Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Vì Sao Một Người Từ Yêu Quý Chuyển Sang Ghét Bạn?

Có bao giờ bạn bị rơi vào hoàn cảnh một ai đó, vốn dĩ thân thiết và yêu quý với mình, tự nhiên một ngày đẹp trời thay đổi thái độ hoàn toàn, họ chuyển sang không thích bạn nữa, thậm chí là ghét bạn. Trong trường hợp này, bạn được coi là nạn nhân. Hoặc giả, bạn ở trong trường hợp mình chuyển sang ghét một người mà mình vốn dĩ đã từng yêu quý, thân thiết, thậm chí là ngưỡng mộ. Lý giải tâm lý cho hiện tượng này khởi nguồn từ đâu?

Chung quy lại ở đây, tạm thời coi đó là mối quan hệ giữa A và B. A vốn dĩ yêu quý B và một ngày nào đó A chuyển sang vô cùng ghét B. Dĩ nhiên, nếu bạn đã từng rơi vào hoàn cảnh này, thì bạn hoặc là A hoặc sẽ là B. Chúng ta cứ tạm coi bạn là người tốt (và hy vọng nếu bạn có rơi vào hoàn cảnh này thì bạn hãy là người tốt). Trường hợp một đó là bạn chuyển sang ghét một người, tạm thời suy luận họ phải là người xấu (ít nhất là trong mắt bạn). Trường hợp hai đó là họ chuyển sang ghét bạn, tạm thời suy luận họ phải bị ảnh hưởng bởi cái xấu để thấy rằng bạn là người xấu (dù bạn là người tốt) mới quay sang ghét bạn.

Ở đây, hiện tượng tâm lý này không thể xét vào dạng là hiệu ứng vượt quá giới hạn. Bởi vì vượt quá giới hạn là trường hợp giọt nước tràn li, chẳng hạn bạn chịu đựng một điều gì đó quá lâu, và cái gì đến cũng đến bạn không thể chịu đựng được. Hiện tượng tâm lý này theo kiểu là quay ngoắt 180 độ, từ việc hai người đã từng rất yêu quý, gắn bó, thân thiết nhau và chuyển sang ghét nhau, thù địch, thậm chí không đội trời chung.

Hãy thử xem các ví dụ:

(1)    A là sếp của B. B là một người vô cùng ngưỡng mộ, tôn trọng A, thậm chí là sẵn sàng lăn xả bản thân, hết mình vì A. Quay ngoắt 180 độ, vì một biến cố gì đó mà B chuyển sang khinh thường A, thiếu tôn trọng A, cảm thấy A giả tạo, và ghét A.

(2)    A và B yêu nhau. Họ từng sống quãng thời gian cảm giác không thể xa rời nhau. Làm gì cũng phải có nhau. Buồn vui, chuyện gì cũng tâm sự với nhau. Đồng cam, cộng khổ, vui chơi, tâm sự, nơi này có anh, nơi kia có em. Quay ngoắt 180 độ, vì một biến cố gì đó mà A và B không yêu nhau, thậm chí cực kỳ ghét nhau, chia tay nhau ngay lập tức, lên mạng xã hội nói xấu, tẩy chay nhau.

(3)    A và B là đồng nghiệp. Họ cùng chung một con thuyền, từng lăn xả vì nhau, chung mục tiêu để đưa con thuyền ấy tiến lên phía trước. Họ làm việc cùng nhau, họ hỗ trợ nhau, giúp đỡ nhau, cùng nỗ lực tiến lên phía trước. Thậm chí là cùng quyết tâm đi với nhau để cạnh tranh với đối thủ chung. Quay ngoắt 180 độ, vì một biến cố gì đó mà A và B chuyển sang ghét nhau, khó chịu mỗi lần nhìn thấy mặt nhau, và chỉ muốn người kia biến mất trong mắt mình.

Dường như có một cái gì đó sai sai ở đây. Bởi lẽ, nếu như họ đã từng có nhau, từng vui, từng buồn, từng yêu thương, đối xử tốt, lăn xả với nhau thì chắc chắn là mỗi người đều phải có một vị trí rất lớn ở trong trái tim người kia. Nhưng nếu thế thì tại sao họ lại quay ngoắt lại, thậm chí là không những không tha thứ cho nhau, hoặc đơn giản chỉ là đưa mức quan hệ về số 0 – đằng này lại chuyển sang thái độ hết sức ghét nhau, hết sức khó chịu vì nhau, thậm chí nặng hơn là còn coi nhau như là kẻ thù?

TỐC ĐỘ CỦA NIỀM TIN

Dĩ nhiên, chẳng có gì là không có lý do cả. Hãy cùng xét lại các trường hợp trên:

(1)    A là sếp của B. Giả sử như B phát hiện ra A là người mình vốn dĩ cống hiến, tôn trọng, ngưỡng mộ bao nhiêu năm – hóa ra lại là một kẻ lừa đảo chẳng hạn. Khi biết sự thật này, ở trong B diễn ra hiện tượng gọi là “sụp đổ hình tượng”. Và B chuyển sang coi thường, khinh bỉ là điều đương nhiên. Nó giống như rất nhiều fans hâm mộ của ca sĩ, diễn viên, hoa hậu, ngôi sao bóng đá. Khi họ thấy thần tượng của mình có scandal, hút chích, nghiện ngập,.. lúc này dĩ nhiên là họ sẽ bị “sụp đổ hình tượng”.

(2)    A và B là người yêu hoặc vợ chồng. Lẽ dĩ nhiên, khi một người phát hiện đối phương có một chuyện gì đó mình không thể chấp nhận được, chẳng hạn một trong hai ngoại tình; hoặc giả một trong hai làm một điều gì đó khác hoàn toàn hệ giá trị của cá nhân thì lúc này “hình ảnh trong mắt nhau” cũng bị sụp đổ. Họ sẽ thay đổi thái độ với nhau.

(3)    A và B là đồng nghiệp. Cũng tương tự như vậy, chẳng hạn một người phát hiện ra một sự thật nào đó về người kia, chẳng hạn như gian dối trong công việc để tiến thân, hay lợi dụng nhau thì lẽ dĩ nhiên là họ có sự thay đổi.

Hiện tượng này có một hiệu ứng tâm lý gọi là “Tốc độ của niềm tin”. Tốc độ của niềm tin là một quyển sách nổi tiếng chỉ ra một thông điệp, niềm tin của con người có thể sụp đổ rất nhanh chóng. Nó cũng giống như các cụ hay nói kiếm củi ba năm thiêu một giờ. Ngay cả khi một niềm tin được xây dựng từ rất rất lâu, nhưng nó có thể sụp đổ trong tích tắc.

Thế nhưng, ở những hoàn cảnh này chúng ta đang nhìn nhận ở góc độ là mình phát hiện ra đối phương là kẻ xấu, có hành vi xấu thì bạn thay đổi thái độ hoàn toàn 180 độ. Điều đó hoàn toàn logic và không có gì phải bàn cãi. Câu hỏi đặt ra là, trong tình huống bạn là một người tốt, vậy vì sao ngay cả khi bạn tốt bạn vẫn có thể bị người khác quay ngoắt 180 độ với mình. Về mặt tâm lý, nó cũng dựa vào nền tảng “tốc độ của niềm tin” – nhưng ở theo chiều ngược lại. Hãy cùng nhau đào sâu điều này, bởi lẽ hãy hình dung bạn là một người tốt, tự nhiên một ngày bạn bị phản bội mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nếu không biết cách để bảo vệ mình, tự khắc bạn sẽ gặp nguy hiểm.

BÊN TRONG MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ 2 CON SÓI: MỘT TÍCH CỰC VÀ MỘT TIÊU CỰC

Người ta nói “Nhân tri sơ, tính bản thiện” – tức khi sinh ra không ai là xấu xa hết. Chẳng có một đứa trẻ nào vừa sinh ra đã biết lợi dụng, hay dèm pha, hay lừa đảo, hay hãm hại người khác cả. Khi lớn lên, chúng ta chịu sự ảnh hưởng bởi môi trường, và lẽ dĩ nhiên sẽ có cả tốt và xấu. Ở trong mỗi người chúng ta đều có hai con sói, một con đại diện cho những thứ tiêu cực như xấu xa, ghen tị, độc ác, nham hiểm, lười biếng, sĩ diện,.. và một con đại diện cho những thứ tích cực như tốt đẹp, bình đẳng, nỗ lực, yêu thương, trách nhiệm,… Và mỗi ngày đều luôn diễn ra một cuộc chiến giữa hai con sói ấy. Vậy con nào là con chiến thắng? Tiêu cực hay tích cực? Câu trả lời đó là: con chiến thắng là con mà bạn cho nó ăn nhiều hơn.

NGƯỜI TỐT MỘT NỬA

Quay trở lại vấn đề, trong cuộc sống tạm thời phân ra làm 3 nhóm người: nhóm người tốt (phần tích cực lớn hơn phần tiêu cực); nhóm người xấu (phần tiêu cực lớn hơn phần tích cực) và nhóm người thứ ba là lúc tốt lúc xấu phụ thuộc môi trường (hãy tạm gọi là người tốt một nửa). Nhóm người thứ nhất và thứ hai thì không khó để nhận biết, và quá dễ để chúng ta lựa chọn chơi với nhóm người thứ nhất, tránh xa hoặc tiêu diệt nhóm người thứ hai. Nhưng nhóm người thứ ba (người tốt một nửa) mới là vấn đề cần suy xét. Nếu ở môi trường tốt thì họ tốt, còn môi trường tiếp tay cho cái xấu thì họ xấu. Chẳng hạn, một người không có ý định ăn cắp, nhưng bởi vì thấy ví tiền để hớ hênh, lại không ai ở đó bỗng sinh lòng tham. Một người vốn không có ý định ngoại tình, nhưng do cứ luôn tiếp xúc với người thứ ba, lại được đặt vào những hoàn cảnh nhạy cảm, chẳng hạn chỉ có người này với người thứ ba kia, khi có cơ hội thì ý định dần nảy sinh… và nhiều ví dụ khác. Hóa ra, nhóm “người tốt một nửa” này lại “nguy hiểm” nhất. Là bởi vì nhóm này sẽ đông nhất. Và hơn nữa, khoảng cách giữa việc họ là tốt hay xấu cũng rất mong manh.

Cho nên, khi một người thuộc nhóm “người tốt một nửa” này chơi với bạn nếu lỡ họ được tiếp tay để tăng phần tiêu cực lên, chẳng hạn bị rủ rê, lôi kéo, bị mua chuộc, bị tiêm nhiễm vào đầu tư tưởng của những kẻ xấu dần dần họ sẽ có cơ hội để trở thành kẻ xấu. Hơn nữa người tốt cũng luôn có điểm xấu (hay chưa hoàn thiện). Nếu kẻ xấu lợi dụng đánh trúng tâm lý vào chỗ đó, những người thuộc nhóm “người tốt một nửa” này sẽ dễ lầm tưởng, hoặc khi đã bị mua chuộc (lệ thuộc vào tình cảm, vật chất) thì sẽ rất khó để biết phải trái đúng sai. Từ đó dẫn đến quay ngoắt 180 độ, có thể chuyển sang ghét nhóm người tốt, hoặc có hành động là một người xấu.

Thêm vào đó, rèn luyện cái tốt luôn khó hơn là sa đà vào cái xấu. Não bộ tiếp nhận thông tin tiêu cực nhah gấp 10 lần so với thông tin tích cực. Đó là lý do vì sao báo chí hay đăng những tin giật gân như cướp, hiếp, giết, sao này vai trần xuống phố, sao kia mắc scandal lại luôn thu hút nhiều người đọc. Vậy nên, nhóm “người tốt một nửa” này, theo logic sẽ dễ tiếp nhận cái xấu hơn.

HÃY BẢO VỆ MÌNH TRƯỚC KHI TRỞ THÀNH NẠN NHÂN

Như vậy, nếu đã hiểu sâu được hiện tượng tâm lý này, thì nhóm người tốt nên học cách bảo vệ mình. Hoặc trong trường hợp bạn thuộc nhóm “người tốt một nửa”: tức là một người chưa phải là tốt hoàn toàn, bạn có những ưu điểm và vẫn còn những thói xấu, thì hơn hết bạn lại càng phải bảo vệ mình nhiều hơn.

Thứ nhất: Bạn cần kỷ luật bản thân để mỗi ngày cho con sói tích cực được ăn nhiều hơn là con sói tiêu cực. Bất kỳ thứ gì bạn đọc, bạn nghe, bạn xem, bạn nói, bạn cảm nhận đều ảnh hưởng đến tâm hồn của bạn. Cho nên, hãy chọn lọc những thứ mình cho bộ não của mình ăn. Bỏ thói quen ngồi lê đôi mách, hạn chế việc đi nghe than phiền, kêu ca. Và tuyệt đối không đi nói xấu người khác, cũng như nghe người khác nói xấu sau lưng. Bên cạnh đó, bạn phải hết sức cẩn thận bởi đôi khi chỉ vì một sai lầm hoặc dại dột của bạn cũng có thể khiến người khác sụp đổ hình tượng.

Thứ hai: Phải dám tiêu diệt cái xấu. Khi bạn thấy cái xấu, phải tiêu diệt. Đừng sợ hay đừng nghĩ rằng “Không phải việc của mình”. Hãy dám đấu tranh với nhóm người xấu, và buộc phải đấu tranh để bảo vệ mình và những người tốt xung quanh mình, loại bỏ nhóm này ra khỏi cuộc sống của bạn. Thống kê về mặt khoa học chỉ ra rằng cứ 25 người bạn gặp thì có 1 người là người xấu. (Tức 4% dân số sẽ là kẻ ác). Cho nên, nguy cơ bạn gặp kẻ ác trong xã hội nó lớn hơn nhiều so với bạn nghĩ.

Thứ ba: Cẩn trọng với nhóm “người tốt một nửa”. Hãy nhìn vào con số trên kia: cứ 25 người bạn gặp sẽ có 1 người là người xấu. Vậy 24 người còn lại họ là ai? Giả sử không ai là người xấu cả, thế họ là tốt hay họ là nhóm người thứ ba? Giả sử có 5 người là người tốt đi, thì sẽ còn 19 người là nhóm “người tốt một nửa”. Nhóm này mới là nguy hiểm nhất. Nếu họ thấy người xấu, họ đồng lõa, hoặc họ không phản đối là họ đang tiếp tay với kẻ xấu và bị ảnh hưởng bởi kẻ xấu. Suy ra, từ 1 kẻ xấu, trong trường hợp cao nhất có thể lôi kéo được 19 người còn lại trở thành người xấu. Và tự nhiên, khi bạn là người tốt bỗng một ngày đẹp trời có những người quay ngoắt 180 độ lại với bạn.

Vậy nên, cẩn trọng bằng cách nào? Hạn chế bộc lộ điểm yếu của bản thân, hạn chế tiết lộ những thông tin cá nhân của mình – nhất là với nhóm người xấu hoặc nhóm người bạn chưa chắc hoàn toàn họ là tốt. Hãy quan sát từng hành động nhỏ, khi thấy họ có dấu hiệu được phát triển cái xấu, hãy can thiệp ngay lập tức. Dập tan cái xấu ngay từ khi nó ở trong trứng nước. Chỉ có như vậy thì cái xấu mới không có cơ hội được phát triển. Hãy tạo dựng môi trường để không cho cái xấu cơ hội được phát triển. Chẳng hạn như, nếu công ty bạn có văn hóa cấm nói xấu sau lưng, ai nói xấu sẽ bị sa thải ngay lập tức nếu phát hiện ra thì sẽ giảm hẳn chuyện cái xấu nảy sinh. Nếu bạn nơi công sở hẹn hò đồng nghiệp, hãy chọn những không gian sáng, tránh khu vực lãng mạn, thậm chí đi đông người, hoặc nói chuyện nghiêm túc cũng sẽ giúp hạn chế tỉ lệ ngoại tình. Giống như việc một số nơi lắp đặt camera giao thông và phạt nguội cũng làm hạn chế việc vượt đèn đỏ khi không thấy công an giao thông. Mục tiêu tối cao là không để cho nhóm “người tốt một nửa” có cơ hội trở thành người xấu.

Thứ tư: Nếu bạn đang là người tốt một nửa. Và bạn đang có nguy cơ để cho cái xấu nhiều hơn cái tốt hoặc bạn đang bị dẫn dụ bởi cái xấu, khi đó bạn cần phải nhớ “quay lại là bờ”. Bởi lẽ, lúc đó bạn đang là “người xấu một nửa” – bạn có thể sai nhưng đừng tiếp tục sai. Hơn nữa, khi được ai đó góp ý vì những gì mình làm chưa tốt, hãy biết ơn và trân trọng họ. Hãy biết ơn người chỉ ra thứ mình làm chưa tốt, điều đó sẽ giúp bạn tốt lên. Người luôn tươi cười trước mặt bạn, chưa hẳn đã là người tốt.

Thứ năm: Còn trong trường hợp bạn là người xấu. Hãy nên suy nghĩ thật kỹ. Bởi lẽ, gieo nhân nào thì gặt quả ấy. Bạn không thể nào gieo nhân cây xoài mà hy vọng nó mọc thành cây ổi. Bạn gieo nhân bằng hành động xấu thì đừng hy vọng cuộc đời mình sẽ tốt đẹp. Cho nên, nếu sai – hãy làm lại từ đầu.

Cuộc sống luôn có nhiều những nghịch lý, và nghịch lý người tốt bỗng chốc bị ghét là một nghịch lý đau thương, nhất là khi người đó có thể đã từng rất yêu quý bạn, cũng có thể là người thân. Nhưng dù sao đi nữa, bạn cũng hãy tin rằng, người tốt rồi cũng sẽ chiến thắng kẻ xấu. Và hơn hết, hãy học cách bảo vệ mình và bảo vệ những người “người tốt một nửa” ở xung quanh bạn.

Theo tamly.blog

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,432 lượt xem