Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Triệu Phú Nhập Cư Người Ba Lan Và 5 Bài Học Đắt Giá Cho Các Startup

Thành công mỹ mãn với nhiều công ty giá trị cả chục triệu USD, thế nhưng vị triệu phú ngày nào nhanh chóng trắng tay vì những quyết định sai lầm không đúng lúc.

"Nếu muốn trở thành một doanh nhân thành đạt, đừng theo đuổi tiền", đó là những gì Tomas Gorny, một doanh nhân đứng đằng sau nhiều công ty chia sẻ. Ông cho rằng để thành đạt trên thương trường, một doanh nhân cần tạo nên ý tưởng, sản phẩm tốt chứ không phải chạy theo lợi nhuận.

Lớn lên trong nghèo khó ở Ba Lan, nhập cư vào Mỹ khi chưa được 20 tuổi, Gorny chính là minh chứng điển hình nhất của một doanh nhân thời hiện đại. Làm việc cho một startup, kiếm cả chục triệu USD và rồi trắng tay làm lại từ đầu. Kinh doanh là thế đấy!

Tomas Gorny, người sáng lập nên Nextiva, triệu phú từng trắng tay xây dựng lại cơ nghiệp.

Không nản lòng, Gorny tiếp tục làm lại với Nextiva, một công ty điện toán đám mây ở Arizona với 500 nhân viên. Nhìn lại quãng thời gian khó khăn, Gorny trầm ngâm và đưa ra lời khuyên cho những người đang đi tìm kiếm chính mình, tìm kiếm một tương lai đầy gian khó.

"Đừng bao giờ đánh giá thấp người khác thông qua vẻ bề ngoài hay cách mà họ nói chuyện"

Khi mởi bắt đầu sự nghiệp, Gorny chưa có được sự tôn trọng mà ông có ngày nay từ những đối tác hay đồng nghiệp của mình. Lý do tới từ cái giọng nửa Âu nửa Mỹ và có phần lơ lớ của ông. Đối tác luôn nhìn nhận Gorny là một "thanh niên Ba Lan trẻ tuổi, ngờ ngệch". Thế nhưng, Gorny chẳng bao giờ để tâm tới những vấn đề hay đánh giá đó, ông thể hiện mình thông qua công việc, thành quả và những gì ông làm được.

Mọi sự kính trọng bắt đầu tới với Gorny khi ông có chỗ đứng trên thương trường, từ đó Gorny cho rằng ông đã có được nhiều cơ hội hơn và có những giao dịch tuyệt nhất ông từng có.

Bài học mà Gorny chia sẻ, đó là đừng đánh giá thấp người khác, ngày nay khi gặp đối tác hay tuyển dụng nhân sự, ông nhìn vào bản chất con người, thái độ, trình độ của họ chứ không phải là thân hình đẹp hay phát âm đúng chuẩn.

"Thất bại buồn đấy nhưng đừng sợ nó"

Một trong những công ty đầu tiên của Gorny kinh doanh máy tính cá nhân. Thành lập tại Đức khi Gorny bước sang tuổi 17, ông nhanh chóng bán nó vào năm 1996 để có tiền định cư tại Mỹ. Mặc dù chuyến đi thành công thế nhưng số tiền còn lại của Gorny chỉ đủ để ông sống trong 6 tới 8 tháng.

 

Kiếm được kha khá tiền khi kinh doanh từ khi còn ít tuổi, thế nhưng Gorny không ngờ rằng sẽ có những biến cố lớn trong đời mình.

Khi sang Mỹ, ông làm việc cho một startup tại đây với mức thù lao chỉ 3$ mỗi ngày, ông phải làm đủ thứ việc từ trông xe tới dọn dẹp nhà cửa để có thêm tiền nuôi startup cũng như nuôi chính mình. May mắn thay, mọi nỗ lực của Gorny được bù đắp khi startup thành công và rồi ông bán nó vào năm 1998.

Đây cũng là lúc mọi thứ trở nên phức tạp hơn, có tiền từ phi vụ bán startup, Gorny lập tức đầu tư vào bất động sản. Thế nhưng, ông nhanh chóng mất đi gần hết số tiền đầu tư của mình. Sau 5 năm tới Mỹ, ông lại trắng tay đúng như khoảng thời gian đầu tới đây.

Còn lại 6.000$ tiết kiệm, Gorny dồn toàn tâm trí vào một công ty điên toán đám mây và rồi xây dựng nó trở thành công ty lớn thứ 2 trong cùng lĩnh vực kinh doanh.

"Mọi thứ cần được tiếp cận từ góc nhìn của khách hàng chứ không phải người cung cấp"

Khách hàng chính là nguồn kiến thức, kinh nghiệm dồi dào nhất cho những doanh nhân. Một doanh nghiệp khi có sản phẩm phục vụ được mục đích của khách hàng, nó sẽ mang lại kết quả tích cực. Dưới tư cách là chủ một doanh nghiệp, doanh nhân phải nhạy bén để thích nghi với nhu cầu, xu hướng của khách hàng.

 Họ đang có vấn đề gì? Bạn có thể làm gì để cuộc sống của khách hàng đơn giản hơn?...

Gorny khuyên những người làm startup nên tuỳ chỉnh sản phẩm theo khách hàng chứ đừng cố chấp cho rằng thứ mình tạo ra là tuyệt vời nhất.

"Tập trung vào xây dựng mô hình kinh doanh, đừng nghĩ tới tiền bạc hay những phương án thoát thân khi có sự cố"

Quá trình thành công và rồi thất bại hết lần này tới lần khác đã dạy Gorny tránh tập trung vào tiền. "Khi tôi mất gần hết số tiền mình có, tôi nhận ra rằng để thành công, tôi phải tập trung vào xây dựng giá trị cho khách hàng chứ không phải là chúng tôi sẽ kiếm được bao nhiêu từ mặt hàng cung cấp. Giờ đây, tôi làm việc có quy tắc hơn và nó giúp cả công ty cũng như cá nhân tôi tồn tại", Gorny nói.

 

Thêm vào đó, Gorny tin rằng kêu gọi vốn từ bên ngoài để xây dựng mô hình kinh doanh làm ảnh hưởng lớn tới mô hình đó. Theo ông, nó khiến doanh nhân phải toán tính quá nhiều tới những bài toán rủi ro thay vì tập trung phát triển sản phẩm. "Kinh nghiệm cá nhân của tôi là không xin đầu tư từ bên ngoài. Tôi tin rằng những chủ doanh nghiệp hay doanh nhân nên tập trung vào phát triển sản phẩm cho tốt rồi mới tính tới chuyện rủi ro", Gorny chia sẻ.

"Nếu bạn tập trung quá nhiều vào các phương án rủi ro, bạn sẽ quên mất mục tiêu ban đầu là phát triển mô hình kinh doanh. Nếu tập trung xây dựng mô hình, doanh thu, lợi nhuận đạt được sẽ lớn hơn rất nhiều so với những ý tưởng rủi ro mà bạn vẽ ra".

Theo cafebiz.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

466 lượt xem