Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

7 Lí Do Đây Sẽ Là Bản CV Hoàn Hảo Cho Người Chưa Có Kinh Nghiệm

Lần đầu tiên viết CV thường là quá trình đầy khó khăn, dễ làm bạn nản chí. Và việc biết rằng nhà tuyển dụng chỉ bỏ ra trung bình 6 giây xem xét một CV trước khi đưa ra lựa chọn, theo nghiên cứu của The Ladders, chẳng giúp được gì nhiều ngoài việc khiến bạn còn thấy hoảng loạn hơn.

Những người lần đầu viết CV và chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thường gặp những vấn đề giống nhau: “Rất nhiều sinh viên băn khoăn không biết đâu là những thông tin nên hoặc không nên đưa vào bản CV đầu tiên của họ”, Amanda Augustine, một chuyên gia của The Ladders, nhận xét. Dù không tồn tại một quy định bắt buộc nào trong viết CV, nhưng có một số hướng dẫn sơ bộ những người lần đầu viết CV có thể tham khảo.

Amanda cho rằng điều quan trọng nhất cần nghĩ đến khi bạn viết CV lần đầu là mục tiêu nghề nghiệp và cách mọi người sẽ đọc CV của bạn. “Hãy tự hỏi mình: nếu bạn đưa CV cho một người hoàn toàn chưa biết gì về chuyên ngành học cũng như định hướng nghề nghiệp của bạn, liệu họ có thể dễ dàng nhận ra được vị trí bạn đang hướng đến và nguyên do bạn lựa chọn lĩnh vực đó trong vòng 30 giây đầu tiên không?”.

Để hình dung rõ hơn, bạn có thể tham khảo một ví dụ dưới đây. CV của mỗi người sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng ngành nghề, nhưng ví dụ này có thể là hướng dẫn bổ ích cho sinh viên hoặc cử nhân chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc:  

Vì sao đây lại là CV xuất sắc dành cho người có ít hoặc chưa có kinh nghiệm? Augustine đã chỉ ra những lí do sau:

1. Bố cục rành mạch và dễ đọc

 

Toàn bộ CV chỉ sử dụng thống nhất một loại font. Cách viết thời gian và địa điểm cũng được sử dụng nhất quán, giúp người đọc dễ dàng lướt nhanh và nắm được những thông tin quan trọng. Bên cạnh đó, những nội dung chính được đặt chính giữa trang giấy, nơi mà nhà tuyển dụng có khuynh hướng tập trung vào khi lọc hồ sơ.

 

2. CV bao gồm đường link tới profile ứng viên

Bạn sẽ nghĩ có profile LinkedIn bây giờ là quá sớm, nhưng việc phát triển thói quen sử dụng mạng xã hội một cách tích cực ngay từ đầu là rất quan trọng. “Hãy tạo một profile dành cho sự nghiệp tương lai của bạn”, Augustine gợi ý. “Nếu bạn đang theo học một chuyên ngành về thiết kế - sáng tạo, bạn có thể xây dựng một bản portfolio online và dẫn link vào CV. Bên cạnh đó, bạn nên thay đổi tùy chọn bảo mật của những tài khoản cá nhân (như Facebook) để ẩn chúng đi.”

3. Mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng

Trong phần mở đầu CV, Maria trình bày rõ mong muốn của mình: tìm được một vị trí thực tập trong ngành Quảng cáo hoặc PR. Khi một ai đó đọc CV của Maria, họ sẽ không phải mất công đoán xem bạn ấy đang và muốn làm gì. Trong khi thương hiệu cá nhân của Maria còn cần phát triển thêm, phần giới thiệu vẫn thể hiện được những giá trị Maria đang có: một chuyên ngành học liên quan trực tiếp tới lĩnh vực, kinh nghiệm sử dụng các trang mạng xã hội cũng như khả năng viết phù hợp.

4. Nhấn mạnh được ưu thế của ứng viên

Maria đang tìm kiếm vị trí thực tập đầu tiên của mình và không có bất kì kinh nghiệm làm việc liên quan nào để đưa vào CV. Do đó, thứ tự các phần trong CV đã được thay đổi để tập trung vào các điểm mạnh của bạn ấy: những khóa học liên quan, hoạt động ngoại khóa, thành tích và kĩ năng. Phần Kinh nghiệm làm việc được đưa xuống cuối CV do nó không liên quan trực tiếp tới vị trí ứng tuyển. Tuy nhiên, thông tin này vẫn cần được đưa vào CV vì nó thể hiện khả năng làm việc của Maria.

5. Có sự liên hệ tới trường cấp 3

Nếu bạn đang theo đuổi công việc đầu tiên, bạn có thể kết hợp trong CV một số thông tin về thời gian trung học của bạn. Đó có thể là bất cứ thành tích, giải thưởng hay học bổng nào bạn được nhận. Nếu bạn từng là thủ khoa, thuộc top đầu trong lớp học hay giữ một chức vụ trong câu lạc bộ, hãy đưa nó vào CV. Những thông tin này sẽ giúp tạo nên hình ảnh toàn diện về ứng viên như một người năng động cả trong học tập lẫn các hoạt động ngoại khóa.

6. Liệt kê những kĩ năng liên quan tới mạng xã hội

“Nếu bạn đã dành cả tuổi trẻ của mình cho Facebook và những kênh mạng xã hội khác, có thể sẽ hơi vô nghĩa khi thêm những kĩ năng đó vào CV của bạn - không phải ngày nay tất cả mọi người đều biết dùng Instagram ư?”, Augustine nói. “Nhưng sự thực là kiến thức và kĩ năng trong mảng này cũng là một trong những gì nhà tuyển dụng tìm kiếm, và không phải ứng viên nào cũng có được nó.” Nếu bạn đang tìm cơ hội thực tập trong ngành Marketing, PR, Quảng cáo, Báo chí, hay thậm chí là Chăm sóc khách hàng, hãy thêm những kĩ năng đó vào CV của bạn.

7. Không có một danh sách tham chiếu thừa thãi

Bạn không cần phải thêm một dòng “References available upon request” vào cuối CV.

Bạn chỉ có một trang giấy để viết CV mà thôi - đừng phí phạm nó bằng việc đưa vào một danh sách tham chiếu. “Nhà tuyển dụng sẽ không cần nó cho tới khi bạn tham gia phỏng vấn trực tiếp, và họ biết bạn sẽ cung cấp thông tin khi được yêu cầu”, Augustine khẳng định.

Khi cầm bút viết bản CV đầu tiên của mình, hãy thử nhìn nhận những công việc trước đó của bạn theo một cách khác. Nếu kinh nghiệm của bạn có vẻ không liên quan tới vị trí thực tập mong muốn, hãy nghĩ xem bạn đã học được những kĩ năng gì từ công việc đó. Nếu bạn từng làm phục vụ nhà hàng, bạn chắc chắn đã phát triển những kĩ năng về chăm sóc khách hàng, sales hay khả năng multitask - tất cả những điều đó đều sẽ rất giá trị trong mắt nhà tuyển dụng.

Hãy nhớ rằng kinh nghiệm không phải là tất cả, và may mắn thay, những nhà tuyển dụng đang tìm kiếm thực tập sinh cũng sẽ không đòi hỏi bạn phải có quá nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, họ sẽ muốn nhìn thấy một sinh viên năng động và thực sự quan tâm, hứng thú với vị trí của họ. Chúc bạn thành công!

Theo hrc.com.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

7,536 lượt xem