Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

7 Hướng Tư Duy Dành Cho Content Marketer - Hãy Suy Nghĩ Như Một Nghệ Sĩ

Nghệ thuật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong content marketing, tôi cho là như vậy.

Nhưng điều đó thực sự nghĩa là gì? Đối với bạn thì “nghệ thuật” là như thế nào?

"Chỉ khi nhìn thấy nó, ta mới có thể biết nó là thứ gì." - Một nhà phê bình đã nói như vậy.

Trong bài viết này, tôi sẽ định nghĩa nghệ thuật như một phương thức bày tỏ mà không thể được tạo nên từ bất kì một thuật toán nào. Đó là tia sáng của sự sáng tạo, là sự lựa chọn “bất thường”, là sự bùng nổ của tính cách mỗi người, là khoảnh khắc của sự đồng cảm và kết nối giữa người với người.

Nếu như bạn nghĩ rằng marketing và nghệ thuật hoàn toàn tách biệt với nhau, thì quả thực đó là một lỗi sai nghiêm trọng.

Brian Clark vẫn luôn nói thế này:

"Những người cho rằng nghệ thuật là thứ gì đó thiêng liêng và marketing là dơ bẩn, thì họ hẳn là những marketer dở tệ và những nghệ sĩ nửa mùa.

Những người cho rằng nghệ thuật chẳng liên quan gì tới cuộc sống thực tế và marketing là công việc lừa lọc, khiến khách hàng mua những thứ đồ mà họ không cần, hẳn phải là những người còn tệ hơn thế.”

- Brian Clark, “Bắt trẻ đồng xanh” và Nghệ thuật Phony Marketing.

Định nghĩa nghệ thuật là như vậy, giờ hãy để tôi tiếp tục định nghĩa về marketing: Marketing là tất cả những cách giao tiếp để chúng ta có thể làm việc với những người khác. Quảng cáo, các chiến lược mạng xã hội, SEO, tự động hóa - tất cả đều cần để phục vụ chức năng đó.

Thế nhưng bằng một cách nào đó, chúng ta lại thường ngầm hiểu rằng marketing là một từ đồng nghĩa với “nói dối”. Và thế nên, đừng mua nhé.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các marketer thông minh không chấp nhận lý do "Đó chỉ là marketing thôi" để che giấu sự thật hoặc tạo ra những sản phẩm không tốt và không có lợi ích cho mọi người.

Những marketer khôn ngoan biết cách lồng ghép nghệ thuật vào những gì họ làm, đề cao chúng bằng với các chiến lược và các công việc triển khai của họ.

Dưới đây là một vài quan sát tôi đã thực hiện qua nhiều năm về cách các nghệ sĩ làm việc và cách mọi người có thể áp dụng một tư duy nghệ thuật hơn.

1. Các nghệ sĩ luôn “ăn ngủ với nghề”

"Sáng tạo chỉ xuất hiện nếu như bạn đang hành động. Hãy nhớ rằng nó không phải là một đặc điểm, mà nó được sinh ra từ những gì bạn LÀM.”

- Bert Dodson

Hãy tập hợp một nhóm người thích viết lách lại và bạn sẽ được nghe rất nhiều cuộc nói chuyện đầy hào hứng về cấu trúc, ngôn ngữ, sự lựa chọn từ, phép ẩn dụ, và một loạt những dấu phẩy nối tiếp.

Nghệ thuật là cách thể hiện cái nhìn riêng biệt của cá nhân bạn về thế giới xung quanh. Nhưng bạn sẽ không thể diễn tả được những gì bạn nhìn thấy và cảm nhận cho đến khi bạn thật sự thành thạo với “món nghề đã chọn”.

 

Là một content marketer, bạn kiếm sống bằng ngôn ngữ. Hãy đào sâu các nguyên tắc dạy cho bạn cách ghép các từ với nhau theo những cách mà bạn chưa từng thử trước đây.

Hãy nghiên cứu thơ ca, kịch bản, truyện ngắn. Nếu bạn là một podcaster, hãy tham gia lớp diễn xuất hoặc tìm kiếm các bài giảng về giọng đọc.

Một lý do khiến cho cuộc sống của người nghệ sĩ trở nên thú vị và “đáng sống”, đó là họ không bao giờ ngừng học tập, nghiên cứu. Khi họ đã đạt tới một trình độ nhất định trong nghề, họ lại nhìn thấy những cấp độ mới để thử sức. Trò chơi ấy sẽ chỉ ngày càng phức tạp hơn và thú vị hơn.

Bất kỳ nghiên cứu nào về viết sáng tạo đều sẽ mang lại cho các content marketer rất nhiều kiến thức bổ ích. Bạn sẽ học được cách để thể hiện, chứ không phải học kể. Bạn sẽ suy nghĩ cẩn thận hơn khi lựa chọn từ ngữ. Và bạn sẽ học được thêm những sắc thái khác nhau để có thể tạo nên mạch kể chuyện tuyệt vời.

Một workshop về viết lách có thể là một khởi đầu tuyệt vời, nhưng cũng có rất nhiều cuốn sách hay bàn về việc viết. Dưới đây sẽ là một vài gợi ý dành cho bạn.

  • Stephen King’s On Writing

  • Samuel R. Delany’s About Writing

  • Christopher Vogler’s The Writer’s Journey

  • James N. Frey’s How to Write a Damn Good Novel

  • Natalie Goldberg’s Writing Down the Bones

2. Các nghệ sĩ luôn có khoảng thời gian năng suất của riêng mình

Nếu bạn thử tìm đọc một cuốn sách nói về thói quen làm việc của những người sáng tạo (tôi khá ám ảnh với chủ đề này), nhất định bạn sẽ “choáng ngợp”!

Gần như tất cả các nhà văn, nhạc sĩ, họa sỹ và các nghệ sĩ khác đều có xu hướng làm việc trong các khoảng thời gian được xác định rất rõ ràng.

 

Họ gần như luôn luôn có những khoảng thời gian cụ thể trong ngày để dành cho công việc sáng tạo. Họ “bảo vệ” khoảng thời gian này vô cùng cẩn thận, nhất quyết không để bị gián đoạn hay làm phiền.

Thông thường, thời gian này được dành riêng cho những thứ mà các nhà văn gọi là "bản nháp" - phần lộn xộn, đôi khi xấu xí trong quá trình sáng tạo, nơi họ đưa ra những ý tưởng mới.

Bạn cần phải thực sự nghiêm túc với khoảng thời gian này. Điều này là vô cùng quan trọng, bởi xung quanh tồn tại rất nhiều những “cám dỗ” dễ gây mất tập trung.

Bởi vì thành thực mà nói, thì khoảng thời gian này hầu hết không thú vị như bạn tưởng. Đó là khoảnh khắc khi tất cả những ước mơ và ý tưởng tuyệt vời của bạn bỗng trở nên xấu xí khi bước vào hiện thực - trên giấy, canvas hoặc màn hình máy tính.

Đó là nơi mà bạn phải đối mặt với nỗi sợ không tên: "Những thứ xuất hiện trên màn hình chẳng ăn nhập gì với những thứ xuất hiện trong đầu tôi hết!"

Cách duy nhất mà chúng ta có thể làm để hoàn thiện mọi việc chỉ đơn giản là trở thành robot. Bất kì sự gián đoạn nào trong thời gian sáng tạo của bạn đều cần được loại bỏ bằng hết!

Có rất nhiều ứng dụng hữu ích có thể giúp bạn quản lí được khoảng thời gian năng suất của mình. Tôi thích ứng dụng Freedom - một ứng dụng giúp tôi loại trừ những thói quen xấu nhất của mình.

Ngoài ra, cuốn sách “Daily Rituals: How artists work” là một cái nhìn hấp dẫn về cách các nghệ sĩ khác nhau đã sử dụng thời gian của họ như thế nào.

3. Các nghệ sĩ biết yêu thương cả những tác phẩm dở tệ

Nếu chúng ta dành thời gian mỗi ngày để sáng tạo ra một thứ gì đó không phù hợp với cái nhìn nghệ thuật của mình, thì làm thế nào để có thể trở nên giỏi hơn nữa?

Các nghệ sỹ biết rằng con đường đi tới những tác phẩm tuyệt vời chính là sáng tạo ra thật nhiều những tác phẩm dở tệ.

Bạn sẽ không bao giờ có thể vẽ tốt cho đến khi bạn thực sự đặt bút vẽ lên giấy, và không chỉ một tờ, mà là hàng ngàn tờ giấy hay canvas.

Chúng ta viết ra những câu văn hay bằng cách bắt đầu với những câu văn dở tệ..

 

 

Tôi tự nhận thấy rằng các nhà văn thật may mắn. Chúng ta có thể tiếp tục viết đi viết lại một bài viết nào đó cho tới khi cảm thấy nó thật hay. Hãy thử sáng tạo với bút vẽ mà xem, mọi thứ có thể sẽ khiến bạn “mất vui” đấy!

Nếu chúng ta tiếp tục thử sức sáng tạo trên những “vật liệu” đầy thách thức, chúng ta nhất định sẽ hoàn thiện mình nhiều hơn. Ban đầu, các tác phẩm của bạn có thể cần rất nhiều thời gian chỉnh sửa. Nhưng khi bạn dần trưởng thành hơn trong công việc sáng tạo, việc viết lại của bạn có thể sẽ nhanh hơn rất nhiều, mặc dù bạn sẽ vẫn phải viết lại rất nhiều lần để ra được một tác phẩm cuối cùng thật mỹ mãn.

Theo kinh nghiệm của tôi, không gì có thể thay thế cho một lối tư duy chặt chẽ khi check lại bài viết của mình. Các nhóm phê bình có thể sẽ hữu ích vào lúc này, nếu bạn có được những người phù hợp ở trong nhóm. Một giáo viên dạy văn hoặc một biên tập viên tự do có trình độ cao có lẽ chính là chuẩn mực vàng dành cho vị trí này.

Nếu ngân sách hiện tại có hạn, bạn hãy tìm một người bạn hoặc một content creator mà bạn ngưỡng mộ và trao đổi thật kĩ về những phê bình trong tác phẩm của bạn.

4. Các nghệ sĩ luôn tìm kiếm những “dòng chảy”

Hầu hết chúng ta đều biết đến “Flow” của Mihaly Csikszentmihalyi - một cuốn sách nói về "trạng thái sáng tạo". Đó là một “điểm giao” trong tâm hồn, nơi mà thời gian dừng lại và chúng ta cảm nhận được hạt mầm sáng tạo thuần khiết.

Để chúng ta tìm ra “dòng chảy” sáng tạo, thì cho dù đó là leo núi, sắp xếp hoa, hay viết lách, chúng ta phải giữ cho mình cân bằng trên ranh giới giữa "quá khó" và "quá dễ".

 

 

Khi cảm thấy quá khó khăn, chúng ta thường xuyên bị thất vọng và những suy nghĩ khi ấy bỗng trở nên “chật chội”, “khó thở”. Thực sự rất khó để tạo ra được một điều gì mới lạ khi bạn đang tức giận với chính mình.

Khi cảm thấy quá dễ dàng, chúng ta hoặc trở thành những hacker, tạo ra những thứ giống y hệt nhau hoặc trở nên chán nản và rồi tự hủy diệt mình.

Cuộc sống của một nghệ sĩ là liên tục tìm kiếm những góc cạnh mới, và leo lên chinh phục chúng thật nhiều lần, hết góc cạnh này tới góc cạnh khác.

Bạn có thể tham khảo cuốn “Flow: Tâm lý học về kinh nghiệm tối ưu của Mihaly Csikszentmihalyi” để hiểu thêm về vấn đề này.

5. Các nghệ sĩ đặt ra rất nhiều câu hỏi

Craft là cách bạn khéo léo thể hiện ý tưởng của mình. Nghệ thuật đưa ra các câu hỏi cho cách thể hiện ý tưởng của bạn.

Craft khiến cho một tác phẩm trở nên đẹp hơn. Nghệ thuật làm cho tác phẩm ấy có ý nghĩa.

Đó liệu đã là cách tốt nhất hay chưa? Có những lựa chọn nào khác mà chúng ta có thể khám phá?

  Không quan trọng rằng chủ đề của bạn là gì. Nếu bạn đặt thật nhiều câu hỏi, bạn sẽ bắt đầu nghĩ ra được những câu trả lời thú vị.

Các câu hỏi luôn biết cách dẫn chúng ta tới những nơi chốn mới. Chúng xây dựng nên những nhà thờ, những kim tự tháp và các trạm vũ trụ.

Một số câu hỏi có trọng lượng nhất mà bạn sẽ trả lời đôi khi đến từ chính những người đọc của bạn. Bạn sẽ không bao giờ hết nhu cầu lắng nghe những câu hỏi từ phía người đọc.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo những câu hỏi dưới đây:

  • Tại sao thế giới lại tồn tại như thế này?

  • Chúng ta chưa từng nghĩ tới điều gì?

  • Có thứ gì đang ở ngay trước mắt chúng ta mà ta không hề nhìn thấy hay không?

6. Các nghệ sĩ luôn coi trọng chủ nghĩa thực dụng

"Sáng tạo rất giống với hạnh phúc. Nó xuất hiện khi bạn đang nghĩ đến cái gì đó khác."

- Bert Dodson

Theo kinh nghiệm của tôi, thì những “nghệ sĩ mong manh” - những người hay cách li bản thân khỏi hiện thực - thường đứng ở một khoảng cách khá xa với sự thật.Nếu máy hút bụi của bạn hỏng? Đừng ném nó vào bãi rác; gọi cho người bạn nghệ sĩ của bạn. Cô ấy sẽ biết cách nối mạch điện cho nó, cô ấy có thể ghép các mảnh đã bị vỡ lại, và cô ấy sẽ chỉnh sửa để nó dễ dàng hơn khi sử dụng. 

 

 

Tất nhiên, cô ấy cũng có thể sơn màu đỏ đậm với một mẫu hoạ tiết chạm khắc màu vàng nhạt cùng chấm bi bạc, và thêm một hệ thống âm thanh nữa.

Nghệ thuật đưa ra các cơ hội vô tận để tái chế, suy tính lại và luyện tập giải quyết các vấn đề.

Rất nhiều người trong chúng ta đã không còn thực hành giải quyết các “bài toán khó” khi chúng ta không phải giải các phép Toán như hồi còn đi học nữa. Trái lại, người nghệ sĩ luôn phải giải quyết những vấn đề mới mỗi khi họ bắt đầu làm việc.

Các nghệ sĩ hiểu rằng có một ý tưởng lớn là chưa đủ. Chúng ta phải tìm hiểu làm thế nào để chuyển hoá nó thành một cái gì đó người khác có thể nhìn thấy, hoặc nghe thấy, hoặc chạm vào.

7. Các nghệ sĩ luôn chủ động tìm kiếm “độc giả”

Nghệ thuật bắt đầu bằng việc thể hiện bản thân. Nhưng ở một mặt nào đó, chúng ta đều luôn mong muốn tìm được một đối tượng độc giả đón đọc những tác phẩm sáng tạo của mình.

Không có gì sai với việc sáng tác nghệ thuật để thoả mãn bản thân. Đó là một cách thỏa đáng để sử dụng thời gian của bạn. 

 

 

Nhưng khi chúng ta chuyên nghiệp hoá - thời điểm ta bắt đầu công đoạn tìm kiếm khán giả - thì chúng ta sẽ phân vân giữa những gì bản thân dự định nói ra và những gì mình thực sự nói ra, giữa việc chúng ta sẽ diễn đạt ra sao và khán giả sẽ nhìn nhận cách diễn đạt đó như thế nào.

Đó là một “nghịch lý kiểu thiền”.

Nghệ thuật không phải là của bạn. Nhưng nghệ thuật cũng đồng thời là chính bạn.

Một số tác phẩm nghệ thuật được một số ít người hưởng ứng. Một số tác phẩm nghệ thuật khác lại được hàng triệu người hưởng ứng. Với tư cách là một chuyên gia sáng tạo, công việc của bạn là phải tìm ra những người hiểu được thông điệp của bạn, sau đó tìm được thêm thật nhiều người như vậy.

Đó là lý do tại sao việc muốn xây dựng một cộng đồng độc giả cho các tác phẩm của bạn không biến bạn thành 1 kẻ nghệ sĩ nửa vời chỉ làm sản phẩm đại trà vì tiền. Khi bạn kể những câu chuyện hay, câu chuyện của bạn trở thành câu chuyện của khán giả. Nếu một câu chuyện đủ sức mạnh, nó sẽ tự được lan truyền mà không cần tới bạn.

Theo makeitnoise.com

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,493 lượt xem