Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Viết Thư Tay – Khi Những Cảm Giác Quen Thuộc Xưa Cũ Ùa Về!

Lần cuối bạn viết thư cho một người nào đó là khi nào?

Tầm 15 năm trước thì câu hỏi này “dễ ẹc”. Nhưng bây giờ, có lẽ không mấy ai nhớ nổi lần cuối ấy là bao giờ. Nhiều năm qua, khi điện thoại và internet trở nên phổ cập, viết thư tay dường như chỉ là thú vui của những kẻ muốn tìm chút lãng mạn cho cuộc đời, hay… những kẻ lập dị. Còn ai muốn kỳ cạch ngồi viết lách khi chỉ cần một cú điện thoại, một dòng tin nhắn trên Facebook, hay cùng lắm là một cái email?

Bạn nghĩ người phương Tây lãng mạn hay viết thư ư? Không phải đâu. Đấy chỉ là chuyện trên phim thôi. Còn thực tế thì có lẽ trong tương lai không xa, những bức thư tay sẽ được đưa vào viện bảo tàng hoặc vài bức ảnh chụp trong sách lịch sử.

Vậy mà ở một vài nơi nào đó trên thế giới, những bức thư tay vẫn sống, như ở Aarhus, nơi tôi đang học chẳng hạn.

Mỗi buổi tối thứ Hai đầu tiên của tháng, ở một quán café nhỏ giữa trung tâm thành phố, người ta lại thấy những dãy bàn đầy kín khách, ai cũng chú tâm vào tờ giấy trước mặt, ghi ghi chép chép, khi là lá thư, khi tấm bưu thiếp, xong xuôi người ta dán tem và bỏ vào thùng thư màu đỏ trong quán. Đây là hoạt động định kỳ của PAL Aarhus (Post A Letter Aarhus), một câu lạc bộ những người yêu thích viết thư tay.

Nói là câu lạc bộ, nhưng thật ra nó chỉ có… hai người, Caroline và Olivia, một đôi bạn thân chỉ mới 20 tuổi, còn lại toàn bộ là những người tham gia ngẫu nhiên, không có đăng ký thành viên, không có ràng buộc nghĩa vụ. Bất kỳ ai cũng có thể đến, lấy vài tờ giấy, mượn vài cây bút và chỉ việc ngồi viết thư để gửi cho bất kỳ ai ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, tem và bao thư đã có Caroline và Olivia chuẩn bị. Hoạt động được Bưu chính Đan Mạch tài trợ tem và quán café tài trợ dụng cụ với giới hạn 3 tem quốc tế/người.

 

PAL Aarhus kêu gọi mọi người tham gia bằng việc tạo sự kiện trên Facebook. Và nhờ thế, tôi biết đến họ. Nếu không tính những viết thư UPU “thần thánh” thời tiểu học thì đây là lần đầu tiên tôi thấy nhiều người viết thư như thế. Dù chỉ khoảng 50 người thôi nhưng chừng đó là quá nhiều so với số lượng những người vẫn còn viết thư mà tôi biết từ nhỏ đến bây giờ.

Và khi ngồi xuống bắt đầu viết thư, một cảm giác quen thuộc xưa cũ ùa về. Nói sao nhỉ, đó là cảm giác khi bạn nghĩ về người mình muốn viết thư, phải là người quan trọng cơ, sau đó suy nghĩ xem mình sẽ viết về cái gì, phải chọn lọc từ ngữ ra sao để thể hiện cảm xúc của mình, sau đó lại nắn nót viết cẩn thận để không phải gạch xóa nhiều. Nếu đối tượng là một người mà mình trân quý nhưng đã lâu không liên lạc, cảm xúc từ đâu không rõ lại trào dâng, mà tôi hay gọi là “vô mood”, thế là những suy nghĩ cứ thế tuôn ra tuồng như không ngừng nghỉ, lời thư cứ hiện xuống miên man trên trang giấy như để kể hết bao câu chuyện của du học sinh xa nhà.

Rồi khi viết xong rồi, người ta lại đọc đi đọc lại xem lời thư có chỗ nào vụng không, sau đó xếp lại ngay ngắn vào bao thư, viết địa chỉ cho thật rõ ràng dễ đọc, dán bì thư cùng con tem cho thật cẩn thận và cuối cùng bỏ vào thùng thư. Một cảm giác lâng lâng trong lòng để rồi sau đó vài tuần cứ mong ngóng xem thư đã đến nơi chưa, có lúc lại tự hỏi nếu thư đến tay người nhận thì người ta sẽ cảm thấy như thế nào. Thứ trạng thái ấy đã từ rất lâu rồi tôi không còn cảm thấy, nay lại trở về như một người bạn thân ngày bé, làm con người ta thích thú vô cùng.

Caroline và Olivia – hai “chủ xị” hiện giờ của PAL Aarhus.

Caroline và Olivia cũng cảm thấy y như vậy khi cả hai viết lá thư đầu tiên tại PAL Aarhus cách đây 3 năm. Hai bạn không phải là người sáng lập ra PAL Aarhus, nhưng vì quá yêu việc viết thư này và muốn nó được tiếp tục, cả hai đã quyết định đảm nhận việc duy trì hoạt động từ đầu năm ngoái. Cứ mỗi thứ Hai đầu tiên của tháng, cả hai lại dành vài giờ để mua sắm văn phòng phẩm, đến quán café để chuẩn bị dụng cụ, tự gấp phong thư từ tạp chí cũ để tiết kiệm chi phí cho mọi người, hướng dẫn người tham gia lần đầu và bao giờ cũng ở lại sau khi hoạt động kết thúc hơn một giờ để dọn dẹp, đếm số thư, kiểm tra việc dán tem và bao thư, sau đó mang tất cả thư ra bưu điện để gửi. Với Caroline và Olivia, những buổi tối viết thư là cách đôi bạn chia sẻ niềm vui viết thư tay cho người khác, cũng như giúp mọi người “sử dụng thời gian để làm gì đó ý nghĩa cho những người thân yêu của mình”.

Viết thư tay thực ra rất thú vị. Khi bạn ngồi xuống, suy nghĩ, sáng tạo và dùng chính bàn tay của mình để viết ra những gì có trong đầu, điều đó có nhiều ý nghĩa hơn một tin nhắn đơn giản. Bạn không cần phải viết một lá thư dài, có khi chỉ cần một hình vẽ nhỏ nhắn hay vài dòng thăm hỏi. Và khi chúng được gửi đến những người bạn thương yêu, chúng có thể nói lên rất nhiều điều không chỉ với họ mà còn với chính bạn. Thứ phương tiện kết nối con người với con người ấy dường như đang ngày càng bị lãng quên dần ngày nay. Phải chăng mạng xã hội, với ưu thế vượt trội về thời gian và sự tiện lợi, dù đang làm chúng ta kết nối với nhiều người hơn nhưng lại đang làm chúng ta trở nên hời hợt hơn với những mối quan hệ của mình? Liệu những font chữ vi tính đúng tỷ lệ, những emoticon biểu hiện trạng thái, những tiếng ting ting báo tin nhắn vô hồn có thể mang lại nhiều cảm xúc bằng những dòng chữ viết tay nguệch ngoạc, bằng thời gian và công sức bỏ ra bên bàn viết hay bằng những ngày chờ đợi nhận được thư không? Tôi nghĩ là không.

Và như vậy, tôi nghĩ những lá thư tay hiển nhiên vẫn còn vị trí trong cuộc sống hiện nay. Người ta không viết thư tay cho hàng trăm bạn bè như gửi tin nhắn trên mạng xã hội, người ta chỉ viết thư cho những người mà họ cảm thấy quan trọng. Nếu một ngày nào đó bạn nhận được thư tay từ một ai đó gửi cho bạn, hãy tự nhủ rằng bạn có vị trí quan trọng trong cuộc đời họ.

Theo barcodeemagazine.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,282 lượt xem