Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Từng Thất Bại Ê Chề Khi Mở Shop Quần Áo Trẻ Em, Cô Chủ 8x Tiếp Tục Đứng Dậy Làm Lại Từ Đầu, Xây Chuỗi 28 Cửa Hàng Trên Toàn Quốc

Không có nền tảng kiến thức về kinh doanh hay marketing, Nguyễn Hải Yến mở cửa hàng thời trang trẻ em đầu tiên vào năm 2011, với tài sản duy nhất là niềm đam mê. Việc kinh doanh thất bại khi Yến định vị phân khúc quá cao, tốc độ ra mẫu mới chậm, không đủ hấp dẫn để kéo khách quen quay lại thường xuyên. Nhưng rồi cô đã kiên trì bắt đầu lại từ đổ vỡ.

  Từng thất bại ê chề khi mở shop quần áo trẻ em, cô chủ 8X tiếp tục đứng dậy làm lại từ đầu, xây chuỗi 28 cửa hàng trên toàn quốc Cô chủ của chuỗi cửa hàng K's Closet Nguyễn Hải Yến cùng cộng sự và các model nhí trong chương trình nghệ thuật “Thế giới kì diệu sau tủ áo” tổ chức mới đây.  

“Ngửi mùi nước hoa, một chuyên gia thẩm định có thể nói vanh vách nước hoa này gồm những loại hương gì. Sờ vào một chất liệu, tôi có thể ‘đọc’ được thành phần của nó ra sao, tính ứng dụng thế nào, phù hợp may loại sản phẩm gì”, Nguyễn Hải Yến – chủ nhân chuỗi 28 cửa hàng thời trang trẻ em K’s Closet chia sẻ.

Ngày Yến còn nhỏ, vào khoảng những năm 90's, cũng như bao gia đình khác, mẹ cô thường dành thời gian đan áo, mua vải về cắt may quần áo cho con mặc. Từ những mảnh vải vụn đó, cô bé 8x vốn toàn thích chơi bắn thun, ném lon với tụi con trai trở nên thích may vá, sản phẩm đầu tay chính là những bộ váy áo cho búp bê.

Niềm đam mê ấy cứ lớn dần lên, sau khi có trong tay tấm bằng thạc sĩ, thay vì làm công ăn lương, cô lại mong muốn mở một cửa hàng thời trang dành cho trẻ em.

“Mình luôn tâm niệm về thời thơ ấu của mình và nhớ lại hình ảnh người mẹ ngồi may áo cho con. Mình luôn muốn làm ra những sản phẩm giống như mẹ mình may áo cho mình mặc ngày đó, tức nó không phải những sản phẩm vô hồn mà được trau chuốt tỉ mỉ, có tình yêu thương của mẹ”, Yến chia sẻ.

Cơ hội kinh doanh từ việc cửa hàng Made in Vietnam mọc lên như nấm sau mưa, mà tỷ lệ hàng hóa bên trong made in China lại chiếm đa số!

* Chị có nói mình có khả năng “sờ chất liệu”. Theo chị thì với trẻ con, chất liệu nào là phù hợp nhất?

Nguyễn Hải Yến – Chủ chuỗi cửa hàng thời trang trẻ em K’s Closet: Nếu nói về trẻ em, khẳng định chỉ có 1 chất liệu phù hợp nhất là Cotton.

Trong các chất liệu tự nhiên, có 2 chất liệu có tỷ lệ hàm ẩm cao nhất là Tơ tằm và Cotton. Tơ tằm có tỷ lệ hàm ẩm 13%, Cotton là 8%.

Đương nhiên, trẻ con không thể dùng tơ tằm, vì chất liệu này khó giặt và giá thành rất đắt. Cho nên, cotton là chất liệu phù hợp nhất.

Với K’s Closet, bất kỳ sản phẩm nào mặc sát da, tôi đều chọn tỷ lệ thành phần Cotton rất cao, thường ở mức 95 – 100% Cotton. Với những sản phẩm mặc bên ngoài trở đi, hướng tới yếu tố thời trang, tôi mới giảm lượng Cotton đấy đi.

* Được biết, chị từng gặp thất bại với một cửa hàng thời trang trẻ em trước đó, vì sao sau đấy chị lại quyết định quay trở lại với K’s Closet?

Lý do tôi mở K’s Closet xuất phát từ việc nhìn thấy các cửa hàng Made in Vietnam mọc ra như nấm sau mưa. Trong khi thực tế, những sản phẩm chuẩn "made-in-Vietnam" có trong các cửa hàng ấy chiếm tỷ lệ rất thấp. Phần nhiều là hàng tràn lan, có thể là Made-in-China, hoặc hàng thanh lý với chất lượng may không đảm bảo.

Tôi cho rằng dần dần các cửa hàng đó sẽ không còn là lựa chọn của các bà mẹ. Do đó, tôi mở ra K’s Closet và định hình phân khúc cao hơn các cửa hàng Made in Vietnam chừng 20-30% về giá, nhằm “đón lõng” được những bà mẹ không còn tin tưởng vào nguồn hàng này.

Việc mở một cửa hàng thời trang trước đây và thất bại cũng giúp tôi có thêm trải nghiệm. Nhìn lại việc kinh doanh ngày đó, tôi thấy tôi thất bại là vì mình định hình phân khúc giá cao quá, trong khi đó tỷ lệ bố mẹ mua đồ cho trẻ con nhắm tới các sản phẩm giá cao vào thời điểm ấy là không nhiều.

Ngày đó tôi cũng tự thiết kế và sản xuất, nhưng vì chỉ có 1-2 thợ may, dẫn đến việc không đáp ứng được nhu cầu đa dạng mẫu của thị trường. Có đợt cả tháng chúng tôi không ra thêm một mẫu mới nào.

Với K’s Closet bây giờ, chiến lược tôi theo đuổi là fast fashion (Thời trang nhanh – PV), tốc độ ra mẫu giờ đây là 7 – 10 ngày/đợt.

 

Duy trì chất lượng và “bung” nhanh bằng nhượng quyền, 1 tháng có thể mở tới 3 – 4 cửa hàng

* Cửa hàng K’s Closet đầu tiên chị mở vào cuối năm 2015. Làm sao chỉ trong vòng 2 năm chị mở tới 28 cửa hàng? Nguồn lực tài chính để mở cửa hàng chị có từ đâu, gia đình chị có giúp đỡ?

Gia đình tôi không có nền tảng về tài chính. Tôi phải tự lực đi lên.

Việc mở được số lượng cửa hàng nhanh như vậy, tôi cho là vì 3 yếu tố.

Thứ nhất, tôi có nền tảng sản xuất.

Sau khi thất bại với cửa hàng thời trang năm 2011, tôi vẫn duy trì đơn vị sản xuất ngày đó – một phòng may nhỏ quy mô 25m2. Cái khó ló cái khôn, khi thất bại, tôi lại tìm ra được một đường sống khác – gia công, tập trung vào các sản phẩm dành cho trẻ em. Tôi thậm chí có đơn hàng làm cho Nhật, Mỹ, nhưng chủ yếu vẫn là làm gia công cho Việt Nam.

Công việc làm gia công ngày đó thuận lợi đến mức 3 tháng sau, tôi chuyển sang một xưởng may rộng 50 m2. 6 tháng sau, tôi chuyển sang một căn nhà rộng 80m2 với 3 tầng. Trong năm ấy, tôi cũng phải thuê thêm 3 căn nhà nữa để đáp ứng đủ nguồn cung cho các đơn hàng.

Bạn phải hiểu rằng để tồn tại được trong ngành thời trang, thời gian đầu với K’s Closet, tôi chỉ dám sản xuất 30 sản phẩm/mẫu. Trong khi đó, đơn vị gia công của tôi đã có thể sản xuất 50.000 – 60.000 sản phẩm/tháng. Khi làm thêm K’s Closet thời kỳ đầu, xưởng chỉ cần làm thêm 30 sản phẩm/mẫu/cửa hàng, tức dù số lượng sản phẩm/mẫu ít, tôi vẫn làm được, và làm với chất lượng tốt.

Còn một người mới vào nghề, mà không có nền tảng sản xuất đó, sẽ phải tìm tới những đơn vị gia công kém chất lượng hơn.

Khi bạn đã làm ra được một sản phẩm tốt, bạn phải làm chủ được chất lượng sản phẩm. Nếu bạn đi nhập hàng thì bạn không làm chủ được chất lượng. Cốt lõi của mình là sản phẩm, nên mình đầu tư vào việc lựa chọn nguyên liệu – vốn là thế mạnh của mình. 100% các nguyên liệu K’s Closet đều qua tay tôi lựa chọn.

Thứ 2, tôi phát triển nền tảng về mặt chất xám là phòng ra mẫu, với thế mạnh về hệ thống size số.

Thứ 3, tôi có thể mở rộng cửa hàng nhanh được vì tôi là người tự lập đi lên. Gia đình không thuộc dạng “có điều kiện”, tôi buộc phải tự xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư, phát triển hệ thống nhượng quyền.

Cho nên, giai đoạn đầu tôi mất mấy tháng để xây dựng 1 cửa hàng, về sau tốc độ khai trương của K’s Closet là 3-4 cửa hàng/tháng.

Chương trình biểu diễn thời trang kèm nhạc kịch mới đây của Ks Closet thu hút được rất nhiều các bậc cha mẹ và các em nhỏ. Chương trình biểu diễn thời trang kèm nhạc kịch mới đây của K's Closet thu hút được rất nhiều các bậc cha mẹ và các em nhỏ.

* Trong số 28 cửa hàng, có bao nhiêu cửa hàng chị tự phát triển? Bao nhiêu là cửa hàng nhượng quyền?

Có 8 cửa hàng của công ty, 20 cửa hàng là của các đại lý.

* Nếu tách riêng hoạt động bán hàng từ K’s Closet và hoạt động gia công, hiện tại K’s Closet đã có lợi nhuận chưa?

Công suất gia công của chúng tôi trung bình ở mức 50.000 – 60.000 sản phẩm/tháng. Hiện tại K’s Closet gần như chiếm trọn sản phẩm, thậm chí phải tính chuyện mở rộng hơn nữa, vì tốc độ mở của K’s Closet rất nhanh.

Khâu sản xuất của chúng tôi cho phép có thể giãn nở bất kỳ lúc nào. Tốc độ gia công hàng có thể tăng gấp 5 -10 lần trong vài tuần. Khi thị trường không ổn có thể co lại về con số 10.000 sản phẩm/tháng mà không ảnh hưởng.

* Các xưởng sản xuất có trực thuộc K’s Closet?

K’s Closet chỉ tập trung vào chất xám, sáng tạo, bao gồm các khâu Ra mẫu, Marketing và Kinh doanh. Phần sản xuất chúng tôi không làm mà đẩy xuống các xưởng vệ tinh. Đấy cũng là mô hình mà các hãng thời trang trên thế giới đều làm.

Khi đơn hàng vào ít, chúng tôi có thể giảm bớt các xưởng vệ tinh lại. Các xưởng vệ tinh này tách riêng, không trực thuộc K’s Closet.

* H&M, Zara đã vào Việt Nam, thời trang hướng tới đối tượng nam, nữ, và cả trẻ em. K’s Closet có ngại không?

Đúng là H&M, Zara đã vào Việt Nam, sắp tới là Uniqlo, còn trước đó đã có cả Mango.

Thứ nhất, tôi khảo sát thị trường và thấy rằng giá của 2 đối thủ H&M, Zara cao hơn gấp 3 lần K’s Closet. Cho nên, tôi không quan ngại về giá.

Thứ hai, họ đi thì chỉ đi được các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM, sắp tới có thể là Đà Nẵng, tức các thành phố lớn. Còn K’s Closet làm nhỏ hơn và đi vào mọi ngóc ngách của thị trường.

Zara vào Hà Nội thì chỉ có thể làm cùng lắm là 1 - 2 Stores. Chúng tôi thì đi vào các cửa hàng nhỏ, các khu dân cư, nhắm tới sự thuận tiện của người mua.

Hiện chúng tôi đã phát triển tại Hà Nội và các tỉnh. Các điểm bán của chúng tôi ở các tỉnh rất tốt. Do đó thời gian tới, chiến lược của tôi sẽ tập trung vào thị trường tỉnh, các thành phố lớn trực thuộc tỉnh nhiều hơn. Hiện ở khu vực Hà Nội, K’s Closet đã phủ gần hết rồi.

Theo cafebiz.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,837 lượt xem