Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Hành Trình Đến Google Của Hoàng Xuân Phát – Chàng Trai “Học Một Đường, Làm Một Nẻo”

Họ tên đầy đủ: Hoàng Xuân Phát

Ngày sinh: 10/01/1987

Vị trí hiện tại ở Google: Mobile Game Partnership Lead (Quản lý mảng hợp tác của Google với các nhà phát triển trò chơi di động)

Chào Phát! Từ FTU Hồ Chí Minh, Phát đã đến Google Mỹ như thế nào?

Công việc ở Google đến với Phát một phần là do sự may mắn. Trong thời gian làm quản trị viên tập sự tại tập đoàn Unilever Việt Nam, Phát đã có cơ hội làm việc với tư cách đối tác của Google, sau đó được giới thiệu một vị trí ở Goolge nhưng không thành do chưa phù hợp. Mãi một năm sau, phía Google gợi ý một vị trí ở một mảng công việc khác, và Phát đã làm mảng công việc này được gần 5 năm tại cả hai văn phòng Singapore và Mountain View. Tóm tắt hành trình Phát đến Google là như vậy. Còn để nói về quá trình thì trước đó là cả một thời gian dài Phát tập trung trau dồi ngoại ngữ, quan sát các bạn Việt Nam và quốc tế làm việc thông qua các chương trình ngoại khóa trong nước.

Vị trí của Phát ở Google ngày hôm nay đã có gia đình, bạn bè, trường học ở Việt Nam làm nền tảng hết cả.

Xuân Phát ngồi cùng Sundar Pichai – CEO của Google và Nguyễn Hà Đông trong chuyến thăm của vị CEO này đến Việt Nam

Ngành học của Phát hoàn toàn không liên quan đến mảng digital media (Unilever), rồi mobile game (Google). Phát đã phải bổ sung kiến thức như thế nào để có thể đảm đương tốt công việc hiện tại?

Đúng là ngành học không liên quan trực tiếp, nhưng ngành học và môi trường học đã hỗ trợ rất nhiều trong việc hình thành những kỹ năng cần thiết cho công việc mà Phát làm.

Ở Ngoại Thương, Phát học chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại. Phát nhớ hoài cái ngày đầu tiên bước vô lớp thấy các bạn ở Sài Gòn nói tiếng Anh hay lắm, mình nghĩ chắc là tiêu rồi. Loay hoay không biết làm sao cả một học kỳ, rồi sau đó mình tích cực thuyết trình, diễn kịch ở trường và tham gia nhiều chương ngoại khóa với các bạn sinh viên quốc tế, để tới ngày ra trường thì vốn tiếng Anh cũng đủ để đi phỏng vấn và được nhận vào Unilever! Đến khi đi làm thực tế lại thấy mình còn thiếu nhiều kiến thức và kỹ năng cho công việc marketing lẫn truyền thông, nhưng may mắn là lúc đó truyền thông số (digital media) ở Việt Nam còn mới quá, ai cũng vừa làm vừa học, ngay cả sếp mình cũng vậy. Vậy là sếp hướng dẫn mình cách tư duy trong công việc, cách truyền đạt thông tin trong môi trường làm việc, rồi cả hai lại cùng học về truyền thông số. Cứ như vậy, cái này nối tiếp cái kia, làm từ việc nhỏ đến việc lớn, sai rồi lại sửa. Đến bây giờ cũng vậy, mỗi ngày lại học được cái mới, không ít thì nhiều.

Phát có nghĩ rằng việc ra trường làm trái ngành (chuyện thường thấy ở Việt Nam) là vấn đề gì to tát không, hay thành bại nằm ở bản thân mỗi người?

Phát nghĩ, làm “khác” ngành mình học là chuyện bình thường do hầu hết các trường đại học ở Việt Nam là đại học chuyên ngành, ngay từ khi 18 tuổi, sinh viên đã phải xác định ngành nghề tương đối rõ rồi. Bản thân Phát lúc mới vào đại học với lúc ra trường khác nhau nhiều lắm, biết thêm được một chút là mình thích làm cái gì hơn cái gì. Thế rồi Phát bắt đầu làm cái mình thích hơn trước, rồi từng bước một tới ngày hôm nay. Còn việc thành bại ra sao trước mắt là do định nghĩa của mỗi người, không ai giống ai được. Thât ra, thất bại đầu tiên mà một người có thể tự gây ra cho mình ấy là họ đọc một cuốn sách, xem một bộ phim hay nhìn vào một người rồi tự lấy đó làm thước đo thành công cho bản thân mình.

Là một chàng trai Việt Nam nhỏ bé với tấm bằng FTU, Phát cảm thấy thế nào khi làm việc cùng những nhân vật hẳn là xuất sắc từ những trường đại học danh tiếng trên thế giới? Có áp lực hay thỏa mãn không?

Phát luôn thấy đó là động lực để không ngừng cố gắng. Đúng là khi mới làm ở môi trường quốc tế, Phát cũng tự gây áp lực cho bản thân khá nhiều. Nhưng sau một thời gian, Phát nhận ra là đã ngồi cùng một đội, cùng một phòng họp, bàn về cùng một vấn đề và làm cùng một việc thì ai cũng sẽ giống ai. Người nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu, mình và các bạn đều phải dung hòa giữa việc nghe, việc nói và việc thực hiện công việc. Google có một tiêu chí tuyển dụng mà đến giờ Phát vẫn áp dụng rất chặt chẽ khi tham gia phỏng vấn các ứng viên, đó là tinh thần ham học hỏi. Mặc dù đó không phải là tiêu chí duy nhất, nhưng khi mọi người luôn sẵn sàng học hỏi từ nhau thì bầu không khí làm việc sẽ rất tích cực, không có ai phải quá sợ sệt rằng mình sẽ mắc lỗi.

Nói về các bạn trẻ Việt Nam trên đất Mỹ thì hiện tại, ở thung lũng Silicon có nhiều bạn trẻ vừa tốt nghiệp ở Việt Nam đã ngay lập tức nhận được lời đề nghị làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn rồi.

Hẳn là môi trường làm việc như vậy đã giúp Phát phát triển bản thân rất nhiều, vì bạn bè nói rằng, sau một thời gian làm việc ở Google, Phát đã thay đổi rõ rệt.

Cuộc sống cá nhân của Phát thì vẫn như cũ, vẫn thích ăn đồ ăn mẹ nấu và đồ ăn Việt Nam nói chung, vẫn thích được đi du lịch nhiều nơi hơn nữa, mong muốn bản thân nghiêm túc hơn trong việc đọc sách thường xuyên.

Còn trong môi trường làm việc thì Google Singapore hay Silicon Valley cho Phát nhiều thứ lắm, không kể ra hết được, nhưng có hai điều nổi bật hơn cả. Thứ nhất là bản thân Phát ý thức được rằng, cuộc sống này vĩ đại hơn mình tưởng, với nhiều cá nhân có tư duy, trình độ, khả năng, hoàn cảnh khác nhau, để rồi từ đó Phát cởi mở hơn với chính mình và mọi người xung quanh. Thứ hai là Phát nhận ra thời gian có hạn mà ai cũng thích bận rộn, Phát không còn muốn làm tất cả, muốn biết tất cả nữa mà có một danh sách ưu tiên.

 

Thú thật, trước khi ra trường thì thấy mình giỏi, nhưng bây giờ nhìn lại thì thấy những gì mình đã làm trong mấy năm qua phụ thuộc rất nhiều vào may mắn khi có cơ hội tiếp cận với những môi trường tốt, tất nhiên bên cạnh đó mình cũng nỗ lực rất nhiều. Và vị trí của Phát ở Google ngày hôm nay đã có gia đình, bạn bè, trường học ở Việt Nam làm nền tảng hết cả. Chính thời gian sống, học và làm việc ở Việt Nam đã giúp Phát trang bị kỹ năng để nắm bắt cơ hội việc làm ở môi trường quốc tế.

Mình không tin là có ai đủ ăn đủ mặc mỗi ngày mà không cần nỗ lực, trừ khi nhà vốn “có điều kiện” sẵn.

Với tốc độ “thăng tiến” như bây giờ, Phát muốn 10 năm nữa mình ở đâu?

Câu hỏi này khó quá và ngay bây giờ thì Phát không có câu trả lời. Tuy nhiên, năm nay Phát được tham gia một lớp đào tạo phát triển bản thân ở Google. Trong buổi đào tạo có một phần mà Phát nhớ hoài, đó là mỗi người được yêu cầu thử viết liên tục trong vòng 15 phút về việc mình muốn mọi người nhớ đến mình như thế nào khi mình qua đời. Nghe thì hơi bị khớp, nhưng đúng là đôi khi việc ngồi suy nghĩ theo hướng này sẽ giúp bản thân biết được mình cần gì và muốn gì. Phát chỉ mong dù cho 10 năm hay bao nhiêu năm nữa thì cuộc sống của mình luôn vui vẻ. Về công việc thì Phát muốn làm việc ở Mỹ thêm ít nhất 2 năm nữa rồi mới nghĩ đến bước tiếp theo.

Hiện tại Phát đang đọc cuốn sách gì?

Phát đang đọc cuốn Born A Crime của Trevor Noah do một người bạn giới thiệu. Tuần trước, khi bay sang Los Angeles làm việc, Phát quên mang theo sách nên mua luôn ở sân bay San Francisco.

Googleplex – trụ sở của Google tại Mountain View 

Google có thực sự là thiên đường về môi trường làm việc, văn hoá và chế độ đãi ngộ như báo chí vẫn luôn ca ngợi không?

Mỗi người có một thiên đường riêng cho mình. Đối với cá nhân Phát thì đây là môi trường làm việc rất tốt cho nhân viên. Ngoài việc được làm với các đồng nghiệp có chí tiến thủ, thân thiện, mỗi tuần Phát có một buổi đối thoại trực tiếp cùng sếp để chia sẻ thông tin về công việc và kịp thời đưa ra ý kiến phản bác nếu cần. Còn về cơ sở vật chất Phát chưa thấy thiếu gì hết. Phát sống ở San Francisco còn trụ sở Google thì ở Moutain View nên mỗi ngày Google có xe đưa đón nhân viên, ngoài giờ làm việc thì Phát và các bạn đồng nghiệp chơi thể thao trong khuôn viên văn phòng. Phát còn có một giờ học chơi nhạc cụ mỗi tuần.

Xung quanh Google luôn có rất nhiều chuyện kể và giai thoại. Phát thử kể một vài giai thoại xem nào.

Truyền thuyết kể là nhân viên mới vô ăn không khéo là sẽ tăng 7kg. Tuy nhiên Phát chưa thấy ai tăng ký nhiều như vậy!

Cuối cùng, ngoài công việc, Phát hay làm gì?

Nơi Phát ở thời tiết thuận lợi nên hôm nào trời đẹp là đi leo núi, dã ngoại với bạn bè. Ngày trước ở châu Á, cuối tuần Phát đi lặn biển, sang đây biển lạnh quá bèn chuyển sang chạy bộ. Năm rồi, Phát vừa chạy half marathon đầu tiên. Hai tháng gần đây Phát có tập tành yoga ở gần nhà cho khỏe thêm.

Cảm ơn Phát và hẹn gặp lại ở Việt Nam!

Theo barcodemagazine.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,118 lượt xem