Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

8 Tips Chọn Đúng Sách Để Tiếp Thu Kiến Thức Hiệu Quả Hơn Gấp 10 Lần

Theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2016, trung bình một người đọc 12 cuốn sách một năm. Chắc chắn số liệu này có thể đúng hoặc không đúng với bạn, vì nó còn tuỳ thuộc vào sở thích đọc của bạn nữa.

Với một người trung bình, một cuốn sách một tháng đã là khá ấn tượng rồi. Nhưng, điều không may ở đây là, ngoài kia có vô số các loại sách, và không phải loại nào cũng cho ta lượng tri thức giống nhau. Những cuốn tiểu thuyết ngôn tình như “50 Sắc Thái” có thể khiến bạn thấy giải trí và thư giãn, nhưng chúng sẽ không nâng cấp được cuộc sống của bạn hoặc khiến bạn thông minh hơn đâu.

1. Để tận dụng được hết giá trị của một cuốn sách, bạn cần phải lựa chọn một cách hết sức cẩn thận

Trên thế giới có tất cả khoảng 134,021,533 quyển sách, và con số này còn tăng lên hơn nữa. Rất nhiều thể loại, rất nhiều tác giả, rất nhiều văn phong khác nhau. Sách bạn đọc cũng giống như bất kỳ yếu tố khách quan nào “đại diện thương hiệu” cho bạn. Giống như quần áo bạn mặc, cái xe bạn lái. Tất cả những thứ này đều tuỳ thuộc vào sở thích và thẩm mỹ của mỗi người.

Và với hàng tá sự lựa chọn phong phú không đếm xuể ngoài kia, việc lựa chọn sao cho được một cuốn sách đúng và phù hợp với bạn quả thực rất khó.

2. Những cuốn best-sellers không phải lúc nào cũng tốt nhất

Rất nhiều người có thói quen tham khảo những danh sách best-sellers để có một gợi ý nên đọc những cuốn gì. Hoặc thi thoảng họ sẽ chỉ chọn một cuốn gì đó ngẫu nhiên, cầm nó lên và hi vọng nội dung sẽ hay ho. Những cách chọn sách đó cũng được thôi, nếu bạn đọc vì mục đích giải trí, chứ bằng những cách như thế, bạn sẽ không phát triển được kỹ năng hay khía cạnh nào của bản thân cả.

Sẽ tốt hơn nếu chúng ta dành hẳn thời gian ra nghiêm túc lựa chọn cái mà mình sẽ đọc, dựa trên những kỹ năng nào mà chúng ta cần cải thiện, hoặc lối tư duy nào chúng ta muốn luyện tập và hình thành. Bởi nếu không tự tạo ra lựa chọn cho chính mình, thì những cái danh sách best-sellers kia sẽ làm thay chúng ta, và kết quả như thế nào thì tôi đã nói rồi đó.

Vấn đề thực sự ở đây chính là, khi chúng ta đang phí thời gian vào những cuốn sách tầm thường có nghĩa là chúng ta đang mất đi cơ hội đọc được những cuốn thực sự có ích và đem lại giá trị thiết thực cho bản thân hay thậm chí có thể thay đổi cuộc đời của chúng ta.

3. Đừng bao giờ đánh giá một cuốn sách qua trang bìa của nó

Trang bìa và nội dung bên trong của một quyển sách là hai phần hoàn toàn khác nhau và riêng biệt. Một nhà văn có thể sáng tác ra được một nội dung hay, nhưng tác phẩm của ông/bà ấy lại có thể bị độc giả ngó lơ chỉ vì tiêu đề của nó và cái trang bìa không liên quan gì đến nhau. Ngược lại, một quyển sách có trang bìa được thiết kế đẹp mắt, nhưng thực chất nội dung bên trong toàn những câu chữ sáo rỗng, vô giá trị. Cốt truyện quá rời rạc đến nỗi bạn cảm giác như bị kiệt sức vì đọc phải một thứ rác rưởi xấu xí như thế.

Tôi đã đọc nhiều cuốn sách mà không nhất thiết phải có một vẻ ngoài bắt mắt từ cái nhìn đầu tiên, nhưng chúng đồng điệu với tôi và giúp ích cho tôi rất nhiều, ví dụ như cuốn “Good Strategy, Bad Strategy” của Richard Rumelt.

4. Tận dụng những công cụ giúp bạn quyết định sẽ đọc gì tiếp theo

Your Next Read (yournextread.com) giống như chiếc hộp Pandora vậy. Bạn điền vào ô tìm kiếm một tựa sách bạn yêu thích và sau đó hệ thống sẽ tự động cung cấp cho bạn một danh sách gợi ý các đầu sách liên quan cho bạn.

Ngoài ra, Bookbub (bookbub.com) cũng tương tự như vậy, nó sẽ kết nối profile của bạn cung cấp với những cuốn sách thuộc phạm vi sở thích của bạn. Website này cũng có chức năng thông báo cho bạn biết khi nào sách có trong list của bạn được bán miễn phí hoặc giảm giá.

5. Đọc những dòng review đánh 3 sao trên Amazon

Có hai loại người sẵn sàng đăng nhập tài khoản để đánh một cái review trên thế giới này. Một là những người thực sự yêu thích một sản phẩm và hai là những người ghét cay ghét đắng nó. Một số người có tiêu chuẩn đánh giá rất cao và gần như không bao giờ cảm thấy hài lòng, do đó bạn không bao giờ nên hỏi ý kiến từ họ, quan điểm của họ không có tính khách quan.

Và như tôi đã nói ở trên, đây tất cả chỉ là vấn đề về thẩm mỹ cá nhân. Cái gì trông có vẻ không vừa mắt với một người có khi lại là bình thường đối với bạn. Một cuốn sách, mà lũ bạn của bạn cực kỳ phát cuồng, đối với bạn lại là tẻ nhạt và chẳng có gì thú vị. Do đó, khi bạn nhìn vào những cuốn sách được đánh 3 sao, chúng sẽ giúp bạn một cái nhìn tổng thể của cả hai mặt hay và không hay, cho bạn một quan điểm trực quan hơn.

6. Hỏi gợi ý từ những người có suy nghĩ giống như bạn và từ những hình mẫu mà bạn ngưỡng mộ

Vì bạn và những người đó có một gu thẩm mỹ tương tự nhau, nên bạn có thể tin tưởng vào review của họ về một cuốn sách mà không cần phải tự tìm hiểu về nó quá nhiều. Họ sẽ không giống như những marketers cố giới thiệu (và bán) những quyển có trong danh sách best-sellers. Họ biết sở thích của bạn và hiểu tính cách con người bạn, do đó họ sẽ có thể đưa ra một lời gợi ý tuyệt vời về thứ mà bạn muốn đọc.

7. Biết khi nào cần thay đổi

Vấn đề phát sinh từ việc tham khảo những người giống bạn đó chính là bạn sẽ dần rơi vào một vòng luẩn quẩn đọc đi đọc lại những thứ na ná nhau. Chúng ta có xu hướng đọc quá nhiều cuốn sách từa tựa nhau với cùng một chủ đề liên tiếp, bởi con người rất dễ đi vào lối mòn của những cái đã quen thuộc. Nhưng, bạn biết đấy, sự tự thoả mãn sẽ không bao giờ tạo ra được sự phát triển và tiến bộ.

Bạn càng tiếp tục đọc sách chỉ xoay quanh một chủ đề, não của bạn sẽ càng ghi nhớ được ít thông tin hơn. Để giữ được một tâm trí luôn tươi mới, bạn hãy cố gắng chăm thay đổi lên một chút và rẽ sự đọc của mình theo nhiều hướng khác nhau.

8. Tự hỏi mình trước khi đọc: Liệu tôi có thể áp dụng được kỹ năng gì từ quyển sách này sau khi đọc xong không?

Tôi luôn luôn cố gắng đọc những cuốn sách mà tôi biết nó sẽ giúp tôi phát triển bản thân. Khi đọc cuốn “Good Strategy, Bad Strategy”, tôi đã phải hai lần kiểm tra lại những thói quen tổ chức, sắp xếp của mình để xem đã xuất hiện một sự tiến bộ nào chưa.

Là một nhà văn, việc đọc nhiều sách có đẳng cấp viết bằng hoặc cao hơn cấp độ mà tôi muốn hướng tới thực sự cực kỳ quan trọng. Những cuốn tôi đọc sẽ tạo tiền đề trong tư duy viết cho tôi và cho tôi nguồn cảm hứng tôi cần để viết ra được những ý tưởng thu hút người đọc. Nếu cảm thấy một cuốn sách không phù hợp hoặc không truyền cảm hứng cho phong cách viết của mình, tôi sẽ chuyển sang một cuốn sách khác.

Tóm lại, lần tới khi bạn lựa một cuốn sách để đọc, hãy cân nhắc kỹ càng về việc liệu nó có giúp ích cho bạn trong tương lai không. Đừng chỉ nhắm bắt chọn bừa một quyển được gắn mác best-seller. Thay vào đó, hãy tìm đến những tác giả mà thực sự như đang nói chuyện với bạn và giúp bạn trở thành một con người mà bạn mong muốn mình trở thành.

---------------------------

Tác giả: Leon Ho

Link bài gốc: How I Pick the Right Books to Read to Learn 10X Faster

Dịch giả: Xanh Da Trời - YBOX.VN Translator

(*) Bản quyền bài viết thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch Giả: Xanh Da Trời - Nguồn: YBOX.VN”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: “Theo YBOX” hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Trở thành dịch giả trên YBOX.VN, xem chi tiết tại đây: http://bit.ly/yboxtranslateteam

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,954 lượt xem