lần mỗi ngày. Theo đó có thể hiểu là nhân viên này sẽ làm việc trong cả ngày mà chưa bao giờ làm việc trong trạng thái tập trung hoàn toàn cả.

Trong một bài báo đăng trên tờ New York Times, nhà báo Chuck Klosterman từng đề xuất giả thuyết cho rằng việc trả lời email tạo ra một cảm giác tưởng thưởng cho người làm việc đó. Nó giống như khi họ đạt được một mục tiêu nhỏ.

Cảm giác này có thể gây nghiện, dẫn tới tình trạng các nhân viên này chỉ tập trung vào các việc nhỏ, không quan trọng mà bỏ qua những nhiệm vụ cần thiết nhất mà đáng ra họ cần phải hoàn thành trước nhất.

Theo đó, để tránh rơi vào cái bẫy "ảo tưởng hoàn thành nhiệm vụ", bạn hãy tắt tính năng thông báo email trong thiết bị điện tử và thiết lập các tần suất thời gian kiểm tra email trong ngày.

Tắt email để tập trung hơn

Năm 2012, một nhóm các nhà tâm lý học đã quan sát các nhân viên văn phòng sau khi họ không được phép kiểm tra email của họ trong nhiều ngày liên tục.

Mặc dù thoạt đầu họ cảm thấy khó khăn trong liên lạc, nhưng rồi sau đó họ mau chóng bắt đầu sử dụng điện thoại, hoặc đơn giản là đi tới văn phòng của người khác để trao đổi trực tiếp.

Họ cũng bắt đầu đi ra ngoài để nghỉ ngơi nhiều hơn thay vì cứ ngồi mãi trước màn hình máy tính.

Tuy nhiên kết quả đáng ngạc nhiên và cũng thú vị nhất chính là sức khỏe và năng suất công việc của các nhân viên này. Vì họ có thể tập trung được trong những quãng thời gian lâu hơn, họ đã có thể hoàn thành công việc với chất lượng cao hơn.

Nhịp tim của họ cũng cho thấy các nhân viên đã giảm bớt căng thẳng hơn trước. Và nguyên nhân thì chỉ đơn giản là vì họ không còn bị "dội bom" bởi các email liên tục nữa.

Khi bạn đăng một nội dung nào đó lên Facebook, không phải lúc nào bạn cũng biết trước cách đón nhận nó của mọi người. Những cái “Like” ồ ạt hay sự thờ ơ có thể là nguyên nhân khiến bạn tiếp tục đăng status “điên cuồng” hơn.

Nếu bạn từng có lúc ngồi chơi với trẻ nhỏ, bạn sẽ nhận thấy là chúng rất thích các hành động lặp lại mà với người lớn thì vô cùng tẻ nhạt. Chúng sẽ rất vui sướng bấm đi bấm lại vào cùng một cái nút nào đó để bật chỉ một chiếc đèn, hay gây ra một âm thanh nào đó lặp đi lặp lại.

Trẻ em làm như vậy vì chúng thích phản ứng tích cực (theo cảm nhận của chúng) từ hành động lặp lại đó. Đơn giản vì chúng thích cái đèn đẹp hay cảm giác khi tạo ra một âm thanh kỳ lạ nào đó.

Thích lặp lại hưng phấn

Tuy nhiên người lớn cũng lặp lại các hành động của mình khi có những mong muốn tương tự như vậy, chỉ là khác đi so với trẻ ở những mối quan tâm mà thôi. Khi chúng ta được tưởng thưởng vì đã thực hiện một hành động đơn giản nào đó, chúng ta có thể sẽ bắt đầu một chứng nghiện.

Xu hướng nghiện này đặc biệt đúng nếu chúng ta không biết khi nào hành động đơn giản của mình sẽ được tưởng thưởng.

"Giống như những chú chim bồ câu, chúng ta bị hối thúc nhiều hơn trong việc tìm kiếm phản hồi khi đó là điều không được đảm bảo" - Tiến sĩ Adam Alter.

Vào những năm 1970, nhà tâm lý học Michael Zeiler tiến hành một thí nghiệm thú vị với những chú chim bồ câu. Ông tạo ra một chiếc lồng có một cái nút mà khi bồ câu dùng mỏ mổ vào đó, nó sẽ được thưởng thức ăn.

Tuy nhiên ông Zeiler đã thay đổi tần suất tưởng thưởng cho bồ câu. Theo đó ông nhận thấy nếu lần nào bồ câu mổ vào nút cũng nhận được thức ăn, nó sẽ giảm bớt mức độ thường xuyên của hành động này.

Tuy nhiên nếu tần suất tưởng thưởng cho bồ câu chỉ là 50-70% số lần mổ, những chú chim này sẽ mổ vào chiếc nút thường xuyên và "kiên trì" hơn.

Vì nhà nghiên cứu Zeiler đã biến việc thưởng thức ăn cho bồ câu thông qua việc mổ vào cái nút thành chuyện "không thể đoán trước", theo đó chất kích thích thần kinh dopamine trong não cũng tăng cao hơn, đây chính là nguyên nhân khiến cờ bạc trở thành cơn nghiện ám ảnh không thể dứt nổi với nhiều người.

"Những chú bồ câu" trên Facebook

Nhìn vào cách thức hoạt động của mạng xã hội hiện nay, như Facebook chẳng hạn, bạn có thể nhìn ngay ra cơ chế nghiện tương tự như những chú bồ câu trong thí nghiệm của nhà tâm lý học Michael Zeiler. Nút "like" trong Facebook là ví dụ tuyệt vời cho vấn đề này.

Nút "Like" ra đời năm 2008, khi Facebook muốn cung cấp cho người dùng một cách đơn giản và mau chóng để thể hiện phản hồi của họ với các bức ảnh hay thông tin do bạn bè trong mạng lưới đưa lên.

Tuy nhiên sự phản hồi này là rất vô cùng, hoàn toàn không thể đoán trước. Thế nên không có gì lạ khi mỗi khi chúng ta đưa nội dung nào đó lên Facebook, rõ ràng ta đều có những hồi hộp không biết nội dung đó có được mọi người thích hay không.

Vì lẽ đó, "bỗng dưng" mỗi nội dung đăng tải lên Facebook trở thành một "canh bạc" cảm xúc với nhiều người, vì họ có thể "suy diễn" khi không nhận được các like là bạn bè đang bỏ mặc họ hay nội dung của họ đưa lên là thứ dở tệ hoặc ngược lại.

Và đến bây giờ thì hẳn là bạn đã không còn ngạc nhiên khi thấy hầu như mọi nền tảng mạng xã hội hiện có, trong đó có thể kể tới những nền tảng quen thuộc như Youtube, LinkedIn, Instagram… đều có những nút phản hồi "gây nghiện" kiểu như nút Like của Facebook.

Thật dễ hiểu là các "ông trùm" công nghệ đứng sau các nền tảng này đã "bắt thóp" được tâm lý cư dân mạng, và việc sử dụng những "nút bấm hưng phấn" này sẽ là chất gây nghiện tuyệt vời mà họ "tiêm" vào tâm lý người dùng hàng ngày là chuyện đã nằm trong chiến lược đầy ý thức của họ.

Theo congnghe.tuoitre.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

979 lượt xem