Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Bạn Muốn Kiếm Việc Làm Thì Hãy Cân Nhắc Những Điều Sau

Nếu bạn đang tìm kiếm việc làm mới thì nên bắt đầu như thế nào? Theo cách thông thường, bạn sẽ bắt đầu bằng cách lướt qua các trang web giới thiệu việc làm hoặc nhìn vào các bản tin tuyển dụng ở trên mạng xã hội,…để tìm được một việc làm phù hợp với mình. Thế cũng được, nếu bạn ghét ngồi không.

Chúng ta đã được lập trình để hoạt động theo cách này như một cái máy, để nhận bất cứ công việc nào có thể giúp trang trải các chi phí sinh hoạt hàng ngày. Với đa số, đây là giải pháp chấp nhận được. Bây giờ không thiếu trường hợp sinh viên học xong không có việc làm, nên có cái để làm là tốt rồi. Tuy nhiên đó chỉ là cách mà họ tự thỏa mãn bản thân mặc dù công việc đó không thực sự đáp ứng được nhu cầu của họ.

Muốn kiếm việc làm tốt, phải biết chịu khó tìm.

Có một sự thật tôi muốn bạn biết, đó là những công việc, những vị trí tốt nhất thường không được công khai cho thiên hạ – những người đang tìm việc biết. Khoảng 80% những cơ hội trên thị trường lao động không được mở công khai cho tất cả mọi người. Mà chúng được tuyển chọn rất gắt gao. Bù lại, người nhận được vị trí này sẽ có được thù lao tương xứng thành quả lao động của họ. Vì vậy, bạn hi vọng điều gì khi vẫn quanh quẩn trong số 20% kia. Sẽ rất khó để bạn tìm được một công việc đáp ứng kì vọng của mình.

Tuy vậy, có một cách tôi sẽ chỉ cho bạn. Đó là bắt tay vào hành động ngay và tự tạo ra cơ hội cho chính mình. Nhưng trước khi bạn có thể mơ mộng kiếm việc làm trong mơ, bạn cần phải hiểu được: Tại sao 80% việc làm không dành cho đa số và bạn nên tận dụng điều này như thế nào.

Bạn muốn kiếm việc làm thì hãy cân nhắc những điều sau

1. Đơn vị tuyển dụng không dám chắc mình cần gì.

Điều này thường đúng khi nói đến những startup, công ti khởi nghiệp nhỏ đang cố gắng mở rộng thị phần. Họ mới, họ chưa có nhiều kinh nghiệm nên không dễ để lên một đề án tuyển dụng cụ thể và hiệu quả. Trong khi có một số vị trí đang rất cần người đảm nhiệm.

Nếu họ không rõ họ đang cần ai hay cần cái gì để phát triển đơn vị, thì họ không thể tạo ra “vị trí trống” hay việc làm được vì nó hiện vẫn đang còn mơ hồ.

Điều họ cần đó là nguồn nhân lực. Một quan điểm, một góc nhìn của những con người mới để cho họ nguồn động lực phát triển mới. Đây chính là cơ hội hoàn hảo cho bạn để thể hiện bản thân mình và chứng minh mình có khả năng tạo ra giá trị cho công ty.

Hãy dành thời gian để nhìn vào điểm yếu của họ và điều gì có thể cải thiện được. Bởi vì bạn có thể chính là giải pháp toàn diện họ đang cần. Hãy tự tin và thể hiện khả năng của mình theo một cách mà họ không thể từ chối !

2. Các đơn vị thường tự đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên thay vì tuyển thêm người mới.

Một số đơn vị, chủ sử dụng lao động thường ngại đi qua các khâu, các quy trình rắc rối và rủi ro của việc phỏng vấn và tuyển nhân viên. Họ không chắc chắn là mình có thể tìm được đúng người mình cần hay không. Cũng bởi vì hiện tình trạng nhảy việc cũng khá cao. Nên thay vào đó, họ sẽ tự đào tạo thêm nghiệp vụ cho những nhân viên hiện có.

Ý tưởng ban đầu là “khi đầu tư nhiều vào nhân viên, họ sẽ cống hiến lâu dài và hiệu quả hơn“. Mặc dù điều này chính xác trong một số trường hợp, nó lại không thực sự đáng đồng tiền bát gạo và có thể không đạt được yêu cầu như họ muốn.

Chẳng có gì đảm bảo nhân viên sẽ cống hiến lâu dài, nhất là khi có thay đổi trong nhu cầu công việc và cuộc sống. Một số người thì lại làm theo cảm hứng và sẽ nhảy việc – kiếm việc làm mới khi họ cần. Cũng rất khó để đoán trước được sẽ tốn bao nhiêu thời gian và công sức để đào tạo cho nhân viên những kĩ năng mới. Trong khi đó, chủ sở hữu lao động sẽ phải rút bớt nhân lực hiện có và điều này có thể sẽ làm ảnh hưởng lâu dài đến công ty.

Bạn của tôi, đó chính là cơ hội vàng cho bạn đấy ! Hãy thể hiện rằng mình sở hữu những kĩ năng mà họ đang tìm kiếm. Cho họ thấy họ có thể tiết kiệm được thời gian và tài nguyên bằng cách tuyển dụng bạn thay vì đào lại lại cho nhân viên. Khả năng và niềm đam mê sẽ khiến bạn trở thành một lựa chọn xứng đáng.

3. Công ty không có nhu cầu tuyển dụng.

Thực ra vẫn có cơ hội cho bạn ở những nơi như thế này. Tương tự như trên, bạn có thể tìm hiểu về những điểm yếu của các công ty này và tự giới thiệu bản thân mình như một giải pháp toàn diện. Bạn có thể đưa ra những ý tưởng mới hoặc biến những ý tưởng cũ trở nên hấp dẫn theo cách riêng, mặc dù trước đó chúng chẳng bao giờ được ngó ngàng đến.

Sự tỉ mỉ đến những chi tiết nhỏ nhất và tinh thần cầu tiến sẽ khiến bạn trở nên giá trị trong mắt người khác.

Một công việc mơ ước sẽ không tự chui vào túi quần, mà bạn phải tự đi tìm. Bạn cần phải chủ động và hăng hái một chút và tạo ra cơ hội cho mình. Kể cả khi công ty bạn mơ ước vào làm thực sự không tìm kiếm nhân viên mới ở thời điểm này, họ sẽ nhớ đến bạn nếu bạn thể hiện đủ tốt. Và biết đâu, họ sẽ tuyển bạn trong tương lai.

Kiếm việc làm tốt cũng liên quan lớn đến hạnh phúc của bạn.

Đây không chỉ là chuyện kiếm đủ tiền chi trả sinh hoạt phí. Mà bạn biết không, với một sự nghiệp đúng đắn, bạn có thể tìm thấy mục tiêu, dâng hiến tâm huyết mình cho công việc và sống một cuộc sống ý nghĩa, đem đến cho chính mình sự mãn nguyện.

Bạn cứ nghĩ mà xem, phần lớn cuộc đời, bạn sẽ dành để làm việc. Vậy nếu bạn không thích thú với việc mình làm thì coi như bạn đang không thực sự sống. Trung bình, bạn làm việc 8 tiếng một ngày, nhân lên là 22 ngày một tháng và 2112 tiếng một năm. Vì vậy hãy dành thời gian đó để làm những gì có ý nghĩa với mình.

Bạn muốn kiếm việc làm thì hãy cân nhắc những điều sau

Phương pháp định hình cuộc sống.

Đến đây tôi tin rằng bạn đã có được một niềm tin cơ bản. Rằng bạn xứng đáng có được công việc mơ ước của mình, chúng có thể thuộc bất cứ ngành nghề nào. Để giúp bạn tiếp cận các cơ hội này và biến chúng trở thành hiện thực, đây là 3 yếu tố để bạn ghi nhớ trong đầu:

1. Định hình mọi thứ cho bạn, cho công ty.

Ghé qua một số trang như Linkedln hoặc các bảng tin tuyển dụng để xem yêu cầu của công việc bạn đang tìm kiếm. Truy cập vào những vị trí đòi hỏi trình độ cao hơn mức bạn có 1-2 cấp. Sau đó xem mục tiêu của bạn là gì và kĩ năng nghề nghiệp gì bạn cần cải thiện để phù hợp với vị trí đó. Tiếp theo là bắt tay vào học tập và cải thiện.

Phải làm rõ được sự tiến bộ bạn muốn mình đạt được và điều đó sẽ tác động tốt tới công ty tương lai của bạn như thế nào. Kĩ năng tự đánh giá bản thân của nhân viên rất quan trọng đối với các ông chủ, vì vậy bạn phải luôn nắm bắt được kĩ năng nào có thể ảnh hưởng tốt tới công ty và bắt đầu làm việc để cải thiện nó.

2. Hiểu vấn đề mà công ty đang đối mặt.

Để thực hiện được điều này, bạn cần biết họ đang phải chịu những thách thức gì. Mọi thứ có ổn định hay không? Liệu bạn có thể cải tiến những ý tưởng kia và biến nó thành của mình?

Cho họ thấy bạn biết vấn đề mà họ đang đối mặt và gợi ý một vài phương án để giải quyết. Đưa ra cho họ thấy trình độ và kĩ năng của bạn. Giải thích chúng sẽ đưa họ lên một đỉnh cao mới trong thị trường đang phát triển hiện nay như thế nào.

3. Đừng chỉ nói suông, hãy hành động.

Bạn nên chuẩn bị một tập hồ sơ về những dự án cũ bạn từng làm để thể hiện những khả năng và kinh nghiệm của bạn với các ông chủ. Sau khi đã cho họ thấy bạn đã đạt được những gì, hãy nói cho họ biết kế hoạch của bạn trong tương lai. Bạn đang làm gì để nâng cao nghiệp vụ của mình? Những điều gì bạn có thể đã làm tốt hơn trong những dự án cũ?

Nếu bạn thực sự cho họ thấy được rằng mình đang chủ động nâng cao khả năng làm việc, các ông chủ tương lai sẽ cảm thấy hào hứng và rất có thể, họ sẽ cho bạn một cơ hội để thể hiện khả năng của mình.

Vì vậy, người anh em hãy nhớ rằng: Đừng chờ đợi một công việc hoàn hảo. Bởi vì không có gì tự đến nếu bạn không nhấc mông dậy đi tìm.

Nguồn: https://www.lifehack.org

Dịch: Toisong.net

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,673 lượt xem