Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

17 Lời Khuyên Khi Làm Bài IELTS Listening

Tổng quan
Nhìn chung, phần IELTS Listening có lẽ là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người học tiếng Anh. Để vượt qua nỗi sợ đó, hãy bắt đầu với việc xem các chương trình truyền hình bằng tiếng Anh. Cách này tỏ ra hiệu quả hơn nghe qua đài radio hoặc học các giáo trình dạy nghe tiếng Anh, lí do đơn giản là bởi sẽ có nhiều hình ảnh xuất hiện trên màn hình giúp bạn dễ dàng nắm được nghĩa của từ hơn.

Nghe là một kĩ năng, không phải là khả năng thiên bẩm
Từ những gì tôi đúc rút được, đối với nhiều trường hợp, kỹ năng nghe không được chú trọng một cách đầy đủ nhất. Vì vậy nếu như bạn cảm thấy mình không nghe giỏi, hãy tham khảo những lời khuyên bổ ích dưới đây để nâng cao trình độ nghe hiểu tiếng Anh của mình. Hãy nhớ rằng không ai sinh ra đã nghe tiếng Anh giỏi, nó chỉ là một kỹ năng mà thôi và bạn hoàn toàn có thể thuần thục kỹ năng đó. Nếu bạn cảm thấy mình không cần phải nâng cao trình độ nghe tiếng Anh nữa thì hãy bỏ quan phần “Nhận diện từ ngữ” và chuyển sang những lời khuyên khác ở phần sau.

1) Nhận diện từ ngữ
Cách duy nhất để nâng cao trình độ nghe hiểu tiếng Anh chính là học cách tách và hiểu từng từ được nhắc đến trong cả 1 câu. Thường thì những gì bạn nghe được giống như “Blablablablabla”, và bạn không thể hiểu được ý nghĩa của câu đó vì đơn giản là bạn không tách riêng được từng từ được nhắc đến của câu. Vì vậy, hãy tập thu âm các bản tin, bài giảng, chương trình truyền hình, bộ phim hay thậm chí là đề luyện IELTS Listening và sau đó tập nghe từ những bản thu âm đó. Một lời khuyên là bạn nên dùng máy nghe nhạc MP3. Điều đó giúp việc thu âm của bản trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời nó cũng khiến việc tua đi tua lại 1 đoạn thu âm mà trước đó bạn không nghe ra trở nên đơn giản hơn nhiều. Máy nghe nhạc MP3 là một thiết bị nhỏ và vô cùng gọn nhẹ, vì thể bạn có thể mang nó theo mình ở bất cứ lúc nào bạn rảnh rỗi, trên xe buýt, trên tàu điện, trong lúc dắt chó đi dạo, tập thể dục, đi bộ, …

Đầu tiên, hãy thử nghe từng đoạn, cố gắng ghi nhớ nội dung của cụm từ ấy và dừng lại sau từng cụm từ một. Kể cả khi bạn không hiểu ý nghĩa của cụm từ đó, hãy thử lẩm nhẩm trong đầu một vài lần, giống như thể bạn là 1 chiếc đĩa hát bị lỗi vậy. “Tonight we have a special guest”. “Tonight we have a special guest”. “Tonight we have a special guest”. Sau đó, hãy thử đọc to cụm từ đó lên. Nếu ngay từ lần nghe đầu tiên, bạn đoán ra được cụm từ ấy có nghĩa gì, việc đọc to sẽ giúp bạn rèn luyện khả năng phát âm chuẩn. Nếu như bạn chưa thể nắm được nội dung của cụm từ sau lần nghe đầu tiên, việc lẩm nhẩm lặp đi lặp lại này sẽ giúp bạn có thêm nhiều thời gian hơn để tư duy về nghĩa của cụm từ, cũng như có thể dễ dạng chia nhỏ cụm từ ra và cuối cùng hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của cả cụm. Nếu như vẫn thấy khó, hãy tiếp tục tua lại từ đầu và thử đọc đi đọc lại lần nữa.

Dù bạn đã biết cách viết của 1 từ tiếng Anh trên giấy thì chưa chắc bạn sẽ nghe được từ đấy. Khi bạn nhìn thấy 1 từ tiếng Anh, điều đấy không có nghĩa là bạn sẽ nhận ra nó trong quá trình nghe. Đó là lý do vì sao bạn cần nghe được những từ mà bạn đã nhìn thấy trước đó tối thiểu 1 lần.

2) Hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn sống sót trong kỳ thi nghe IELTS
Mỗi phần của đề thi IELTS Listening đều sẽ có phần hướng dẫn thi. Nghe có vẻ kỳ cục nhưng bạn thực sự cần phải đọc kỹ phần này. Tại sao? Vì đơn giản bạn sẽ nhận được những thông tin vô cùng quan trọng như: được viết tối đa bao nhiêu chữ vào câu trả lời, bạn có cần phải điền bảng hay không, có danh sách từ cho bạn chọn sẵn hay không, bao nhiêu mục bạn cần điền, … Nhớ rằng, nếu như câu hỏi yêu cầu bạn điền đủ 3 từ, thì bạn phải điền chính xác đúng 3 từ thôi. Điền quá lên 4 từ hoặc ít đi 2 từ thì đều đồng nghĩa với 0 điểm.

Ví dụ, bạn nghe thấy câu này trong đoạn băng: “Well, if you are dieting, try to avoid fruits with lots of fructose like watermelon, mango, peaches or grapes”
Câu hỏi là: “Name 2 fruits that a person on diet should not eat”
Câu trả lời có thể là “watermelon, mango”, “mango, peaches” hoặc 2 loại quả bất kỳ nào. Nhưng tuyệt đối không liệt kê 3 hoặc 4 loại. Nếu bạn viết là “watermelon, mango, peaches or grapes” thì nhiều khả năng bạn sẽ không được điểm nào.

Lưu ý: Những mạo từ chỉ số lượng như “a”, “the” hoặc 1 con số cụ thể (ví dụ: 159) đều sẽ được tính là 1 từ
Nếu hướng dẫn nói là “a maximum of 3 words” hoặc “no more than 3 words” thì bạn chỉ được điền 1, 2 hoặc tối đa 3 từ, không đợc phép vượt quá 3 từ.

3) Chia để trị
Đoạn băng sẽ chia các câu hỏi ra thành các nhóm câu hỏi khác nhau, và đối với mỗi nhóm câu hỏi bạn sẽ phải trả lời từ 4-5 câu. Giữa 2 nhóm câu hỏi sẽ có từ 20-30 giây hoàn toàn im lặng. Điều đầu tiên bạn cần làm khi đoạn băng bắt đầu phát là phải biết đâu là nhóm câu hỏi mà mình cần tập trung trả lời.

Ví dụ, bạn nghe thấy: “Look at questions one to four”. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ có 20 giây để đọc trước 4 câu đầu tiên của bài nghe. Hãy đọc lướt qua các câu hỏi và gạch chân những từ quan trọng (keyword). Đó là những từ truyền tải ý chính của cả câu. Từ đó bạn sẽ biết nội dung mình cần phải điền là gì: con số, thời gian, họ tên, địa chỉ, …

Hãy kẻ 1 đường kẻ phía dưới câu hỏi thứ 4 để đánh dấu phần kết của nhóm câu hỏi đầu tiên, điều đó giúp bạn không bị sao nhãng về những câu hỏi phía sau. Sau đó bạn sẽ nghe thấy hướng dẫn như sau: “Answer questions one to four as you listen”. Điều đó có nghĩa là bạn phải vừa nghe vừa điền đáp án cùng 1 lúc. Tiếp tục lặp lại quá trình trên đối với các nhóm câu hỏi khác, bao gồm cả việc kẻ đường chia cắt. Chiến thuật “chia để trị” này sẽ giúp bạn chỉ phải tập trung vào 1 nhóm câu hỏi cho mỗi lần nghe mà thôi, từ đó sẽ giúp bạn tự tin và tăng khả năng tập trung hơn.

4) Sự xao lãng
Đừng bị xao lãng bởi nhiều giọng nói khác nhau trong cùng 1 bài nghe. Có nhiều đối tượng trong bài nghe: phụ nữ, đàn ông, người già, trẻ em, … Bạn cũng có thể sẽ gặp phải rất nhiều chất giọng khác nhau trong bài nghe: Úc, Anh, Mỹ, Nhật, … Tiếng ồn trong bài nghe cũng là 1 vấn đề. Nó có thể phát ra từ bối cảnh bài nghe diễn ra: ở sân bay, ở quán café, ngoài đường, giảng đường đại học, vân vân. Điều quan trọng là bạn luôn phải sẵn sàng đối mặt với những vấn đề đó, đừng để bị xao lãng vì đó là mục đích chính mà những người ra đề IELTS muốn. Hãy quên đi những tiếng ồn đó và tập trung hoàn toàn vào việc trả lời câu hỏi.

5) Nghe những chi tiết nhỏ
Khi nghe, hãy tìm những chi tiết nhỏ như ngày tháng, địa điểm, số điện thoại, giờ mở cửa, năm, phương tiện đi lại, … Nếu bạn nghe thấy chúng trong bài nghe nhưng không biết phải viết vào đâu trong đề thì lời khuyên là bạn hãy viết ra mép giấy. Sau khi trả lời hết các câu hỏi, bạn sẽ có thời gian để kiểm tra lại câu trả lời của mình. Hãy xem lại những câu hỏi mà trước đó bạn chưa trả lời được và thử xem những chi tiết nhỏ mà bạn viết ở mép giấy có phải là câu trả lời không.

6) Vừa nghe vừa làm
Lý do là bởi vì thường thì bạn sẽ quên ngay những gì mình vừa nghe trước đó, do ảnh hưởng của sự căng thẳng trong phòng thi, do cảm giác không quen nghe tiếng Anh, do thông tin trong bài nghe trôi qua 1 cách liên tục, … Sau khi nghe xong câu hỏi 3 thì bạn gần như quên ngay câu trả lời cho câu hỏi 1. Điều đó có nghĩa là khi bài nghe kết thúc thì bạn sẽ chẳng nhớ được câu nào cả. Vì vậy, hãy tập thói quen nghe xong thì viết câu trả lời ngay lập tức, đừng bỏ lại bất kỳ câu nào.

7) Tiếp tục nghe tiếp, đừng dừng lại
Tình huống xấu nhất là việc bạn “mất tập trung và không nghe được chuỗi các câu trả lời”. Điều này khiến bạn không trả lời được hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. Để tránh điều đó xảy ra, hãy tập cách đọc trước 1 hoặc 2 câu hỏi đầu tiên. Lúc đầu bạn sẽ cảm thấy không quen những dần dần nó sẽ trở thành phản xạ tự nhiên của cơ thể và tỏ ra vô cùng tác dụng. Kể cả khi bạn không thể nghe được câu trả lời cho 1 câu hỏi nào đó thì hãy chấp nhận thực tế đó và chuyển sang câu hỏi tiếp theo ngay lập tức, nếu không bạn cũng sẽ mất luôn câu đó.

8) Tìm gợi ý
Đáp án đúng thường sẽ được to và rõ ràng hơn so với các phần khác của bài nghe. Nếu có đoạn nào bạn nghe không rõ bởi vì người nói nuốt từ hoặc nói kiểu thì thầm thì chắc chắn đoạn đó sẽ không có đáp án đâu. Luyện tập dần dần và sẽ có lúc bạn khám phá ra sự khác biết đó.
Gợi ý là bạn có thể tìm ra đáp án đúng khi từ đó được lặp đi lặp lại, được đánh vần từ từ (ví dụ: G A R F U N K E L) hoặc được người nói hướng dẫn các viết 1 con số.

9) Đánh vần
Việc đánh vần trong khi nghe là không hề đơn giản. Bạn nên luyện tập trước 1 chút để sẵn sàng cho những câu trả lời kiểu đó. Hãy tập đánh vần tên người, tên thành phố, số điện thoại để luyện khả năng nghe chính xác.

10) Các dạng bài trong phần nghe IELTS
• Câu hỏi chọn bức ảnh phù hợp nhất (bạn sẽ có từ 3-4 bức ảnh, hãy chọn bức ảnh diễn tả nội dung mà bạn vừa nghe được)
• Câu hỏi nhiều đáp án - Multiple choice questions (chọn đáp án đúng)
• Câu hỏi điền từ vào câu (hoàn thành câu với nội dung mà bạn vừa nghe được)
• Câu hỏi điền mẫu đơn (hoàn thành các chỗ trống còn thiếu trong mẫu đơn)
• Câu hỏi hoàn thành bảng/biểu đồ (hoàn thành các chỗ trống còn thiếu trong bảng/biểu đồ)
• Câu hỏi điền vào chỗ trống (hoàn thành các chỗ trống trong đoạn văn)
• Câu hỏi hoàn thành sơ đồ (điền vào các chỗ trống còn thiếu trong sơ đồ)

11) Loại bỏ các đáp án sai
Khi gặp phải các câu hỏi dạng nhiều đáp án - Multiple choice questions, loại bỏ từng đáp án sai một là 1 chiến thuật vô cùng hiệu quả. Thường sẽ chỉ có 1 đáp án đúng mà thôi, trừ phi trong phần hướng dẫn ghi khác.
Hãy sử dụng kỹ năng đoán “Đúng/Sai/Không có”. Kiểm tra từng đáp án một và xem xem nó là đúng, sai hay không hề được nhắc đến trong bài nghe. Đáp án nào mà bạn cảm thấy đúng thì chắc chắn đó là đáp án chính xác. Những đáp án khác hiển nhiên là các đáp án sai.
Lưu ý rằng có những trường hợp mà bạn thấy cả 4 đáp án đều có vẻ đúng hết, không đáp án nào là sai. Hãy đọc kỹ phần hướng dẫn làm bài và bạn sẽ biết mình phải làm gì.

12) Chiến thuật làm câu hỏi điền vào chỗ trống
Hãy đọc kỹ ngữ cảnh để biết chỗ trống đó cần loại từ gì: danh từ, tính từ hay động từ. Sau khi đã chọn được đáp án, lập tức viết vào chỗ trống đó và đọc lại cả câu để đảm bảo câu đó có nghĩa.

13) Kiểm tra ngữ pháp của từ
Nếu đáp án của bạn sai về mặt ngữ pháp thì chắc chắn bạn sẽ không được điểm cho đáp án đó. Hãy kiểm tra ngữ pháp của từ cho thật chắc chắn, đặc biệt là trong các dạng câu hỏi như
• Câu hỏi điền vào chỗ trống
• Câu hỏi điền từ vào câu

14) Quản lí thời gian một cách hợp lí
Bạn sẽ chỉ có 1 khoản thời gian vô cùng hạn hẹp giữa các phần nghe khác nhau, vì vậy hãy tận dụng nó để kiểm tra vào hoàn thiện câu trả lời của bạn một cách cẩn thận.

15) Những câu hỏi dạng “tắc kè hoa”
Nhiều khi người nói sử dụng nhiều từ khác nhau nhưng có cùng nghĩa để làm bạn bị rối. Đó có thể là cách diễn đạt đồng nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

Ví dụ, trong bài nghe bạn có thể nghe được câu như sau: “All candidates have to fill an application form”. Câu hỏi là: “The candidates must fill an application form” - True/False/Not Given. Câu trả lời đúng phải là True, bởi vì “have to” và “must” là 2 từ đồng nghĩa.

16) Các dạng “bẫy” trong đề thi nghe IELTS
• Dạng 1: Kiểu quay ngoắt 180 độ
Bạn có thể nghe thấy tiếng người nói đang bàn về 1 ý nào đó và rồi bỗng dưng đột nhiên người nói chuyển sang 1 ý khác trái hoàn toàn. Đây là bẫy rất nguy hiểm nên cẩn thận kẻo bạn sẽ dính phải. Quy tắc vàng ở đây là “Từ cuối cùng là từ quan trọng nhất”. Chẳng hạn, nếu bạn nghe thấy câu này: “I want to visit that gallery on Monday. No, wait, I’ve just remembered that it’s closed on Monday, so I will go on Wednesday.” Câu hỏi là: “When …?” Đáp án chính xác phải là Wednesday bởi vì Monday chính là bẫy mà người viết đề đã cài vào bài.

• Dạng 2: Cách nói khái quát hóa
Bạn có thể nghe thấy người nói liệt kệ 1 loạt các thứ và rồi kết luận tất cả cho chung vào cùng 1 cụm từ. Ví dụ, “Well, I like to swim, hike and camp - to be involved in outdoor activities.” Câu hỏi là: “What kind of activities…?” Đáp án chính xác phải là “outdoor” chứ không phải “swimming”, “hiking” hay “camping”.

• Dạng 3: Đáp án quá rõ ràng
Những đáp án quá dễ dàng thường là bẫy trong đề thi. Ví dụ sau sẽ chứng minh điều này:
Trong đoạn băng có đoạn: “This course is a must for all the first year students, excluding foreign students”.
Câu hỏi là: “All the first year students have to take this course”.
Đáp án của câu hỏi này phải là F (False) bởi vì không phải tất cả sinh viên năm nhất đều phải học môn học này. Sinh viên quốc tế là ngoại lệ.
Tất cả những đáp án quá rõ ràng theo kiểu “không có ngoại lệ nào” thường dễ gây nghi ngờ và cần phải kiểm tra một cách cẩn thận.

17) Hãy biết cách sao chép đáp án một cách thông minh nhất
Sau khoảng 30 phút nghe, thí sinh sẽ có thêm 10 phút. Trong lúc nghe, thí sinh thường viết đáp án vào tờ đề làm bài. 10 phút cuối cùng nhằm mục đích để thí sinh có thể sao chép đáp án của mình từ tờ đề ra tờ giấy thi. Vì vậy, hãy biết cách sử dụng quỹ thời gian đó 1 cách khôn khéo.

Tờ giấy thi có 2 mặt, 1 mặt dành cho Listening và 1 mặt dành cho Reading. Hãy kiểm tra xem mình đã ghi ở đúng mặt chưa. Dưới đây là những hướng dẫn giúp việc sao chép đáp án của bạn được thuận lợi và tiết kiệm thời gian hơn:
• Đối với những câu hỏi dạng nhiều đáp án hoặc câu hỏi chọn bức ảnh phù hợp nhất: hãy viết chữ cái ứng với câu trả lời đúng nhất, đừng viết toàn bộ cả câu trả lời.
• Đối với câu hỏi điền từ vào câu: chỉ chép phần từ mà bạn cần điền vào trong tờ giấy thi, đừng chép toàn bộ cả câu.
• Đối với những câu hỏi dạng Đúng/Sai/Không có: hãy ghi là T/F/NG, tùy theo cách bạn muốn
• Đối với những câu hỏi dạng điền vào chỗ trống: chỉ điền những từ mà bạn cảm thấy cần điền vào chỗ trống tương ứng.
• Đối với những câu trả lời mà bạn đã viết tắt ở trong đề (chẳng hạn: prof. advice), khi điền vào tờ giấy thi bạn cần phải viết nó đầy đủ ra (chẳng hạn, professional advice).
• Kiểm tra lần cuối xem đáp án trong tờ giấy thi của mình đã rõ ràng và dễ hiểu hay chưa.

Lúc này, nếu còn những câu nào mà bạn chưa biết đáp án, hãy thử đoán mò xem.

Nếu bạn nào thắc mắc về việc tại sao các câu trả lời chỉ được giới hạn tối đa trong 3 chữ thì câu trả lời đơn giản là: tờ giấy thi không có đủ chỗ để bạn viết quá 3 từ.

Hãy cố gắng tận dụng hết những lời khuyên phía trên vào các bài tập luyện nghe. Chúc các bạn thành công.

Tác giả: Simone Braverman

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,092 lượt xem