Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

14 Từ Nên Tránh Trong Phỏng Vấn, Liệu Bạn Có Biết?

“Ngay cả tông giọng, ngôn ngữ cơ thể cũng là một trong các tiêu chí để đánh giá bạn có phải là ứng viên phù hợp không”, ông Kerr nói.

Ngoài việc nộp CV với đầy lỗi chính tả thì cách nhanh nhất để bạn tuột mất cơ hội có công việc mơ ước đó chính là làm hoặc nói những từ nên tránh trong phỏng vấn.

Ông Michael Kerr, diễn giả quốc tế về kinh doanh và cũng là tác giả của cuốn sách “The Humor Advantage” nói, “Mỗi năm đều có nhiều bản khảo sát liệt kê những điều ngớ ngẩn mà các ứng viên làm hoặc nói trong buổi phỏng vấn. Có một điều đơn giản mà nhiều người vẫn không hề nhận ra: Những gì bạn nói trong buổi phỏng vấn có ảnh hưởng vô cùng lớn. Nên nhớ đó là buổi để bạn thể hiện tài năng của mình.”

Nhà tuyển dụng phỏng vấn ứng viên để đánh giá khả năng sáng tạo, tư duy nhạy bén, chỉ số EQ và thái độ của bạn có phù hợp với công việc hay không. Bạn nên nhớ rằng cách bạn nói cũng quan trọng không kém.

“Ngay cả tông giọng, ngôn ngữ cơ thể cũng là một trong các tiêu chí để đánh giá bạn có phải là ứng viên phù hợp không”, ông Kerr nói.

Dưới đây là 14 từ mà trang Business Insider khuyên bạn không nên dùng nếu như muốn vượt qua vòng phỏng vấn.

1. Lo lắng

Ngay cả trong buổi phỏng vấn bạn vô cùng lo lắng thì không một công ty nào muốn thuê một nhân viên thiếu tự tin cả.

Đừng nói với nhà tuyển dụng bạn đã và đang lo lắng như thế nào trước buổi phòng vấn. Trong trường hợp này, thành thật không phải là lựa chọn khôn ngoan nhất. Hãy tỏ ra tự tin cho đến khi bạn kết thúc buổi phỏng vấn.

2. Tiền, lương, hoa hồng, v.v

Bạn đừng bao giờ nói đến tiền lương ngay khi bắt đầu buổi phỏng vấn.Chỉ chú trọng vào tiền lương khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn đi làm chỉ vì tiền trong khi các nhà tuyển dụng lại tìm kiếm ứng viên dựa trên tiêu chí phù hợp với sứ mệnh và giá trị của công ty.

Nếu bạn muốn thương lượng lương bổng, hãy đàm phán vào cuối hoặc sau buổi phỏng vấn.

3. Điểm yếu

Một lời khuyên dành cho bạn đó là đừng bao giờ tự khai điểm yếu hay khuyết điểm của bạn nếu như không được hỏi “Đâu là điểm yếu lớn nhất của bạn?”.

Và cũng đừng bao giờ nhắc đến những thiếu sót bạn mắc khi làm việc trừ khi bạn lấy những thiếu sót đó để chứng minh rằng mình đã khắc phục chúng ra sao.

4. Cần

Bạn đừng nên bắt đầu cuộc nói chuyện với “Tôi cần”. Bởi buổi phỏng vấn là lúc để nói về điều “họ cần” và bạn có thể làm gì để đáp ứng yêu cầu của họ. Khi nói về những điều bạn cần trước chỉ khiến nhà tuyển dụng nghĩ bạn là một người thích đòi hỏi và khó để làm việc cùng.

Và bạn cũng đừng nói rằng bạn thật sự cần công việc này do hoàn cảnh hiện tại xô đẩy. Nhà tuyển dụng sẽ coi đây là một khuyết điểm, và một lần nữa hãy nhớ rằng, họ tìm kiếm ứng viên đang theo đuổi sự nghiệp chứ không phải một công việc.

5. Quyền lợi

Thể hiện bạn thích những đặc quyền của công ty như không phải đi làm vào cuối tuần hay công ty có đồ ăn nhẹ miễn phí ư? Đừng làm vậy nhé bởi nó tạo cho nhà tuyển dụng cảm giác bạn chỉ quan tâm về quyền lợi được hưởng thay vì những thứ bạn có thể đóng góp cho công ty.

6. Kinh khủng, ghét, v.v

Trong buổi phỏng vấn, bạn nên tránh dùng những từ ngữ mang nghĩa tiêu cực, đặc biệt là khi bạn nói về sếp hiện tại hoặc sếp cũ.

Ngay cả khi nhà tuyển dụng yêu cầu bạn nói, cũng đừng nói. Nó không nâng giá trị của bạn lên mà chỉ đang hạ thấp bạn xuống mà thôi. Nó cũng cho thấy không sớm thì muộn bạn cũng sẽ nói những lời không hay về bất kì công ty hay vị sếp nào.

7. Ổn

Hãy chọn một từ khác thay vì nói “Tôi ổn” khi được hỏi “Bạn cảm thấy như thế nào?”, Darlene Price, giám đốc của Well Said và tác giả của cuốn “Well Said! Presentations and Conversations That Get Results” nói.

Trong bất kì tình huống nào khi bạn nói về cảm xúc hoặc tâm trạng hiện tại thì từ “ổn” là một từ chung chung và bị lạm dụng quá mức. Khi dùng từ này bạn có thể bị cho là không thành thật và tùy tiện. Hãy chọn từ khác để nói về tâm trạng thực sự của bạn nếu muốn trở nên đáng tin hơn nhé.

8. V–, Đ— v.v

Hiển nhiên, tiếng lóng hay những từ thô tục đều không được dùng trong buổi phỏng vấn nếu như bạn không muốn thể hiện rằng mình giao tiếp quá kém. Ngay cả khi mọi người cùng đi nhậu sau buổi phỏng vấn và ai cũng nói vậy thì bạn cũng đừng nên nói. Nếu trong hoàn cảnh vô cùng thoải mái, hãy tìm cách diễn đạt hoặc dùng ngôn ngữ cơ thể để diễn tả điều bạn muốn nói.

9. À, ờ, ừm

Những từ đệm thường được dùng khi bạn không chắc chắn về điều mình sắp nói. Trong buổi phỏng vấn, những từ đệm như “à”, “ờ”, “ừm” tạo cảm giác bạn không tự tin hay tệ hơn là bạn không thành thật.

10. Xin lỗi

Một vài người nói ‘Tôi xin lỗi’ quá nhiều chẳng kém các từ đệm ‘à’, ‘ờ’, ‘ừm’ hoặc dùng vì nghĩ rằng như vậy họ sẽ trông lịch thiệp hơn. Số khác lại nói ‘Tôi xin lỗi’ để chiều theo nguyện vọng của cấp trên. Còn một số lại dùng ‘Tôi xin lỗi’ để trốn tránh trách nhiệm (‘Tôi xin lỗi nhưng tôi không thể trả lời câu hỏi đó’).

Cho dù là lí do gì đi chăng nữa thì việc làm dụng một từ đều khiến bạn trở nên thụ động hoặc không quyết đoán. Nó cũng khiến bạn trở nên thiếu tự tin trong mắt nhà tuyển dụng.

11. Li hôn, có thai, ốm, v.v

Ông Kerr khuyên ứng viên không nên đề cập đến vấn đề cá nhân trong buổi phỏng vấn. “Khi nói đến vấn đề tế nhị này trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ cho bạn một thẻ đỏ hay ít nhất họ cũng sẽ đặt một dấu hỏi liệu những vấn đề cá nhân có ảnh hưởng đến năng suất làm việc của bạn không.”

12. Thực ra

Bắt đầu câu bằng “Thực ra” kiểu như “Thực ra, tôi không làm về lĩnh vực đó” hay “Thực ra, bạn có thể làm theo cách này” tạo khoảng cách giữa bạn và người nghe. Thay vì dùng “Thực ra” cho tất cả các câu, bạn nên diễn đạt theo nhiều cách khác nhau. Như vậy, sẽ tạo thiện cảm cho người nghe hơn.

13. Chỉ

Thêm “chỉ” vào trong câu nhìn thì có vẻ vô hại nhưng thực chất nó lại làm giảm mức độ điều bạn đang nói.

Theo Tara Sohpia Mohr, chuyên viên tư vấn nghề nghiệp, “chúng ta thường thêm từ đệm “chỉ” khi chúng ta muốn giảm nhẹ mức độ của câu nói nhưng tiếc thay chính từ đệm đó lại khiến người nói trở nên đề phòng và không dứt khoát.”

14. Nghỉ lễ, nghỉ phép

Nếu như bạn không muốn tạo cảm giác bạn chỉ chăm chăm nghỉ phép hơn là đi làm thì đừng nói đến những từ này. Bạn chỉ nên nói khi thảo luận với phòng nhân sự về quyền lợi được hưởng khi vào làm tại công ty.

Theo interview.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,297 lượt xem