Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Bạn Có Đang Bị “Dán Nhãn” Không?

Chào bạn, tôi xin được bắt đầu bài viết bằng một câu hỏi: Bạn có đang bị dán nhãn không?

Dán nhãn ở đây có nghĩa là, bạn có đang bị một niềm tin, một khuôn mẫu, một quy phép, một định kiến… nào đó do người khác hoặc xã hội dán lên cho mình hay không? “Nhãn dán” đó khiến mình tin rằng mình là một người có tính cách như vậy; có những sở thích đam mê như vậy; và nên hành xử hoặc hành động theo một con đường và định hướng như vậy…

Và nguy hiểm hơn, những “nhãn dán” đó dần dần đang trở thành chính niềm tin và con người của mình mà chính mình cũng không hay biết hoặc ý thức được việc đó…

1. Tôi đã bị dán nhãn như thế nào?

Nếu có một ai đó hỏi tôi rằng, hồi nhỏ tôi thích sau này lớn lên làm gì. Thì những gì mà tôi còn nhớ và ý thức được khi tôi còn là một nhóc lớp 3 là tôi muốn trở thành một bác sĩ. Lý do là bởi vì ba mẹ tôi lúc đó đã cho tôi một suy nghĩ rằng, làm bác sĩ sau này sẽ rất nhiều tiền, và rất là… oai. Không những thế, mỗi lần chở tôi đi khám bệnh (hồi nhỏ tôi rất hay bệnh, một tháng 30 ngày tôi đã đi khám bệnh hết 20 ngày, nói chuyện với bác sĩ chắc còn nhiều hơn cả thầy cô), ba mẹ tôi cho tôi những ví dụ điển hình về việc làm bác sĩ sẽ tuyệt vời như thế nào. Và tôi muốn trở thành bác sĩ thật.

Tôi muốn trở thành bác sĩ tới mức cứ bất kì ai hỏi tôi sau này tôi muốn làm gì, là tôi trả lời ngay tôi muốn trở thành bác sĩ. Tôi cho rằng “nhãn dán” mang tên “Bác sĩ’ đó là con người mình, là cái thật sự mình yêu thích. Cho đến ngày, tôi phát hiện… tôi rất sợ đau và sợ máu.

Vậy nhãn dán nào tiếp theo sẽ được dán cho tôi?…

Khi tôi học lớp 9, có một anh hàng xóm thi đậu vào Đại học Ngân hàng. Và mẹ tôi, cùng những người xung quanh (vô tình) lại tiếp tục cho tôi một niềm tin rằng tôi rất thích trở thành một sinh viên Đại học Ngân hàng. Niềm tin, ý thức và định hướng đó theo tôi cho đến tận năm lớp 12, và tôi cứ nghĩ rằng mình thật sự thích ngành Ngân hàng mà không hề mảy may tự hỏi lại chính bản thân mình là đó có phải thế mạnh của mình hay không; hoặc chí ít là tìm hiểu khi vô Đại học Ngân hàng sẽ học gì và làm gì sau này (một “nhãn dán” rất tinh vi).

Rồi đến khi lên đại học, vì nhiều lý do, tôi trở thành sinh viên Đại học Luật. Và lần này, ngoài ba mẹ và những người xung quanh ra, còn có sự trợ giúp của truyền thông xã hội. Tôi lại đinh ninh rằng mình thật sự thích và phù hợp với luật, tất cả những kế hoạch và hành động của tôi lúc đó chỉ để trở thành một người đứng đầu trong một cơ quan hành chính Nhà nước, thậm chí là còn học lên cao để trở thành một thạc sỹ nữa…

Kể chuyện thi đại học

Ngay cả sau này, khi tôi thật sự khám phá ra được đam mê của mình dành cho ngành Coaching (Khai vấn), tôi cứ nghĩ rằng mình cứ thế mà đi trên con đường mà mình đã chọn. Nhưng sự thật không phải thế. Vẫn có hàng loạt những “nhãn dán” khác đang dán lên tôi, định hình tôi một cách vô hình và tinh vi:

  • “Hãy đợi đến khi em lớn một chút, ít nhất cũng 30 tuổi, thì em hãy theo đuổi nó. Lúc này em vẫn chưa có đủ kinh nghiệm đâu”;

  • “Em nên dựa vào một công ty, hoặc một tổ chức để xây dựng thương hiệu, chứ em đi một mình như vậy thì ai biết đến em”;

  • “Em làm Coaching (Khai vấn) Business một mình rất dễ nản, nên đầu tư vô một công ty, hoặc một tổ chức nào đó”;

  • “Ngành Coaching (Khai vấn) này còn mới lắm, em nên ứng dụng nó trong công việc trước sẽ hay hơn. Nhất là ngành Nhân sự và Đào tạo”;

  • “Em còn nhỏ tuổi, chị thấy sẽ khó khăn cho em trong việc làm Coaching (Khai vấn) những người lớn tuổi đó”…

Thế là dần dần, tôi mặc định những “nhãn dán” đó là bản thân mình, là những gì mình tin, mình nghĩ, và mình làm. Những kế hoạch tôi đề ra là nhằm đi theo những nhãn dán đó, mà không hề mảy may tới việc đó có phải là con đường mình thực sự mong muốn và khao khát hay không.

Và sau hơn một năm, cùng với những tiếng nói âm ỉ trong lòng, cũng như những đau đớn tột cùng mà tôi phải trải qua bởi những kế hoạch đó mang lại: khủng hoảng trầm trọng, mất niềm tin vào bản thân, xuất hiện những góc nhìn và suy nghĩ giới hạn… Tôi chợt nhận ra tất cả những “nhãn dán” đó đang kiềm hãm chính bản thân mình, và nhận ra mình thật sự mong muốn trở thành một Coach (Chuyên gia Khai vấn) Full-time tự do như thế nào. Tôi khai phá được tất cả những tiềm năng bên trong bản thân mình. Từ đó, tôi tập trung hơn trong việc phát triển kiến thức và kĩ năng chuyên môn Coaching (Khai vấn).

Tôi bắt đầu giúp đỡ và tạo được nhiều giá trị cho những khách hàng lớn tuổi hơn tôi rất nhiều. Tôi tạo ra sản phẩm mới và tin tưởng vào giá trị mà sản phẩm của mình mang lại. Tôi bắt đầu tìm thấy được những cơ hội và những giải pháp giúp tôi vượt qua được tất cả những trở ngại mà trước đó, tôi như bị che khuất bởi những “nhãn dán” – lá bùa phong ấn tiềm năng của một con người. Và quan trọng, tôi đang rất hạnh phúc bởi những gì tôi làm với vai trò là một Coach (Chuyên gia Khai vấn). Chuyện gì xảy ra cũng có ý nghĩa của nó, nếu không trải qua nỗi đau, thì làm sao hiểu được thế nào là hạnh phúc.

2. Bạn có đang bị dán nhãn không?

Tôi kể câu chuyện của tôi, chỉ mong bạn dành vài phút để nhìn lại, liệu mình có đang bị một ai đó, một điều gì đó trong xã hội dán nhãn mình không…

  • “Mày ít nói, hướng nội lắm, làm sao mà trở thành một nhà ngoại giao được?”;

  • “Con đúng là một con người lộn xộn và không biết sắp xếp”;

  • “Anh không có giỏi toán đâu”;

  • “Em chưa có đủ kinh nghiệm để làm việc này đâu”;

  • “Em vẽ đẹp lắm, chị thấy nhất định sau này em sẽ trở thành một kiến trúc sư giỏi. Chứ họa sĩ khó kiếm tiền lắm”;

  • “Con gái thì đừng nên làm nhà báo, nguy hiểm lắm con”;

  • “Con gái thì phải yêu con trai”;

Và biết đâu, những “nhãn dán” đó đang là một cản trở vô hình những tiềm năng, suy nghĩ và hành động của bạn. Nguy hiểm hơn, lỡ đâu mình cũng đang lựa chọn hành xử và tin rằng mình cũng đúng như những gì mà “nhãn dán” đó nói…

Đúng là đôi khi, chúng ta nên cân nhắc những lời khuyên, hướng dẫn, định hướng, góp ý… từ người khác, đặc biệt là từ người đi trước. Nhưng hãy tỉnh và tĩnh (tỉnh táo và tĩnh lặng) để lắng nghe con tim mình thật sự mong muốn điều gì, đồng thời nhận ra những hướng dẫn, định hướng đó có đang ngụy trang dưới một “nhãn dán” hay không. Vì có thể ngay cả chính họ cũng không ý thức được việc đó, và họ cũng đang muốn tốt cho bạn thôi.

Chỉ có bản thân bạn mới thật sự hiểu rõ được mình thực sự muốn gì, ghét gì, khao khát điều gì trong cuộc sống này. Để từ đó, cũng chỉ bạn mới là người chịu trách nhiệm được cho nó, cũng chỉ bạn mới biết được đâu là giải pháp tốt nhất cho chính bản thân mình. Và cũng chỉ bạn mới biết được rằng, mình muốn trở thành một con người tốt đẹp như thế nào. Một cá nhân bất kỳ đều phải là người chịu trách nhiệm cao nhất cho cuộc sống và những kết quả mà họ đạt được. Nếu chúng ta thừa nhận rằng chúng ta có trách nhiệm đối với một việc gì đó, thì chúng ta có sức mạnh và khả năng ảnh hưởng đến điều đó.

Vậy nếu như không có những giới hạn, rào cản của những “nhãn dán”, bạn thật sự mong muốn điều gì và sẽ hành động như thế nào cho cuộc sống của mình?

3. Ba điều giúp bạn thoát ra khỏi những “nhãn dán”

Trong suốt khoảng thời gian vừa rồi, những nỗi đau và khó khăn ấy đã giúp tôi học được (learn) và học lại (re-learn) được 3 điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại rất quan trọng. Và nó đã giúp tôi vượt qua, ít nhất là trong việc nhận thức được những “nhãn dán” giới hạn niềm tin và hành động; dám ra quyết định và chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình; và thúc đẩy tôi trong việc lên kế hoạch hành động để đạt được điều mình muốn.

Thứ nhất, đừng suy nghĩ quá nhiều về chuyện người khác nghĩ gì về mình. Con người chúng ta có một nỗi sợ rất lớn: Sợ phán xét – Sợ bị người khác nói mình thế này, chê mình thế kia, rồi cứ mãi chạy theo và ra sức làm đủ mọi cách để không phải nghe những lời khó chịu ấy. Hay nói khác đi, chúng ta đang sống theo cách mà người khác mong muốn ở mình. Đã đến lúc, bạn hãy cho phép mình dừng hành động vô vọng ấy lại, bởi bạn không thể làm vừa lòng hết tất cả mọi người, bạn cũng không thể kiểm soát và điều khiển được hết tất cả các ý nghĩ của người khác dành cho mình.

Cái duy nhất mà bạn có thể kiểm soát được, đó chính là những suy nghĩ về bản thân mình, về những giá trị sống mà mình thật sự muốn hướng đến. Suy nghĩ về những điều tốt đẹp mà bạn có thể làm được cho chính bản thân mình, cho những người mà bạn thật sự yêu thương, những người luôn hiểu, tin tưởng và ủng hộ bạn. Đừng để những ước mơ, mục đích của bạn bị lệ thuộc vào bất kì một ai. Hãy bắt nguồn từ chính khao khát và đam mê của mình. Chỉ có bạn mới thực sự biết điều gì là tốt nhất cho chính bản thân mình. Và đơn giản, hãy cứ nỗ lực làm hết sức mình, rồi bạn sẽ toả sáng.

Thứ hai, mỗi người sẽ có riêng cho bản thân mình một định nghĩa hạnh phúc khác nhau. Sẽ không có định nghĩa đúng hoặc sai, quan trọng là định nghĩa đó giúp bạn nhìn cuộc đời và lựa chọn sống như thế nào, đơn giản chỉ là phù hợp hay không phù hợp mà thôi. Có khi hạnh phúc của người này lại là điều đau khổ đối với kẻ khác. Hạnh phúc chẳng ai giống ai, tùy thuộc quan điểm riêng của mỗi người.

Vì thế, bạn có quyền tuyệt đối với chính hạnh phúc bản thân mình: bạn có thể thay đổi góc nhìn, cách suy nghĩ, thậm chí ngay cả cách cư xử và những việc bạn làm để khiến bản thân mình có thể thật sự hạnh phúc. Quyền lực tuyệt đối ấy tồn tại mọi lúc mọi nơi, khi có một việc không hay xảy đến, khi gặp khó khăn cần giải quyết, hay lúc cần phải thích ứng với hoàn cảnh sống mới lạ và khắc nghiệt. Chẳng ai có quyền ép buộc, ra lệnh hay dán nhãn cho chính bản thân bạn được. Chỉ có chính bản thân bạn mới biết mình cần phải quyết định ra sao cho cuộc đời mình. Hạnh phúc đều do bạn tạo ra.

Thứ ba, thay vì cứ đón nhận những “nhãn dán” tiêu cực từ bên ngoài, hãy tự xây dựng cho mình những “nhãn dán” tích cực mỗi ngày từ bên trong, bằng cách tập trung vào những điểm mạnh, điểm tốt, kỹ năng của mình; dán nhãn cho hình những suy nghĩ, niềm tin và hành động tích cực. Việc này sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc nâng cao sự tự tin (tự mình tin vào chính bản thân mình), từ đó dám hành động nhiều hơn. Ai cũng sẽ có những khuyết điểm, hoặc điều gì đó chưa hoàn thiện. Nhưng điểm mạnh mà bạn có đôi khi không phải ai cũng có được, vì vậy đừng coi nó là mặc định hiển nhiên.

Hãy học cách trân trọng và công nhận tất cả những điểm mạnh của mình – dù là nhỏ nhất, thông qua những kết quả hằng ngày mà mình tạo ra – dù chỉ là những bước đi nhỏ đầu tiên. Bạn có thể làm việc này bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cách tôi hay làm đó là liệt kê xuống tất cả những điểm mạnh mà mình có được, càng nhiều càng tốt. Bên cạnh đó, tôi thường ghi xuống những điều mà mình đã làm được trong ngày, để mỗi tối nhìn lại, tôi có động lực để bước tiếp, vạch ra kế hoạch cho ngày mai.

Hành trình đi tìm bản thân mình đã khó, giữ được bản thân mình còn khó hơn!

Chúc bạn tìm được bản thân mình, và luôn giữ được bản thân mình trước những khó khăn của cuộc đời – Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.

Đôi dòng chia sẻ thêm

Đó là lý do tại sao tôi lựa chọn trở thành một người Coach (Chuyên gia Khai vấn). Coaching (Khai vấn) dựa theo nguyên tắc: Một cá nhân bất kỳ đều phải là người chịu trách nhiệm cao nhất cho cuộc sống và những kết quả mà họ đạt được. Nếu chúng ta thừa nhận rằng chúng ta có trách nhiệm đối với một việc gì đó, thì chúng ta có sức mạnh và khả năng ảnh hưởng đến điều đó. Coach (Chuyên gia Khai vấn) sẽ không hướng dẫn cụ thể cho bạn những gì bạn cần phải làm, hoặc làm điều đó thay cho bạn. Nếu họ làm thế, điều đó nghĩa là người Coach (Chuyên gia Khai vấn) ấy đã lấy đi trách nhiệm và sức mạnh khỏi bạn.

Coach (Chuyên gia Khai vấn) sẽ giúp bạn nhận diện và tự tìm ra câu trả lời cho chính mình. Coach (Chuyên gia Khai vấn) cùng với bạn nhận ra những cản trở, sử dụng các kiến thức và kỹ năng coaching (khai vấn) để giúp bạn nhìn nó ở dưới nhiều góc độ khác nhau để chuyển hóa, tìm kiếm cơ hội và hướng đi, từ đó giúp bạn cam kết hành động và nỗ lực để đạt được những kết quả mà mình mong muốn.

Theo nguyentrongkhuong.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,798 lượt xem