Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bạn Có Chắc Mình Nắm Vững Phương Pháp Học Hiệu Quả?

Bài viết là chia sẻ của chị Trần Thị Thùy Trang

Nắm được phương pháp học là bước đầu để chúng ta có thể học thông minh hơn, hấp thụ kiến thức và kỹ năng tốt hơn. Đó là kỹ năng mà bất cứ ai muốn làm chủ được việc học của mình đều cần có.

1. XÂY BỨC TRANH TỔNG THỂ

Tại sao các giáo sư tại Mỹ luôn yêu cầu sinh viên đọc sách trước khi đến lớp?

Bởi vì khi đã đọc lướt qua nội dung của sách, sinh viên sẽ nắm được bức tranh tổng thể trong đầu. Các hoạt động về sau như nghe giảng, tham gia thảo luận, hoạt động nhóm … sẽ giúp sinh viên bổ sung thêm các chi tiết, các mảnh ghép mình còn thiếu trong bức tranh đó.Nếu chỉ chăm chăm đi học mà không nắm được bức tranh tổng thế, những chi tiết chúng ta học được sẽ như những mảnh ghép rời rạc, khó được lưu lại trong trí nhớ dài hạn trong bộ não.

2. GIỮ VỮNG SỰ TẬP TRUNG TRONG LÚC HỌC

Mỗi khi tiếp nhận thông tin mới, bộ não tuyệt vời của chúng ta sẽ tìm cách kết nối với những gì chúng ta đã có trong trí nhớ dài hạn. Quá trình này giúp thông tin mới dễ dàng được tiếp cận và ghi nhớ hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta học không tập trung, bị phân tán bởi Facebook, điện thoại, đồ ăn, gái xinh, trai đẹp… mối liên kết đó sẽ bị đứt gãy, khiến ta không thể kết nối dễ dàng.

3. ƯU TIÊN VIỆC HIỂU BẢN CHẤT

Học để hiểu gốc rễ. Đừng lao ngay vào nhìn đáp án, cách làm, hay các mẹo, kỹ thuật làm bài. Việc nắm bắt, hiểu bản chất sẽ như chất keo kết dính giúp những mảnh ghép kiến thức mới dễ dàng được đính vào bức tranh tổng thể chúng ta đã có hơn. Nó cũng sẽ giúp ta tư duy linh hoạt, sáng tạo hơn khi giải quyết vấn đề, cũng như ứng biến được với những tình huống bất ngờ xảy ra.

4. THỰC HÀNH LẶP ĐI LẶP LẠI

Thực hành là cách giúp các kết nối thông tin trong não bộ của chúng ta được bền chặt. Nếu chỉ nắm được lý thuyết, những kết nối ấy sẽ rất hời hợt. Nhưng thực hành một lần là chưa đủ, để kiến thức, kỹ năng được vững, cần có sự lặp đi lặp lại nhiều lần và có tăng dần về độ khó.

Tuy nhiên, cần lưu ý là việc thực hành lặp đi lặp lại nhưng phải có sự dãn cách về thời gian (Spaced Repetition).

Việc chúng ta luyện tập một nội dung thật nhiều trong 4tiếng sẽ không hiệu quả bằng việc để dãn cách trong 8 ngày mỗi ngày 30 phút. Lí do là vì não bộ của chúng ta không chỉ học lúc tập trung mà còn làm công việc kết nối thông tin lúc ta nghỉ ngơi thư giãn. Việc luyện tập lặp đi lặp lại có dãn cách về thời gian sẽ giúp thông tin được kết dính bền chặt trong bộ não của mình hơn.

Các bạn có thể tìm hiểu về lý thuyết focused mode và diffuse mode để hiểu hơn về phần này.

5. HỒI TƯỞNG LẠI LÀ PHÉP MÀU KẾT DÍNH

Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Jeffrey Karpicke, sau khi luyện tập kiến thức, kỹ năng mới, việc hồi tưởng, ôn lại trong đầu những gì mình nhớ được sẽ giúp kiến thức đọng lại rất sâu trong não bộ của người học. Trong cùng một khoảng thời gian, việc luyện tập và hồi tưởng cho ra kết quả còn tốt hơn rất nhiều những phương pháp như vẽ mindmap tổng hợp kiến thức hay đọc đi đọc lại tài liệu cũ nhiều lần.

Các bài kiểm tra, bài quiz… cũng là một kiểu giúp người học hồi tưởng, ôn lại được hệ thống kiến thức mình đã có.

Bản thân mình thì thường hồi tưởng lại bằng cách chia sẻ lại cho người khác kiến thức mình được học qua nhiều hình thức khác nhau như đào tạo, điều phối, viết bài, thậm chí tán gẫu khi đi đường, trong bữa ăn… Nhờ đó mà mình có khả năng ghi nhớ kiến thức rất tốt.

Theo giáo sư Barbara Oakley, trường ĐH California, San Diego, mỗi khi học một kiến thức mới, trước khi đi ngủ, nhắm mắt hồi tưởng lại về những gì đã học sẽ giúp kiến thức đọng lại rất hiệu quả. Lí do như mình đã đề cập phía trên, trong lúc ngủ, bộ não của chúng ta sẽ tự động giúp kết nối các thông tin trong não.

Nguồn: thuytrangcocktail.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

201 lượt xem