Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

3 Phương Pháp Giúp Bạn Hình Thành Chủ Đề Hay Ho Cho Cuộc Trò Chuyện

Gặp gỡ người khác là hoạt động điển hình trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ngay cả khi bạn khá giỏi giao tiếp với mọi người, sẽ có lúc bạn cảm thấy cạn kiệt chủ đề để nói và không biết phải nói gì tiếp theo. Bằng cách chuẩn bị sẵn danh sách ý tưởng về chủ đề để trò chuyện trong đầu, bạn sẽ không còn cảm thấy hoảng sợ trong quá trình tìm kiếm chủ đề. Tất cả những gì mà bạn cần làm đó chính là tiến hành sử dụng từng ý tưởng và tiếp tục với cuộc trò chuyện của mình.

3 Phần: Tìm hiểu về cách bắt chuyện cơ bản | Kéo dài cuộc trò chuyện | Thúc đẩy ranh giới

Phần 1: Tìm hiểu về cách bắt chuyện cơ bản    

1. Nói về đối phương. Bí mật lớn nhất trong việc trở thành người giỏi trò chuyện chỉ đơn giản là cho phép đối phương nói về bản thân. Tại sao? Đây là chủ đề khá quen thuộc đối với họ và họ chắc chắn sẽ cảm thấy thoải mái khi bàn luận về nó. Bạn có thể thử sử dụng chiến thuật sau:

  • Hỏi ý kiến của đối phương. Bạn có thể tập trung về những gì đang diễn ra trong phòng, sự kiện hiện tại, hoặc bất kỳ điều gì mà bạn muốn thảo luận.
  • Đào sâu vào chủ đề "chuyện đời sống". Hãy hỏi đối phương xem liệu họ đến từ đâu, họ lớn lên như thế nào, v.v.

  2. Chuẩn bị một vài lời gợi chuyện khác nhau theo từng mức độ quen biết khác nhau. Loại câu hỏi mà bạn có thể sử dụng tùy thuộc vào sự thân thiết giữa bạn với đối phương, hoặc liệu bạn có biết người đó hay không. Sau đây là một vài lời mở đầu cho hai tuýp người mà bạn thường trò chuyện:

  • Người mà bạn biết rõ: bạn có thể hỏi thăm người đó, hỏi xem liệu có chuyện gì thú vị xảy đến với người đó trong tuần qua hay không, hoặc hỏi về tiến độ của dự án cũng như quá trình học tập của họ, hỏi thăm về con cái họ, và hỏi xem liệu dạo gần đây người đó có xem bất kỳ chương trình TV hoặc bộ phim hay ho nào hay không.
  • Người mà bạn quen biết nhưng đã lâu không gặp: bạn có thể hỏi người đó về chuyện đã xảy ra với họ kể từ lần cuối cùng mà bạn gặp họ, tìm hiểu xem liệu người đó có còn làm công việc trước đây và còn sinh sống tại nơi ở cũ hay không, hỏi thăm về lũ trẻ nhà họ và hỏi xem liệu người đó có sinh thêm em bé hay không (nếu phù hợp); có lẽ là hỏi xem gần đây họ có gặp một người bạn nào đó mà cả hai cùng quen biết.

  3. Cần nhớ những điều nên tránh. Bạn chắc hẳn đã biết rõ quy tắc có từ lâu đời: không bao giờ trò chuyện về tôn giáo, chính trị, tiền bạc, mối quan hệ tình cảm, vấn đề gia đình, vấn đề sức khỏe, hoặc vấn đề tình dục với người mà bạn không thật sự thân thiết. Có nguy cơ là bạn sẽ nói ra một điều gì đó khiến đối phương cảm thấy bị xúc phạm, vì vậy, hãy nhớ tránh xa chúng; những chủ đề này cũng thường khá nhạy cảm.  

4. Tìm hiểu về sở thích và thú vui. Con người rất phức tạp, họ có sở thích, thú vui khác nhau, cũng như rất nhiều những thứ họ thích và không thích. Có vô vàn câu hỏi mà bạn có thể sử dụng để tìm hiểu về sở thích và thú vui của người khác, một số câu hỏi sẽ tự động giúp bạn kéo dài cuộc trò chuyện. Bạn có thể đưa ra các câu hỏi sau:

  • Bạn có chơi hoặc theo dõi bất kỳ một môn thể thao nào không?
  • Bạn có thích gặp gỡ mọi người trực tuyến?
  • Bạn thích đọc loại sách gì?
  • Bạn thường làm gì khi rảnh rỗi?
  • Bạn thích nghe loại nhạc nào?
  • Bạn thích xem thể loại phim nào?
  • Chương trình TV yêu thích của bạn là gì?
  • Loại trò chơi mà bạn yêu thích là gì?
  • Bạn có thích động vật không? Bạn thích loại động vật nào?

  5. Bàn về gia đình. Chủ đề an toàn tuyệt đối mà bạn có thể sử dụng ở đây là về anh chị em và thông tin chung về gia cảnh của người đó (chẳng hạn như về nơi mà họ lớn lên). Bạn nên nhớ đáp lại cuộc trò chuyện một cách nhiệt tình để khuyến khích đối phương chia sẻ thêm thông tin.[3] Cha mẹ có thể là chủ đề khá nhạy cảm đối với những người gặp khó khăn trong thời thơ ấu, người có cha mẹ đã ly thân hoặc vừa mới qua đời. Chủ đề trẻ em có thể sẽ khá khó chịu đối với cặp đôi gặp vấn đề với khả năng sinh con hoặc bất đồng trước quyết định sinh con, hoặc đối với người muốn có con nhưng lại chưa tìm được đối tượng hoặc tình huống phù hợp. Một vài câu hỏi mà bạn có thể sử dụng bao gồm:

  • Bạn có anh chị em nào không? Bao nhiêu người?
  • (Nếu người đó không có anh chị em) Bạn cảm thấy như thế nào khi là con một trong nhà?
  • (Nếu người đó có anh chị em) Tên họ là gì?
  • Họ bao nhiêu tuổi?
  • Anh chị em của bạn làm nghề gì? (Điều chỉnh câu hỏi dựa trên độ tuổi của họ. Họ có đang đi học/học đại học hay làm việc?)
  • Trông bạn có giống anh chị em của bạn không?
  • Mọi người trong nhà đều có tính cách tương tự nhau phải không?
  • Bạn lớn lên ở đâu?

  6. Đưa ra câu hỏi về chuyến phiêu lưu đã qua. Bạn có thể hỏi đối phương về nơi mà người đó đã từng đến. Ngay cả khi họ chưa từng rời khỏi quê hương, họ có thể sẽ cảm thấy rất vui khi được trò chuyện về nơi mà họ muốn đến. Đặc biệt, bạn có thể hỏi:

  • Nếu bạn có cơ hội được chuyển đến sống tại một nơi khác, bạn chọn nơi nào và vì sao?
  • Trong tất cả mọi nơi trên thế giới mà bạn đã đến, bạn thích nơi nào nhất?
  • Kỳ nghỉ vừa rồi bạn đã đi đâu? Bạn có thích nó không?
  • Kỳ nghỉ hoặc chuyến du lịch tuyệt vời nhất/tệ hại nhất mà bạn đã từng gặp phải là gì?

  7. Hỏi thăm về đồ ăn thức uống. Đây không phải là chủ đề dễ dàng bởi vì có cơ hội bạn sẽ gặp phải người đang gặp vấn đề với việc lạm dụng rượu bia hoặc không uống rượu bia. Bạn nên cẩn thận đừng để cho cuộc trò chuyện đi lạc sang chủ đề ăn kiêng hoặc quá trình giảm cân của đối phương. Hành động này có thể chuyển hướng cuộc trò chuyện trở nên tiêu cực hơn. Thay vào đó, bạn nên hỏi:

  • Nếu bạn chỉ có thể ăn một bữa duy nhất trong đời thì bạn chọn bữa ăn nào?
  • Bạn thích đi ăn ở đâu?
  • Bạn có thích nấu ăn không?
  • Loại kẹo mà bạn yêu thích là gì?
  • Trải nghiệm tồi tệ nhất mà bạn từng có với một nhà hàng là gì?

  8. Hỏi thăm về công việc. Chủ đề này sẽ khó khăn đôi chút bởi vì cuộc trò chuyện có thể kết thúc như một buổi phỏng vấn xin việc. Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng xử lý nó một cách cẩn thận và giữ cho câu chuyện ngắn gọn và ngọt ngào, nó có thể hình thành một buổi bàn luận thú vị. Và đừng quên rằng đối phương có thể vẫn còn đang đi học, đã nghỉ hưu hoặc "đang tìm việc". Sau đây là một vài lời mở đầu gợi ý:

  • Bạn làm nghề gì? Bạn làm việc (hoặc học tập) ở đâu?
  • Công việc đầu tiên mà bạn từng làm là gì?
  • Bạn yêu thích vị sếp nào nhất trong quá khứ?
  • Khi còn nhỏ, bạn ước muốn làm gì khi lớn lên?
  • Bạn thích điều gì nhất trong công việc hiện tại?
  • Nếu tiền bạc không thành vấn đề, và bạn vẫn phải đi làm, vậy công việc mà bạn mơ ước là gì?

  9. Tìm hiểu lý do tại sao cả hai lại có mặt tại cùng một địa điểm. Nếu bạn chưa từng gặp người đó trước đây, có vô vàn những điều mà bạn có thể khám phá xoay quanh lý do tại sao cả hai lại có mặt tại cùng một sự kiên. Bạn có thể đưa ra câu hỏi như sau:

  • Sao bạn lại quen biết với chủ nhà?
  • Sao bạn có thể có mặt tại sự kiện này? (hoặc, khi thích hợp) Tại buổi gây quỹ? Tại cuộc thi thể thao ba môn phối hợp?
  • Sao bạn lại có thời gian để tham dự sự kiện này?

  10. Dành cho đối phương lời khen tặng chân thành. Bạn nên cố gắng đưa ra lời khen có liên quan đến một hành động nào đó mà người đó đã thực hiện thay vì những điều mà họ sở hữu. Phương pháp này sẽ cho phép bạn có thể dẫn dắt cuộc trò chuyện tiến xa hơn bằng cách hỏi thăm về kỹ năng của đối phương. Nếu bạn nói cho người đó biết rằng họ có đôi mắt rất đẹp, họ sẽ cảm ơn bạn và cuộc trò chuyện có thể sẽ kết thúc tại đây. Bạn nên nhớ duy trì sự hào hứng khi bạn khen tặng người khác để lời khen của bạn luôn trông có vẻ chân thành.[4] Sau đây là một vài câu khen tặng mà bạn có thể sử dụng:

  • Tôi rất thích buổi trình diễn piano của bạn. Bạn chơi piano bao lâu rồi?
  • Trông bạn rất tự tin khi phát biểu. Làm cách nào mà bạn có thể xây dựng bài thuyết trình hay như vậy?
  • Cuộc chạy đua của bạn rất tuyệt vời. Bạn tập luyện bao nhiêu lần mỗi tuần?

  Phần 2: Kéo dài cuộc trò chuyện     1. Giữ cho cuộc trò chuyện diễn ra một cách nhẹ nhàng. Bạn không thể trông chờ điều kỳ diệu sẽ xuất hiện trong lần đầu tiên tương tác với một ai đó. Tất cả mọi điều mà bạn có thể hy vọng đó là bạn đã hình thành mối quan hệ tốt đẹp ban đầu với đối phương. Bạn nên theo sát chủ đề thú vị và giải trí; nó cũng có thể giúp bạn thêm sự hài hước thanh thoát vào cuộc trò chuyện.

  • Tránh bàn về vấn đề trong cuộc sống của bạn hoặc về tình huống tiêu cực khác. Nếu bạn nhận thấy rằng đôi mắt của đối phương dần trở nên đờ đẫn khi nhắc đến chủ đề này, lý do là vì không người nào lại muốn đối mặt với tình huống hoặc vấn đề nặng nề trong bối cảnh của một cuộc đàm thoại thông thường.
  • Hầu hết mọi người thường tìm kiếm chủ đề lịch sự, thú vị, và nhẹ nhàng để trò chuyện và chèn thêm sự tiêu cực vào cuộc trò chuyện thật sự có thể làm hỏng khoảnh khắc này, và hình thành điểm kết thúc cho toàn bộ quá trình.

  2. Thoải mái với sự im lặng. Sự im lặng không cần thiết phải gây khó xử - nó cho phép bạn thu thập quan điểm về đối phương hoặc suy nghĩ về chủ đề mà họ có thể sẽ thích thú. Nó cung cấp cho cả hai thời gian để thư giãn và để có thể tạm dừng một cách tế nhị.

  • Tuy nhiên, sự im lặng có thể trở nên khó xử nếu bạn bắt đầu cảm thấy bối rối hoặc cố gắng xóa tan bầu không khí yên lặng đó bởi vì bạn đang lo lắng.

  3. Chia sẻ sở thích chung. Ví dụ, nếu bạn nhận thấy rằng cả hai đều thích chạy bộ, bạn có thể dành thêm thời gian để trò chuyện về sở thích chung này. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng tại một thời điểm nào đó, bạn sẽ cần phải chuyển sang chủ đề khác. Một cuộc trò chuyện kéo dài trong 45 phút về chủ đề chạy bộ sẽ khiến nhiều người cảm thấy khó xử.

  • Bàn luận về người có liên quan đến sở thích của cả hai và thành tựu của họ. Ví dụ, cả hai bạn có thể đều biết về người chiến thắng giải chạy đua marathon của mùa gải trước và một trong hai bạn sẽ bắt đầu bàn luận thêm về dự định của người này kể từ khi chiến thắng.
  • Trò chuyện về thiết bị mới, dụng cụ mới, cái nhìn mới, chiến thuật mới, v.v có liên quan đến sở thích chung của hai bạn.
  • Gợi ý về điều mới mẻ về sở thích chung mà cả hai có thể thử thực hiện, thậm chí bạn có thể hẹn gặp người đó vào một thời điểm cụ thể để cùng nhau thử qua hoạt động mới mẻ này.

  Phần 3: Thúc đẩy ranh giới   1. Khơi mào cuộc trò chuyện bằng sự giả định. Đầu tiên, quá trình này có thể khá xa lạ với bạn, nhưng bạn nên thử tiến hành và quan sát xem liệu cuộc trò chuyện sẽ trở nên cởi mở hơn như thế nào. Sau đây là một vài câu hỏi khơi gợi suy nghĩ để truyền cảm hứng cho cuộc trò chuyện:

  • Trong tất cả mọi thành tựu mà bạn đã đạt được, bạn nghĩ thành tựu nào là quan trọng nhất đối với bạn/đem lại lợi ích cho cộng đồng bạn?
  • Nếu bạn có thể trở nên giàu có, nổi tiếng hoặc có khả năng gây ảnh hưởng, bạn sẽ lựa chọn điều nào và tại sao?
  • Đây có phải là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc sống của bạn?
  • Nếu bạn chỉ có thể sở hữu 10 thứ, bạn lựa chọn thứ gì?
  • Nếu bạn chỉ có thể ăn 5 loại thực phẩm và 2 loại thức uống trong suốt cuộc đời, bạn sẽ chọn loại nào?
  • Bạn có tin rằng con người tạo nên hạnh phúc hay là họ vấp ngã trên nó?
  • Bạn sẽ làm gì nếu bạn sở hữu chiếc áo tàng hình?
  • Bạn có tin vào ý chí tự do hay không?
  • Nếu một ai đó có thể biến bạn thành động vật, bạn sẽ lựa chọn loại động vật nào?
  • Ai là người anh hùng mà bạn yêu thích nhất và tại sao?
  • Năm người trong lịch sử mà bạn lựa chọn để mời họ đến dùng bữa tối thân mật tại nhà của bạn là ai?
  • Nếu bạn trúng số một vài tỷ đồng vào ngày mai, bạn sẽ sử dụng số tiền này như thế nào?
  • Nếu bạn có thể trở nên nổi tiếng trong 1 tuần, bạn muốn nổi tiếng về lĩnh vực nào? (Hoặc bạn muốn trở thành người nổi tiếng nào?)
  • Bạn có còn tin vào Ông già tuyết (Santa)?
  • Bạn có thể sống mà không có internet hay không?
  • Kỳ nghỉ trong mơ của bạn là gì?

  2. Ghi nhớ chủ đề nhận được phản ứng tốt đẹp trong cuộc trò chuyện. Thường xuyên chuyển hướng cuộc trò chuyện trở về với chiến thuật "thành công" này miễn là chúng vẫn tiếp tục đem lại hiệu quả.

  • Tương tự, hãy chú ý đến chủ đề khiến đối phương không thoải mái hoặc nhàm chán và tránh xa chúng trong tương lai.

  3. Tìm hiểu về sự kiện hiện tại. Bạn có thể tìm hiểu về sự kiện đang diễn ra trên thế giới và tham khảo suy nghĩ của đối phương trước sự kiện to tát mà báo đài đưa tin (tuy nhiên hãy nhớ rằng, trong hầu hết mọi trường hợp, bạn nên tránh xa chủ đề chính trị).

  • Ghi nhớ câu chuyện mới mẻ và vui nhộn có thể làm bạn cười cũng như nhắc đối phương về câu chuyện hài hước mà gần đây họ đã đọc được.

  4. Hãy súc tích. Tạo dựng chủ đề hay ho để trò chuyện là một phần của quá trình hình thành cuộc trò chuyện tuyệt vời, nhưng cách bạn truyền tải chủ đề câu chuyện cũng khá quan trọng. Bạn nên nhớ đi vào trọng tâm chứ không nên “vòng vo tam quốc”.

  • Khi nêu lên một chủ đề nào đó, bạn nên tránh lạc đề hoặc nếu không, đối phương có thể ngừng chú ý vào câu chuyện!

Lời khuyên

  • Không nên chỉ sử dụng danh sách câu hỏi nêu trên một cách vô thức. Hành động này sẽ khiến đối phương có cảm giác như bị tra khảo.
  • Nếu đây là lần đầu tiên bạn trò chuyện với người đó, bạn nên cố gắng bàn về chủ đề có liên quan đến tình huống trước mắt, thay vì chỉ đơn giản là tập trung vào chủ đề ngẫu nhiên nào đó.
  • Tỏ thái độ thân thiện và không nên xúc phạm người khác.
  • Nếu bạn đang trò chuyện với một nhóm người, hãy chắc chắn rằng mọi người đều có cảm giác được tham gia vào câu chuyện. Nếu bạn chỉ nói chuyện với một người duy nhất trong nhóm và hy vọng rằng người khác sẽ quan sát cuộc trò chuyện của bạn, bạn sẽ khiến mọi người cảm thấy khó xử.
  • Lắng nghe kỹ càng câu trả lời của đối phương trước câu hỏi của bạn có thể dẫn dắt bạn đến với nhiều chủ đề có liên quan khác.
  • Suy nghĩ trước khi nói. Bạn sẽ không thể rút lại lời nói của mình. Ngoài ra, người khác thường sẽ ghi nhớ cuộc trò chuyện mà họ đã từng có với bạn, vì vậy, đừng hành động theo kiểu không thân thiện trừ khi bạn muốn họ nhớ về bạn theo cách này.
  • Một cách khá tốt để kéo dài cuộc trò chuyện trong khi vẫn duy trì được sự cân bằng đó là thay phiên đưa ra câu hỏi. Bạn không cần phải biến quá trình này trở thành như một cuộc thi vấn đáp hoặc một cuộc đua xem ai có thể đặt ra câu hỏi hay nhất, nhưng đây chính là phương pháp lịch sự để hình thành cuộc trò chuyện vui vẻ mà không quá thiên về một người nào đó.
  • Lắng nghe cẩn thận, và cố gắng liên hệ với bản thân. Sau khi đối phương đã trả lời câu hỏi của bạn, bạn nên liên hệ câu trả lời của họ với trải nghiệm của bản thân, hoặc tự mình đưa ra câu trả lời cho câu hỏi đó, ngay cả khi người đó không hỏi.
  • Tránh "trả lời chỉ bằng một từ" (chẳng hạn như "Có", "Không" và "Ổn") vì chúng sẽ khiến cuộc trò chuyện đi vào ngõ cụt.
  • Nếu bạn đang gặp gỡ người mới, bạn nên cố gắng ghi nhớ tên họ! Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng bạn sẽ rất dễ quên yếu tố này. Bạn nên nhanh chóng lặp lại liên tục 5 lần tên người đó trong đầu khi họ giới thiệu bản thân.

Theo wikihow.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

466 lượt xem