Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

12 Thói Quen Xấu Khiến Bạn Làm Việc Kém Hiệu Quả Hơn

Vội vã vào buổi sáng, liên tục dùng điện thoại hay làm việc qua giờ ăn trưa… đều là những thói quen xấu, làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Tuy nhiên, chúng ta lại thường xuyên mắc những thói quen trên, cộng thêm một số thói quen xấu khác nữa. Vậy cụ thể chúng là những gì, và làm sao để khắc phục chúng, hãy tham khảo bài viết này nhé.

Cắn móng tay. Nhai khi đang mở miệng. Nói năng thiếu suy nghĩ. Đây là những hành động chúng ta thường nghĩ đến khi nhắc tới “thói quen xấu”.

Vậy còn những thói quen xấu đang làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của bạn thì sao?

Có những thói quen nhiều người vẫn mắc phải mỗi ngày, mà theo nghiên cứu khoa học thì chúng thực sự gây ảnh hưởng tới năng suất làm việc của chúng ta. Càng ý thức rõ hơn những tác động xấu của nó, bạn sẽ càng chủ động và có trách nhiệm hơn trong mỗi lựa chọn của chính mình.

Hãy tự hỏi bản thân: Mình có mắc phải những thói quen xấu này không? Nếu câu trả lời là có thì đã đến lúc bạn phải từ bỏ chúng.

1) VỘI VÃ VÀO BUỔI SÁNG

Tất cả chúng ta ai cũng có những buổi sáng vắt chân lên cổ mà chạy, và hầu như chẳng có đủ thời gian đánh răng trước khi bay ra khỏi nhà để kịp giờ tới văn phòng. Khiến cho buổi sáng lúc nào cũng quay như chong chóng sẽ trở thành thói quen xấu, gây những hậu quả tiêu cực đến trạng thái cảm xúc và năng suất làm việc cả ngày của bạn.

Khi bạn bắt đầu một ngày với cảm xúc bấn loạn, điều này có nghĩa bạn không cho não thời gian để khởi động lại, tái thiết lập cơ cấu các nơron thần kinh và sẵn sàng cho một ngày mới. Thay vào đó, thứ đầu tiên bạn bơm vào não bộ của mình lại là hormone adrenaline, điều này có thể khiến bạn dễ sập ngay trong ngày.

Nếu bạn thiếu thời gian và không gian để hít thở vào buổi sáng, hãy thử dậy sớm hơn khoảng 10-30 phút và khởi động bằng một bài thiền định nhanh. Theo một nghiên cứu năm 2012 chỉ ra, những người tập thiền sẽ "kiên trì trong công việc và ít có xu hướng chuyển đổi công việc hơn, cũng như ít đưa ra các phản hồi tiêu cực sau khi thực hiện công việc." Bạn hãy thử sử dụng phần mềm miễn phí Headspace để làm quen với thiền: Nó sẽ cung cấp cho bạn 10 buổi thiền định hướng dẫn miễn phí với tùy chọn đăng ký thuê bao hàng tháng.

2) BỎ BỮA SÁNG

Tôi chưa bao giờ cho phép mình bỏ bữa sáng, nhưng tôi biết là có nhiều người đang làm thế. Cho dù lý do của bạn là quá vội vã (xem # 1) hay không cảm thấy đói, thì việc thưởng thức một bữa sáng ngon miệng cũng không phải là ưu tiên hàng đầu của nhiều người.

Nhưng mọi người nên coi trọng bữa sáng. Tại sao lại như vậy? Bởi vì, về mặt khoa học, khi bạn ngủ là bạn đang nhịn ăn - điều này có nghĩa là, khi thức dậy lượng đường trong máu của bạn đang ở mức thấp. Lượng đường trong máu thấp chính là nguyên nhân tại sao nhiều người trong chúng ta cảm thấy mệt mỏi, lơ đãng, và thậm chí là cáu bẳn với những thứ nhỏ nhặt vào buổi sáng. Cho dù bạn không muốn ăn, nhưng nhu cầu cơ thể bạn đòi hỏi những điều đó để nó có thể duy trì hoạt động như một con người bình thường.

Vậy thay thế đồ ăn bằng cafe có được không? Chắc chắn một điều là caffeine sẽ kéo bạn khỏi cơn buồn ngủ vào buổi sáng. Tuy cà phê có thể giúp bạn khỏi bị tụt đường huyết, nhưng nó sẽ không đáp ứng được nhu cầu về lượng thực phẩm của bạn. Trên thực tế, điều này có thể khiến bạn gặp phải sự cố trong ngày, và thực sự có thể làm hại đến năng suất của bạn.

Ưu tiên cho bữa sáng lành mạnh là chìa khóa để tăng năng suất trong cả ngày dài còn lại. Hãy thử những món ăn sáng lành mạnh chứa chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất, chúng sẽ giúp cung cấp năng lượng cho bạn. Các thực phẩm giàu vitamin B như bột yến mạch, chuối, dứa và bơ có thể giúp cải thiện sự tập trung. Bạn nên tránh những loại thực phẩm chứa nhiều đường vào bữa sáng như ngũ cốc ngọt, bánh rán, và thậm chí là cả những chiếc bánh vòng bé xinh.

3) GIẢI QUYẾT NHỮNG THỨ DỄ DÀNG TRƯỚC

Bạn sẽ cảm thấy hứng khởi hơn khi giải quyết hết sạch những nhiệm vụ dễ xơi trước khi bắt tay vào làm những thứ khó khăn hơn. Điều này đặc biệt đúng khi bạn đang chán ngán với những nhiệm vụ đầy thử thách. Bạn cứ đẩy nó ra xa và xa tít, khỏi to-do list của mình ... cho đến khi bạn quên béng mất và chẳng động tay vào nó hàng ngày, thậm chí là hàng tuần.

Tuy nhiên, giải quyết sớm những công việc khó khăn nhất trong danh sách to-do list thực sự có lợi hơn cho năng suất tổng thể của bạn. Theo cuốn The Willpower Instinct, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sức mạnh ý chí là một nguồn tài nguyên có hạn và giảm dần đều trong suốt cả ngày. Vì vậy, não của bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn khi bạn tập trung vào việc xử lý những nhiệm vụ khó khăn nhất ngay đầu từ ngày.

Vào buổi sáng, bạn cũng có xu hướng ít mất tập trung và dễ dàng làm xong mọi thứ hơn. Đồng nghiệp của tôi, James Gilbert, gợi ý rằng mọi người nên "tận dụng thời gian buổi sáng để xoay vòng qua các dự án trọng yếu mà không bị phân tâm, và để dành các cuộc gọi hoặc cuộc họp trực tuyến cho buổi chiều”.

Tạo danh sách các việc cần làm là cách dễ dàng nhất để ưu tiên công việc một cách hiệu quả. Mỗi người đều có những cách lập to do list của riêng mình, vì vậy bạn nên nghiên cứu những phương hiện này nhằm tìm ra cách hiệu quả nhất cho mình.

4) KIỂM TRA VÀ TRẢ LỜI EMAIL NGAY LẬP TỨC

Email là công cụ giúp chúng ta làm việc chứ không phải là thứ gây phân tâm trong công việc. Nhưng tại sao lúc nào nó cũng khiến ta cảm thấy năng suất làm việc của mình bị xuống dốc?

Khi có nhiều thư đến liên tục trong một hòm thư đầy ắp, chúng ta sẽ cố gắng kiểm tra và hồi đáp lại tất cả các email ngay lập tức. Việc nhận thông báo email trong thời gian thực chắc chắn không ảnh hưởng đến năng suất của bạn, mà việc nhảy tới lui giữa các nhiệm vụ công việc và trả lời email mới thật sự làm tổn hại năng suất của bạn.

Để giúp bạn tập trung hơn, hãy tắt các thông báo email khó chịu này và giới hạn kiểm tra email của bạn trong các quãng nghỉ cụ thể.

Tắt thông báo trong Gmail: Nhấp vào biểu tượng bánh răng và chọn "Cài đặt" Trong tab "Chung", kéo xuống phần "Thông báo trên Máy tính để bàn". Từ đó, chọn "Tắt thông báo qua thư" và nhấp "Lưu Thay đổi" ở dưới cùng của trang.

Nếu bạn lo lắng về việc bỏ lỡ mất một email quan trọng, hãy chọn "Thông báo email quan trọng" và Gmail sẽ chỉ cho bạn email mà bạn cho là quan trọng đối với bạn dựa trên hoạt động trong quá khứ.

Để tắt cảnh báo trong Outlook: Trên menu "Công cụ", nhấp vào "Tùy chọn". Mở tab "Preferences" và nhấp vào "E-mail Options", sau đó là "Advanced E-mail Options". Dưới phần "Khi mục mới xuất hiện trong Hộp thư đến của tôi", hãy bỏ chọn hộp kiểm "Hiển thị hộp thư Hộp thư Mới (Hộp thư Hộp thư Mặc định).

Pro tip: Ngay cả khi đang kiểm tra email, bạn cũng không cần trả lời từng cái ngay lập tức. Nếu bạn lo rằng mình sẽ quên mất bất cứ một email nào, tôi khuyên bạn nên sử dụng phương pháp của Andreas Klinger để kiểm tra email trong Gmail.

Tiền đề đằng sau phương pháp của ông là phân loại email thành các email khẩn cấp mà cần hành động / trả lời ngay, email không khẩn cấp mà cần hành động / trả lời sau, email đang chờ trả lời và email mà bạn ủy thác cho người khác.

 

5) KIỂM TRA FACEBOOK VÀ CÁC MẠNG XÃ HỘI KHÁC CỦA BẠN

Tất cả những thứ "dễ phân tâm" đều đến từ các thông báo mạng xã hội. Thật ra chúng ta có sự thôi thúc về mặt tâm lý là phải kiểm tra các thông báo trên mạng xã hội, rất khó để mà check News Feeds "chỉ một lần thôi", nên cuối cùng thì chúng ta cứ liên tục lướt web một cách vô thức.

Như đồng nghiệp Scott Tousley của tôi nói, "Chúng ta đang rơi vào bể tình cuồng si với sự phân tâm của chính mình".

Anh bạn Alec Biedrzycki của tôi đã giải quyết vấn đề này bằng cách xóa hết tất cả các trang mạng xã hội khỏi trình duyệt của mình. Cậu  nói: "Ngay cả khi tôi không có ý định truy cập mạng xã hội, thì cũng có sự hối thúc không kiểm soát được khiến tôi click chuột vào chúng. Bạn có thể bị hút vào mà không hề hay biết (hoặc thậm chí khi có chủ đích truy cập), do đó loại bỏ được cửa ngõ vào các mạng lưới đó mới giúp tôi làm việc được tiếp.”

Để tắt thông báo trong Google Chrome

Mở Chrome, nhấp vào "Chrome" trong thanh Menu ở trên cùng bên trái của màn hình và chọn "Preferences" từ Menu thả xuống. Trong cửa sổ trình duyệt mới xuất hiện, chọn "Cài đặt" từ trình đơn ở phía bên tay trái màn hình của bạn và nhấp vào "Hiển thị Cài đặt Nâng cao" ở dưới cùng. Trong phần "Bảo mật", nhấp vào "Cài đặt nội dung". Cuộn xuống phần "Thông báo".

Từ đây, bạn có thể chọn "Không cho phép bất kỳ trang web nào hiển thị thông báo" nếu bạn muốn tắt chúng đi. Nếu không, nhấp vào "Quản lý ngoại lệ" và xem những gì Chrome hiện cho phép thông báo, và sau đó thay đổi danh sách đó theo ý bạn.

6) LIÊN TỤC DÙNG ĐIỆN THOẠI TẠI NƠI LÀM VIỆC

Giơ tay lên nếu bạn có hơi hoảng hốt khi nhận ra mình không mang theo điện thoại - dù cho bạn chỉ đang ngồi ở bàn làm việc, tham dự một cuộc họp, cầm một cốc cà phê, hay thậm chí đi vào nhà vệ sinh. (Tôi cũng hay mắc phải thói quen này)

Một lý do mà Blackberries được gọi vui là "Crackberries" (Crack là một loại ma túy gây nghiện cao) khi chúng trở nên phổ biến: Đó là bởi vì điện thoại thông minh có lẽ là thứ dễ gây mất tập trung nhất trên hành tinh này. Và nếu bạn cứ luôn kè kè điện thoại bên mình trong công việc, thì bạn đang đặt mức năng suất của mình vào một mối nguy cơ rồi đấy.

Một nghiên cứu vào năm 2015 trên Tạp chí Tâm lý học Thử nghiệm: Nhận thức và Hiệu suất của Con người cho biết khi mọi người đang thực hiện một nhiệm vụ đòi hỏi sự tập trung cao độ mà nhận cuộc gọi hay nhắn tin trả lời trên điện thoại của mình, họ có xu hướng đưa ra nhiều câu trả lời sai và có những phỏng đoán gấp hơn. Còn khi họ nhận được thông báo có cuộc gọi đến - ngay cả khi họ không nhấc máy - thì xác suất họ phạm sai lầm cũng gấp 3 lần. Trên thực tế, tỷ lệ lỗi sai là giống nhau cho dù người đó có trả lời điện thoại, tin nhắn hay không.

Tại sao nhận tin nhắn hay cuộc gọi lại làm tổn hại đến năng suất của chúng ta nhiều như vậy? Từ nghiên cứu này các nhà khoa học chỉ ra rằng, mặc dù thời điểm gián đoạn thực sự ngắn ngủi, nhưng chúng ta bị ngắt mạch suy nghĩ trong thời gian dài hơn đáng kể, và rất khó để lấy lại được sự tập trung ban đầu.

Có rất nhiều cách khác nhau để hạn chế chứng nghiện điện thoại của bạn. Đơn giản nhất là đặt điện thoại của bạn ở chế độ im lặng và để nó ra chỗ khác khi bạn đang làm việc. Nếu không cắt nổi cơn nghiện, hãy thử dùng một ứng dụng như kiểu Forest. Ứng dụng này sẽ nhắc bạn trồng cây ảo khi bạn bắt đầu làm việc, cây sẽ "lớn lên" trong vòng 30 phút.  Bạn càng không sử dụng điện thoại trong khoảng thời gian 30 phút, thì khu rừng của bạn phát triển càng rộng lớn hơn. Nhưng nếu bạn thoát khỏi ứng dụng, bạn sẽ phải bắt đầu lại hết từ đầu.

7) TRÌNH DUYỆT LỖ ĐEN

Bạn có hiểu cảm giác khi mình tìm kiếm cái gì đó trên Internet, rồi nhấp vào "bài viết có liên quan" hoặc liên kết khác, và trước khi bạn kịp nhận ra những gì mình đang làm, thì bạn đã tìm kiếm cho tới tận Cách mạng tháng 10 Nga rồi.

Đầu tiên phải thừa nhận là: Tôi làm điều này rất nhiều. Đó chính là tác dụng phụ nguy hiểm của công việc đòi hỏi phải nghiên cứu internet. Đây là kiểu duyệt web vô thức khi bạn không làm việc hay đang nghỉ giải lao. (Thực tế thì tôi có một danh sách tuyệt đỉnh về các trang web hay ho để đốt thời gian trên mạng). Nhưng đây lại là điều hoàn toàn khác khi bạn phải làm việc thực tế.

Đó là kiểu lướt web vô thức mà Tousley hay gọi là "trình duyệt lỗ đen" và nó trở thành một trong những chứng nghiện tâm lý hấp dẫn nhất.

Việc cảm thấy mình như bị lạc trong lỗ đen là điều không thể tránh khỏi, nhưng có những công cụ trên mạng có thể giúp bạn ngăn chặn điều đó xảy ra. Ví dụ: StayFocusd là một tiện ích mở rộng của Google Chrome, nó phá vỡ chu trình duyệt lỗ đen bằng cách chặn các trang web làm mất tập trung sau một khoảng thời gian nhất định. Bạn sẽ có khoảng thời gian để duyệt một trang web nhất định mỗi ngày và sau khi thời gian đó hết hạn, bạn sẽ nhận được thông báo này trong trình duyệt của mình.

8) LÀM VIỆC QUA GIỜ ĂN TRƯA

Ăn uống tại bàn làm việc không chỉ khiến bạn rối loạn nhân cách phản xã hội mà theo như NPR, nó còn "có hại cho suy nghĩ, có hại cho sự sáng tạo, có hại cho năng suất, (và) có hại cho cơ thể của bạn". Đáng buồn thay, chỉ có một trong năm người thực sự rời khỏi bàn làm việc hoặc văn phòng để nghỉ trưa.

Công bằng thì, nếu bạn là một trong số những người ăn trưa tại bàn làm việc thay vì nghỉ giải lao, thì đó không phải lỗi của bạn. Có lẽ việc nghỉ trưa không được xây dựng trong văn hóa công sở ở nơi làm việc của bạn, hoặc có thể bạn có một deadline đang đuổi sát nút khiến bạn phải vắt kiệt từng khoảng thời gian tỉnh táo của mình.

Nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng nghỉ trưa có thể khiến tinh thần phấn chấn hơn, và năng suất làm việc sẽ cao hơn thay vì cắm mặt vào bàn làm việc với một miệng đầy thức ăn. Cách tốt nhất để nghỉ trưa là tự mình rời khỏi bàn làm việc, văn phòng và ăn uống ở nơi khác như quán ăn tự phục vụ, nhà hàng, hoặc công viên công cộng. Để tốt hơn thì hãy xây dựng mạng lưới quan hệ của bạn tại nơi làm việc bằng cách ăn trưa với một đồng nghiệp.

9) KHÔNG LẮNG NGHE

Một trong những hậu quả đáng buồn của việc liên tục bị phân tâm là bệnh chỉ chú ý một nửa - và nghĩ rằng như thế là đủ rồi. Có thể bạn nghĩ là khi người khác đang nói chuyện còn bạn thì không, tức là bạn đang lắng nghe họ. Tuy nhiên, theo Andrew Quinn, đồng nghiệp của tôi viết trong bài viết của anh về những thói quen đàm thoại tồi tệ, thì hoàn toàn không phải như thế. "Câu hỏi thực sự là bạn đang lắng nghe ai khi (người khác) đang nói chuyện", anh viết. "Tôi dám cá là bạn dành phần lớn thời gian để lắng nghe những tiếng nói trong đầu bạn hơn là nghe người đối diện".

Tiếng nói đó đến khi bạn đang đọc email,  hay kiểm tra xem tại sao điện thoại mình báo rung. Nếu ở trong một cuộc họp, bạn thực sự có thể chú ý bao nhiêu khi máy tính xách tay của bạn đang mở?

Không chú ý lắng nghe không chỉ khiến bạn trả giá bằng những mối quan hệ, mà nó còn có thể khiến bạn mất thời gian để nghe lại bất cứ những thông tin mà bạn đã bỏ lỡ. Trở thành người nghe chủ động là yếu tố quan trọng để trở nên thông minh hơn. Tức là bạn thực sự, hoàn toàn phải chú ý đến những gì mọi người đang nói, và đó là một kỹ năng để bạn phân biệt được giữa cuộc sống cá nhân và công việc của bạn.

10) NÓI "CÓ" VỚI MỌI CUỘC HỌP

“Rơi vào trạng thái phiêu” là khi bạn tập trung đến độ bạn hầu như không còn chú ý gì đến môi trường xung quanh. Đó là chìa khóa để có được niềm vui trong công việc cũng như năng suất làm việc tối đa.  

...Và không có gì tệ hơn việc làm gián đoạn dòng suy nghĩ đó bằng một buổi họp. Đặc biệt đây lại là một một buổi họp vô thưởng vô phạt. Một người trung bình lãng phí 31 giờ cho các cuộc họp vào mỗi tháng. Những cuộc họp không cần thiết này là những sự kiện mà bạn hoặc người tổ chức không chuẩn bị, và bạn thực sự chẳng cần phải tham dự.

Vậy bạn có muốn lấy lại 31 tiếng phí phạm đó không? Dưới đây là một vài gợi ý:

  • Hãy chắc chắn bạn chỉ đến các cuộc họp mà bạn thực sự cần tham gia. Nếu bạn thấy mình không đóng góp tích cực gì trong buổi họp, hãy lịch sự nói cho người mời họp biết rằng bạn sẽ không tham dự.
  • Nếu bạn là người mời họp, hãy gửi thư mời, mô tả hoặc có một số thông báo trước cùng với lịch họp cho người tham gia. Điều này sẽ giúp họ hiểu được lý do họ được mời hoặc tại sao họ cần phải có mặt ở đó. Hãy thử sử dụng một ứng dụng như Do hoặc Solid để tổ chức và điều hành buổi họp.
  • Lên kế hoạch họp hàng loạt nếu có thể. Đây là một cách để đảm bảo thời gian của bạn được sử dụng hiệu quả ngoài những cuộc họp vì phải mất 25 phút để người ta tập trung trở lại sau khi chuyển công việc đang làm.

11) ĐA NHIỆM (MULTITASKING)

Đa nhiệm là việc hầu như không thể tránh khỏi cuộc sống hiện đại, và nó được gắn liền với lối sống của chúng ta. Nhưng nghiên cứu cho thấy đa nhiệm có thể khiến chúng ta hoạt động kém hiệu quả, làm tăng sai sót, căng thẳng, và gây tổn thất cho nền kinh tế toàn cầu lên tới 450 tỷ USD mỗi năm.

Nghĩ xem bạn có phải là một ngoại lệ không? Hãy xem xét điều này: Chỉ có 2% dân số có khả năng thực hiện đa nhiệm hiệu quả. Đối với 98% dân số còn lại, chúng ta giảm 40% năng suất và gây ra sai lầm nhiều hơn đến 50% so với những người không thực hiện đa nhiệm.

Bạn có nhớ thói quen xấu không lắng nghe cẩn thận vừa được kể trên không? Mọi người làm điều đó rất nhiều trong các cuộc họp khi mà họ cố gắng thực hiện nhiều công việc cùng một lúc, dù chỉ là đọc và trả lời email, tin nhắn, lướt mạng xã hội, hay làm cái gì đó khác. Trên thực tế, 92% các chuyên gia thừa nhận họ thực hiện đa nhiệm trong các cuộc họp, và 41% thừa nhận họ làm thường xuyên hoặc mọi lúc.

Thoát khỏi thói quen làm nhiều việc cùng lúc rất khó, nhưng chắc chắn bạn có thể thực hiện được. Xóa các thông báo khỏi máy tính làm việc (xem # 5) và để điện thoại di động của bạn ra xa (xem # 6) là hai cách tuyệt vời để bắt đầu từ bỏ thói quen này. Những ý tưởng khả thi khác như đề ra qui định không dùng máy tính xách tay trong khi họp, áp dụng kỹ thuật Pomodoro ( bạn sẽ làm việc theo các pha dựa trên nhịp sóng siêu âm tự nhiên của cơ thể) và lập kế hoạch trong ngày thành từng khối bao gồm những quãng nghỉ.

12) DÙNG ĐIỆN THOẠI TRƯỚC KHI ĐI NGỦ

Bạn có bao giờ nằm ​​trên giường, tắt hết đèn và dành vài phút lướt điện thoại để trả lời các tin nhắn và email, kiểm tra mạng xã hội? Nào, hãy giơ tay lên nếu vài phút đó đã biến thành nửa tiếng, 45 phút, hoặc thậm chí cả tiếng đồng hồ.

Thử tưởng tượng xem bạn sẽ ngủ được nhiều hơn bao nhiêu nếu bạn đi ngủ luôn từ lúc tắt đèn.

Nhưng một giấc ngủ đảm bảo không chỉ đánh giá dựa trên “lượng” mà còn cả về “chất”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người nhìn vào màn hình thiết bị di động ngay trước khi đi ngủ sẽ có giấc ngủ kém chất lượng, ngay cả khi họ ngủ nhiều như những người không nhìn vào đồ điện tử trước khi đi ngủ. Điều này là do sự hiện diện và biến mất của ánh sáng xanh sẽ cho não bộ biết liệu chúng có nên giải phóng các hormone gây buồn ngủ melatonin để bạn thấy buồn ngủ hay không. Bởi vì ánh sáng LED phát ra từ màn hình các thiết bị điện tử của chúng ta gần giống với ánh sáng ban ngày, nên nó sẽ đánh lừa bộ não của chúng ta rằng đây là ban ngày, và khiến chúng ta càng tỉnh táo hơn.

Cách tốt nhất để phá vỡ thói quen này là gì? Hãy mua một chiếc đồng hồ báo thức chứ đừng dùng điện thoại của bạn, và hãy sạc điện thoại của bạn trong một phòng riêng biệt để tránh hoàn toàn sự cám dỗ từ việc kiểm tra nó. Nếu bạn lo lắng sẽ lỡ mất một cuộc gọi khẩn cấp, hãy thử gửi các tin nhắn cuối cùng trong vòng 30-60 phút trước khi đi ngủ. Thực hiện hết những điều này sẽ giúp bạn ngủ nhiều hơn và giấc ngủ sẽ có chất lượng cao hơn, nhờ đó bạn sẽ hoạt động với năng suất cao nhất vào ngày hôm sau. (Đọc bài đăng trên blog này để biết mẹo về cách tận dụng tối đa giấc ngủ của bạn).

Theo Saga.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,112 lượt xem