Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

6 Việc Cần Tự Chuẩn Bị Cho Bản Thân Trước Khi Xin Học Bổng Và Xin Việc

Học bổng hay xin việc, ước mơ và niềm tin vẫn là điều quan trọng trước hết, vì nó là chìa khoá mở cửa tiềm năng vô ẩn của não bộ. Một sự thay đổi nhỏ trong tư duy có thể mang lại những thay đổi rất lớn cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, ước mơ phải đi kèm những hành động cụ thể mới trở thành hiện thực. Bài viết này chia sẻ 6 việc cụ thể mà anh tin các em nên làm để phát triển bản thân mình. Bài viết không tập trung cụ thể vào vấn đề xin học bổng, du học, hay xin việc và cực kỳ không khuyến khích làm vì thành tích.

 

Anh tin rằng, cái quan trọng trước nhất là phát triển bản thân và rèn luyện kỹ năng tận dụng nguồn tài nguyên xung quanh mình. Làm được việc này, ở đâu anh tin các em cũng sẽ thành công.

 

1. Học thật giỏi
Đúng là điểm số quan trọng. Nó là một tiêu chuẩn mà các em sẽ được đánh giá trong rất nhiều việc, trong đó có xin học bổng và xin việc.

Việc lấy điểm số đặt mục tiêu là tốt, tuy nhiên hãy cẩn thận.

Bất cứ cái gì các em được học, đừng chỉ ghi nhớ. Hãy ngừng lại và suy nghĩ xem mình có thực sự hiểu vấn đề không, có thể sử dụng nó để liên kết với cái đã học ngày hôm qua và giải thích cái sẽ học ngày hôm sau không. Chúng ta sẽ chỉ thích học khi hiểu rõ cốt lõi của cái đang học, vì thế: KHÔNG BAO GIỜ NGỪNG HỎI CÂU HỎI, cho thầy cô, bạn bè, và chính bản thân! Hỏi thật nhiều cũng là một cách để các em phát triển kỹ năng suy nghĩ của mình. Một câu hỏi các em nghĩ là “ngu” có thể là câu hỏi mà nửa đám đông còn lại cũng không có câu trả lời. Hỏi ra thì có thể “ngu” 5 phút, nhưng không hỏi sẽ ngu cả đời. 
Tuy vậy, sẽ có những lúc chúng ta cũng cần ghi nhớ thông tin. Mặc dù hệ thống giáo dục hiện tại chưa có khả năng phát huy được hết trí thông minh khác nhau của mỗi người, chúng ta vẫn có thể tận dụng những điểm mạnh nhất của mình để học giỏi trong trường học cũng như nơi làm việc. Ví dụ, anh là người không tốt với việc ghi nhớ thông tin bằng chữ hay các con số, nhưng lại có trí nhớ tốt về không gian và liên kết sáng tạo. Khi phải ghi nhớ thông tin bằng chữ, anh hay mất tập trung và tưởng tượng ra những thứ vớ vẩn trong đầu. Sau một thời gian, anh nhận ra lý do là vì mình thích suy nghĩ tổng quát hơn là chi tiết. Để khắc phục, anh đã học cách ghi nhớ thông tin bằng cách gắn chúng với những hình ảnh trong đầu rồi vẽ ra giấy, sau đó liên kết với nhau bằng biểu đồ. 
Sau khi dành thời gian để ý bản thân và phát hiện ra được phong cách học của mình, việc còn lại duy nhất là chăm chỉ và dành thật nhiều thời gian để học. May mắn thay, càng học nhiều chúng ta sẽ càng thích và lại càng học nhiều hơn. Hãy cố gắng học giỏi toàn diện, và chọn một môn mà mình yêu thích nhất để học cực kỳ giỏi. Nó sẽ cho các em kiến thức cả chiều sâu lẫn rộng. 

 

2. Tham gia hoạt động ngoại khoá
Rất nhiều bạn và các bậc phụ huynh thường có cái nhìn về hoạt động ngoại khoá/ xã hội là “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng”. Ngược lại, hoạt động ngoại khoá nên được xem là một cơ hội tuyệt vời để chúng ta rèn luyện những kỹ năng không có trong lớp học, từ đó phát triển một con người toàn diện.

Vì thế hãy đầu tư một cách nghiêm túc: tìm những hoạt động mình thích, học hỏi và đóng góp tích cực cho tổ chức, hoạt động đó.

Lưu ý: nên tránh việc nhảy từ hoạt động này sang hoạt động khác chỉ vì nghe hay, hay vì các em muốn làm đẹp hồ sơ của mình. Tham gia 2, 3 câu lạc bộ và có những đóng góp tích cực trong 3 năm THPT sẽ tốt hơn là tham gia 6, 7 hoạt động mỗi thứ một tẹo.

Các nhà tuyển dụng (học bổng, việc làm) sẽ quan tâm tới những kỹ năng và đóng góp mà các em có được ngoài lớp học. Đặc biệt, họ rất thích những bạn biết tận dụng hoạt động ngoại khoá làm cơ hội để ứng dụng môn mình học giỏi vào thực tế. Ví dụ, học giỏi tin học, áp dụng vào việc lập trình một website để các bạn trong lớp có thể trao đổi thông tin về bài tập. Học giỏi kỹ thuật, áp dụng vào việc chế tạo một thiết bị hỗ trợ người khuyết tật. 

 

3. Phát triển kỹ năng lãnh đạo
Tại sao lại phải có kỹ năng lãnh đạo? Cứ làm theo người khác thôi không đủ ư? Có thể có, có thể không, nhưng mà anh tin chắc rằng rất nhiều học bổng, và các công ty đánh giá rất cao những ứng viên có khả năng lãnh đạo. Vì sao? 

Lãnh đạo yêu cầu sự dũng cảm để đảm nhiệm vai trò, sự dám nghĩ lớn để vạch ra tầm nhìn, sự chăm chỉ để có kiến thức, và sự khôn khéo để có thể thuyết phục được người khác. Bởi vậy, lãnh đạo là một cách rất tốt để phát triển bản thân.

Lãnh đạo không nhất thiết phải là sáng lập ra một tổ chức, câu lạc bộ, hội nhóm (tất nhiên nếu có thì tốt). Lãnh đạo là khả năng suy nghĩ, phát triển một ý tưởng và khả năng thu thập các nguồn tài nguyên (con người, thông tin) để biến ý tưởng đó thành hiện thực. Điều này có nghĩa là các em có thể luyện tập kỹ năng lãnh đạo hàng ngày trong các hoạt động ngoại khoá dù không phải là trưởng nhóm đi nữa. Hãy quan sát công việc mọi người xung quanh làm, tìm ra các vấn đề, sau đó quy hội tài nguyên để thực hiện những ý tưởng mà có thể giúp cải tiến hoạt động của tổ chức của mình.

 

4. Học ngoại ngữ
Ngoại ngữ đầu tiên phải học là tiếng Anh, đơn giản vì nó là ngôn ngữ để học tập khi du học và sử dụng ở rất nhiều nơi làm việc hiện nay. Biết sử dụng tiếng Anh là chìa khoá để hiện đại hoá bản thân hay nói xa hơn là trở thành công dân toàn cầu. Dù không có điều kiện vẫn có thể hoàn toàn tự học được. Các em có thể học ngữ pháp và từ vựng từ những cuốn sách tiếng anh trong trường, học nghe từ youtube, và học nói bằng cách ra ngoài đường và nói chuyện với du khách nước ngoài khi có cơ hội. Học viết bằng cách viết blog (sử dụng phần mềm này để sửa lỗi khi viết: https://app.grammarly.com/, hoặc http://www.gingersoftware.com/). Khi anh còn học THPT ở huyện và không có điều kiện để tiếp xúc với người nước ngoài, anh đã cố gắng luyện viết, nghe và nói bằng cách tham gia vào các forum chat tiếng Anh của Yahoo! (giống như Facebook bây giờ) sau đó ghạ ghẫm bất cứ ai online sáng đèn để nói chuyện với mình. 

Ngoài tiếng Anh, hãy học thêm những thứ tiếng khác. Người ta nói biết tiếng Anh có thể giao tiếp mọi nơi trên thế giới. Điều này có thể đúng, nhưng mà tiếng Anh sẽ không đủ để giúp các em khám phá các nền văn hoá không nói tiếng anh. Nhiều nhà khoa học não bộ cũng chỉ ra rằng học nhiều ngôn ngữ sẽ giúp phát triển khả năng suy nghĩ và giải quyết vấn đề của chúng ta. Nhận ra điều này, trong thời gian học đại học, ngoài việc trau dồi tiếng Anh, anh cũng tận dụng cơ hội đi Tây Ban Nha, Mexico và trung Mỹ để học tiếng Tây Ban Nha và Trung Quốc để học tiếng Trung. Bây giờ anh vẫn sử dụng phần mềm hay App Duolingo để luyện tập hai thứ tiếng này.

 

5. Nuôi dưỡng một (hoặc nhiều) sở thích
Nuôi dưỡng cho mình một sở thích không chỉ giúp các em có một công việc để làm lúc thời gian rảnh rỗi, yêu đời và trở nên sáng tạo hơn, mà còn khiến các em trở nên thú vị hơn. Nó có thấy các em không phải là một người nhàm chán mà có những đam mê khác ngoài việc học và công việc chính. Nhưng đừng chỉ dừng ở làm cho vui. Hãy theo đuổi những sở thích của mình một cách nghiêm túc. Nếu chơi nhạc cụ, hãy chơi tới khi có thể biểu diễn nơi đám đông. Nếu thích vẽ, hãy biến những bản vẽ của mình thành một bộ sưu tập. Nếu thích leo núi, hãy chinh phục tất cả những dãy núi đáng chinh phục ở nơi mình ở.

Một lúc nào đó, ai biết đâu được các em có thể biến những đam mê này thành công việc chính kiếm ra tiền cho mình.

6. Đi và trải nghiệm
Học giỏi, điểm số tuyệt vời, tham gia tích cực các hoạt động ngoại khoá, ngôn ngữ tốt và có những sở thích của riêng, giờ là lúc đi. Đi để học hỏi, để được truyền cảm hứng, và quan trọng nhất để tìm ra câu chuyện của chính cuộc đời mình: các em muốn làm cái gì cho tương lai? Không cần đi đâu xa, nếu không có điều kiện, hãy đi ở nơi mình ở trước. Khi học cấp 3 ở huyện, anh hay đăng ký để tham gia các chương trình ở thành phố nhằm có cơ hội gặp gỡ các bạn từ các huyện khác. Rồi không lâu sau, cơ hội dẫn tới cơ hội, bạn bè dẫn tới bạn bè mới, anh được đi Hà Nội, Sài Gòn, rồi từ đó đi ra nước ngoài. Trong quá trình học tập ở nước ngoài, anh luôn tận dụng cơ hội để đi nhiều nhất có thể, vừa để rèn luyện ngôn ngữ, vừa để hiểu thêm về các nền văn hoá khác nhau. Khi đi, hãy để ý, trò chuyện, và học hỏi về cuộc sống của những con người đến từ những tầng lớp giàu nghèo khác nhau. Đi không bao giờ là đủ.

Đây là những việc mà anh vẫn đang cố gắng làm hàng ngày. Các em có thể thử từ từ từng việc một và ghi nhớ đừng bao giờ làm bất cứ việc nào trong số này chỉ để làm đẹp hồ sơ. Hãy làm để phát triển bản thân, rồi những thứ khác – học bổng, công việc, cơ hội – sẽ tự tới.

Cuối cùng, nếu các em hỏi làm thế nào để làm được hết những việc này, câu trả lời duy nhất là thời gian và sự chăm chỉ. Không có cách nào ngắn hơn. Thành công đòi hỏi sự kiên nhẫn và bền bỉ. 

Anh tin rằng, cuộc sống là một cuộc đua và việc của chúng ta là chạy, chạy hết mình. Chúng ta có thể không thấy được đích đến là chỗ nào, cũng giống như chưa biết được khi nào những việc này mới đem lại những thành công cụ thể. Đừng quá lo. Việc duy nhất các em phải làm là chạy, và chỉ cần không bao giờ dừng lại. Mọi thứ khác đã đang chờ sẵn rồi.

Theo: Quang Do

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

673 lượt xem