Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bảy Lời Thú Nhận Đã Kéo Tôi Ra Khỏi Những Sai Lầm Khi Làm Lãnh Đạo

Có óc sáng tạo, thành tích vượt trội, và tận tụy với công việc là những lý do giúp bạn được cân nhắc lên vị trí lãnh đạo, nhưng những phẩm chất đó chưa chắc đã giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo giỏi. Không dễ dàng gì để trở thành lãnh đạo và không phải tất cả các quyết định bạn đưa ra đều đúng. Nhưng bạn hoàn toàn có thể trở thành người cầm quân sáng suốt nếu biết cách tránh những sai lầm phổ biến nhất mà các vị sếp hay mắc phải sau đây. 

Những điều tôi học được từ những sai lầm khi làm lãnh đạo giúp tôi trở thành một nhà lãnh đạo giỏi hơn.” (Gordon Tredgold).

Tôi muốn nói rằng cuộc hành trình làm lãnh đạo của tôi đến giờ khá hoàn hảo và kể từ khi đảm nhận vai trò này, tôi đã thành công, nhưng đó sẽ chỉ là một lời nói dối. Không những tôi đã phạm nhiều sai lầm, mà còn nhiều hơn những người khác. 

Dưới đây là bảy sai lầm đã gây trở ngại cho tôi khi mới làm lãnh đạo, và thậm chí khiến tôi suýt mất việc. 

1. Tôi tin tôi biết hết mọi câu trả lời

Tôi đã tin rằng lý do chính đáng mà tôi được chọn làm sếp là vì tôi giỏi hơn người khác. Điều này có thể đúng với vai trò một nhà lãnh đạo, nhưng rõ ràng sẽ không đúng đối với những cấp dưới của tôi. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn tôi nêu ý kiến ​​về mọi thứ và muốn tham gia vào mọi quyết định cần thiết. 

Mặt trái của việc này là cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với những người trong nhóm, làm mất đi mong muốn gánh vác trách nhiệm của họ, vì họ giờ chỉ là những nhân vật phụ trong quá trình đưa ra quyết định, cũng như làm lu mờ sự đóng góp của họ.

Một trong những trích dẫn của Ken Blanchard mà tôi yêu thích đó là "Sức mạnh cá thể không bằng sức mạnh của tập thể." Tôi mất một thời gian để học điều này, cũng như là vai trò của người lãnh đạo là phát huy khả năng của các thành viên chứ không phải là đem nó đến cho họ. Mọi người sẽ chú tâm nhiều hơn và có trách nhiệm hơn nếu bạn trao công việc và quyền hạn cho họ. Nó cho thấy sự tin tưởng của bạn, mà từ đó, làm tăng lòng tin của họ dành cho bạn. 

2. Tôi đã phản ứng, thay vì phản hồi

Tôi luôn nghĩ là một nhà lãnh đạo nhiệt huyết, chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc, và luôn biểu hiện cảm xúc ra bên ngoài. Tôi nghĩ rằng đây là điều tốt vì mọi người có thể nhìn thấy tôi thực sự là ai.

Nhưng khi bạn để cảm xúc điều khiển bạn, bạn có thể phản ứng quá nhanh với các tình huống, và điều này dẫn đến những sai lầm, hoặc thậm chí những bộc phát tồi tệ, làm ảnh hưởng sự tín nhiệm của bạn. Có thể bạn sẽ xin lỗi sau đó, nhưng mọi chuyện cũng đã rồi. Chúng ta được tuyển là vì chỉ số IQ, khả năng hoàn thành công việc, nhưng chính EQ, trí tuệ cảm xúc, sẽ quyết định liệu chúng ta có thành công trong thời gian dài hay không.

Làm lãnh đạo đòi hỏi đam mê, nhưng cũng đòi hỏi sự bình tĩnh, khả năng kiểm soát cảm xúc để đáp ứng hơn là chỉ phản ứng. Khi hồi đáp, chúng ta sẽ đánh giá, cân nhắc thông tin sẵn có và đưa ra phản hồi đúng, phù hợp nhất cho tình huống. EQ tốt cho phép chúng ta kiên định, giúp nhóm dự đoán được cách hành xử, thay vì chỉ phản ứng tự phát, dẫn đến sự tùy tiện, và làm suy giảm sự tự tin của nhóm. 

3. Tôi quá tin vào khả năng của bản thân

Có một sự khác biệt lớn giữa sự tự tin và kiêu ngạo. Một cái giúp xây dựng niềm tin; một cái lại phá hủy. Khi tôi trở nên quá tự tin vào bản thân, tôi bắt đầu nghiêng về phía kiêu ngạo. Đã nhiều lần tôi nhận những dự án mạo hiểm. Tôi tin tôi có khả năng thực hiện và phớt lờ lời khuyên có ích của những người mà tôi cho là kém hơn mình. Hầu như mọi chuyện đều kết thúc trong thảm họa. 

Thất bại cho thấy chúng ta phải dựa vào người khác để thành công. Là một lãnh đạo cũng chính là một thành viên trong đội. Chúng ta cần dựa vào các thành viên trong nhóm để tạo thành công và họ sẽ đóng góp những ý kiến có ích. Như một câu ngạn ngữ nổi tiếng "Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhiều người,” dù chúng ta nghĩ mình giỏi như thế nào, không một nhà lãnh đạo nào có thể một mình làm hết mọi thứ. 

4. Tôi tập trung vào thành công tức thời

Gặt hái thành công giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo. Tôi đã tập trung vào việc đạt thành công, trở nên thành công càng nhanh càng tốt. Thế nhưng, thành công một cách nhanh chóng thường cũng mất đi nhanh chóng. 

Lãnh đạo là chạy bền, không phải chạy nước rút. Nếu bạn muốn thúc đẩy sự thay đổi và đạt được các kết quả bền vững, thì cần nhiều thời gian và bắt buộc đi theo con đường nhiều thử thách. 

5. Tôi nhầm lẫn giữa ngoan cố và quyết tâm

Tôi đã tin "Người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc, và người bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng" và tôi tự hào về sự kiên trì, quyết tâm, và ý chí giành chiến thắng của bản thân.

Tuy nhiên, khi cách bạn làm bị thất bại, nhưng lại từ chối thay đổi thì đó chính là ngoan cố. Bạn sẽ rơi vào vòng lẩn quẩn vì chỉ đi theo lối mòn mà lại mong đợi kết quả khác. Hãy bám sát mục đích, linh hoạt trong cách tiếp cận, nhưng nếu không hiệu quả, bạn cần thay đổi nó. 

6. Tôi đã là một “bậc thầy” về Quản lý vi mô

Khi lần đầu làm quản lý, tôi thấy khó tin tưởng vào khả năng làm việc của nhân viên. Một phần do tôi chưa có khả năng kết nối hoặc tin vào công việc chúng tôi đang làm. Nhưng thay vì tập trung khắc phục những thiếu sót đó, tôi đã chọn con đường quản lý nhỏ hẹp, theo dõi chặt chẽ mọi người, kiểm tra mỗi 15 phút để xem họ làm như thế nào, tiến triển ra sao. Quản lý vi mô là một trong những cách tệ nhất khi quản lý nhóm của mình. Mọi người ghét bị quản lý vi mô và với bạn, nó sẽ giới hạn số lượng nhân viên mà bạn có thể quản lý trực tiếp.

Tôi phải học cách tin tưởng nhân viên, tạo điều kiện để họ làm việc, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ khi họ cần. Bạn phải theo dõi tiến độ, nhưng bạn cần cho mọi người thời gian để công việc tiến triển và thực hiện đánh giá từ vị trí hỗ trợ. 

7. Tôi đã không làm việc tốt với những người khác

Khi khả năng lãnh đạo bắt đầu cải thiện, tôi đã học được cách truyền cảm hứng cho nhân viên và đạt nhiều thành quả, nhưng vẫn có một vật cản vô hình ngăn tôi và nhóm không thể đạt toàn bộ tiềm năng. 

Tôi đã tập trung một trăm phần trăm vào nhóm nhiều đến nỗi tôi quên rằng lãnh đạo là một quy tắc 360 độ. Bạn cần nuôi dưỡng mối quan hệ tốt không chỉ với nhóm của mình, mà còn với đồng nghiệp, với nhóm của họ, và cả cấp trên. Điều này khá áp lực, vì đôi lúc điều gì tốt cho nhóm của bạn lại không tốt cho sếp hay đồng nghiệp và ngược lại. Bạn phải có sự cân bằng, có cái nhìn toàn diện và bao quát làm những điều tốt nhất cho mọi người, và cho cả nhóm của bạn. 

May mắn là, tôi đã rút ra nhiều bài học từ những sai lầm của mình, và không ngại thừa nhận thiếu sót, chia sẻ chúng với hy vọng người khác cũng có thể học hỏi, tránh sa vào con đường mòn tương tự và tự giác trở thành nhà lãnh đạo giỏi gặt hái nhiều thành công bền vững.

Theo: hrinsider.vietnamworks.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

602 lượt xem