Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Vì Sao Giới Trẻ Việt Ngày Càng Gặp Nhiều Khủng Hoảng?

Đây là một thực trạng không thể phủ nhận. Dĩ nhiên, bất kì chuyện gì xảy ra cũng có rất nhiều nguyên nhân, từ chủ quan, đến khách quan. Bài này phân tích một nguyên nhân không nhỏ dẫn đến việc giới trẻ ngày nay càng gặp nhiều áp lực, khủng hoảng, stress, mất tinh thần, đó là do môi trường và người trưởng thành ngày càng áp lực quá nhiều vào thành tích học tập, và chú trọng vào việc học của con quá nhiều. Chẳng hạn, với các bạn học sinh, thì bố mẹ – thầy cô luôn câu cửa miệng rằng con “Phải vào đại học”, khi lên đại học thì luôn luôn “Con phải ráng học cho giỏi, để kiếm lấy cái bằng”, rồi “Không cần con phải làm gì, chỉ cần con học thật giỏi”, hay “Cầm vàng còn để vàng rơi – Cầm bằng tốt nghiệp đời đời ấm no”. Những điều đó đã từng rất đúng trong quá khứ. Nhưng thực tế, có lẽ xã hội hiện đại đã thay đổi rất rất nhiều.

 

MONG MUỐN TỐT ĐẸP VÀ PHƯƠNG PHÁP VÔ TÌNH CHƯA ĐÚNG CÁCH

Dĩ nhiên, là người thấu hiểu tâm lý, khi nhìn nhận một sự việc, chúng ta đều phải nhìn nhận khách quan và nhìn từ nhiều chiều. Những kì vọng đó của thầy cô, bố mẹ, môi trường xuất phát điểm đều từ mong muốn tốt đẹp: rằng con cái, học trò sẽ có một tương lai tốt đẹp, hạnh phúc, giàu có,… Bởi vì về tâm lý, khi người ta trưởng thành, họ đã trải qua cả những thành công và sai lầm trong quá khứ, nhất là thời còn trẻ. Cho nên, một lẽ tất yếu họ mong muốn thế hệ sau, hãy làm tốt với những gì mình đã làm tốt, và đừng mắc sai lầm mà mình đã gặp phải. Cho nên, họ kì vọng con phải làm được những gì mình đã làm, hoặc thậm chí là phải làm được cả những gì trong quá khứ mình chưa làm được. Chẳng hạn, bố là bác sĩ, thì con cũng phải học thật giỏi nối nghiệp bác sĩ. Hoặc ngày xưa, mẹ không vào được Đại học, nên bây giờ bằng mọi giá con phải vào được đại học. Tất cả những mong muốn đó đều xuất phát từ một trái tim đầy yêu thương, hy vọng và đặt niềm tin vào thế hệ sau.

Mong muốn là chính đáng, nhưng ở đây phương pháp mà người lớn thực hiện đôi khi lại đang vô tình không hiệu quả. Bởi lẽ, một mong muốn, một kì vọng, khi nó cực đoan, và đặt nhiều cảm xúc trong đó, dần dần dẫn đến áp lực tự nhiên đè nặng lên giới trẻ. Từ đó, dẫn đến nhiều phương pháp sai lầm, chẳng hạn như luôn so sánh lớp trẻ với xã hội ngày xưa. Chẳng hạn, “ngày xưa hồi bằng tuổi con”, “ngày xưa hồi bằng tuổi các cô các cậu”, chúng tôi vất vả lắm, chúng tôi điều kiện kinh tế khó khăn lắm mà vẫn học giỏi được. Hay như căn bệnh “con nhà người ta” – thằng A, con nhà ông B, nhà nó nghèo, mà nó còn học giỏi được; đứa C – nó con gái, vất vả mà lúc nào nó điểm cũng cao nhất lớp, còn con thì sao, có mỗi việc học mà cũng không xong…

Không chỉ tự tạo áp lực về tinh thần, mà giới trẻ còn gặp áp lực cả về thực tế, giữa cân bằng thời gian và cuộc sống. Thực trạng nhiều em học sinh không có ngày nghỉ là một thực trạng đáng báo động. Vì áp lực chuyện học hành, nên là phải học cả ngày ở trường, buổi tối là phải đi học thêm, học lò luyện, học trung tâm, cá biệt có những em tan học xong ở trường, ăn dở vội ổ bánh mỳ, là bố mẹ lại bắt đi học thêm tiếp 2 ca nữa, ở lớp học thì mệt mỏi, buồn ngủ, về nhà là gục ngã trên bàn học. Rồi chưa kể, cuối tuần cũng không có ngày nghỉ, chẳng có thú vui: từ áp lực người lớn, chỉ có học, học và học. Trong khi, về khoa học chỉ ra một nguyên tắc cực kì quan trọng, thời điểm buổi tối là lúc mà sóng não con người phát ra bước sóng Theta – phù hợp cho nghỉ ngơi, thư giãn bởi đó là lúc bộ não mệt mỏi và hoạt động kém hiệu quả nhất trong ngày.

NHỮNG HẬU QUẢ ĐÁNG NÓI

Hậu quả xảy ra là gì? Từ những áp lực và kì vọng quá nhiều đè nặng về vấn đề học tập, mà vô tình thế hệ trẻ gặp nhiều khủng hoảng. Với nhiều em không vượt qua được gánh nặng việc học, thì cần tìm đến những thứ khác để thỏa mãn và được công nhận như chơi game trong thế giới ảo, xem tivi giết thời gian, suốt ngày smart phone cho đến việc cup tiết, trốn học vì quá mệt mỏi. Căng thẳng hơn, có những em né tránh đối mặt nỗi đau, áp lực bằng một nỗi đau khác như rạch tay. Cá biệt thì dẫn đến trầm cảm mà đôi khi không biết mình đang bị trầm cảm, cứ về nhà là đóng cửa khép kín chui rúc ở trong phòng. Đã từng có không ít trường hợp đau thương, vì thi cử thất bại – không đạt được đúng kết quả như kì vọng của người lớn, áp lực quá mà dẫn đến hành động cực đoan là tự sát. Đó là với những em không vượt qua được gánh nặng việc học.

Còn với những em vượt qua được việc học, và giả sử như học giỏi, liệu áp lực việc học đó có khiến cho họ thành công? Câu trả lời là tùy. Bởi lẽ, có quá nhiều em, vì áp lực khủng hoảng từ người lớn, thành ra cố học để chiều lòng cha mẹ, để cảm thấy được an toàn, và vô tình trở thành con mọt sách. Vì sao, con số thống kê cả nước hiện tại, hàng năm có tới 300,000 cử nhân – thạc sỹ thất nghiệp sau khi ra trường? Chưa kể hàng trăm nghìn cử nhân có việc nhưng là những công việc chân tay, hoặc không có trình độ (Những người này vẫn được tính là có việc và không nằm trong danh sách). Con số 300,000 người này – sản phẩm của sự kì vọng và áp lực vào việc học quá nhiều mà bị thiếu đi kỹ năng, kinh nghiệm, trải nghiệm cuộc sống, dẫn đến việc họ có tấm bằng, họ có điểm số nhưng không được đào tạo năng lực làm việc và năng lực sống.

GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI NGÀY CÀNG KHÔNG QUÁ CHÚ TRỌNG KẾT QUẢ HỌC TẬP

Có lẽ, đây đã là một hồi chuông cảnh tỉnh đáng báo động để chúng ta cần một sự thay đổi. Theo thống kê gần đây nhất của tổ chức lao động thế giới ILO, Việt Nam là đất nước có độ tuổi lao động nhiều nhất, nhưng lại là một trong những nước có năng suất lao động kém nhất, chẳng hạn phải 23 thanh niên Việt mới có năng suất lao động bằng 1 người Singapore. Đã đến lúc, không chỉ giới trẻ, người trưởng thành, mà cả xã hội cần thay đổi tư duy mới: rằng đừng quá kì vọng và áp lực nhiều vào điểm số, việc học, căng thẳng, mà thay vào đó cần những luồng tư tưởng khác biệt.

Giáo dục Mỹ, giờ đây họ không còn quá chú trọng kết quả học. Theo thông báo gần đây của một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới: Google, chỉ ra rằng họ đã không còn tuyển chọn và tha thiết “săn” những sinh viên ưu tú như trước kia bởi theo phân tích những người thành công hàng năm trời họ dành ra thì sinh viên tốt nghiệp các trường nổi tiếng thường thiếu sự nhún nhường về trí tuệ và khả năng học hỏi còn quan trọng hơn chỉ số IQ. Cho nên, giờ đây thứ giáo dục Mỹ họ chú trọng là làm sao để học sinh, sinh viên gắn kết nhau hơn, một trong số đó là làm sao để yêu trường hơn.

Giáo dục Nhật, họ cũng không quá chú trọng kết quả học tập. Thay vào đó, ngay từ những ngày đầu đi học và kéo dài xuyên suốt thời gian đi học, thứ mà học sinh phải chú trọng nhất là môn Đức dục, tức học các bài học về đạo đức, như tôn trọng những người xung quanh, tinh thần làm việc tập thể, và hành động luôn đi kèm mục tiêu. Chẳng hạn “Vì sao phải xếp hàng và tuân theo trật tự của xã hội?”, “Bạn đã bao giờ ăn cắp và nói dối? Bạn có thấy nhục nhã về hành vi này không?”, “Vì sao phải nói nhỏ nơi công cộng?”, “Vì sao chúng ta không nên nhận đưa hối lộ để được việc?”,..

Giáo dục Việt Nam, giờ đây cũng không quá chú trọng kết quả học tập. Mới đây nhất, các nhà làm giáo dục Việt Nam cũng đã có những bước thay đổi đáng chú ý: đó chính là việc công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó giảm số môn học: không học dàn trải 14, 15 môn như hiện nay mà phải đảm bảo định hướng nghề nghiệp ngay từ lớp 10, chú trọng dạy ngoại ngữ ngay từ lớp 1 để giới trẻ Việt không bị coi là “dốt ngoại ngữ”, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, chứ không còn là chỉ chú trọng vào kết quả học tập.

ĐỐI VỚI GIỚI TRẺ: NĂNG LỰC CẢM XÚC QUAN TRỌNG HƠN IQ

Các thống kê ngày càng chỉ ra rõ, yếu tố về NĂNG LỰC CẢM XÚC – EQ, chiếm tới 85% thành công, chứ không phải là IQ. Bởi lẽ, ngày nay, lớp trẻ không cần phải ra rả, ra rả trang bị hàng tá các phương pháp học tập, cũng chẳng cần phải nhồi nhét đi học thêm, đi học lò luyện, đi học về phương pháp học, hay luyện các bài test IQ. Khi không còn bị gánh nặng áp lực, thì tự nhiên, con cái sẽ dễ dàng học tập. Giống như các vận động viên chạy bộ, khi tập luyện họ đeo chì vào chân, nhưng chẳng có ai lại đeo lúc thi đấu cả. Tương tự như vậy, khi những gánh nặng tâm lý, áp lực nặng trĩu trên vai không còn nữa, tự nhiên các bạn trẻ được giải phóng sức mạnh, và từ đó họ thể làm tốt nhất việc học và cả những việc khác.

Bởi lẽ, lý do thực sự vô cùng đơn giản: thời đại bây giờ là thời đại Internet – chỉ cần 1 cú click chuột, thì bất kì phương pháp học nào cũng có. Để bớt khủng hoảng, và có nền tảng để thành công, thì thứ mà giới trẻ cần thiết bây giờ đó là khả năng sống tự lập, khả năng chịu trách nhiệm với quyết định của mình, biết cách sống và làm việc hòa đồng với tập thể, khả năng vượt qua khủng hoảng, xây dựng sự tự tin vào chính mình, có thể đứng dậy sau vấp vã, thấu hiểu cảm xúc những người xung quanh,.. – những điều mà đôi khi: vô tình trường học và áp lực học tập từ người lớn, không dạy họ.

Theo Tâm Lý Học Ứng Dụng

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,697 lượt xem