Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Phạm Huy - Gương Mặt Trẻ Việt Nam Tiêu Biểu 2017: Khi Hậu Quả Chiến Tranh “Gieo” Niềm Đam Mê Nghiên Cứu

Bất ngờ khi biết mình có tên trong danh sách “10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017”, những trải lòng của Phạm Huy về học tập, nghiên cứu khoa học xen lẫn niềm hạnh phúc và tự hào với nhiều câu chuyện đặc biệt.

Sinh năm 2000, Phạm Huy hiện đang học lớp 12 Trường THPT Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Huy từng đạt Giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc tế INTEL ISES 2017 tại Los Angeles (Mỹ) với công trình nghiên cứu “Cánh tay robot dành cho người khuyết tật” (cuộc thi do Intel tổ chức tại bang California) với sự góp mặt của gần 1.800 thí sinh đến từ 78 quốc gia trên thế giới); Giải Nhất lĩnh vực robot và máy thông minh tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; Giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT chứng nhận.

Hậu quả chiến tranh “gieo” niềm đam mê nghiên cứu

Chúng tôi tìm gặp Phạm Huy (học sinh lớp 12 Trường THPT Thị xã Quảng Trị) trong những ngày giữa tháng 3, khi hay tin em được bình chọn là 1 trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017”.

Trò chuyện với chúng tôi tại ngôi nhà nhỏ ở làng Bích La Hậu (xã Triệu Tài, Triệu Phong, Quảng Trị), Huy không giấu được niềm tự hào, hạnh phúc.

Phạm Huy cùng Thầy giáo mình.

“Tan buổi học sáng ngày 12.3, em rất bất ngờ khi nhận được điện thoại thông báo được bình chọn là 1 trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017”” - chủ nhân của công trình khoa học “Cánh tay robot dành cho người khuyết tật” chia sẻ.

Trải lòng với chúng tôi, Huy cho biết thời điểm vừa lên lớp 10, em bắt đầu “chập chững” bước vào công tác nghiên cứu, sáng tạo khoa học.

“Lớn lên từ vùng đất lửa Quảng Trị, em chứng kiến nhiều hậu quả của chiến tranh với những đau thương, mất mát. Trong đó, điều đặc biệt ấn tượng với em là những người thân thể không còn lành lặn. Điều này thôi thúc em phải làm một cái cái gì đó để hỗ trợ những người khuyết tật. Công trình nghiên cứu cánh tay robot bắt đầu hình thành từ suy nghĩ như vậy”.

Sau khi có ý tưởng, Phạm Huy bắt đầu lên mạng tìm hiểu về cánh tay robot. Những thông tin trên mạng cho thấy các công trình tương tự mới chỉ xuất hiện ở nước ngoài với giá thành cao. Từ đó, Huy đề ra kế hoạch tự chế tạo sản phẩm này bằng linh kiện tự có và đặt mua trên mạng, giảm chi phí và giá thành sản phẩm.

“Khi học lớp 10, em bắt đầu bắt tay vào làm các bản thử nghiệm. Đến đầu năm lớp 11, sản phẩm “cánh tay robot dành cho người khuyết tật” của em được hoàn thiện, dự thi cấp trường, cấp tỉnh và vinh dự đạt giải Ba tại cuộc thi “Khoa học kỹ thuật cấp Quốc tế INTEL ISES 2017” tổ chức tại Mỹ” - Huy tâm sự.

Phạm Huy bên công trình "Cánh tay robot" của mình.

Những “sự cố” hy hữu

Huy nhớ lại từ giai đoạn hình thành ý tưởng sản phẩm “cánh tay robot dành cho người khuyết tật” đến khi đi tham dự các cuộc thi và đạt giải, em gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.

Thời gian đầu, khi mới hình thành ý tưởng và bắt tay làm thử nghiệm, do thiếu kiến thức chuyên môn, Huy suy nghĩ “khó để biết được cánh tay khi hoàn thành, có phù hợp với người khuyết tật” hay không.

“Trong quá trình hoàn thiện bản thử nghiệm, em nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ thầy giáo vật lý Lê Công Long, từ gia đình, lãnh đạo nhà trường và bạn bè. Thầy Long cũng chính là người trực tiếp định hướng, hướng dẫn để em hoàn thành tốt sản phẩm”.

Theo đó, để khắc phục những hạn chế của sản phẩm ban đầu như nặng, khó điều khiển và phần cảm biến chân “quá nhạy”, Huy đã cùng thầy Long mổ xẻ các khuyết điểm, đưa ra những đánh giá chuyên môn để hoàn thiện dần.

Bên cạnh đó, cũng đã có sự cố xảy ra liên quan đến “cánh tay dành cho người khuyết tật”…

Tháng /2017, sau khi được Bộ GD-ĐT lựa chọn làm đại diện Việt Nam tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc tế INTEL ISES 2017, Phạm Huy đã 2 lần bị từ chối cấp visa sang Mỹ. Sau khi báo chí phản ánh, Huy được phỏng vấn lần 3 và kịp đến tham dự cuộc thi sau đoàn Việt Nam 2 ngày.

“Sau khi từ Mỹ về, trên đường di chuyển do bất cẩn, em đã làm rơi cánh tay robot khiến nó bị vỡ, hư hỏng. Hiện tại, em đang tập trung thời gian để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới nên tạm gác công việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm” - Huy chia sẻ về sự cố hy hữu.

Thầy Nguyễn Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường THPT thị xã Quảng Trị - cho biết lãnh đạo nhà trường, các thầy cô và học sinh rất tự hào về trường hợp của Phạm Huy.

Phạm Huy chia sẻ về những câu chuyện đặc biệt về bản thân cũng như sản phẩm “cánh tay robot dành cho người khuyết tật”.

“Nghiên cứu khoa học có nhiều cấp độ, không phải ai cũng làm được. Với Huy là một trường hợp đặc biệt, xuất phát từ tài năng và đam mê của em ấy. Sự giúp đỡ của thầy cô, gia đình và bạn bè chỉ là một phần nhỏ trong thành công ban đầu của em” - thầy Dũng nói.

Được biết, Huy đã được Trường ĐH FPT Hà Nội tuyển thẳng vào đại học. Sau khi vào học đại học, Huy sẽ dành thời gian để nghiên cứu, hoàn thiện và phát triển sản phẩm “cánh tay robot” để phục vụ được cho nhiều người khuyết tật.

Theo vietnamnet.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

225 lượt xem