Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nữ Sinh Gốc Việt Chinh Phục Đại Học Harvard Nhờ Bài Luận Về... Áo Ngực!

Tô Mỹ Ngọc sinh ra ở Long An, Việt Nam và lớn lên ở Atlanta (tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ). Cô gái gốc Việt giành học bổng vào ĐH Harvard một cách rất bất ngờ và thuyết phục nhờ bài luận xoay quanh… chiếc áo ngực.

Là con út trong gia đình có 3 chị em gái ở tỉnh Long An, từ năm 1 tuổi Ngọc theo bố mẹ chuyển đến thành phố Atlanta, bang Georgia sinh sống. Gia đình gốc Việt đã trải qua những năm tháng đầu mưu sinh vất vả, cơ cực ở xứ người. Bố mẹ Ngọc vốn là giáo viên, khi sang Mỹ phải đi làm thuê ở công xưởng, nhà hàng. Về sau, bố mẹ Ngọc cố gắng đi học lấy bằng mở hai tiệm nail, cuộc sống gia đình dần bớt chật vật.

Thời gian đầu sang Mỹ, cô bé gốc Việt phải theo học các lớp tiếng Anh ở trình độ thấp vì không theo kịp bạn bè. Từ năm lớp 3, Mỹ Ngọc bắt nhịp được ngôn ngữ. Bằng sự nhanh trí và ham hiểu biết, cô dần hòa nhập văn hóa Mỹ. Yêu thích các hoạt động thiện nguyện và kết nối cộng đồng, nữ sinh gốc Việt trở thành một trong những “thủ lĩnh” học sinh năng nổ ở trường.

Điểm số của Ngọc luôn dẫn đầu lớp, thậm chí vượt trội hơn các bạn gốc Mỹ. Cô tốt nghiệp cấp 3 với điểm GPA tuyệt đối 4.0. Không quan trọng điểm số, điểm nổi bật ở Mỹ Ngọc là lòng kiên nhẫn, chú tâm học hành thỏa mãn hiểu biết và không quên dành thời gian cho những sở thích như viết văn, vẽ tranh, chơi nhạc.

Hết cấp 3, Ngọc nộp đơn vào 11 trường ĐH tốt nhất nước Mỹ, trong đó có nhiều cái tên “đình đám” như Harvard, Columbia, Yale, Chicago, Brown… Kết quả, 10/11 trường đã gửi thư chúc mừng trúng tuyển cho cô gái gốc Việt (ngoại trừ ĐH Yale).

 


Ngọc và bố ở khuôn viên ĐH Harvard.

Ngọc và bố ở khuôn viên ĐH Harvard.

 

Bằng một chất giọng tự nhiên, Ngọc đùa rằng, cô đã từng “hết hồn” khi nhận được kết quả vì bản thân chưa từng nghĩ mình sẽ đậu các trường top, thuộc nhóm Ivy League này. Đó là dấu mốc lớn thay đổi cuộc sống của cô gái gốc Việt.

Theo đuổi ngành Tâm lý học tại ĐH Harvard, khi tốt nghiệp ngôi trường danh tiếng bậc nhất thế giới, 9X gốc Việt xuất sắc nhận giải thưởng danh giá “After Harvard Award”. Đây là giải thưởng nhà trường trao cho những nhân vật mà họ tin, sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng ở bất cứ lĩnh vực nào và có khả năng “thay đổi thế giới” sau khi rời giảng đường Harvard.

Chuyện về chiếc áo ngực – sự thay đổi phản biến cái mới

Câu chuyện về chiếc áo ngực đang gây sốt trên trang Quora, một trong những cộng đồng hỏi - đáp hàng đầu thế giới của Mỹ Ngọc là bài luận phụ đã giúp cô chinh phục ĐH Harvard.

Trao đổi với PV Dân trí, Mỹ Ngọc bày tỏ niềm vui khi bài luận của mình được nhiều người quan tâm yêu thích. Bản thân Ngọc rất đam mê viết văn, cô đã tự xuất bản một cuốn sách về gia đình mình khi còn là sinh viên Harvard.

Cá nhân Ngọc từng rất buồn khi phải mang áo ngực. Một khi mặc áo ngực rồi thì không thể nào không mặc áo ngực nữa. Đối với Ngọc, nó là dấu mốc minh chứng cho sự tan biến của tuổi thơ và những trách nhiệm lớn dần. Khi học một lớp viết văn, cô biết thêm rằng một ngày nào đó những ngôi sao thiêng liêng rồi cũng chết.

“Nhưng có một điều diệu kì là những ngôi sao đã chết rồi có thể biến thành một ngôi sao mới. Ngọc thấy, trong sự thay đổi có thể phản biến về những cái mới, không phải kết thúc hẳn mà có thể là sự khởi đầu. Cũng như vậy, chúng ta luôn có cơ hội đi đường mới, làm lại bản thân mình”, Ngọc giải thích về thông điệp bài luận.

 


Ngày tốt nghiệp, cô gái gốc Việt xuất sắc nhận giải thưởng cho người có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng từ ĐH Harvard.

Ngày tốt nghiệp, cô gái gốc Việt xuất sắc nhận giải thưởng cho người có ảnh hưởng lớn tới cộng đồng từ ĐH Harvard.

 

Viết luận cũng như nấu một món ăn

“Chiếc áo ngực và “tấm vé” vào Harvard có phải là minh chứng rằng, một chủ đề có vẻ bình thường thậm chí tầm thường lại có khả năng gây ấn tượng hơn những điều cao siêu, to tát?”. Cô gái gốc Việt cười, kể câu chuyện một người bạn sau khi biết cô vào ĐH Harvard nhờ bài luận về áo ngực đã “tham khảo” và cho ra đời bài luận về… chiếc quần lót. Đáng tiếc, bài luận về chiếc quần lót của anh bạn kia đọc khá kì cục và không đạt kết quả trúng tuyển như mong muốn.

Cô nàng chia sẻ: “Ngọc thích nhìn những chuyện rất bình thường, tầm thường để suy nghĩ sâu sắc về nó nhưng đó là cách của Ngọc. Nhiều người khác thì suy nghĩ lớn hơn, miễn sao điều đó thực sự quan trọng với họ”.

“Đừng viết để cho người ta thích mình, viết về điều gì quan trọng trong trái tim”, Mỹ Ngọc hé lộ bí quyết viết luận.

Theo chủ nhân 10 học bổng ĐH hàng đầu Mỹ, cách chọn chủ đề, câu chuyện, giọng văn, cảm xúc thể hiện trong bài luận đều là những yếu tố làm nên bài luận tốt.

“Nếu viết về một câu chuyện hay nhưng cách viết không cảm xúc thì không tốt, nhưng nếu có câu chuyện, cảm động nhưng giọng "phách” quá hoặc nghiêm quá cũng chưa chắc tốt được. Bài luận giống như món ăn, cần sự vừa vặn, chăm chút và nêm nếm từ chính trái tim, sự trải nghiệm, cá tính của người cầm bút”, Mỹ Ngọc ví.

 


Một trái tim chân thành, không gượng ép giúp Ngọc chinh phục thử thách trong học tập và cuộc sống.

Một trái tim chân thành, không gượng ép giúp Ngọc chinh phục thử thách trong học tập và cuộc sống.

 

Sau khi tốt nghiệp ĐH Harvard, cô gái Việt tham gia một nghiên cứu mới ở bệnh viện về cải tiến cách thức chăm sóc cho bệnh nhân bằng thiền – “trị bệnh từ tâm”.

Trong tương lai, Mỹ Ngọc dự định nộp đơn vào trường Y để theo đuổi ngành bác sĩ. Cô gái 25 tuổi tâm sự, nếu học thêm ngành bác sĩ thì thời gian sẽ kéo dài thêm khoảng 8 năm (4 năm học, 4 năm thực tập) nhưng đối với cô, đó là giấc mơ.

“Miễn bản thân cố gắng đạt được chứ không quan trọng mình lớn tuổi cỡ nào”, cô gái gốc Việt tâm sự.

Mỹ Ngọc đã chia sẻ câu chuyện về bài luận giúp cô vào ngôi trường danh tiếng nhất thế giới. Không phải những chủ đề cao siêu, bài luận là cảm giác và suy nghĩ của Ngọc từ lần đầu tiên mặc áo ngực cho đến khi phải thay nhiều loại áo ngực cỡ lớn hơn: “Khi cảm nhận sức ép từ thứ vải dưới lớp áo của mình, tôi nhận ra rằng tuổi thơ của tôi, cuối cùng cũng sẽ tan biến như mặt trời vậy”.

Ngọc chia sẻ: “Tôi nộp đơn vào Harvard như một trò đùa. Đây là ngôi trường cuối cùng được thêm vào danh sách các trường tôi lựa chọn, và tôi chỉ làm vậy vì thủ tục giấy tờ khá đơn giản.

Bởi tôi nghĩ mình sẽ được nhận, tôi không bận tâm đến việc cố gây ấn tượng với bất cứ ai và chỉ viết về những gì khiến tôi hạnh phúc. Trong trường hợp này là những chiếc áo ngực và những vì sao. Trên bức thư chấp nhận chính thức gửi qua đường bưu điện, đại diện Văn phòng tuyển sinh ĐH Harvard đã viết rằng: “Tôi thực sự hứng thú với bài luận về áo ngực của em!”.

 


Cô gái gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Long An, hiện đang theo học ngành Tâm lý học tại ĐH Harvard. (Ảnh: FBNV)

Cô gái gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Long An, hiện đang theo học ngành Tâm lý học tại ĐH Harvard. (Ảnh: FBNV)

 

Nguồn cảm hứng này thực chất xuất phát từ một câu hỏi bổ sung của ĐH Chicago - trường đã yêu cầu một bài luận 500 từ về một thứ quần áo thực sự quan trọng đối với tôi. Tôi đã dùng lại nó cho bài luận phụ vào trường Harvard, và nó ở ngay dưới đây, nếu bạn muốn đọc:

"Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên mình mặc áo ngực. Khi ấy tôi học lớp 5, tôi vừa từ trường về thì mẹ đưa cho tôi một miếng vải màu trắng để mặc bên trong áo sơ mi.

“Bây giờ con đã là một cô gái lớn”, mẹ nói. “Con cần phải mặc cái này”. Và từ giây phút ấy, cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi.

Cũng cùng năm ấy, tôi được dạy rằng một ngày nào đó mặt trời sẽ chết. Và khi cảm nhận sức ép từ thứ vải dưới lớp áo của mình, tôi nhận ra rằng tuổi thơ của tôi, cuối cùng cũng sẽ tan biến như mặt trời vậy.

Tôi đã có chiếc áo ngực đầu tiên, rồi thứ hai, thứ ba, và chiếc thứ tư của tôi là chiếc áo dành cho một người phụ nữ trưởng thành, loại mà mẹ vẫn thường mặc.

Với mỗi chiếc áo mới, tôi lại loại đi những chiếc áo cũ. Và ở góc sâu nào đó trong tủ quần áo tối tăm của tôi, có một đống những chiếc áo ngực cũ - những sợi vải đã sờn bị bỏ rơi. Trước đây, chúng từng rất rực rỡ khi còn là món đồ hữu dụng; nhưng rồi dần phai mờ khi trở thành những thứ đồ cũ thừa thãi của quá khứ. Chúng tồn tại ở một góc nhỏ của vũ trụ này, và đóng bụi ở đó như những vì sao đã chết - không sự sống, không còn ánh sáng rực rỡ.

Với mỗi chiếc áo mới, tôi cảm thấy bàn tay tàn nhẫn của sự đổi thay đẩy tôi xa hơn vào một con đường mà tôi không thể quay lại. Những chiếc áo ngực mới ấy không còn có sự giản đơn như những chiếc đầu tiên nữa; chúng có thêm thật nhiều những nếp gấp, những mũi khâu, những diềm xếp và hoa văn; và cứ như thể, chúng được tạo ra để chống lại sự phức tạp, rắc rối đang lớn dần trong trách nhiệm của tôi vậy.

Đôi lúc, khi tôi cảm thấy cơ thể mình quá lớn cho chiếc áo ngực hiện tại, tôi không thể, cũng không muốn mua một chiếc áo mới, bởi ý nghĩa tiềm ẩn sau mỗi lần đổi thay ấy - nếu có mỗi chiếc áo mới đồng nghĩa với cái chết của một vì sao… Vậy thì thế giới của người lớn đối với tôi cũng chẳng khác gì đêm đen kéo dài mãi mãi.

Tôi đã cố để không giết chết thêm bất kì ngôi sao nào khác, nhưng sự kháng cự của tôi vẫn chưa đủ, và rồi tôi tìm thấy bản thân mình tiếp tục chất thêm một lớp áo, rồi lại lớp nữa, hết lớp áo này tới lớp khác vào chồng áo ngực cũ cứ lớn không ngừng trong tủ. Với ý nghĩ đó, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho cái kết, cho giây phút mà cả vũ trụ của tôi bị nhấn chìm trong hố đen sau cánh tủ quần áo ấy.

Nhưng, tôi đã được cứu rỗi.

Tôi đã học được rằng, cuộc sống này không đi theo một đường thẳng tuyến tính, mà theo một vòng tuần hoàn. Những vì sao mới có thể đã được sinh ra từ những tro tàn của những vì sao cũ, và bóng đen của cái chết lại được đong đầy ánh sáng của sự sống.

Vì vậy, những điều mới được tạo ra chỉ là sự tái hiện của quá khứ trong một hình thù, một hình thức khác để phù hợp với hiện tại. Khi mặc một chiếc áo ngực mới không có nghĩa là tôi đang vứt bỏ đi con người cũ của mình, mà là đang định hướng lại bản thân để thích ứng với những sự thay đổi”.

Sự thay đổi, dù nghe thật to lớn và áp lực, thực chất cũng chỉ là một điều tự nhiên – như chồng áo ngực của tôi rồi cũng lớn dần. Dù thật khó để chấp nhận sự tồn tại của những chiếc áo ngực ấy trong cuộc sống của mình, tôi nhận ra mình cũng không thể sống thiếu chúng.

Bởi, khi chúng ta lớn lên hay già đi, mọi thứ dường như càng dễ dàng thay đổi, và chẳng có gì đáng tin cậy hơn một chiếc áo ngực, cho chúng ta sự hỗ trợ, sự giúp đỡ cần thiết từ sâu thẳm bên trong, để chúng ta có thể vững vàng nắm lấy cuộc sống này", Ngọc viết lời kết trong bài luận.

 

Theo dantri.edu.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

10,013 lượt xem