Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Bí Quyết Tạo Ấn Tượng Tốt Ban Đầu Trong Buổi Phỏng Vấn

Khi tiếp xúc với nhà tuyển dụng, bạn thường rất lo lắng và mọi thứ còn trầm trọng hơn khi người bạn gặp phải vô cùng khó tính, hãy đọc bài viết dưới đây để thu nhặt một số tuyệt chiêu gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, từ đó, cơn lo lắng của bạn sẽ bớt đi phần nào.

Khi phải đối diện với những nhà tuyển dụng khó tính, bạn sẽ rất dễ mất tinh thần. Đừng lo, bạn có thể thực hiện theo một vài bước sau đây để dễ dàng chinh phục họ và có được công việc mình mong muốn. Thậm chí khi bạn đã chuẩn bị kỹ mọi thứ, một nhà tuyển dụng khó tính vẫn có thể khiến bạn mất tự tin và làm cho bạn tự nghi ngờ năng lực bản thân.

Vì thế, khi gặp phải một loạt câu hỏi khó nhằn tới tấp đến từ nhà tuyển dụng có vẻ lạnh lùng, bạn có thể thực hiện những cách sau đây để chắc chắn vẫn có thể cho họ thấy rõ kĩ năng và kinh nghiệm của bạn.

Hãy nhớ rằng, họ mời bạn phỏng vấn

Nhà tuyển dụng sẽ không lãng phí thời gian để phỏng vấn bạn nếu như bạn không phải là người phù hợp với công việc. Nếu họ mời bạn đến phỏng vấn, thì có nghĩa là họ hứng thú với việc tuyển dụng bạn, thế nên hãy tự tin lên. Họ đã hoàn toàn ấn tượng với CV của bạn rồi, vì thế phỏng vấn chỉ là cơ hội để bạn xác nhận những gì họ đã đọc và xóa tan mọi nghi ngờ của họ về năng lực của bạn.

Cho dù người phỏng vấn có cư xử tẻ nhạt ra sao đi nữa, bạn luôn luôn phải ghi nhớ rằng họ mời bạn đến đây với mục đích muốn tuyển bạn. Thông thường người phỏng vấn khó khăn chỉ cố tình tạo ra một cá tính khác để đánh giá cách bạn phản ứng khi gặp áp lực, vì thế đừng để điều đó làm bạn quên mất đi giá trị thật của bản thân.

Giảm bớt điểm yếu của bạn

Hầu hết nhà tuyển dụng nào cũng có một số nghi ngại về bạn, khi mà đôi lúc ngay cả những ứng cử viên “nặng ký” nhất cũng không đáp ứng được hết các phẩm chất cần thiết. Thậm chí ngay cả những người phỏng vấn dễ tính nhất cũng sẽ hỏi về điểm yếu của bạn, nhưng chỉ có người khó tính mới thực sự làm khó bạn khi cứ liên tục tra hỏi. Đây chính là lúc sự chuẩnbị của bạn được đền đáp xứng đáng.

Trước buổi phỏng vấn, bạn nên xem lại mô tả chi tiết công việc và xác định xem những yêu cầu nào mà bạn chưa thể đáp ứng. Ngay khi bạn hiểu được những thiếu sót của mình đối với vị trí ứng tuyển, bạn có thể bắt tay vào suy nghĩ cách trả lời bất kì câu hỏi hóc búa nào xoay quanh điểm yếu bản thân.

Cách tốt nhất là bạn nên cố gắng phô diễn bạn sẽ làm gì nhằm giảm thiểu tác động do khiếm khuyết của bạn gây ra cũng như điều bạn đang làm để cải thiện kỹ năng trong lĩnh vực đó. Chẳng hạn như, nếu bạn không đáp ứng được một phẩm chất nào đó đề ra, thì bạn nên giải thích làm thế nào bạn có được mức độ hiểu biết tương đương hay lớn hơn qua kinh nghiệm làm việc trước đây của mình. Thêm nữa hãy cho thấy bạn đang nỗ lực từng bước để hoàn thiện kỹ năng còn thiếu sót. Áp dụng phương pháp này chứng tỏ bạn dám đối diện với vấn đề và nhanh chóng giảm bớt những lo ngại của người phỏng vấn về mình.

Kiểm soát nhịp độ

Bạn dễ trở nên bối rối và trả lời các câu hỏi một cách hấp tấp khi đối diện với buổi phỏng vấn đầy căng thẳng. Tuy nhiên, đây lại chính là điều người phỏng vấn không muốn nhìn thấy ở bạn.

Một trong những cách đơn giản nhất để giữ bình tĩnh là nhắc lại câu hỏi đặt ra một cách từ tốn và tự tin

Họ muốn chắc chắn rằng bạn vẫn có thể giữ bình tĩnh khi mọi việc trở nên khó khăn hơn. Nếu bạn cảm thấy áp lực và dồn dập từ người phỏng vấn, thì hãy lấy lại bình tĩnh bằng cách đề ra nhịp độ riêng cho buổi phỏng vấn.

Một trong những cách đơn giản nhất để giữ bình tĩnh là nhắc lại câu hỏi đặt ra một cách từ tốn và tự tin. Điều này giúp buổi phỏng vấn nhẹ nhàng hơn và cho bạn thêm một chút thời gian suy nghĩ về câu trả lời.

Quan tâm đến nhà tuyển dụngKhi có cơ hội, hãy hỏi họ về công việc họ làm với mọi người hay số lượng nhân viên mà họ quản lý

Cho dù có là những người phỏng vấn đáng sợ nhất thì họ vẫn là con người – họ cũng có cảm xúc như chúng ta. Nếu bạn muốn họ không còn cảnh giác với bạn, hãy thử cho thấy bạn thật sự quan tâm đến công việc của họ. Khi có cơ hội, hãy hỏi họ về công việc họ làm với mọi người hay số lượng nhân viên mà họ quản lý. Mọi người đều thích nói chuyện về bản thân và thành tích của mình, vì thế nếu bạn có thể khiến người phỏng vấn cởi mở hơn, bạn sẽ bắt đầu xây dựng mối quan hệ với họ và làm cho bầu không khí trở nên thoải mái hơn. Hãy cố gắng đặt câu hỏi liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển để tránh lạc đề.

Chứng minh bạn không bị lung lay

Nhiều ứng cử viên sẽ nản chí sau khi trải qua một cuộc phỏng vấn vất vả – họ cho rằng mọi thứ diễn ra không suôn sẻ hay thậm chí quyết định rằng họ không còn muốn theo đuổi công việc này nữa. Chính vì lý do này mà hầu hết những người phỏng vấn dứt khoát không nhận được thêm email nào từ các ứng cử viên sau buổi phỏng vấn. Vì thế hãy phá vỡ những khuôn khổ, gửi một lá thư cảm ơn thân thiện, chuyên nghiệp đến người phỏng vấn vì đã dành thời gian cho bạn và cho thấy bạn đánh giá cao cơ hội gặp gỡ trò chuyện này.

Điều này sẽ khẳng định với họ một lần nữa rằng bạn vẫn hứng thú với công việc và không vì áp lực mà khiến bạn muốn bỏ cuộc. Gửi email cũng sẽ tạo điều kiện cho bạn có cơ hội nói về chủ đề nào đó bạn đã bỏ lỡ khi phỏng vấn và xua tan bất cứ nghi ngờ nào của người phỏng vấn về bạn.

Những cuộc phỏng vấn khó nhằn có thể sẽ rất căng thẳng và đầy thử thách, nhưng nếu như bạn có thể vượt qua một cách bình an vô sự thì bạn sẽ có thể chứng minh sự kiên cường và trình độ chuyên môn của mình. Hãy nhớ rằng một buổi phỏng vấn xin việc cũng giống như một cơ hội để bạn đánh giá về công ty và những đồng nghiệp tương lai của mình. Vì thế nếu bạn tin rằng người phỏng vấn thực sự thô lỗ và kiêu ngạo chứ không phải đang cố thử thách bạn, thì có lẽ người đó sẽ không thể trở thành một vị sếp tốt trong tương lai được.

Theo interview.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,165 lượt xem