Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

3 Giai Đoạn Thất Bại Trong Công Việc Và Cuộc Sống (Và Cách Vượt Qua Chúng)

Một trong những thứ khó khăn nhất trong cuộc đời một người đó chính là biết lúc nào nên đi tiếp và lúc nào phải từ bỏ.

Một mặt, sự kiên trì và kiên định là chìa khoá mở cánh cửa thành công trên bất kỳ lãnh vực nào. Bất cứ ai muốn trở nên thành thục những kĩ năng mà mình có đều phải đối mặt với những giây phút nghi hoặc, ngờ vực và bằng cách nào đó phải nhờ chính kiên định bên trong chính bản thân để vượt qua và bước tiếp. Nếu bạn muốn có một sự nghiệp thành công hay một cuộc sống hôn nhân tuyệt vời, hoặc học hỏi một kĩ năng mới, thì việc “kiên trì làm việc đó đến cùng” có lẽ là đức tính quan trọng nhất bạn cần phải có.

Mặt khác, nói với người khác rằng họ đừng bỏ cuộc thực sự là một lời khuyên chẳng hữu ích gì cho cam. Những người thành công luôn luôn bỏ cuộc. Nếu thứ gì đó không hiệu quả, người thông minh sẽ không lặp lại việc đó trong vô vọng. Họ có làm lại. Nhưng sẽ điều chỉnh. Cân bằng. Rồi họ lại bỏ cuộc. Có người nào đã nói rằng, “Sự điên rồ là làm đi làm lại một thứ nhưng lại mong đợi những kết quả khác nhau.”

Cuộc đời cần tư duy chiến lược. Đôi khi, bạn phải thể hiện cái sự tự tin yếu ớt của mình, nhưng thay vào đó, cố gắng nỗ lực gấp đôi. Và cũng đôi khi, bạn cần buông bỏ những thứ không đem lại kết quả và thử những điều mới mẻ. Câu hỏi mấu chốt là: làm thế nào để biết được khi nào nên bỏ cuộc và lúc nào nên tiếp tục kiên trì?

Để lời cho câu hỏi này, ta có thể sử dụng mô hình 3 Giai Đoạn Của Thất Bại.

3 Giai Đoạn Của Thất Bại

Mô hình giúp vấn đề trở nên dễ hiểu hơn bằng cách bẻ nhánh và phân loại những khó khăn, thử thách vào 3 giai đoạn của sự thất bại:

  1. Giai Đoạn 1: Thất Bại Về Chiến Thuật. Đây là những lỗi về CÁCH LÀM NHƯ THẾ NÀO. Chúng xuất hiện khi bạn không xây dựng được một hệ thống vững chắc từ gốc rễ, bỏ sót sự đo đạc mọi thứ một cách cẩn thận, và lười biếng với từng chi tiết nhỏ. Sự Thất Bại Về Chiến Thuật là một sự thất bại trong việc triển khai một kế hoạch tốt với một tầm nhìn rõ ràng.
  2. Giai Đoạn 2: Thất Bại Về Chiến Lược. Đây là những lỗi về LÀM CÁI GÌ. Loại này xuất hiện khi bạn đi theo một chiến lược mà nó không đem lại kết quả bạn mong muốn. Có thể bạn biết lí do tại sao mình làm những việc này và biết cách thực hiện chúng như thế nào, nhưng bạn vẫn chọn lựa sai yếu tố nào sẽ khiến những việc đó trở thành hiện thực.
  3. Giai Đoạn 3: Thất Bại Về Tầm Nhìn. Và đây là những lỗi về TẠI SAO LẠI LÀM VIỆC NÀY. Bạn sẽ gặp phải trục trặc này khi không đặt ra một hướng đi rõ ràng cho bản thân, mà đi theo một kế hoạch không thoả mãn yêu cầu đặt ra, hoặc khi bạn không hiểu tại sao mình lại làm thứ mình đang làm.

 

Giai Đoạn 1: Thất Bại Về Chiến Thuật

Sam Carpenter trở thành một thương nhân nhỏ vào năm 1984. Bỏ ra một khoản tiền $5,000, ông ấy đã mua lại một vụ làm ăn đang trong tình thế bấp bênh ở Bend, Oregon và đặt tên lại thành Centratel.

Centratel là một mạng lưới cung cấp dịch vụ trả lời điện thoại 24/7 phục vụ cho bác sĩ, bác sĩ thú y, và nhiều doanh nghiệp khác, những đối tượng cần những cuộc gọi đến luôn được trả lời đầy đủ bất cứ khi nào nhưng không thể chi trả lương cho một nhân viên ngồi liên tục nhiều giờ liền để làm công việc đó. Khi mua lại công ty này, Carpenter hi vọng rằng Centratel “sẽ một ngày nào đó trở thành dịch vụ trả lời điện thoại chất lượng tốt nhất ở nước Mỹ.”

Tuy nhiên, thực tế thì không phải bao giờ cũng như kì vọng. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, Carpenter đã nói một thập kỉ đầu tiên và năm năm tiếp của công việc kinh doanh này như sau,

“Trong 15 năm nay tôi đã làm việc quần quật từ 80 đến 100 tiếng một tuần, theo đúng nghĩa đen. Bạn tin không, tôi là một người cha đơn thân với hai đứa con. Tôi thật sự rất mệt mỏi. Tôi đã phải dùng tất cả các loại thuốc an thần và còn nhiều hơn nữa...

Đến một thời điểm mà phải nói là tôi gần như không thể trả lương cho nhân viên và sắp mất cả công ty. Bạn hãy tưởng tượng một con người bị suy nhược một cách tồi tệ cả về thể xác lẫn tinh thần, rồi nhân nó lên thêm 10 lần, thì đó chính tôi lúc bấy giờ. Đó thật sự là một khoảng thời gian kinh khủng và khủng khiếp.”

Vào cái đêm trước khi không thể chi trả lương cho nhân viên được nữa, Carpenter đã nhận ra một điều. Công ty của ông đang gặp khó khăn và vô cùng chật vật bởi vì nó hoàn toàn thiếu đi một hệ thống để có thể vận hành một cách tối ưu nhất. “Chúng tôi đã gặp phải đủ mọi thể loại rắc rối vì mọi người đều làm việc theo cái cách họ nghĩ là tốt nhất.”

Carpenter giả định rằng nếu ông ấy có thể tối ưu hoá toàn bộ hệ thống, thì nhân viên của ông đã có thể mỗi ngày làm việc theo những cách tốt nhất thay vì cứ tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa. Ngay lập tức sau đó, ông ấy bắt đầu viết ra giấy, phân tích từng quy trình một, không bỏ sót bất cứ cái nào diễn ra trong công ty của mình.

“Ví dụ như”, ông ấy tiếp tục, “Chúng tôi có một quy trình 9 bước cho việc trả lời điện thoại ở bàn lễ tân. Mọi người ai cũng làm theo quy trình này, nó là 100% cách tốt nhất, và chúng tôi đã biến một hệ thống từ tự nhiên trở nên cơ khí hoá hoàn hảo.”

Trong vòng 2 năm tiếp theo, Carpenter đã ghi âm lại và luyện tập mọi quy trình trong công ty. Làm thế nào để có một bài thuyết trình về sales. Làm thế để gửi tiền ngân hàng. Cách thanh toán hoá đơn của khách hàng thế nào. Cách xử lý lương nhân viên ra sao. Và ông ấy đã soạn ra một cuốn hướng dẫn sử dụng mà mỗi nhân viên có thể đọc và làm theo các bước trong bất kỳ quy trình nào được vận hành trong công ty – từng hệ thống riêng biệt một và từng bước một tương ứng.

Điều gì đã xảy ra?

Thời gian làm việc của ông Carpenter nhanh chóng giảm xuống, từ 100 giờ một tuần cho đến ít hơn 10 giờ một tuần. Ông ấy không còn cần phải giải quyết từng trường hợp khẩn cấp nữa bởi giờ đây đã có một thứ tự quy trình hướng dẫn nhân viên trong từng trường hợp một. Và vì chất lượng công việc đã được cải thiện, công ty Centratel đã nâng được tỷ giá của họ lên và biên độ lợi nhuận của công ty đã tăng vọt lên đến 40%.

Đến ngày hôm nay, Centratel đã và đang ngày càng phát triển với 60 nhân viên và mới đây vừa kỉ niệm năm hoạt động thứ 30. Ông Carpenter hiện giờ chỉ cần làm việc 2 tiếng mỗi tuần.

Vượt Qua Thất Bại Trong Chiến Thuật

Thất Bại Về Chiến Thuật là những lỗi về CÁCH LÀM NHƯ THẾ NÀO. Trong trường hợp của công ty Centratel, họ tuy có một tầm nhìn rõ ràng (trở thành “dịch vụ trả lời điện thoại chất lượng tốt nhất ở nước Mỹ”) và một chiến lược tốt (thị trường cho loại hình dịch vụ này lớn), nhưng họ không biết làm thế nào để tiến hành chiến lược và tầm nhìn của mình.

Có 3 cách thức chủ yếu để sửa lỗi Chiến Thuật như sau:

  1. Ghi lại toàn bộ quá trình.
  2. Ước lượng đầu ra.
  3. Xem xét và điều chỉnh chiến thuật.

Ghi lại toàn bộ quá trình. McDonald sở hữu hơn 35,000 cửa hàng trên toàn thế giới. Tại sao họ lại có thể tuyển nhân viên mới liên tục và tự động trong khi vẫn đảm bảo đem đến một sản phẩm nhất quán và thống nhất? Câu trả lời là vì họ có một hệ thống hoạt động nhuần nhuyễn và trơn tru tại chỗ cho mọi quy trình. Dù bạn có đang điều hành một công ty, quán xuyến việc gia đình, hay tự lèo lái cuộc sống của bản thân mình, thì việc xây dựng những hệ thống bền vững là bước không thể thiếu cho sự thành công tuần hoàn. Nó chỉ bắt đầu với việc viết ra từng bước cụ thể của cả quy trình và sau đó phát triển một checklist mà bạn có thể bám vào xoay sở khi cuộc sống trở nên rối loạn và điên rồ.

Ước lượng đầu ra. Nếu một thứ gì đó có ý nghĩa quan trọng đối với bạn, hãy đo lường nó. Nếu bạn là một doanh nhân, hãy đếm xem mình đã thực hiện bao nhiêu cuộc gọi sales mỗi ngày. Nếu bạn là một nhà văn, hãy tính xem tần suất mình xuất bản một bài báo là bao nhiêu. Nếu bạn là một vận động viên cử tạ, hãy theo dõi xem mình luyện tập có đều đặn không. Nếu bạn không bao giờ ước lượng thành quả mình đạt được là bao nhiêu, vậy làm sao bạn biết được chiến thuật nào là hợp lí và đem lại hiệu quả?

Xem xét và điều chỉnh chiến thuật. Điều mệt mỏi, chán nản nhất về những thất bại ở Giai Đoạn 1 này là chúng không bao giờ ngưng xuất hiện. Các chiến thuật, cái mà đã từng rất hữu ích, có thể trở thành trở ngại ngay sau đó. Ngược lại, những phương pháp, trước đó là một ý tưởng tồi, bây giờ có thể trở nên khả thi. Do vậy, bạn rất cần phải liên tục xem xét và cải tiến cách thức bạn làm việc. Người thành công luôn giữa cho mình thói quen loại bỏ ngay chiến thuật không giúp ích và thúc đẩy chiến lược của họ. Sửa chữa những sai lầm trong xây dựng chiến thuật không phải là việc một sớm một chiều, mà cần cả một quá trình, thậm chí đó còn là một phong cách sống.

 

Giai Đoạn 2: Thất Bại Về Chiến Lược

Đó là một ngày tháng Ba năm 1999. Jeff Bezos, người sáng lập ra Amazon, thông báo rằng công ty của ông sẽ đưa vào hoạt động một dịch vụ mới tên là Amazon Auctions nhằm giúp mọi người bán “bất cứ thứ gì một cách trực tuyến”. Ý tưởng này được tạo ra với mục đích chạy đua giá cả với eBay. Bezos biết rằng có hàng triệu người ngoài có trong tay nhiều thứ hàng hoá tốt có thể bán được, và ông muốn Amazon sẽ là nơi những cuộc giao dịch đó diễn ra.

Gerg Linden, một nhà kỹ sư phần mềm cho Amazon vào khoảng thời gian đó, nhớ lại về dự án này và kể: “Phía sau cánh gà là cả một sự nỗ lực phi thường. Tất cả nhân viên trong công ty đều đều cố gắng hết sức để chạy các dự án thành công. Toàn bộ trang web Đấu giá, với tất cả các tính năng giống như của eBay và nhiều hơn nữa, được xây dựng từ con số 0. Nó đã được thiết kế, lập trình, phát triển, kiểm định, và giới thiệu trong vỏn vẹn dưới 3 tháng.”

Có thể nói dịch vụ Amazon Auctions là một thất bại ngoạn mục. Chỉ trong 6 tháng sau khi phát hành dịch vụ, các nhà quản lý nhận ra rằng nó không đi về đâu cả. Tháng 9 năm 1999, họ đã mạo hiểm đánh cược trình làng một dịch vụ khác tên là Amazon zShops. Phiên bản mới này của ý tưởng ban đầu kia cho phép bất cứ ai, từ các công ty lớn cho đến các cá nhân, lập ra một cửa hàng online và bán hàng qua mạng lưới của Amazon.

Một lần nữa, Amazon lại đi vào lối mòn và bỏ lỡ cơ hội thành công. Cả Amazon Auctions và Amazon zShops ngày nay đều không hoạt động. Đến tháng 12 năm 2014, Bezos đã nhắc lại những dự án thất bại này: “Tôi đã “kiếm được” hàng tỷ đô la thất bại từ Amazon.com. Đúng vậy, hàng tỷ.”

Không nản chí, Amazon đã cố gắng một lần nữa, nhằm tạo ra một nền tảng cho người bán bên thứ ba. Tháng 11 năm 2000, họ đã giới thiệu Amazon Martketplace, nơi cho phép các cá nhân bán đồ đã qua sử dụng song song với những mặt hàng mới của Amazon. Ví dụ, một tiệm sách nhỏ có thể liệt kê những cuốn sách đã qua sử dụng của họ một cách trực tiếp cùng với những sản phẩm sách mới từ Amazon.

Và nó đã thành công. Marketplace đã đem lại hiệu quả một cách vôn cùng nhanh chóng. Năm 2015 đã đánh dấu Amazon Marketplace chiếm tới 50% trong tổng doanh thu 107 triệu đô la của Amazon.com.

 

Vượt Qua Thất Bại Trong Chiến Lược

Thất Bại Về Chiến Lược là những vấn đề xoay quanh LÀM CÁI GÌ. Thời điểm năm 1999 Amazon có một tầm nhìn rõ ràng về việc “trở thành doanh nghiệp trung tâm duy nhất phục vụ cho khách hàng trên toàn cầu.” Họ cũng là những bậc thầy về khâu đảm bảo hoàn thành công việc, bằng chứng là họ đã có thể cho ra đời Amazon Auctions chỉ trong thời gian 3 tháng. Vấn đề tại sao lại làm việc nàycách làm như thế nào đã rõ, duy chỉ còn làm cái gì là chưa giải quyết được.

Ở đây, cũng có 3 cách thức cơ bản để sửa lỗi Chiến Lược như sau:

  1. Giới thiệu sản phẩm mau lẹ.
  2. Tiến hành với chi phí thấp.
  3. Xem xét lại nhanh chóng.

Giới thiệu sản phẩm mau lẹ. Một số ý tưởng đem lại hiệu quả hơn những ý tưởng khác, nhưng không ai thực sự biết được sáng kiến nào sẽ hoạt động và khả thi cho đến khi bạn thử tiến hành chúng. Không ai có thể đi trước được tương lai – không phải các nhà tư bản mạo hiểm, không phải những bộ não thông minh ở Amazon, cũng không bạn bè hay người thân của bạn. Tất cả các kế hoạch, những sự nghiên cứu và thiết kế chỉ là để tham khảo và đối chiếu. Paul Graham đã nói rằng: “Bạn không thực sự bắt đầu thực hiện hoá ý tưởng của mình cho đến khi bạn giới thiệu nó với công chúng.”

Bởi lẽ đó, nó là thật sự quan trọng khi trình diện sản phẩm mới một cách mau lẹ. Bạn càng nhanh chóng thử nghiệm chiến lược của mình trong thị trường thực tế bao nhiêu, thì bạn càng nhận được phản hồi về việc liệu nó có hoạt động hay không nhanh bấy nhiêu. Hãy note lại mốc thời gian Amazon vận hành các sản phẩm của mình: Amazon Auctions vào tháng 3 năm 1999, Amazon zShops vào tháng 9 năm 1999, và Amazon Marketplace vào tháng 11 năm 2000. Cả ba sự kiện lớn này họ đều nỗ lực tiến hành trong vòng 20 tháng.

Tiến hành với chi phí thấp. Hãy giả sử bạn đã đạt được một số mức chất lượng tối thiểu, thì khi đó tốt nhất là hãy thử nghiệm những chiến lược mới với chi phí rẻ. Nếu có thất bại, nó cũng sẽ làm tăng diện tích thành công của bạn vì điều đó có nghĩa là bạn có thể thử nhiều ý tưởng khác nữa. Thêm vào đó, làm mọi thứ với chi phí thấp có thể phục vụ cho nhiều mục đích quan trọng khác. Nó giúp giảm sự giàng buộc với một ý tưởng nhất định. Nếu bạn đầu tư quá nhiều tiền bạc và thời gian vào chỉ một chiến lược, sẽ rất khó để bạn có thể từ bỏ nó. Bạn càng đặt nhiều năng lượng và sức lực vào một thứ gì đó, bạn sẽ ngày càng hình thành cảm giác về quyền sở hữu nó. Những ý tưởng kinh doanh tồi tệ, các mối quan hệ độc hại, và tất cả các thể loại thói quen xấu xí có thể rất khó để loại bỏ và dứt ra nếu chúng trở thành một phần trong con người bạn. Thử nghiệm những chiến lược mới giá rẻ sẽ ngăn ngừa những sai lầm này và tăng khả năng bạn đi theo hướng đi hiệu quả hơn thay vì cứ đâm đầu vào thứ bạn đầu tư nhiều nhất.

Xem xét lại nhanh chóng. Chiến lược sinh ra là để liên tục xem xét và điều chỉnh. Bạn sẽ khó có thể tìm được một doanh nhân thành đạt, nghệ sĩ hoặc nhà sáng tạo nào hôm nay đang làm chính xác những gì họ đã làm từ những ngày đầu lập nghiệp. Starbucks đã kinh doanh các nguyên liệu cà phê và máy pha cà phê trong hơn một thập kỷ trước khi tự mở những cửa hàng riêng của họ. 37 Signals đã bước những bước đầu tiên của một công ty thiết kế web trước khi rẽ ngoặt trở thành một công ty phần mềm trị giá hơn 100 triệu đô la ngày hôm nay. Nintendo đã chế tạo ra các loại thẻ bài và máy hút bụi trước khi chinh phục trái tim của những người yêu video games khắp mọi nơi trên thế giới.

Hãy tưởng tượng tự nhiên cũng vận hành theo cách như vậy. Sẽ thế nào nếu như Mẹ Thiên Nhiên chỉ cho phép mình có cơ hội tạo ra sự sống đúng một lần? Vậy thì tất cả chúng ta sẽ mãi mãi chỉ là những sinh vật đơn bào. May thay, sự tiến hoá không diễn ra như thế. Trong hàng triệu năm, sự sống luôn không ngừng điều chỉnh, phát triển, sửa đổi, và lặp đi lặp lại cho đến khi nó đạt đến sự đa dạng và phong phú giống loài trên hành tinh này của ngày hôm nay. Nó không phải là cơ chế tự nhiên của vạn vật để hình thành tất cả mọi thứ trong một lần thử duy nhất.

Do đó, nếu ý tưởng ban đầu của bạn là một sự thất bại và bạn cảm thấy mình đã liên tục xem xét và điều chỉnh quá đủ rồi, lúc đó hãy nghỉ ngơi một chút. Thay đổi chiến lược là chuyện rất bình thường. Đó chính là cách mà thế giới này vận động.

 

Giai Đoạn 3: Thất Bại Về Tầm Nhìn

Ralph Waldo Emerson được sinh ra tại Massachusetts vào năm 1803. Cha của ông đứng đầu Giáo hội Unitarianm, một nhánh khá phổ biến của Đạo Thiên Chúa thời bấy giờ.

Giống như cha mình, Emerson nhập học Harvard và đã được phong tước trở thành một linh mục. Và không giống như cha, ông cảm thấy bất đồng quan điểm với nhiều giáo điều của hội sau ít năm gia nhập. Emerson đã tranh cãi rất quyết liệt với những lãnh đạo của hội trước khi cuối cùng viết ra những dòng sau: “Thủ tục tưởng niệm Chúa Christ thật không phù hợp với quan điểm của tôi. Và đó cũng đủ là lí do để tôi rời khỏi giáo hội.”

Sau đó, vào năm 1832, Emerson đã tách khỏi giáo hội và dành nhiều năm sau đó du ngoạn khắp châu Âu. Những chuyến đi đã khởi nguồn cho trí tưởng tượng của ông và đưa đến cho ông những người bạn là những triết gia và văn sĩ đương đại như John Stuart Mill, William Wordsworth, Samuel Taylor Coleridge, và Thomas Carlyle. Điều này về sau được viết lại rằng chuyến đi đến Paris của ông đã tạo ra “một khoảnh khắc của một thứ như là viễn tưởng mạnh mẽ, cái mà đã rẽ hướng cho ông từ lĩnh vực thần học, tâm lí sang lĩnh vực khoa học.”

Trong hành trình trở về Mỹ, Emerson đã sáng lập ra Câu lạc bộ Siêu Việt, nơi tập hợp những trí tuệ đến từ New England, những con người giống ông ấy cũng ham trao đổi về triết học, văn hoá, khoa học, và sự cải thiện đời sống xã hội ở Mỹ.

Trong sâu thẳm của Emerson, sự nghi hoặc về cuộc sống và các giá trị, những thứ đã bắt đầu nhen nhóm khi ông trở thành mục sư, đã bùng lên mạnh mẽ trong suốt các chuyến đi của ông, và càng tiếp tục nổi lên trong các cuộc gặp gỡ với Câu lạc bộ Siêu Việt đã giúp ông nhận ra được khát khao muốn trở thành một triết gia và văn sĩ. Và ông đã dành phần đời còn lại của mình đeo đuổi những ý tưởng độc lập và viết ra những bài luận và các tác phẩm vẫn còn giá trị cho đến tận ngày nay.

Vượt Qua Thất Bại Về Tầm Nhìn

Thất Bại Về Tầm Nhìn là những khúc mắc về việc TẠI SAO MÌNH LẠI LÀM VIỆC NÀY. Trở ngại này xuất hiện khi tầm nhìn hoặc mục tiêu của bạn không khớp nối được với những hành động mà bạn đang làm.

Tương tự, ta cũng có 3 giải pháp sửa lỗi Tầm Nhìn:

  1. Suy tính kỹ lưỡng cho cuộc sống của bạn.
  2. Xác định thứ bạn không thể đem ra thương lượng.
  3. Đương đầu và giải quyết những sự chỉ trích.

Suy tính kỹ lưỡng cho cuộc sống của bạn. Con người ít khi dành thời gian tư duy phản biện về tầm nhìn và những giá trị của họ. Tất nhiên là không có một yêu cầu bắt buộc nào quy định bạn phải phát triển một tầm nhìn cá nhân cho công việc và cuộc sống. Nhiều người theo chủ nghĩa “sống chung với lũ”, thích nghi với môi trường và đón nhận cuộc sống theo cách tự nhiên nhất. Về lý thuyết, nó hoàn toàn ổn. Tuy nhiên, xét về thực tế, nó thật sự có vấn đề:

“Nếu bạn không bao giờ có một tầm nhìn cho cuộc sống của chính mình, thì bạn sẽ thường tìm thấy bản thân sống trong giấc mơ của người khác.”

Giống như nhiều đứa trẻ khác, Emerson đi theo con đường của cha, theo học cùng một ngôi trường vào theo cùng một nghề nghiệp trước khi mở rộng tầm nhìn của mình và nhận ra đó không phải là thứ mình muốn. Việc coi lăng kính của người khác trở thành của mình – cho dù nó có là của gia đình, bạn bè, người nổi tiếng, sếp của bạn, hoặc là của cả xã hội – hoàn toàn không có phần trăm khả năng nào dẫn lối ước mơ thực sự của chính bạn. Danh tính và thói quen của bạn phải đồng điệu với nhau.

Với tất cả lí do đó, bạn cần suy tính một cách thật kỹ lưỡng cho cuộc đời của mình. Bạn muốn đạt được điều gì? Cách bạn dùng một ngày của mình như thế nào? Đó không phải là công việc của ai khác mà là của chính bạn.

Xác định thứ bạn không thể đem ra thương lượng. Thứ bạn không thể đem ra thương lượng chính là thứ bạn không bao giờ muốn trao đổi với người khác, dù trong bất kỳ trường hợp nào. Một sai lầm phổ biến đó chính là coi chiến lược là thứ không thể thương lượng, trong khi đó đáng lẽ đó phải là tầm nhìn. Bạn rất dễ thay đổi và trở nên linh hoạt trong các ý tưởng của mình. Nhưng nếu bạn bắt đầu trở nên ám ảnh với thứ gì đó, hãy ám ảnh với tầm nhìn, không phải ý tưởng. Kiên định với tầm nhìn đó, chứ không phải với một phiên bản nhất định của ý tưởng. Bởi vì thế mà Jeff Bezos đã nói, “Chúng ta bướng bỉnh với tầm nhìn. Nhưng chúng ta linh hoạt với các chi tiết.”

Mấu chốt ở đây là phải nhận biết gần như mọi thứ như một chi tiết – chiến thuật, chiến lược, thậm chí là hình mẫu kinh doanh. Nếu mục tiêu của bạn là trở thành một doanh nhân thành đạt, thì có rất nhiều cách để có thể đạt được điều đó. Nếu mục tiêu không thể thương lượng của Amazon chỉ là “trở thành doanh nghiệp trung tâm duy nhất phục vụ cho khách hàng trên toàn cầu”, thì có lẽ họ đã mất hàng tỷ đô la vào Amazon Auctions và Amazon zShops và dù sao vẫn đạt được mục tiêu của mình.

Một khi bạn tự tin về tầm nhìn của mình, thì bạn sẽ không dễ dàng đánh mất nó chỉ trong một lần vấp ngã. Có rất ít sai lầm nghiêm trọng đến mức đủ để hoàn toàn làm tiêu tan giấc mơ của bạn. Nhiều khả năng, bạn sẽ gặp trục trặc ở gian đoạn hoạch định chiến lược và bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng và nản chí. Điều đó sẽ thui chột sự nhiệt huyết của bạn, cuối cùng bạn bỏ cuộc không phải vì bạn phải, mà là bởi bạn thấy như vậy. Những cảm xúc của bạn cũng một phần khiến bạn lầm tưởng thất bại ở Giai Đoạn 1 hoặc 2 là thất bại ở Giai Đoạn 3. Phần lớn những sai lầm mọi người cho rằng là Thất Bại Về Tầm Nhìn thực chất lại là Thất Bại Về Chiến Lược. Nhiều doanh nhân, nghệ sĩ và nhà sáng tạo tỏ ra rất hào hứng với một phiên bản nhất định của sáng kiến họ nghĩ ra, và khi ý tưởng đó lụi tắt, họ cũng dễ dàng từ bỏ tầm nhìn của mình. Vậy nên, đừng tạo cảm giác cho mình một cảm giác sở hữu sai chỗ. Có gần như bất tận các con đường để khám phá ra tầm nhìn nếu bạn chịu khó linh hoạt trên từng chi tiết.

Đương đầu và giải quyết những sự chỉ trích. Sự chỉ trích có thể là một nhân tố báo hiệu sự thất bại trong chiến lược và chiến thuật, tuy nhiên – giả sử bạn là một người với những ý định tốt đẹp – thì ít khi nó là dấu hiệu của sự thất bại trong tầm nhìn. Nếu bạn cam kết tầm nhìn của bạn sẽ là thứ không thể đem ra thương lượng trong cuộc đời của bạn và bạn sẽ không bỏ cuộc với lần thử đầu tiên, thì khi có bạn đã sẵ sàng đương đầu và giải quyết những chỉ trích. Bạn không cần thiết phải xin lỗi cho những thứ mà bạn yêu mến, nhưng bạn chắc chắn phải học cách đối phó với những kẻ ganh ghét với bạn.

 

Giai Đoạn 4 Của Sự Thất Bại

Có thêm một giai đoạn thứ tư của thất bại mà chúng tôi chưa đề cập đến: đó là Thất Bại Về Cơ Hội.

Đây là những sai lầm về việc XÁC ĐỊNH CHỦ THỂ. Chúng xảy ra khi xã hội không trao cơ hội một cách công bằng cho tất cả mọi người. Thất Bại Về Cơ Hội là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp: tuổi tác, chủng tộc, giới tính, thu nhập, giáo dục, và nhiều thứ khác.

Ví dụ, ngoài kia có hàng ngàn những người đàn ông bằng tuổi tôi đang phải sống trong những khu ổ chuột ở Ấn Độ hay trên những con phố ở Bangladesh, những con người thông minh và tài năng hơn tôi rất nhiều, nhưng chúng tôi sống những cuộc sống rất khác nhau bởi những cơ hội được trao đến cho chúng tôi là khác nhau.

Sự Thất Bại Về Cơ Hội xứng đáng được viết trong một bài báo riêng cho nó và có rất nhiều cách chúng ta có thể làm với tư cách cá nhân và xã hội để có thể giảm thiểu tình trạng này. Tuy nhiên, tôi chọn không tập trung vào những việc đó ở đây do Thất Bại Về Cơ Hội là rất khó để có thể thay đổi và sửa chữa. Trong khi đó, tầm nhìn, chiến lược và chiến thuật của bạn là những thứ bạn có thể trực tiếp điều chỉnh.

 

Chú Thích Cuối Cùng Về Sự Thất Bại

Hi vọng rằng mô hình 3 Giai Đoạn Của Sự Thất Bại có thể giúp bạn nhìn nhận rõ những vấn đề mà bạn gặp phải và biết cách đối mặt với chúng. Một điều có thể sẽ không rõ ràng ngay từ cái nhìn đầu tiên là cách các giai đoạn này tác động lẫn nhau.

Ví dụ, Thất Bại Trong Chiến Thuật đôi khi có thể tạo ra một sự tổn thất đủ đề bạn lầm tưởng mình đang gặp phải Thất Bại Trong Tầm Nhìn. Hãy cứ thử tượng tượng việc Sam Carpenter cảm thấy như thế nào khi ông phải làm việc những 100 tiếng một tuần. Nó đáng lẽ ra đã có thể dễ dàng mường tượng hơn tầm nhìn trở thành doanh nhân của ông ấy là một thất bại khi, thực tế, nó chỉ đơn thuần là chiến thuật yếu kém dẫn đến xảy ra vấn đề.

Ngoài ra, có những lúc bạn chỉ cần rất ít chiến thuật để có thể chừa ra một khoảng trắng giúp vạch ra dễ dàng chiến lược và tầm nhìn. Đó là lý do vì sao tôi lại viết về những thứ như là làm thế nào để quản lí thói quen hằng ngày của bạn, làm thế nào để biết được việc gì bạn cần ưu tiên trước hay tại sao khả năng làm việc đa nhiệm vụ cùng một lúc là điều không thể. Những chủ đề này không thể tự thân chúng tạo ra được một tầm nhìn thay đổi thế giới. Nhưng chúng có thể hỗ trợ bạn trong việc tạo ra một không gian đủ thoáng đãng trong lịch trình của bạn để bạn mơ về một tầm nhìn có khả năng thay đổi thế giới.

Nói cách khác, sau tất cả có thể bạn không đi sai đường đâu. Chỉ là có quá nhiều bụi bặm vây lấy xung quanh bạn khiến cho bạn không thể nhìn thấy con đường mình đang đi. Chỉ cần vạch ra đúng chiến thuật và chiến lược – xoá tan đi bụi mờ trong không gian – và bạn sẽ nhận ra rằng khi đó tầm nhìn sẽ tự nó xuất hiện.

---------------------------

Tác giả: James Clear

Link bài gốc: The 3 Stages of Failure in Life and Work (And How to Fix Them)

Dịch giả: Xanh Da Trời - YBOX.VN Translator

(*) Bản quyền bài viết thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Xanh Da Trời - Nguồn: YBOX.VN". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo YBOX" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Trở thành dịch giả trên YBOX.VN, xem chi tiết tại đây: http://bit.ly/yboxtranslateteam

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,494 lượt xem