Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

3 Bước Giới Thiệu Bản Thân Khi Đi Phỏng Vấn

Sau một thời gian cưc nhọc chuẩn bị trau chuốt cho CV và Cover Letter, công sức của bạn đã được đền đáp bằng một cuộc gọi mời phỏng vấn từ nhà tuyển dụng. Đây là lúc bạn chuẩn bị dành thời gian cho buổi nói chuyện sắp tới với nhà tuyển dụng. Chuẩn bị các câu hỏi thông dụng, tìm hiểu về công ty, tìm hiểu về mức lương của vị trí làm việc sắp tới. Một trong những câu hỏi bạn cần chuẩn bị đó là: “Tell me about yourself”.

 

Câu giới thiệu bản thân tuy tưởng đơn giản nhưng lại không hề chút nào, và nó cũng quyết định khá nhiều đến không khí buổi phỏng vấn cũng như cái nhìn của nhà tuyển dụng về bạn đó. Một câu giới thiệu tốt, trơn tru, không trùng lặp thông tin với CV sẽ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, làm nhà tuyển dụng tò mò, có hứng thú hơn trong việc phỏng vấn bạn. Trong khi đó, một câu trả lời ấp úng, không rõ ràng, hay đơn giản là đọc lại những thông tin đã có trong CV, là đã gây ấn tượng xấu cho nhà tuyển dụng rồi – và ấn tượng này sẽ đi theo họ trong suốt buổi phỏng vấn của bạn.

Nhà tuyển dụng biết đọc – vì vậy đừng đọc lại, hay đừng nói lại những thông tin mà bạn đã viết sẵn trong CV nhé. Vậy làm thế nào để có một câu giới thiệu trơn chu, logic, đầy đủ thông tin mà không lo bị lặp lại cũng như không lo bị quá dài hay quá ngắn đây.

1. Kể một câu chuyện với nhà tuyển dụng

Không có gì tệ hơn khi bạn giới thiệu với nhà tuyển dụng một cách chung chung như ‘I have good communication skills’ hay ‘I am a good problem-solvers’. Những câu trả lời đó quá chung chung và bất kì ứng viên nào cũng có thể đưa ra một câu trả lời giống y hệt bạn. Cái nhà tuyển dụng muốn nghe ở đây là câu chuyện cá nhân – xuất phát từ thực tế công việc bạn đã làm, từ đó học sẽ suy luận được những kĩ năng, kinh nghiệm bạn có thông qua câu chuyện đó.

Ví dụ, thay vì bạn chỉ giới thiệu đơn giản là bạn có ‘good communication skills’, hãy nói thêm với nhà tuyển dụng rằng bạn có kĩ năng đó thông qua công việc nào trước đây. Ví dụ trong công việc trước bạn làm việc với một nhóm 5 người, hay bạn dẫn tour cho một đoàn khách quốc tế chẳng hạn – những công việc như vậy sẽ giúp nhà tuyển dụng thấy được ‘communication skills’ của bạn.

2. Dành thêm thời gian nói về nhà tuyển dụng

Nếu bạn dành toàn bộ câu trả lời chỉ để nói về bạn, như bạn có kinh nghiệm này, kinh nghiệm kia, kĩ năng này nọ – thì như thế là chưa đủ, bạn cần nói thêm vì sao bạn lại ứng tuyển vào công ty này mà không phải là công ty khác. Để trả lời được ý này, có rất nhiều nguồn để bạn tham khảo tìm hiểu thêm về công ty như: mission, vision của công ty trong website, Facebook của công ty đó hay đơn thuần chỉ là những hiểu biết cá nhân của bạn về công ty. Càng thể hiện được nhiều thông tin bạn biết về công ty, bạn càng thể hiện được rằng bạn có niềm đam mê và hiểu biết về công ty đó.

Ví dụ mình có từng tư vấn cho một khách hàng có niềm đam mê mãnh liệt với Unilever. Trong buổi phỏng vấn với đại diện Unilever, không chỉ bạn ấy thể hiện niềm đam mê với lĩnh vực FMCG, mà bạn ấy còn thể hiện rằng bạn ấy cực kì thích Unilever – chỉ Unilever chứ không phải một công ty nào khác. Trong buổi phỏng vấn, bạn ấy đã chia sẻ về quá trình tìm hiểu về Unilever như thế nào, bạn ấy tìm hiểu hết ý nghĩa logo của công ty, các hoạt động xã hội của công ty ở đâu, vào ngày nào, công ty có bao nhiêu sản phẩm, bạn ý cũng nói chuyện với hết tất cả các đại sứ sinh viên của công ty và còn làm nhiều việc khác nữa.

Bằng cách thể hiện được niềm đam mê của bạn với công ty, bạn sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn không chỉ ứng tuyển vào đây vì bạn cần một công việc kiếm tiền, mà bạn đang muốn xây dựng một sự nghiệp lâu dài tại công ty của họ.

3. Trả lời ngắn gọn và súc tích

Mình hiểu rằng, có bạn có rất nhiều thông tin để chia sẻ, nhưng cũng có bạn không có nhiều thông tin lắm, không biết chia sẻ gì. Tuy nhiên để giới thiệu bản thân trong buổi phỏng vấn được suôn sẻ, không quá lông bông cũng không quá cụt lủn, hãy cố gắng giới thiệu mình trong khoảng 60s-90s nhé. Hãy chọn ra những ý chính, kinh nghiệm chính trong công việc của bạn có liên quan đến công việc, và cắt đi những phần thông tin thừa mà nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể đọc được trong CV của bạn.

Cuối cùng, cho dù bạn đã đi phỏng vấn nhiều lần đi chăng nữa, cũng đừng chủ quan mà không chuẩn bị nhé. Trước khi tham gia một cuộc phỏng vấn bất kỳ, hãy dành thời gian chuẩn bị thật kĩ, tìm hiểu rõ về công ty, đọc lại một lần nữa job description để điều chỉnh câu trả lờ phù hợp hơn.

 

Theo anhtuanle.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,492 lượt xem