Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Bản Lĩnh Jackie Kennedy”- Nữ Nhân Của Tổng Thống

“Đấng tối cao đã tặng cho bà những thiên khiếu tuyệt vời, nhưng Người cũng gán cho bà quá nhiều nỗi thống khổ. […] Người phụ nữ đã sống qua hai vụ ám sát và mất đi hai đứa con sơ sinh, người đã góa bụa hai lần và tự nguyện gánh vác hình ảnh quốc gia trên vai đã để lại ký ức về một Đệ nhất Phu Nhân mẫu mực và kín đáo, điều mãi mãi chinh phục hậu thế”.

-Cựu Tổng thống Mỹ Cliton-

1.Niềm kiêu hãnh của Jacqueline 

Xuyên suốt 300 trang sách điều mà chúng ta có thể cảm nhận rõ ràng nhất chính là tình yêu mãnh liệt của vị cựu Đệ nhất phu nhân dành cho ngài cố Tổng Thống thứ 35 của Mỹ. Một tình yêu đẫm nước mắt, máu và sự hi sinh của Jacqueline. John F.Kennedy chính là niềm kiêu hãnh của bà, người mà bà muốn dành trọn cả đời mình, cống hiến toàn bộ thanh xuân của mình để giúp đỡ và yêu thương người đàn ông này. John F.Kennedy là một người đàn ông trăng hoa, rất nhiều lần ông khiến bà tổn thương. Bà đã từng cẩm thấy thật chua xót khi đứng trước hiện thực hôn nhân với một người chồng phong tình, một dòng họ đang hàng ngày gây áp lực về người thừa kế mới. Để cứu vãn cuộc hôn nhân của mình bà chấp nhận xây dựng một hình tượng gia đình kiểu mẫu của của thế kỷ XIX. Bà học hỏi từ những phu nhân Nhật Bản cách sống mà trong đó người đàn ông đóng vai trò kẻ dẫn dắt, còn phụ nữ là phu nhân. Người vợ Nhật Bản ngay cả khi bị phản bội họ vẫn cần giữ thể diện của mình và của gia đình. Vì sao Jacqueline xinh đẹp và cao sang lại phải hi sinh nhiều như thế cho một người đàn ông như vậy. Đó là vì người phụ nữ ấy đã dành trọn tình yêu cho John Kennedy ngay từ lần đầu gặp nhau khi bà mới 19 tuổi. Bà gọi ông bằng cái tên thân mật Jack, bà muốn mình và ông sẽ sắm những vai diễn tình cảm lãng mạn trong những bộ phim của Hollywood với tựa đề Jack and Jackie, những cái tên sinh ra là để dành cho nhau. Bà gặp ông trên chuyến tàu định mệnh và số phận để hai người gặp lại trong một đám cưới. Nhưng lúc đó Jacqueline không đủ sức để trói chân vị chính khách hào hoa này. Ba năm sau khi đã đính hôn với một nhân viên môi giới ngân hàng, bà vẫn không thể quên được Kennedy. Bà ghi danh vào một ngôi trường ở Washington. Trong những buổi dạ hội bà vào vai cô nàng quyến rũ, huyền bí, khiến đàn ông phải cảm thấy luống cuống. Và cuối cùng Jacqueline đã thành công trói chặt được Kennedy. Jack trong mắt bà là một bản sao hoàn hảo của mình, người giống bà biết bao. Đều là hai người đơn độc.

Vì Jack luôn là niềm kiêu hãnh của Jacqueline, nên bà luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho ông. Bà trở thành một nữ đại sứ, giúp đỡ công việc chính trị của chồng. Khi ngài Tổng Thống lần đầu tiên khóc trước mặt bà. Chiến dịch Vịnh Con Lợn đã thất bại hoàn toàn. Ngài Tổng Thống hoàn toàn sụp đổ và tuyệt vọng. Bà đã đến bên lau nước mắt và trấn an ông. Trong hoàn cảnh đó, bà luôn tận tâm giúp đỡ chồng. Họ lập thành một ekip trợ giúp lẫn nhau. Chính trị đã gắn kết hai người, và nó cũng khiến cho Kennedy nhận ra tầm quan trọng của người vợ này như thế nào. Jacqueline đã chiến đấu bên Tổng Thống, cùng ông chống lại từng đợt thủy triều này. Cuộc khủng hoảng xảy ra khi Tổng Thống thông báo về dàn tên lửa Xô Viết ở Cuba, điều đó đã gây nên sự hoảng loạn trong công chúng Mỹ. Trường hợp xấu nhất là Jackie và các con sẽ phải sơ tán đi nơi khác, nhưng trong thời khắc đó bà đã chọn lựa ở lại. Bà cầu xin ông để được ở lại, cho dù có chuyện gì xảy ra bà vẫn muốn ở bên cạnh chồng đến giây phút cuối cùng. Ngoài ra bà còn giúp ông trong công việc ngoại giao, đón tiếp khách ở Nhà Trắng, và tham gia vào các cuộc thăm viếng, công du đến những đất nước. Jacqueline đã khiến Tổng Thống cảm thấy vô cùng tự hào khi số khách du lịch đến thăm nhà Trắng đã tăng vọt hơn so với thời Tổng Thống trước. Trước mỗi lần công du bà đều chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Chuyến công du đến Vienne gặp gỡ Khrouchtchev là một cuộc gặp gỡ rất quan trọng. Trong lúc chồng phải đối đầu với nhà lãnh đạo Xô Viết thì bà phải gánh nhiệm vụ gặp mặt phu nhân Khrouchtchev. Bà quan tâm, hỏi han, luôn giữ mối quan hệ thân thiết, lịch sự với phu nhân. Để có thể nói chuyện với Khrouchtchev, bà đã đọc trước Tolstoi, Tchekhov, còn cả tiểu thuyết The Sabres of Paradise, điệu nhảy lezguinka truyền thống của vùng Cappa-Nga. Những cuộc trò chuyện của bà với nhà lãnh đạo Khrouchtchev đã giúp làm dịu đi không khi căng thẳng trên chiến trường chính trị. Và cũng như vị tướng khô khan De Gaulle của Pháp, Khrouchtchev đã hoàn toàn bị quyến rũ bởi lệnh bà thanh lịch Kennedy. Bà còn rất phản đối việc phân biệt chủng tộc và kì thị người Do Thái. Nhà Kennedy đã nhiều lần mời các nghệ sĩ da đen đến các buổi dạ tiệc.

Đúng, ông đã tự hào về bà vì tất cả những công việc bà đã làm mà hồi đầu ông chưa hiểu được hết tầm quan trọng của nó. Tự hào như là Artaban.

Tuy rất yêu chồng mình nhưng không có nghĩa là bà chấp nhận tất cả mọi chuyện của chồng. Những câu chuyện trăng hoa của ngài Tổng Thống, từ các nữ thư kí, các nữ sinh thực tập, gái làm tiền, các cô đào điện ảnh, các nữ ca sỹ, có hàng tá những cô gái ra vào tự do mà không có lệnh khám xét. Đã biết bao lần bà tìm được đồ đạc cá nhân của những người đàn bà này trong căn hộ riêng của họ. Cùng một lúc bà phải đối mặt với sự phản bội của người đàn ông mà mình yêu thương, cũng như cơn ghen như lửa đốt trong lòng. Đối với bà sự phán xét của mọi người là thứ thuốc độc đáng sợ. Jacqueline đầy lòng kiêu hãnh sẽ không để ai phải gièm pha chuyện nhà mình, và nhất là đối với niềm kiêu hãnh John F.Kennedy-người đàn ông mà bà dành cả đời yêu thương. Danh dự của mình, của chồng là điều bà quan tâm hơn tất cả mọi thứ. Cách bà đối phó với những người tình của chồng mình, những tình địch quyến rũ, có thế lực như cô đào nổi tiếng Marilyn Monroe đã cho thấy vị thế của một Đệ Nhất Phu Nhân. Bà hiểu rõ được tầm quan trọng của bản thân mình, vai trò của mình bên cạnh chồng. Sẽ có thể có nhiều người phụ nữ bên ngài Tổng Thống, nhưng sẽ không có ai sẵn sàng ngồi lên vị trí của bà, trờ thành người vợ, người mẹ của các con ông, người bạn, người đồng nghiệp trong công việc, người luôn hỗ trợ và giúp đỡ ông trên chính trường, người sẵn sàng hi sinh, mặc kệ nguy hiểm để bên cạnh ông.

2.Jacqueline- một biểu tượng về thời trang và văn hóa

Trong các chuyến công du bà luôn đề cao hai thứ: lịch lãm và tiện lợi. Bộ trang phục quen thuộc nhất của bà đó là bộ suit hồng. Ngài Tổng Thống rất thích bộ trang phục này của bà. Mọi người thường lầm tưởng nó nằm trong bộ sưu tập nào đó của Channel, nhưng đâu ai biết được nó chỉ là đồ hàng dựng tầm thường. Do ngân sách bị hạn chế, bà bị cấm mua trang phục của các nhà thiết kế Pháp, chỉ được dùng đồ Made in USA. Đối với một người ưa sự thanh lịch, coi nó như một nghệ thuật sống thì đó là nỗi thống khổ lớn. Vì vậy những cố vấn của bà đã giới thiệu cửa hàng Ninon chuyên may đồ hàng dựng này, mà giá cả chỉ bằng 1/10 sản phẩm chính hãng. Trong cuộc sống đời thường, bà ưa thích những bộ trang phục mang hơi hướng thể thao, năng động và hiện đại. Hình ảnh chụp trộm bà trong dáng vẻ mới mẻ như lúc đang cưỡi ngựa, trượt ván, nhào lộn được phần đông các thanh thiếu nữ yêu thích.

Phong cách chủ đạo của bà là thanh lịch mà không khoa trương. Bà cũng thích được đi đầu trong làng mốt, diện những chiếc váy Dior, Givenchy, Cardin mà bà đã đặt may ở tiệm đồ dựng Ninon. Trang phục dạ hội của bà đẹp tuyệt diệu. Bà kết hợp hoàn hảo những phụ kiện từ găng tay, áo vét. Jacqueline đã tự tạo cho mình một thương hiệu riêng về phong cách ăn mặc, trình diễn trước mọi hoàn cảnh. Sự chú trọng trang phục còn thể hiện khi bà mang bầu, quần áo của bà phải thật đơn giản, và không tạo ra tiếng động khi di chuyển. Khi chọn trang phục trong buổi gặp gỡ Khrouchtchev, Jackie đã mặc một chiếc váy hồng bằng vải mút sơ lin óng ánh, thêu những đường kim tuyến và kí tên Oleg Cassini để làm nổi bật sự sang trọng made in USA, bà tỏa sáng như những ngôi sao Hollywood.

Jacqueline rất yêu thích phong cách Pháp do bà đã có từng thời gian sống và học ở đây. Đây là một đất nước tràn ngập những dấu ấn lịch sử và văn hóa.

Từ xưa bà đã học được từ cha mình, Black Jack, rằng vẻ đẹp và nghệ thuật không phải là phụ kiện, mà chính là những nhân tố thiết yếu của đời sống.

Văn hóa là tổng hòa của tất cả các thể loại nghệ thuật, tình yêu và tư duy đã đạt được qua nhiều thế kỉ, chúng cho phép con người ít bị nô lệ hóa.

Chính vì vậy khi đặt chân đến Nhà Trắng bà đã muốn cách tân nơi đây, muốn làm gì đó cho đất nước trong lĩnh vực văn hóa. Tham vọng của bà chính là muốn cho mọi người biết rằng văn hóa Mỹ cũng rạng rỡ và không hề kém cạnh các nước châu Âu. Bà đã thuyết phục những người thuộc phe đối lập về vấn đề sử dụng ngân sách cho công việc trùng tu này. Bà muốn các phòng ở tầng trệt và tầng 1 giữ được phong cách kiến trúc của thế ký XVIII và XIX, với mục đích mọi người mỗi khi đến đây đều có thể biết được những ngày đầu lập nên nhà nước Mỹ diễn ra như thế nào. Bà cũng muốn tạo một tòa nhà mang chủ nghĩa yêu nước cho nước Mỹ. Vì vậy bà đã bổ sung cho Nhà Trắng những bộ sưu tập tranh. Để có được những bức tranh, bà tổ chức những bữa tiệc trà sang trọng, đề nghị các phòng triển lãm tranh gửi đến những bức tranh mà bà mong muốn được treo ở Nhà Trắng. Trong những buổi khiêu vũ thân mật bà luôn cố gắng bày tỏ mong muốn, khát khao và mục tiêu trùng tu đến những nhân vật giàu có trong bữa tiệc. Và họ đều bị bà thuyết phục đầu tư vào bức tranh nào đó. Bà cũng có các kế sách để thuyết phục được những tay chơi đồ cổ khó tính nhất. Jacqueline biết cách sử dụng giọng nói êm ái, ngọt ngào của mình để khiến người đối diện chịu sự chi phối của mình. Bà cho tu bổ lại vườn hoa hồng với mong muốn đây sẽ là một nơi để Tổng Thống những người đồng nhiêm của ông có thể thư giãn.

Và cũng chính sự quyến rũ của mình mà Jacqueline đã thành công đem bức tranh Nàng Mona Lisa, và tác phẩm Arrangement en gris et noir N011 đem về Mỹ triển lãm. Một triệu rưỡi người đã đến tham dự buổi triển lãm ở Washington và Met ở thành phố New York.

Jackie biết rằng bà đã giúp cho đất nước mình tiến thêm một bước. Washington đã trở thành một trung tâm văn hóa, không hề kém cạnh các thủ đô châu Âu. 

3.Quý bà Jacqueline

Cho dù bạn có làm gì đi nữa, nếu như bạn không chăm nom gia đình một cách đúng mực, thì bạn không thể thành công được. Tôi đương nhiên có một quan điểm rõ rệt về vai trò của Đệ nhất Phu Nhân, nhưng chăm sóc chồng và các con mới là điều được tôi ưu tiên nhất.

Jacqueline có thể là một Đệ nhất Phu Nhân, một đại sứ ngoại giao, một người dẫn đầu xu hướng thời trang hay một người tiên phong trong lĩnh vực văn hóa thì sau tất cả gia đình đối với bà vẫn là điều quan trọng nhất. Bà là một người vợ, một người mẹ, vì vậy bà luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm cao cả này của mình. Jackie không muốn đời tư của con cái bị xâm phạm, và đưa lên mặt báo, trở thành những thông tin nóng hổi để mọi người bàn tán hàng ngày. Người mẹ kiểu mẫu này cũng lựa chọn bảo mẫu cho các con rất kĩ. Cô bảo mẫu hàng ngày có nhiệm vụ đánh thức lũ trẻ vào bữa sáng, cho chúng ăn, tắm táp, rèn luyện cho những đứa trẻ nhà Kennedy tính kỷ luật. Bà cũng chú trọng vào việc xây dựng cho các con tính tự lập, không để chúng có thói quen “được phục vụ” Chúng phải tự xách đồ mà không có sự giúp đỡ của các vệ sĩ. Khi ra ngoài chơi để tránh ống kính của đám săn ảnh, Jackie luôn sử dụng những mưu mẹo để dẫn lũ trẻ đến công viên Q street hoặc những địa điểm công cộng ở Georgetown. Những buổi đi chơi được sắp xếp không nhiên, không nằm trong dự định để tránh những tay săn ảnh. Bà thường xuyên phản đối việc tiết lộ thông tin về các con bà của phát ngôn Nhà Trắng, đến mức Jackie rơi vào tình trạng mất kiểm soát, muốn nổi điên lên với mối quan hệ với vị phát ngôn viên đó. Bên cạnh chăm sóc con cái Jacqueline cũng cố gắng đem đến cho chồng niềm vui của một gia đình bình thường. Một gia đình không có sự ảnh hưởng của chính trị, không có những căng thẳng. Bà thường khuyến khích các con vẽ tranh tặng cho chồng. Hay tổ chức những bữa tiệc mời bạn bè tới chơi và đặt làm những món mà ông yêu thích, đi dạo trên bờ biển cùng nhau, dành thời gian nghỉ dưỡng ở Glen Ora. Đó là một nơi yên tĩnh và tránh xa mọi ánh nhìn, cũng như những lề thói hàng ngày. Họ chỉ là một đôi vợ chồng giản dị, tận hưởng giây phút nghỉ ngơi bên cạnh những đứa con xinh đẹp của mình. Ăn tối cùng nhau, buổi sáng thức dậy cùng nhau, sau đó sẽ đến buổi lễ cầu nguyện, đọc báo rồi lại ngủ trưa. Những ngày John tiến hành ca ghép xương, bà luôn bên cạnh ông, sắm vai một y tá chăm sóc tận tình. Do phải nằm trên giường bệnh, để giúp chồng khuây khỏa, bà dạy ông vẽ, chủ yếu là tranh thủy mặc, hay đọc sách cho ông nghe, truyền đạt những thông tin mà bà nghe được, tóm tắt các tác phẩm mà bà đọc được. Để làm cho ông vui, Jackie cũng học thuộc những bài thơ yêu thích của ông.

Nhưng bi kịch đã xảy đến với gia đình của bà khi John F.Kennedy bị ám sát. Chứng kiến cảnh người mình yêu thương nhất trên đời ra đi ngay trước mắt mình là điều khủng khiếp mà không ai có thể đối mặt được. Trên chiến xe limousine đó, hình ảnh người chồng yêu quý đang từ từ gục ngã, Jacqueline không thể kiểm soát mà gào thét, tuy nhiên bà không thể rơi một giọt nước mặt. Bà chỉ có thế gọi tên ông, bà muốn nghe giọng nói đó, bà muốn nghe ông nói rằng ông ổn, và chuyện này chỉ là một giấc mơ.

Bà ghì chặt cơ thể ườn ì bất động ấy, và, một cách bản năng, thì thầm vào tai ông:

-Jack, Jack, anh có nghe thấy tiếng em nói không? Chúng đã làm gì anh thế này hả Jack?

-Jack, Jack, Jack ơi, anh có nghe thấy tiếng em gọi không? Em yêu anh, Jack ơi!

-Anh có nghe thấy tiếng em không? Jack, em yêu anh. Anh có nghe thấy tiếng em không hả Jack ơi!

Bà đang cố nhặt thứ gì đó, đúng rồi, đó là mảnh sọ vỡ của chồng bà. Đối với Jackie, Jack là cả mạng sống này. Jackie yêu Jack nhiều đến như vậy, tại sao lại bắt hai người phải lìa xa. Khi ngồi trên hàng nghế dài bên ngoài phòng cấp cứu, người ta có thấy được hình ảnh tiều tụy, thất thần, thần sắc đau buồn, không còn vẻ hào nhoáng, lộng lẫy, kiêu sa của một vị Đệ nhất Phu Nhân. Bà cầu khẩn được vào với chồng, bà muốn được bên ông đến giây phút cuối cùng. Trước mắt bà, John chỉ như đang nằm ngủ, nhẹ nhàng cầm tay ông, ngắm nhìn gương mặt tuyệt đẹp đó. Bà nâng cái chân đang thò ra ngoài khỏi tấp drap rồi hôn lên nó. Trong khoảng thời gian đưa thi hài ông về với Nhà Trắng, Jacqueline chỉ suy nghĩ làm sao có thể tổ chức một tang lễ trọng thể cho người chồng của mình. Bà muốn ông ra đi trong sự kính trọng của mọi người, bà muốn mọi người nhớ đến ông, muốn ông trở thành một trong những vị Tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ. Vì bà biết rằng trên chính trường khắc nghiệt này họ sẽ nhanh chóng quên ông, quên những công lao ông đã làm. Bà từ chối cởi bỏ bộ quần áo dính đầy máu, bà muốn khi xuất hiện trước công chúng, họ có thể biết điều khủng khiếp gì đã xảy ra với vị Tổng thống Mỹ. Jacquiline muốn tổ chức một tang lễ thật hoành tráng. Nếu lũ trẻ bị ấn tượng với lễ tang đó thì chúng nó cũng sẽ không bao giờ quên được người cha của mình. Tất cả các khách mời danh dự từ khắp mọi nơi phải được đón tiếp trọng thể. Bà tỉ mỉ nghiên cứu cách thức trong tang lễ của vị Tổng thống quá cố Abraham Lincoln- người cũng đã bị ám sát vào năm 1865. Trang phục cho buổi tang lễ cũng được đề nghị Givenchy làm riêng cho bà. Bộ tang phục này sẽ mãi được lưu danh vào trong lịch sử, như thời khắc John đã ngã xuống thế nào. Nó sẽ không bao giờ bị lãng quên. Bà lựa chọn an táng chồng tại quả đồi Arlington kiều diễm ở gần Nhà Trắng. Nơi đó là nghĩa trang dành cho các cựu chiến binh. Người góa phụ nắm tay hai con dẫn đầu đoàn người tiễn đưa. Cho đến giờ phút này, người phụ nữ ấy vẫn kiên cường như người đàn ông của đời bà.

Trong khi cả đất nước còn đang rúng động tận tâm can, thì bà-một Đệ nhất phu nhân, vẫn vững vàng hệt như một biểu tượng được bao bọc bởi sự can đảm và dẫn đường cho dân tộc.

Ngay khi lễ tang kết thúc, bà cũng nhanh chóng cùng các con rời khỏi Nhà Trắng, nhường chỗ cho gia đình vị Tân Tổng thống mới. Jacquline lựa chọn chuyển đến sống ở Georgetown, một khu ngoại ô sang trọng của Washington. Kể từ sau khi chồng mất được 4 tháng, Jackie đã có cuộc gặp gỡ với Authur Schlesinger, bà muốn kể lại những câu chuyện hậu trường cuộc sống ở Nhà Trắng, những tháng ngày hạnh phúc của vợ chồng bà. Cuộc nói chuyện kéo dài qua bảy lần gặp gỡ, bà tìm cách gia cố phần việc còn đang dang dở của chồng. Ngay cả khi sức lực đã kiệt, và rơi vào trạng thái trầm cảm, Jackie vẫn muốn đưa tên tuổi chồng bà vào ngôi đền của những Tổng Thống vĩ đại Mỹ.

Vào năm 1968, Jacqueline tái hôn với một nhà buôn Hi Lạp Onassis. Hôn lễ đối với bà như một sự giải phóng tâm hồn. Bà biết rằng mình không thể sống cả đời trong thân phận một góa phụ, lặng lẽ và cô đơn đến lúc chết. Jacqueline yêu Kennedy, nhưng cũng yêu thích một cuộc sống tự do. Cuộc hôn nhân này không chỉ cho phép bà sống tiếp cuộc đời tự do của mình mà còn giúp bà bảo vệ những đứa con của mình, bằng cách đem lại cho chúng một gia đình mới, đầy đủ cả bố và mẹ. Onasis muốn bảo vệ bà, đồng thời những đứa trẻ nhà Kenndedy. Ông thấu hiểu cảm giác sống trong sự phán xét và rình rập của mọi người đáng sợ, cay đắng như thế nào. Mặc dù Hi Lạp tuyệt diệu đã cho bà cảm giác tự do đầy mê hoặc nhưng Jacqueline vẫn luôn nhớ về New York. Những chuyến đi lại giữa hai đất nước dần nhiều hơn, và điều đó cũng làm tình cảm vợ chồng dần hình thành một khoảng cách. Bà ly hôn và trở về New York sinh sống. Ở đây Jacqueline trở lại là một bà mẹ đơn thân kiểu mẫu. Lúc này bà đã nhận ra rằng không nhất thiết phải tìm kiếm một người cha cho lũ trẻ của bà, vì bà có thể đảm nhận một lúc hai cương vị cha, mẹ và những đứa con sẽ vẫn được nuôi dạy tốt. Trong những năm cuối đời Jacqueline tìm được một người bạn tri kỉ luôn bên mình, Maurice Tempelsman. Ông ấy bước vào đời bà không hề báo trước, thay vì sắm vai người cha, người chồng với vô và trách nhiệm, họ sống với nhau như những người đồng hành trên cùng một con tàu. Con tàu số phận.

Nếu như bà chưa bao giờ là người tiến trước thời đại, thì vẫn là bà đã thoát ra được khỏi những ràng buộc phong tục định kiến và mãi là một hình mẫu đối với phụ nữ Mỹ. Từ đó hình ảnh về “người phụ nữ hiện đại” đã gắn kết với bà, dẫu rằng đó không phải là tính từ phù hợp nhất với bà.

Jacqueline từ một cô gái trẻ đam mê văn hóa và lịch sử, từ một cô gái với mối tình đầu trong sáng, đã dành trọn đời mình cho người đàn ông bà yêu nhất. Bà đã dành trọn mọi thứ cho những người bà yêu thương, chồng và các con của mình. Một người phụ nữ mạnh mẽ, sống trên mọi định kiến xã hội. Jacquleine xinh đẹp và đầy kiêu hãnh đã sống một cuộc đời đầy tự do như thế.

Lời kết

Có một điều mà chúng ta có thể thấy rõ nhất ở Jacqueline-người phụ nữ mạnh mẽ này, đó là tình yêu vô tận mà bà dành cho chồng mình-John F.Kennedy. Một tình yêu trải qua thế kỉ, một tình yêu mãnh liệt đã giúp cho người phụ nữ kiên cường này làm được nhiều điều phi thường. Lý do để Jackie vẫn tồn tại là vì bà tin vào tình yêu. Jacqueline tồn tại đến cuối cùng là muốn lưu giữ mãi hình ảnh người đàn ông độc lập John Kennedy. Để khắc sâu vào trong lòng mỗi người dân, những người con của họ tượng đài một vị Tổng thống, một người cha đáng kính.

Tác giả: Mai Hương - Bookademy

----------------------------------

Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,285 lượt xem