Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

8 Quyển Sách Hay Về Kỹ Năng Sống Bạn Nên Đọc

Nổi bật trong danh sách này là quyển Đúng việc của tác giả Giản Tư Trung. Tác giả cung cấp cho chúng ta một góc nhìn khai minh về những câu hỏi tưởng như rất cơ bản nhưng cũng rất khó trả lời: làm người là làm gì ? tại sao phải bàn về làm dân ? thế nào là một thái độ làm việc đúng ? Rõ ràng trong một xã hội mà ranh giới giữa cái đúng/cái sai còn lập lờ, giữa giá trị/phản giá trị, giữa trắng/đen còn lẫn lộn và phụ thuộc vào quan điểm sống của con người thì quyển sách là một món quà vô giá cho những ai thật sự muốn tìm kiếm một tâm hồn minh định. Một quyển sách tâm huyết và thật sự đáng đọc…

1. Đúng Việc

… Nhiều năm trước, tôi có dịp lang thang trên quảng trường Trafalgar ở thủ đô London của nước Anh. Đây là quảng trường được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng của hải quân Anh trong trận chiến Trafalgar lừng danh do Đô đốc Nelson chỉ huy. Nằm ngay vị trí trung tâm của quảng trường là một chiếc cột cao 52 mét mà ở trên đỉnh cột là bức tượng vị đô đốc tài ba đứng sừng sững giữa trời. Nhưng điều khiến tôi chú ý nhất không phải là bức tượng sừng sững đó, mà là một dòng chữ ở tấm điêu khắc gần chân cột: “England expects that every man will do his duty”. (Tạm dịch: Nước Anh mong muốn mỗi người sẽ làm tròn công việc/bổn phận của mình).

Đó chính là lời hiệu triệu nổi tiếng mà đô đốc Nelson đã gửi cho hạm đội của mình trước trận Trafalgar. Nhưng tôi nghĩ, chọn khắc dòng chữ này ở một trong những vị trí được xem như “trái tim” của nước Anh; người Anh không chỉ đơn thuần muốn kỷ niệm một trận chiến mà có lẽ muốn gửi gắm vào đó nhiều thông điệp hơn thế.

Mỗi công dân Anh (và cả những người không phải là người Anh) khi đứng trước những dòng chữ này hẳn sẽ ít nhiều suy tư về những “công việc” hay “bổn phận” của mình: chúng là gì, và mình đã làm chưa; nếu đã làm thì đã làm đúng và làm tốt/làm tròn những công việc ấy hay chưa?

“Công việc của mình” – Mấy chữ trên tấm phù điêu về trận chiến Trafalgar năm ấy cũng đã ít nhiều bắt đầu gợi lên và gieo vào trong tôi những suy tư về mình, về thời cuộc, và đặc biệt là về những “trận chiến” diễn ra ở ngay xứ sở của mình. Những suy tư đó đã thực sự thôi thúc tôi muốn viết một điều gì đó về “công việc”, về làm đúng và làm tốt “công việc”, về những “trận chiến” liên quan đến bản chất và chân giá trị của mọi vấn đề.

Đó không phải là những trận chiến hữu hình giữa người với người, giữa gươm với súng như trong quá khứ; mà là những trận chiến giữa cái đúng và cái sai, giữa khai minh và vô minh, giữa cõi phàm và cõi thiêng, giữa cái cao đẹp và cái thấp hèn của con người. Những cuộc chiến vô hình ấy cũng khốc liệt và có sức tàn phá khủng khiếp không kém bất kỳ cuộc chiến hữu hình nào: Các thang giá trị trong xã hội bị đảo lộn; con người bị cuốn vào những vòng xoáy hỗn mang, nghi ngờ chính những điều đã từng được coi là chân-thiện-mỹ; công việc nào, lĩnh vực nào, ngành nghề nào, vấn đề nào cũng có những điều được xem là “vấn nạn chưa có lời giải”.

Bất kỳ ai chứng kiến và cảm nhận những điều đó hẳn cũng sẽ đau đáu một câu hỏi nhân sinh như tôi: Căn nguyên của những gì đang diễn ra trong xã hội này, căn nguyên của những vấn đề mà con người ngày nay đang gặp phải là gì và do đâu?…

(Giản Tư Trung)

2. Trên Đường Băng

“Khi còn trẻ, hãy ra ngoài nhiều hơn ở nhà. Hãy nhào vô xin người khác “bóc hết, lột sạch” khả năng của mình. Chỉ sợ bất tài nộp hồ sơ “xin việc”, mà chả ai thèm cho, chả ai thèm bóc lột. Khi đã được bóc và lột hết, dù sau này đi đâu, làm gì, bạn đều cực kỳ thành công. Vì năng lực được trui rèn trong quá trình làm cho người khác. Sự chăm chỉ, tính kỷ luật, quen tay quen chân, quen ngáp, quen lười… cũng từ công việc mà ra. Mọi ông chủ vĩ đại đều từng là những người làm công ở vị trí thấp nhất. Họ đều rẽ trái trong khi mọi người rẽ phải. Họ có những quyết định không theo đám đông, không cam chịu sống một cuộc đời tầm thường, nhạt nhòa… rồi chết.

Còn những bạn thu nhập 6 triệu cũng túng thiếu, 20 triệu cũng đi vay mượn để tiêu dùng, thì thôi, cuộc đời họ chấm dứt giấc mơ lớn. Tiền nong cá nhân quản lý không được, thì làm sao mà quản trị tài chính một cơ nghiệp lớn?”. Tư duy thế nào thì nó ra số phận thế đó.”

(Tony buổi sáng)

Trên đường băng là tập hợp những bài viết được ưa thích trên Facebook của Tony Buổi Sáng. Nhưng khác với một tập tản văn thông thường, nội dung các bài được chọn lọc có chủ đích, nhằm chuẩn bị về tinh thần, kiến thức…cho các bạn trẻ vào đời. Sách gồm 3 phần: “Chuẩn bị hành trang”, “Trong phòng chờ sân bay” và “Lên máy bay”, tương ứng với những quá trình một bạn trẻ phải trải qua trước khi “cất cánh” trên đường băng cuộc đời, bay vào bầu trời cao rộng.

Những bài viết của Tony sinh động, thiết thực, hài hước và xuất phát từ cái tâm trong sáng của một người đi trước nhiều kinh nghiệm. Anh viết về thái độ với sự học và kiến thức nói chung, cách ứng phó với những trắc trở thử thách khi đi làm, cách sống hào sảng nghĩa tình văn minh…truyền cảm hứng cho các bạn trẻ sống hết mình, trọn vẹn từng phút giây. Tuy đối tượng độc giả chính mà cuốn sách hướng đến là các bạn trẻ, nhưng độc giả lớn tuổi hơn vẫn có thể đọc sách để hiểu và có cách hỗ trợ con em mình một cách đúng đắn, chứ không “ủ” con quá kỹ để rồi tạo ra một thế hệ yếu ớt, không biết tự lập. Những người đi làm nhiều năm đọc sách cũng có thể nhìn lại con đường đi của mình, tự ngẫm đó đã phải là con đường mình muốn đi chưa, bởi thay đổi không bao giờ là quá muộn.

3. Ngày Xưa Có Một Con Bò

Một người bạn đồng nghiệp nói với tôi. “Giá như hồi trước biết mà đừng học CNTT, đi học Mỏ Địa chất thì vừa nhàn mà giờ kiếm tiền biết bao nhiêu rồi.”

Người bạn khác lại nói với tôi. “Tao thích đi tập võ với mày lắm, nhưng giá mà tao dậy sớm được như mày”.

Nhiều người khác nói với tôi. “Ngày nào cũng nhậu nhẹt mệt lắm, giá mà bỏ được”.

————————

Bạn có đã từng, hoặc là đang nói những câu “giá như”? Bạn có nhìn người khác có cuộc sống tốt hơn mình rồi tự nhủ, mình sẽ không may mắn được như vậy? Bạn có từng yêu thích làm một việc nào đấy rồi lại thôi, với vô vàn lý do để rút lui?

Nếu có, bạn hãy đọc cuốn “Ngày xưa có một con bò”. Mà thú thật tôi chưa nhìn thấy xung quanh mình ai lại không như vậy.

Sách đó nói về cái gì? Nó chỉ ra rằng những cái “cớ” mà chúng ta vẫn hàng ngày hàng giờ viện dẫn ra, bám víu vào để không làm những việc cần làm, những việc đáng làm, tất cả đều đang giết chết ta từng ngày. Cái “cớ” mà chúng ta kiếm ra nằm một trong hai loại, thứ nhất là Lời biện bạch và thứ hai là Thái độ hạn chế. Nói nôm na thì Lời biện bạch là khi ta biết rằng đó là sai, NHƯNG vẫn nói rằng nó đúng, còn Thái độ hạn chế là ta không biết rằng đó là sai NÊN nói nó là đúng.

Vậy có gì lạ không? Không, chẳng có gì lạ hết. Những gì trong sách nói chúng ta cũng đã từng nghe rồi, thấy rồi. Cũng có người khuyên mình tương tự là cứ làm đi, đừng ngại gì hết, đừng có viện cớ. Xung quanh mình cũng rất nhiều người vẫn sống trong “vỏ bọc an toàn” như vậy.

Vậy đọc làm gì? Có một số lý do nên đọc:

  • Sách nó viết khác với những gì mình từng nghe. Nó chỉ ra tất tần tật, nó chỉ ra một cách có hệ thống, nó chỉ thẳng thừng không nể nang những “lý do” mà mình đang dùng hàng ngày hàng giờ, và nói một cách không cãi được là mấy cái “lý do” đó đều vô lý.
  • Trừ mấy phần khen ngợi giới thiệu linh tinh ra, nội dung sách cô đọng, ngắn gọn, và rất thẳng thắn. Phần giới thiệu đầu sách không ấn tượng với mình lắm, và nếu bạn đã từng đọc nhiều cuốn sách nói về kỹ năng về thành công rồi thì bạn cũng nên lật ngay đến phần “Chuyện ngụ ngôn về một con bò” để vào thẳng vấn đề chính.
  • Sách khá mỏng, in rõ ràng, dễ đọc, có thể mang đi đâu đọc cũng được, đọc đi đọc lại nhiều lần (nên như vậy).
  • Mình đã áp dụng những điều trong sách một thời gian, và thấy thích thú vì “giá như” đang dần lùi xa.

Sách này có tác dụng với bạn không? Còn tùy. Sẽ có một số người đọc vài trang rồi vứt. Mình nghĩ rơi vào một số trường hợp:

  • đó là người cực kỳ quyết đoán, nghĩ là làm, dám chịu trách nhiệm với bất kỳ kết quả nào mình nhận được, không hề có khái niệm “viện cớ” hay “đổ lỗi” trong đầu.
  • đó là người hèn nhát, không dám nhìn thẳng vào những “cái cớ” mà mình đang bám víu vào, vẫn luôn tin rằng đó là những “động cơ” tốt đẹp.đó là người không thèm quan tâm tới cuộc đời mình ra sao.

Nếu không phải những trường hợp trên, mình nghĩ là “Ngày xưa có một con bò” sẽ giúp bạn có những thay đổi để đi đúng con đường mình chọn.

Lê Đình Đông Thao đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu

4. Tư Duy Nhanh Và Chậm

Chúng ta thường tự cho rằng con người là sinh vật có lý trí mạnh mẽ, khi quyết định hay đánh giá vấn đề luôn kĩ lưỡng và lý tính. Nhưng sự thật là, dù bạn có cẩn trọng tới mức nào, thì trong cuộc sống hàng ngày hay trong vấn đề liên quan đến kinh tế, bạn vẫn có những quyết định dựa trên cảm tính chủ quan của mình. Thinking fast and slow, cuốn sách nổi tiếng tổng hợp tất cả nghiên cứu được tiến hành qua nhiều thập kỷ của nhà tâm lý học từng đạt giải Nobel Kinh tế Daniel Kahneman sẽ cho bạn thấy những sư hợp lý và phi lý trong tư duy của chính bạn. Cuốn sách được đánh giá là “kiệt tác” trong việc thay đổi hành vi của con người, Thinking fast and slow đã dành được vô số giải thưởng danh giá, lọt vào Top 11 cuốn sách kinh doanh hấp dẫn nhất năm 2011. Alpha Books đã mua bản quyền và sẽ xuất bản cuốn sách trong Quý 1 năm nay. Thinking fast and slow dù là cuốn sách có tính hàn lâm cao nhưng vô cùng bổ ích với tất cả mọi người và đặc biệt rất dễ hiểu và vui nhộn.

Đã có rất nhiều cuốn sách nói về tính hợp lý và phi lý của con người trong tư duy, trong việc đánh giá và ra quyết định, nhưng Thinking fast and slow được Tạp chí Tài chính Mỹ đánh giá là “kiệt tác”.

Bạn nghĩ rằng bạn tư duy nhanh, hay chậm? Bạn tư duy và suy nghĩ theo lối “trông mặt bắt hình dong”, đánh giá mọi vật nhanh chóng bằng cảm quan, quyết định dựa theo cảm xúc hay tư duy một cách cẩn thận, chậm rãi nhưng logic hợp lý về một vấn đề. Thinking fast and slow sẽ đưa ra và lý giải hai hệ thống tư duy tác động đến con đường nhận thức của bạn. Kahneman gọi đó là: hệ thống 1 và hệ thống 2. Hệ thống 1, còn gọi là cơ chế nghĩ nhanh, tự động, thường xuyên được sử dụng, cảm tính, rập khuôn và tiềm thức. Hệ thống 2, còn gọi là cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi ít nỗ lực, ít được sử dụng, dùng logic có tính toán và ý thức. Trong một loạt thí nghiệm tâm lý mang tính tiên phong, Kahneman và Tversky chứng minh rằng, con người chúng ta thường đi đến quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh hơn là ghĩ chậm. Phần lớn nội dung của cuốn sách chỉ ra những sai lầm của con người khi suy nghĩ theo hệ thống 1. Kahneman chứng minh rằng chúng ta tệ hơn những gì chúng ta tưởng: đó là chúng ta không biết những gì chúng ta không biết!

Cuốn sách đặc biệt đã dành được vô số giải thưởng danh giá: Sách khoa học hay nhất của Học viện Khoa học Quốc gia năm 2012, được tạp chí The New York Times bình chọn là sách hay nhất năm 2011, một trong những cuốn sách kinh tếxuất sắc năm 2011, chiến thắng giải thưởng cuốn sách được quan tâm nhất năm 2011 của tạp chí Los Algeles… Thinking fast and slow đáp ứng hai tiêu chí của một cuốn sách hay, thứ nhất nó thách thức quan điểm của người đọc, thứ hai, nó không phải là những trang sách với những con chữ khô cứng mà nó vô cùng vui nhộn và hấp dẫn. Không nghi ngờ gì nữa, đây là cuốn sách hàn lâm dành cho tất cả mọi người.!

Thông tin tác giả

Daniel Kahneman, sinh năm 1934, nhà tâm lý học người Mỹ gốc Israel đã dành giải Nobel Kinh tế năm 2002. Ông dành cả cuộc đời của mình để nghiên cứu về tâm lý học hành vi con người. Cùng với người cộng sự đã qua đời Amos Tversky, hai ông đã có được những nghiên cứu sâu sắc về con đường tư duy và nhận thức của con người.

5. 20 Giờ Đầu Tiên

Có rất nhiều việc muốn làm… nhưng lại có quá ít thời gian”.

Đó là chuyện thường thấy của cuộc sống hiện đại. Hãy dành một chút thời gian để xem có bao nhiêu việc bạn muốn học cách làm. Danh sách của bạn có những việc gì? Điều gì ngăn cản bạn bắt đầu? Thường là do: Thời gian và kỹ năng. Có một sự thật không lấy gì làm dễ chịu, đó là: Những trải nghiệm đáng giá nhất trong đời thường lại đòi hỏi phải có kỹ năng ở một cấp độ nào đó. Cần phải có thời gian và cần phải nỗ lực mới có được kỹ năng – mà thời gian thì chúng ta không có, còn nỗ lực lại là thứ chúng ta ngại gom góp.“Một ngày nào đó tôi sẽ học, khi tôi có thời gian”.

Thành thật mà nói, ngồi xem tivi và lướt web bao giờ cũng dễ dàng hơn… Thế nên đó chính là điều mà hầu hết chúng ta vẫn làm, và để cho khao khát của chúng ta vẫn mãi chỉ là những giấc mơ. Vẫn còn một sự thật không lấy gì làm dễ chịu, đó là: Có rất nhiều việc chẳng có gì thú vị cho tới khi chúng ta giỏi việc đó. Kỹ năng nào cũng có cái mà tôi vẫn gọi là rào cản thất vọng – thời điểm bạn cực kỳ không thạo (kỹ năng đó) và đau đớn nhận ra sự thật đó. Tại sao phải bắt đầu một việc mà bạn biết là bạn sẽ chẳng giỏi việc đó chứ? Chẳng phải sẽ rất tuyệt khi có thể thành thạo những kỹ năng mới mà không cần phải tức giận nhiều sao? Để nhanh chóng vượt qua rào cản thất vọng, để có thể chuyển tới phần thú vị, đáng giá? Để tốn ít thời gian cho việc bối rối và lúng túng, để có thêm thời gian thú vị? Liệu có thể học được những kỹ năng mới theo cách tốn ít thời gian và công sức hơn không? Từ kinh nghiệm của riêng tôi, xin trả lời là: Có, có thể.

Cuốn sách này là cuộc tìm kiếm của cá nhân tôi nhằm kiểm tra tính nghệ thuật và khoa học của việc học kỹ năng nhanh chóng – làm cách nào để học bất cứ kỹ năng nào nhanh nhất có thể. Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn học được những kỹ năng mới trong khoảng thời gian kỷ lục. Theo kinh nghiệm của tôi, mất khoảng 20 giờ thực hành để phá vỡ rào cản thất vọng: để đi từ mức hoàn toàn không biết gì về việc bạn đang cố gắng làm tới mức có thể làm việc đó tốt một cách đáng ngạc nhiên. Cuốn sách này là cách tiếp cận mang tính hệ thống đối với vấn đề học kỹ năng mới nhanh nhất có thể. Phương pháp mang tính phổ quát. Vấn đề không phải là bạn muốn học ngoại ngữ, viết tiểu thuyết, vẽ chân dung, khởi nghiệp hay lái máy bay. Nếu bạn đầu tư ít nhất 20 tiếng để học những điều cơ bản của một kỹ năng, bạn sẽ ngạc nhiên với mức độ thành thạo mà bạn có thể đạt được. Bất kể kỹ năng bạn muốn học là gì, cuốn sách này cũng sẽ giúp bạn đạt được kỹ năng đó với ít thời gian và năng lượng lãng phí hơn. Chỉ cần một chút nỗ lực tập trung, có chiến lược, bạn sẽ thấy mình nhanh chóng tiến bộ mà không thất vọng.

Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng những nguyên tắc học kỹ năng nhanh: làm cách nào để học những kỹ năng mới nhanh nhất có thể. Những ý tưởng và bài tập thực hành này không hề phức tạp, nên sẽ không mất quá nhiều thời gian để học. Sau đó, tôi sẽ giải thích cách sử dụng những nguyên tắc này trong thực tế bằng cách chỉ cho các bạn biết tôi đã học 6 kỹ năng mới dưới đây trong vòng chưa tới 20 tiếng mỗi kỹ năng, không quá 90 phút thực hành mỗi ngày, như thế nào.

  • Phát triển bài tập yoga cá nhân
  • Viết chương trình máy tính dựa trên web
  • Học lại cách gõ 10 ngón
  • Khám phá boardgame cổ nhất và phức tạp nhất trong lịch sử
  • Chơi được một nhạc cụ
  • Lướt ván

Tôi hi vọng cuốn sách này có thể khuyến khích bạn phủi bụi danh sách những việc “muốn làm” của bạn, kiểm tra lại danh sách đó và cam kết học được điều mới mẻ nào đó.

6. Hãy Sống Ở Thể Chủ Động

Vốn là một cán bộ Đoàn năng động, nhiệt huyết ở thời sinh viên và sau này là một doanh nhân thành đạt trong xã hội,Nguyễn Tuấn Quỳnh đã đem những kinh nghiệm anh đã có, những thất bại mà anh đã trải qua và cả những bài học đáng quý trong cuộc sống, những đất nước xinh đẹp mà anh từng đặt chân đến, v.v…gom góp vào một quyển sách nhỏ với tựa đề, cũng là phương châm sống của anh “Hãy sống ở thể chủ động”.

Anh hiểu rằng, đối với những người trẻ, những bước đầu tiên trên quãng đường đời luôn mang lại rất nhiều thử thách và cũng lắm nỗi chông gai, vì những kiến thức được học ở trường và ngoài thực tế rất khác nhau. Mong ước được chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho các bạn trẻ đang dò dẫm trên con đường khởi nghiệp và mong muốn tìm thấy mục tiêu sống của đời mình, tác giả đã gửi gắm cả tình yêu gia đình, cuộc sống và chia sẻ góc nhìn của một doanh nhân trong nền kinh tế vẫn còn nhiều cơ hội cho tất cả mọi người.

Hãy sống như bạn mong muốn. Đó là những gì cuốn sách muốn cho bạn thấy, bạn đọc, bạn nghe thông qua những câu chữ hiện thực, cao trào và cuốn hút. Bài học từ thực tiễn, từ sự trải nghiệm và từ chính bản thân với bao hoài bão, thâm tâm đi cùng ước mơ. Không có gì khiến tuổi trẻ phải thua mình, không bão tố nào quăng quật được ý chí sắt thép nếu có sự kiên quyết bền vững. Hãy sống là chính mình, dám làm những điều mình chưa từng thử, hạnh phúc khi gặt hái được thành công sẽ chóng đến với người biết nỗ lực.

7. Nghĩ Ngược Lại Và Làm Khác Đi

Trước Thế vận hội Mexico được tổ chức vào năm 1968, kiểu nhảy truyền thống của vận động viên nhảy sào vượt qua xà ngang là cơ thể song song úp người về phía thanh xà. Kỹ thuật này được biết đến với tên gọi “cú cuộn người kiểu phương Tây” (Western Roll). Tuy vậy, kỹ thuật đó sắp được thay thế.

Một vận động viên ít tên tuổi đã vượt qua thanh xà và lập kỷ lục thế giới với mức xà đạt được là 7 feet 4¼ inch (tương đương 2,2415 mét). Anh đã tung mình lên nhưng thay vì úp người xuống thì anh lại quay lưng về phía xà ngang.

Anh nâng chân lên và búng ngược người vượt qua xà ngang.

Anh chính là Dick Fosbury và phương pháp nhảy này của anh được nhiều người biết đến với tên gọi “Cú nhảy Fosbury”. Kiểu nhảy này vẫn được dùng cho đến ngày nay.Anh đã nhảy cao hơn bất kỳ vận động viên nào trước đó bằng cách nghĩ ngược lại với mọi người. Ví dụ này chỉ để minh họa cho một kỹ thuật suy nghĩ nhưng ở đây kỹ thuật suy nghĩ đã trở thành kỹ thuật nhảy cao, chuyển một cú nhảy vượt xà tưởng như có thể thất bại thành một thành công.

Thế giới chính là những gì bạn nghĩ về nó. Vì vậy, hãy nghĩ về nó theo cách khác đi và cuộc sống của bạn sẽ thay đổi. Khi bạn nhìn lại sẽ có những thứ bạn cảm thấy hối tiếc. Bạn nghĩ mình đã từng quyết định sai lầm.

Sai rồi!

Dù quyết định thế nào, đó cũng là quyết định duy nhất. Mọi thứ ta làm đều cho ta chọn lựa. Vậy thì có gì phải hối tiếc?Bài học quyển sách này mang lại là giúp người đọc thay đổi suy nghĩ ? Trước mọi việc , đừng cứng nhắc kiểu số đông hay A – Z . Làm khác đi để mọi thứ khả quan hơn. Quyển sách này với nội dung tinh tế, hình ảnh minh họa sinh động, khiến bạn sẽ thay đổi tư duy và có cách nhìn tốt hơn về cuộc sống. Thay đổi quan điểm , thay đổi cách nhìn nhận mọi vấn đề . thay đổi hành động để có được giải pháp tốt . Tuy mạo hiểm nhưng cần có để bức phá.

8. Đời Đơn Giản Khi Ta Đơn Giản

Ta lớn lên trong một thế giới do não trái định hướng. Não trái thích xác định sự tồn tại của các quy định hiện hành, phù hợp với các quy tắc và chuyên mục đó, nhưng nó không phù hợp với các khả năng mới phát sinh. Bạn không thể biết điều gì sẽ xảy ra, hoặc những cơ hội nào sẽ phát sinh, cho đến khi bạn đến được thời điểm đó. Bạn có thể lên hết kế hoạch này đến kế hoạch khác, nhưng đơn giản không có cách nào để biết mọi việc sẽ ra sao. Chắc chắn, bạn có thể liên tục điều chỉnh kế hoạch dựa trên thay đổi hoàn cảnh… nhưng vậy thì, ý nghĩa của kế hoạch là gì?

Không có kế hoạch nào, chỉ việc thưởng thức những gì đang làm, làm hết sức có thể, và xem chuyện gì phát sinh. Đây là một cách tiếp cận hoàn toàn khác cách nhiều người vẫn làm. Điều này không có nghĩa là sẽ thiếu động lực để làm hết sức mình – cũng không có nghĩa là bạn giữ thái độ thiếu nhiệt tình với công việc. Mà nó có nghĩa là bạn được thúc đẩy bởi công việc, bạn tận hưởng các hoạt động, chứ không phải được thúc đẩy bởi mục tiêu, điểm đến hoặc kết quả.Quyển sách này dành cho những ai đang ngập tràn trong cả mớ công việc hay luôn bị stress phá hoại cuộc sống hoặc những người “mắc bệnh” phức tạp hóa cuộc sống thì quyển sách này là một phương thuốc hữu hiệu. Quyển sách được viết rất ngắn gọn, văn phong ngữ pháp không quá rườm rà, nội dung lại đơn giản, chủ yếu xoay quanh những điều chúng ta làm hằng ngày. Quyển sách này thích hợp nhất khi vừa đọc vừa uống cafe bởi chúng ta chủ yếu suy ngẫm khi đọc nó.

Theo downloadsach.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,148 lượt xem