Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

10 Blog Kinh Tế Hay Nhất Do TIME Bình Chọn Mà Dân Kinh Tế Không Nên Bỏ Qua

Tờ Time vừa đưa ra bình chọn những blog thú vị nhất về tài chính. Từ Paul Krugman cho tới Freakonomics hay Consumerist, đều lọt vào danh sách các blog tài chính nhiều ảnh hưởng và hữu ích nhất. Cùng điểm qua 10 công trình của các blogger nhé.

  1. The Conscience of a Liberal

Justin Fox bình luận: Trong thập niên qua, kinh tế gia Paul Krugman nổi lên như một trong những người chỉ trích gay gắt nhất (đôi khi rất khó nghe) đối với đảng Cộng Hòa – còn về đảng Dân chủ, ông cho rằng còn quá rụt rè. Dù vậy, trước đó, Krugman làm nên tên tuổi của mình trong một giới nhỏ hơn với vai trò là một “chuyên gia xử lý” những gì khó giải thích nhất về mặt chính trị của các hiện tượng kinh tế. Và sớm hơn nữa, ông còn nổi tiếng trong một giới thậm chí còn nhỏ hơn là “siêu” cố vấn về các mô hình toán kinh tế. Tôi biết Krugman giờ đây nhiều ảnh hưởng hơn nhiều, nhưng tôi thích các “phiên bản” trước của ông hơn. Điều thú vị nhất về blog Conscience of a Liberal là – không giống như mục mà Krugman phụ trách ở tờ New York Times – nó giúp ta hiểu rõ hơn về toàn bộ “những” Krugman. Chắc chắn có những lời chỉ trích nặng lời về thái độ của phe cánh hữu, nhưng cũng có những lời giải thích rất hóm hỉnh về chính sách tiền tệ châu Âu và mới đây là về các chương trình tuyên truyền lớn. Dù bạn có thể không thích quan điểm chính trị của Krugman, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều từ ông.

Justin Fox: là tổng biên tập tờ Harvard Business Review và tác giả cuốn The Myth of the Rational Market.

2. Felix Salmon

DeLong bình: Trong cuộc sống, có những thứ hay ho mà bạn muốn đọc cũng như muốn thấy cả nghìn lần. Chúng ta đọc về điều gì đó hay người nào đó đang rất được quan tâm. Và khi chúng ta tình cờ gặp ai đó bên hành lang, chúng ta sẽ hỏi họ vừa đọc được gì thú vị. Blog mở ra cơ hội lớn hơn cho chúng ta gặp mọi người ngoài hành lang, dùng trong trường hợp này chỉ là một hành lang ảo. Và sau đó, bạn lại phải đau đầu suy nghĩ nên gõ cánh cửa nào bên hành lang ảo đó.

Nhưng giữa muôn ngàn blog về tài chính, Felix Salmon vẫn tạo ra sự khác biệt. Kể từ khi bắt đầu làm việc cho Nouriel Roubini, một giáo sư kinh tế Đại học New York và giám đốc công ty dự báo RGE Monitor, Salmon luôn đứng hàng đầu trong danh sách các blog nên đọc của tôi. Tại sao? Bởi ông viết rất giỏi. Bởi ông đọc rất nhiều. Bởi ông vừa thực dụng vừa thực nghiệm: “Điều này chứng tỏ tư duy của tôi đúng!” không phải là thông điệp ông muốn gửi đến mọi ngươi. Và vì ông đọc những thứ khác tôi và nghĩ cũng khác tôi, nên tôi học được rất nhiều.

DeLong là giáo sư Kinh tế Đại học California, Berkeley, và tác giả blog mới được đặt tên lại Grasping Reality with a Sharp Beak.

3. Marginal Revolution

Goldstein bình: Các tác giả của  blog Marginal Revolution đúng là những trí thức của công chúng theo nghĩa hay nhất của cụm từ này: uyên bác, ham hiểu biết, vui vẻ – và có lẽ quan trọng nhất là – luôn vô tư và cởi mở trong các cuộc tranh luận “thực bụng”.

Blog được viết bởi Tyler Cowen và Alex Tabarrok, hai chuyên gia kinh tế tại Đại học George Mason. Họ được biết đến là các chuyên gia kinh tế theo tư tưởng tự do, nhưng Marginal Revolution thường tránh xa các tranh cãi mang tính đảng phái phổ biến trong cộng đồng blogger. Cowen và Tabarrok quan tâm hơn tới việc mở ra một cuộc thảo luận hơn là xem lý lẽ của ai hay hơn.

Cowen, tác giả của hầu hết bài đăng, dường như đọc hết tất cả mọi thứ trên internet mỗi ngày. Cùng với những cuộc thảo luận nghiêm túc, đa chiều về kinh tế (tại sao lương bình quân tại Mỹ lại cứ giậm chân tại chỗ trong nhiều thập niên), bạn có thể tìm thấy cả loạt bài về đời sống hằng ngày (làm sao các thành viên chia sẻ tiền thuê phòng cho hợp lý) và liên kết chia sẻ hết sức thú vị.

Goldstein viết cho blog Planet Money của NPR.

4. Calculated Risk

James Hamilton bình: Nếu bạn chỉ có thời gian theo dõi một blog kinh tế duy nhất, hãy vào blog Calculated Risk, của Bill McBride. Trang này cung cấp cho bạn những bản tóm tắt chính xác và dễ tiếp cận về tất cả các thông tin kinh tế và diễn biến quan trọng. Một trong những lý do McBride có thể làm tốt điều đó là ông có một sở trường kỳ lạ trong việc xác định thông tin nào thực sự cần quan tâm. Ông bắt đầu viết blog này năm 2005 khi ông thấy trước một thảm họa đang tích tụ dưới dạng bong bóng nhà đất, và cố gắng hết sức để cảnh báo cho người Mỹ biết về những gì sắp diễn ra. Tôi gần như không bỏ một bài viết nào của ông từ khi đó, và tôi không biết liệu ông có bao giờ sai không nữa. Lời khuyên của tôi là, nếu bạn đi đến một kết luận khác với McBride về những diễn biến kinh tế sắp xảy đến, có lẽ, bạn nên xem lại kết luận đó!

Hamilton là giáo sư Kinh tế Đại học California, San Diego và đồng tác giả blog Econbrowser.

5. Freakonomics

Robert Frank bình: Như As Stephen J. Dubner viết trên blog ngày 28/2 của mình, Freakonomics, blog vừa chuyển sang một địa chỉ web mới, “đã bắt đầu một cuộc sống của riêng nó”. Tuy nhiên, blog vẫn luôn giữ được nhịp sống hằng ngày nóng hổi của nó.

Mỗi giờ, Dubner và Steven Levitt cùng nhóm chuyên gia Freakonomists lại đưa lên những bài viết hài hước, thú vị về mọi thứ từ phù thủy Romani cho tới sinh tố cà chua, văn hóa đan lát và mua bán thuốc. Chắc chắn bạn cũng sẽ thấy rất thích thú các chủ đề của họ: Tôi không theo dõi bóng đá, nhưng tôi thích các bài viết của họ về NFL (giải vô địch bóng bầu dục Mỹ), cũng như mọi thứ họ viết về mại dâm, tên cho trẻ con, hay việc kinh doanh hoa quả.

Điều kỳ lạ ở Freakonomics là khả năng gieo những ý tưởng lớn – “mặt khuất của mọi thứ – trong các câu chuyện và nghiên cứu về con người đầy sức thuyết phục. Điều tôi tâm đắc nhất là câu chuyện “Lời khuyên bổ ích nhất dành cho bạn”, qua đó ông thuật lại chi tiết một chuyến đánh bắt cá ông tham gia khi 14 tuổi. “Nếu bạn dành toàn bộ thời gian của mình để đi bắt những con cá nhỏ, bạn sẽ không có đủ thời gian – phát triển kỹ năng, hay luyện tập kiên nhẫn – để bắt được những con cá to”, ông kết luận. Đó là bài học về chi phí cơ hội mà không phải ai cũng biết.

Robert Frank là cây bút của tờ Wall Street Journal và tác giả cuốn sách Richistan: A Journey Through the American Wealth Boom và the Lives of the New Rich. Blog của ông có tên the Wealth Report, trên trang WSJ.com.

6. The Consumerist

Brad Tuttle bình: Những ai theo dõi The Consumerist chắc rất thích phàn nàn. Mỗi bài viết trên blog vì người tiêu dùng này luôn được chào đón với hàng chục, nếu không nói là hàng trăm, bình luận từ các độc giả đang rất muốn chỉ trích về chính sách mua lại đáng nghi ngờ của Best Buy, về lệ phí mới ban hành của Bank of America hay bất kỳ động thái nào trong “Túi đấm” Comcast rất được yêu thích của trang. Độc giả của blog Consumerist thậm chí còn được phàn nàn về chính Consumerist: từ năm 2009, khi trang web cắt đứt quan hệ với trang web nặng về chuyện phiếm nhưng rất sắc sảo Gawker Media của Nick Denton và được đặt dưới quyền kiểm soát của Hội người tiêu dùng, nhiều thành viên lập bình luận Consumerist đã mất đi sức mạnh của mình.

7. Ezra Klein

Paul Krugman bình: Ezra đưa ra những phân tích thực về các vấn đề: những thứ bạn thực sự cần biết để đưa ra một quyết định sáng suốt, nhưng chúng lại quá hiếm, ngay cả trong báo chí tài chính.

Thông tin của Ezra rất có giá trị trong cuộc tranh luận về chăm sóc y tế tại Mỹ. Ông thực sự hiểu rõ các vấn đề và muốn các cuộc trao đổi phải làm sao cho hiệu quả và dễ hiểu đối với những người bình thường nhưng lại không quá đơn giản đối với các chuyên gia.

Nếu tôi phải lựa ra mục nào hay nhất của blog, đó chắc chắn sẽ là mục Wonkbook, một bản tóm tắt hằng ngày về các vấn đề quan trọng được quan tâm.

Krugman từng được nhận giải thưởng Nobel Kinh tế và là giáo sư Kinh tế và Quan hệ quốc tế của Đại học Princeton. Ông là chủ bút của tờ New York Times và viết bài blog The Conscience of a Liberal của trang NYTimes.com.

8. Planet Money

David Leonhardt bình: Tôi thích blog Planet Money vì cùng lý do các bài Planet Money đặc biệt trên trang National Public Radio (NPR) về khủng hoảng tài chính vô cùng thành công. Các tác giả Planet Money không nghĩ, cứ phân tích là phải dùng ngôn ngữ chuyên ngành. Họ viết bằng tiếng Anh, không phải biệt ngữ kinh tế.

Cũng có một đặc điểm thú vị nữa trên blog. Tựa đề mỗi bài mới luôn cố gắng diễn đạt tóm tắt nhưng đầy đủ nhất về nội dung của bài. Như tiêu đề bài mới đây về lạm phát: “Inflation! (Is Still Pretty Low)” (Ôi lạm phát! Vậy có còn khá thấp không”

Leonhardt là phóng viên kinh tế của tờ New York Times.

9. Zero Hedge

Paul Kedrosky bình: Bây giờ đây tôi có thể nói tôi đọc quá nhiều Zero Hedge. Tôi lan man theo các trang CNBC hay Wall Street Journal nhưng vẫn thấy “có điều gì hơn thế chứ”. Tôi thấy rõ cái vẻ đăm chiêu của chiến lược gia chứng khoán người Canada David Rosenberg. Sau thời gian dài tiếp xúc với blog này, tôi đã phải tắt đi thiết bị wi-fi của mình, nếu không tôi sẽ bán hết số đôla Mỹ của mình để mua vàng mất, hoặc tôi sẽ mở một blog chống Goldman Sachs và mua một nông trại đậu tương được bảo vệ bằng hào sâu ở Kansas mất.

Tôi luôn bị ám ảnh bởi những thứ đó. Vì thế, dù tôi không đọc Zero Hedge thường xuyên – nó quá bi quan, quá bí ẩn – nhưng tôi vẫn thích vì thấy nó tồn tại. Bất cứ khi nào tôi cảm thấy mọi chuyện có vẻ đang rất ổn trên hành tinh kinh tế, tôi biết có một nơi để thức dậy khỏi ý nghĩ ngớ ngẩn đó.

Kedrosky là cây bút của tờ Bloomberg và tác giả blog Infectious Greed và Paul Kedrosky trên trang Bloomberg.com.

10. The Big Picture

Yves Smith bình: Barry Ritholtz, chủ nhân blog the Big Picture từng ăn hết đĩa thức ăn của tôi, ngay trước bao người mà không hề xin phép. Mọi người ở đó đều thấy vui hơn là thất vọng và nói rất nhiều về anh ta.

Nhưng, với khiếu hài hước cùng khả năng quan sát sắc sảo, ông đã khiến không ít người, kể cả các học giả, luật sư, hay thậm chí quan chức, phải ngượng mặt hơn thế.

Các bài đa dạng của trang web, trong đó có cả những chia sẻ củ cả những chuyến gia thị trường tài chính khác, còn cung cấp cho bạn những phân tích nhanh về các báo cáo kinh tế cũng như tin tức mới.  Nhưng Big Picture còn đi xa hơn cả việc là một nguồn thông tin quan trọng cho người chơi chứng khoán. Và trên đây ông cũng chia sẻ thông tin về những đam mê cá nhân, như nhạc jazz, thiết bị công nghệ và xe hơi sang trọng.

Yves Smith là tác giả cuốn sách ECONned và chủ nhân blog Naked Capitalism.

Theo vef.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,235 lượt xem