Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Chân Dung Lee Kun Hee – Ông Chủ Của 'Người Khổng Lồ Toàn Cầu' Samsung

Cơn bão khủng hoảng tài chính 1997 đã khiến các tập đoàn của Hàn Quốc trong đó có Samsung điêu đứng. Để vực dậy Samsung, ông chủ Lee Kun Hee đã tuyên bố: “Thay đổi tất cả trừ vợ và con”. Ông bắt đầu bằng việc... không đến công ty. Làm việc tại nhà, không nghe điện thoại, tiếp khách, Lee buộc các cấp dưới của mình phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm.

Cũng như đất nước Hàn Quốc, Samsung có một lịch sử giản dị lúc khởi đầu. Hai chục năm về trước, Samsung trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc. Đến năm  1997, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến không ít tập đoàn điêu đứng và đã có cả những tập đoàn chấp nhận đổ vỡ. Nhưng không giống như nhiều doanh nghiệp lớn cùng thời khác, Samsung đã trụ lại và hiện nay, Samsung trở thành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc với hơn 400.000 công nhân trên toàn thế giới, kinh doanh đa ngành nghề gồm: đồ điện tử, hóa chất, thương mại, kinh doanh khách sạn, công viên giải trí, xây dựng, công nghiệp dệt, chế biến thực phẩm, v.v... trong các công ty thành viên được cải tổ sau khủng hoảng tài chính châu Á.

Người Hàn Quốc không ngừng tự hào về Samsung bởi tập đoàn này đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất khẩu và 20% GDP. Năm 2012, Samsung Electronics đạt doanh thu 187,8 tỷ USD, còn lợi nhuận sau thuế là 22,3 tỷ USD. Samsung hiện cũng đứng đầu toàn cầu về thị phần của các sản phẩm như tivi, màn hình, điện thoại di động (ĐTDĐ) thông minh, ĐTDĐ nói chung, DRAM…

Khi nói về những thành công này của Samsung, không thể không nói đến ông Chủ tịch tập đoàn Lee Kun Hee. Năm 1987, Chủ tịch sáng lập Samsung qua đời, hai tuần sau đó Lee Kun- Hee, con trai thứ ba của ông tiếp quản đế chế Samsung. Mặc dù đã là một trong những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, nhưng các sản phẩm của Samsung khi ấy hầu như chỉ được tiêu thụ trong nước, vì bị “lép vế” khi xuất khẩu ra những thị trường khó tính hơn như Châu Âu, Mỹ bởi chất lượng thấp dù giá thành rẻ mạt. Đứng trước tình trạng trì trệ của tập đoàn, Lee Kun- Hee đã thực hiện một loạt những cải cách thay đổi. Ông bắt đầu chiến dịch thay đổi cách thức làm việc của Samsung bằng việc... không đến công ty. Làm việc tại nhà ở ngoại ô Seoul, kiên quyết không nghe điện thoại và tiếp khách, Lee Kun Hee muốn buộc các quản lý cấp dưới của mình phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trước các quyết định đó. Ông cũng nổi tiếng với câu nói: “Các anh hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con,” trong “Tuyên ngôn Frankfurt” năm 1993, khi quyết tâm thay đổi phong cách điều hành, làm việc và kinh doanh của Samsung.

Là con trai thứ ba trong gia đình có ba người con trai, trong xã hội Hàn Quốc vốn ưa tôn ti trật tự, từ khi sinh ra Lee Kun Hee vốn không được định trước sẽ trở thành lãnh đạo của cả tập đoàn Samsung khi cha ông qua đời. Nhưng định mệnh đã xui khiến hai người anh trai làm mất niềm tin của cha ông và Lee Kun Hee đột nhiên được lựa chọn trở thành người thừa kế. Cũng từ đây những trang mới trong cuộc đời ông bắt đầu mở ra.

 

Năm 1987, khi trở thành chủ tịch Tập đoàn Samsung và cầu viện sự tư vấn của cố vấn người Nhật Fukuda, Lee Kun Hee đã vô cùng sửng sốt trước nội dung của bản Báo cáo do chính ông Fukuda chắp bút: “Samsung Electronics mắc “căn bệnh Samsung”, đó là bệnh lãng phí, thiếu kế hoạch, thiếu triệt để và thiếu tính cụ thể. Căn bệnh khiến Samsung không phân biệt nổi vi mô (micro) và vĩ mô (macro). Nếu căn bệnh này không được chữa khỏi thì Samsung chắc chắn sẽ sụp đổ.”

Bản báo cáo này cùng với một vài vụ việc phát sinh đã gây ra cú sốc lớn cho chủ tịch Lee Kun Hee. Một trong số đó là sự kiện “dao cạo máy giặt”. Đây là vụ bê bối lớn về quy trình sản xuất máy giặt kém chất lượng của Samsung. Một nhân viên lắp ráp máy giặt đã dùng dao cạo để đẽo gọt cánh cửa máy giặt khi thấy cửa đóng mở không khớp. Vụ bê bối này thực sự là một đòn giáng nặng nề đối với Lee Kun Hee.

Tiếp đó, tháng 1 năm 1993, Lee Kun Hee đã bàng hoàng đến tái mặt khi cùng một số giám đốc phụ trách ngành điện tử của Samsung tiến hành chuyến thị sát tại một khu bán đồ điện tử ở trung tâm thành phố Los Angeles. Tại vị trí trung tâm của khu thương mại này trưng bày rất nhiều sản phẩm của các thương hiệu phổ biến như GE, Whirlpool, Philips, Sony, NEC,... trong đó các sản phẩm mang thương hiệu Samsung lại bị tấp vào xó xỉnh một cách không thương tiếc. Như vậy đã đủ để Lee Kun Hee thấy được vị trí của Samsung trên thị trường lúc đó và ông quyết tâm không để kéo dài tình trạng này lâu hơn nữa.

Tháng 2 năm 1993, Lee Kun Hee đã triệu tập các giám đốc phụ trách sản xuất hàng điện tử của Samsung tới Los Angeles, Mỹ. Và từ Los Angeles, Lee Kun Hee tiếp tục thay đổi địa điểm và chọn Frankfurt làm địa điểm chính thức, tại đây ông đã đưa ra Tuyên bố kinh doanh mới của Samsung với mục đích ‘Hãy thay đổi từ chính bản thân mình’, ‘Hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con cái bạn’, ‘Hãy bỏ qua số lượng để tập trung cho chất lượng’ chính là phát pháo hiệu mở ra cuộc đại cách mạng đổi mới toàn bộ tổ chức Samsung.

Trong suốt bốn tháng, Lee Kun Hee mang theo đội ngũ 1.800 người bao gồm các nhân viên và nhiều lãnh đạo của Samsung đi tới các ‘cứ điểm’ chính của Samsung trên toàn thế giới như Los Angeles, Tokyo, Frankfurt, Osaka, London,.. ‘khai nhãn’ cho cấp dưới của mình thấy rằng thế giới đã thay đổi ra sao và Samsung đang ở đâu trên vũ đài quốc tế.

   

Cuối cùng, sau 350 giờ đồng hồ, Lee Kun Hee đã giải thích cặn kẽ về tầm nhìn chiến lược mà Samsung cần phải tiến tới. Đặc biệt, những cuộc họp thuyết trình về triển vọng mới của Samsung của chủ tịch Lee Kun Hee mà theo thống kê kéo dài tổng cộng 800 giờ đồng hồ này thường bắt đầu vào 8 giờ tối và kết thúc vào 2 giờ sáng ngày hôm sau.

Có thể nói, ‘Tuyên bố kinh doanh mới’ chính là hồi chuông cảnh tỉnh những con người Samsung đang tự hài lòng với hiện tại, yên phận với vị trí số 1 của Samsung tại thị trường Hàn Quốc và dương dương tự đắc chẳng khác nào “ếch ngồi đáy giếng.”

Nội dung của "Tuyên ngôn Frankfurt" được cô đọng lại thành "Chính sách quản lý mới" của Samsung và trình bày thành 1 cuốn sách 200 trang, phát đến tận tay cho từng công nhân. Một quyển phụ lục riêng để giải nghĩa các khái niệm trong "Chính sách quản lý mới" được phát hành sau đó. Thậm chí những công nhân đọc viết không thông thạo còn được nhận 1 phiên bản vẽ theo phong cách... truyện tranh nhằm diễn giải dễ hiểu các gạch đầu dòng quan trọng của chính sách mới.

Kể từ đó, "Chính sách quản lý mới" được coi như thánh kinh của Samsung, thậm chí cả căn phòng khách sạn nơi diễn ra cuộc họp năm 1993 cũng được Lee cho "bốc" về tổng hành dinh của Samsung ở Hàn Quốc và tái tạo nguyên bản để làm nơi "thờ phụng", tồn tại như 1 vật chứng nhắc nhở nhân viên Samsung không bao giờ tự thỏa mãn và luôn khát khao hướng đến chất lượng sản phẩm để chinh phục thị trường quốc tế.

Không chỉ dừng ở đó, sau "Tuyên ngôn Frankfurt", Lee dành 2 tháng tiếp theo đi khắp các chi nhánh của Samsung trên thế giới, từ London đến Osaka để trực tiếp truyền đạt khát vọng thay đổi của mình đến từng lãnh đạo dưới quyền. 350 giờ thuyết giảng của Lee trong 2 tháng ấy sau khi được ghi chép lại chiếm hết 8.500 trang giấy.

Trong những năm sau "Tuyên ngôn Frankfurt", Samsung trở thành 1 trường đại học khổng lồ. "Trường dạy CEO Samsung" ra đời tháng 9/1993. Ba tháng sau "Tuyên ngôn Frankfurt" đón 850 học viên là tất cả số quản lý cấp cao của Samsung tại thời điểm đó đến đào tạo trong 6 tháng (3 tháng tại chỗ và 3 tháng ở nước ngoài). Khi các học viên thực tập ở nước ngoài Lee cấm họ không được di chuyển bằng máy bay mà phải sử dụng các phương tiện đường bộ như ô tô, tàu, bus để cảm nhận rõ ràng hơn văn hóa nước sở tại.

 

Trong 5 năm từ 1994 đến 1999 mỗi năm Samsung chọn ra 400 người trẻ tuổi có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, nhét vào tay họ 1 nắm tiền và tung đội ngũ này ra nước ngoài trong một năm, mặc cho họ đi đâu, làm gì thì tùy. Lee hi vọng đội ngũ hạt giống này có thể trở về với hiểu biết và kinh nghiệm sâu sắc về thị trường bản địa mà họ tới "nằm vùng". Sau khi trở về từ nước ngoài, đội ngũ hạt giống này sẽ trở thành chủ lực cho chính sách "tập đoàn toàn cầu, thấu hiểu địa phương" của Samsung. Trong 5 năm từ 1994 đến 1999 chỉ riêng chương trình gieo giống của Samsung ước tính đốt hết 100 triệu USD để đào tạo 2000 hạt nhân chủ chốt cho kế hoạch đánh chiếm thị trường thế giới của mình.

Đến tận bây giờ Trung tâm phát triển nhân lực của Samsung đóng ở Hàn Quốc vẫn tiếp nhận khoảng 50 ngàn học viên mỗi năm. Công cuộc "luyện quân" của Samsung kéo dài suốt hơn 20 năm đến bây giờ vẫn không hề có dấu hiệu "lão suy".

------------------------------------------------------------- Tiếp sau các cuốn sách về sự thành công của các dân tộc, các quốc gia như: Quốc gia Khởi nghiệp nói về sự thành công của đất nước Israel;  cuốn Swiss Made – Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sĩ… Alpha Book sẽ tiếp tục ra mắt cuốn sách "Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung" do tác giả Ji Pyeong Gil là một người rất am hiểu về tập đoàn Samsung chấp bút. Ông từng tham gia từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc công cuộc cải cách “Digital e-company” và “digital convergence” của Samsung trước khi chuyển sang nghiệp viết.   Sách gồm 300 trang, giá bán 119.000đ.     Theo: 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,176 lượt xem