Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Bí Kíp Phỏng Vấn: 27 Tips Chuẩn Bị Để Phỏng Vấn Dễ Như Đi Chơi

Để chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn suôn sẻ, bạn có rất rất nhiều việc phải làm hơn là chỉ ngồi search Google những câu hỏi cần chuẩn bị. Ví dụ bạn cần phải gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trong 10s đầu tiên, cần phải thể hiện là bạn hiểu biết về công ty, về sản phẩm và tất nhiên là cần phải thể hiện với nhà tuyển dụng vì sao bạn phù hợp với vị trí đó.

Mình biết rằng có rất nhiều bạn loay hoay mỗi khi chuẩn bị đi phỏng vấn không biết nên chuẩn bị những gì nên mình đã tổng hợp một số những bước cơ bản các bạn cần phải làm tại đây. Từ việc chuẩn bị câu hỏi cho đến trang phục như thế nào, đây là 27 tips bạn có thể xem như check-list trước mỗi lần đi phỏng vấn tiếp theo.

Trải chuốt vừa đủ

1. Hãy chọn một bộ quần áo phù hợp nhất. Thường thì có 2 loại công ty chính, một là các công ty lớn thì bạn có thể mặc semi-formal tức là quần âu, giầy tây áo sơ mi, 2 là các công ty theo xu hướng sáng tạo hơn như các agency quảng cáo hay marketing thì bạn có thể mặc thoải mái hơn một chút. Bạn không biết mặc gì hay mặc như thế nào? Hãy dành thời gian quan sát xem người trong công ty đó mặc gì (ngồi trà đá làm thám tử một ngày) hoặc nếu có bạn bè làm ở đó thì thử hỏi họ xem.

2. Dù mặc gì thì quần áo cũng nên phẳng phiu, đừng có thủng chỗ này, rách chỗ kia, tuột chỉ chỗ nọ. Một lỗi nhỏ nhăn nhúm hay tuột chỉ trên áo của bạn thôi cũng có thể khiến nhà tuyển dụng mất tập trung và có ấn tượng xấu về bạn đấy.

3. Một số cái nhỏ nữa nhạy cảm nhưng cũng đừng bỏ quên. Giày đã sạch sẽ chưa, nếu hôi nách thì nhớ lăn nách đầy đủ, móng tay móng chân đã cắt tỉa gọn gàng chưa? Những cái nhỏ thôi nhưng cũng khiến người khác nhìn vào đánh giá mình đấy.

4. Làm trò gì đó khiến bản thân mình thoải mái nhất có thể. Ví dụ mua một bộ quần áo mới thật ưng ý, làm kiểu tóc mới, con trai thì cạo râu cắt tóc gọn gàng hơn – nếu tất cả những điều này làm bạn thoải mái thì hãy làm ngay. Thoải mái sẽ giúp bạn tự tin, tự tin là rất cần thiết khi đi phỏng vấn.

5. In ra 5 bản cứng CV thật đẹp nhé. Nếu CV có màu thì nhớ in màu. Bạn sẽ chẳng thể biết được mình sẽ phỏng vấn với 1 người hay 3 người hay thậm chí 5 người, nên cứ in ra cho chắc.

6. Nhớ chuẩn bị một list vài người giới thiệu, hay tiếng Anh còn gọi là Reference đó. Có thể trong buổi phỏng vấn bạn sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin một vài người giới thiệu để nhà tuyển dụng liên lạc với họ (có thể thôi nhé). Một list người giới thiệu nên có ít nhất 3 người với đầy đủ họ tên, chức vụ, nơi làm việc, số điện thoại, email của họ và giải thích ngắn gọn xem người đó đã từng là gì của bạn trước đây (sếp hay thầy cô giáo hay đồng nghiệp).

7. Chuẩn bị một cái kẹp hoặc một cái túi bé bé xinh xinh để đựng những đồ bạn cần mang theo đi phỏng vấn. Trong đó có thể bao gồm CV đã in sẵn, Job Description in ra cho đỡ quên, một quyển sổ một cái bút để ghi chú và một vài vật dụng cá nhân như giấy thấm dầu, kẹo cao su nếu bạn cần.

8. Nếu bạn đeo ba lô đi phỏng vấn thì nhớ dọn dẹp sạch sẽ ba lô nhé. Đừng để bất kì những gì lung tung bẩn thỉu ở trong ba lô của bạn. Đừng để nhà tuyển dụng thấy bạn lôi CV từ trong ba lô ra lẫn với đống vỏ kẹo rồi hoá đơn cũ và các thứ khác nhé.

Biết mình biết ta

9. Nhớ dành ra vài giờ để nghiên cứu mọi thứ về công ty của bạn. Nhớ là vài giờ chứ không phải vài phút lên website lướt qua loa nhé. Hãy nói chuyện với bạn bè và người quen trong công ty đó nếu có, vào website công ty đọc phần tin tức xem có gì mới, search Google về công ty xem có gì hay ho không. Thông thường các ứng viên chỉ biết tìm thông tin trên website và Facebook thôi, vì vậy nếu bạn muốn biết nhiều hơn để nổi bật hơn thì bạn cần phải dành nhiều thời gian hơn thế.

10. Đừng chỉ đơn thuần chỉ tìm về sản phẩm của công ty, mà bạn còn phải nghiên cứu cả ‘tính cách’ của công ty đó nữa. Công ty đó có ‘tính cách’ như thế nào và bạn phải làm thế nào để thể hiện rằng mình phù hợp với những tính cách đó. Hãy dành thời gian đọc phần blog hoặc Facebook của công ty để xem cách mà công ty đó giao tiếp với khách hàng như thế nào nhé. Ví dụ Kênh14 hay Lozi thì rất trẻ trung năng động nhưng Bộ ngoại giao thì đòi hỏi bạn phải nghiêm túc, chuyên nghiệp.

11. Tại Việt Nam mình thì Facebook là một nguồn khá ổn để bạn có thể đào sâu thông tin về công ty. Hãy xem trên wall công ty mọi người nói gì, search thử xem công ty có group nào dành riêng cho nhân viên không và tìm cách join vào xem sao. Mình đã từng áp dụng cách này và tìm kiếm được kha khá thông tin hay ho trước khi đi phỏng vấn.

12. Tôi không quan tâm bạn đang ứng tuyển cho vị trí nào, lập trình viên, sales hay marketing – trước tiên bạn phải biết dùng sản phẩm của tôi trước. Vì vậy nếu bạn đi phỏng vấn mà chẳng hiểu gì về sản phẩm công ty thì bạn đã nắm chắc 90% phần thất bại. Ví dụ đi phỏng vấn Kênh14 mà chưa đọc Kênh14 bao giờ, phỏng vấn 8morning mà không biết 8morning làm những gì thì fail chắc rồi.

13. Trước buổi phỏng vấn, hãy cố gắng lên một list những người bạn có thể sẽ gặp trong buổi phỏng vấn. Rất có thể đó là CEO, manager của phòng bạn bạn đang ứng tuyển và một đại diện từ phòng HR. Thử search thông tin những người này trên website công ty và LinkedIn xem có tìm được tên hay bất kì thông tin gì về họ không, sau đó chuẩn bị cho mỗi người 1-2 câu hỏi mà bạn muốn hỏi họ – đây chính là những câu hỏi bạn có thể dùng ở cuối buổi phỏng vấn khi được hỏi “Do you have any questions?” đó.

14. Mỗi công ty sẽ sử dụng những phương thức phỏng vấn khác nhau. Có công ty phỏng vấn theo mô típ thông thường, tức là chào hỏi rồi thông tin cá nhân rồi các câu hỏi tình huống, vân vân. Có công ty thì chỉnh hỏi và đáp thôi, không cho thời gian hỏi lại. Có công ty thì chỉ hỏi những câu về tình huống và leadership và các kinh nghiệm trong quá khứ thôi. Vì vậy nếu nhận được thư mời phỏng vấn, bạn hoàn toàn có thể hỏi người gọi điện cho bạn mô típ phỏng vấn của công ty đó để chuẩn bị kĩ càng hơn.

Chuẩn bị những câu có thể bị hỏi – và cách trả lời

15. Kể cả bạn có được khen là người hoạt ngôn, xử lý nhanh nhẹn đi chăng nữa thì trước khi đi phỏng vấn bạn cũng cần chuẩn bị xem kĩ năng, thành tích gì của mình có liên quan nhất đến công việc và có nguy cơ bị nhà tuyển dụng hỏi vào. Có thể là khả năng lãnh đạo của bạn? Kĩ năng sáng tạo? Với mỗi một kĩ năng bạn nhớ chuẩn bị một câu chuyện để kể lại theo phương pháp S.T.A.R.L nhé.

16. Chắc chắn là bạn chuẩn bị cho câu hỏi “Tell me about yourself!”. Hãy vận dụng phương pháp Hiện tại – Quá khứ – Tương lai để trả lời cho câu hỏi này nhé.

17. Đừng mải mê chuẩn bị những gì cao siêu đâu đâu mà bỏ quên những câu hỏi rất cơ bản nhé. Ví dụ: “What’s your biggest weakness?” chẳng hạn. Hãy sử dụng 1 trong 2 phương pháp 1) Nói về một điểm yếu và nói về cách bạn đang làm để khắc phục hoặc 2) Nói về một điểm yếu mà trong điểm yếu đó lại là điểm mạnh của bạn. Ví dụ điểm yếu là thiếu kinh nghiệm, nhưng bù lại bạn có sức trẻ, có sự nhiệt tình, vân vân.

18. Bạn cứ lục lại mấy bài viết trước của 8morning trong phần Phỏng vấn xin việc là sẽ ra một đống câu hỏi để chuẩn bị; tuy nhiên đừng dành thời gian viết chi tiết câu trả lời cho mỗi câu rồi học thuộc nhé. Bạn chỉ cần take note các ý cần nói ra thôi, rồi khi phỏng vấn bạn sẽ trả lời triển khai dựa theo các ý đó, sẽ gây ấn tượng hơn là bạn nói một lèo như con vẹt đó.

19. Đừng quên đưa vào ví dụ các con số. Khi bạn nói về bất kì công việc nào, hãy đưa vào các số liệu, phần trăm, độ tăng trưởng, doanh thu khi nói về những việc bạn đã làm. Các con số sẽ thể hiện được rõ hơn quy mô và kết quả việc bạn đã làm, gây ấn tượng hơn với nhà tuyển dụng đó.

20. Kiểu gì thì bạn cũng sẽ bị hỏi là tại sao lại ứng tuyển vào vị trí này hay công ty này mà thôi. Vậy nên hãy chắc chắn là bạn tìm hiểu kĩ về các chức năng, sản phẩm của công ty và bạn hứng thú với điều gì ở đó trước khi phỏng vấn nhé. Đừng để đến lúc được hỏi mới ậm ờ là không có hay đâu nhé.

21. Khi tập trả lời đừng nghĩ trong đầu; kiếm cái gương trong phòng hoặc trong nhà tắm và đọc thật to lên. Hoặc lấy điện thoại mở chế độ camera trước và quay lại xem bạn trả lời như nào. Bằng cách này sẽ giúp bạn chuẩn bị sẵn sàng hơn khi nói ra câu trả lời và cũng giúp bạn luyện thêm cả eye-contact cũng như body-language tốt hơn đấy.

22. Hãy tập càng nhiều càng tốt với bạn bè. Nhờ bạn bè hỏi bạn những câu hỏi trong list bạn đã chuẩn bị sau đó ngồi đối diện bạn ấy, nói cho bạn ấy nghe và hỏi feedback của bạn ấy xem sao. Có thể bạn của bạn không rành về những nội dung mà bạn nói, nhưng chắc chắn họ sẽ giúp bạn sửa được những lỗi vụn vặt như ánh mắt hay body-language đó.

23. Okie vậy cuối buổi phỏng vấn sẽ là gì – “Do you have any questions?”. Chắc chắn là phải chuẩn bị ít nhất 1-2 câu nhé. Hãy hỏi về công ty, về môi trường làm việc, nhưng trước tiên bạn phải nghiên cứu về công ty trước nhé.

Những lưu ý cuối cùng

24. Trước buổi phỏng vấn, đừng chỉ dành thời gian để tập trả lời các câu hỏi không, mà hãy dành thời gian để nhìn lại một lượt nữa những kinh nghiệm làm việc, hoạt động ngoại khoá mà bạn đã làm. Việc hiểu rõ bản thân mình đã làm gì trong quá khứ sẽ giúp bạn chuẩn bị được ví dụ tốt hơn khi đưa vào câu trả lời phỏng vấn.

25. Gặp nhiều câu khó quá bạn chưa có câu trả lời ngay thì phải có chiến thuật để kéo dài thời gian. Có một cách mình thường hay áp dụng đó là lặp lại câu hỏi và nói một cách chậm dãi một câu như là: “Now, that is a great question. I think I would have to say….”

26. Nhớ đừng quên chuẩn bị body-language nhé. Hãy tránh những động tác như gác chân, khoanh tay trước ngực là những động tác phải loại bỏ hoàn toàn khi đi phỏng vấn. Nếu chưa rõ hãy dành thời gian đi học thêm. Body-language quyết định đến 70% sự ấn tượng của nhà tuyển dụng về bạn đấy.

27. Cuối cùng là, hãy ngủ một giấc ngủ thật ngon. Sáng mai trông bạn sẽ rất tươi tỉnh đi phỏng vấn chứ không phải giống con ma xó đâu.

 

Theo 8morning.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

11,911 lượt xem