Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bí Quyết Thuyết Trình Cảm Hứng TNT

Từ cổ chí kim, chúng ta luôn được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện.Chúng là món gia vị không thể thiếu của bất cứ bài thuyết trình đầy cảm hứng nào. Vậy nếu như có một người kể chuyện cuộc đời bạn sinh động nhất, cảm hứng nhất, đó sẽ là ai?

Đó chính là bạn (và nên là bạn). Song thực tế. Nhiều người khi bước lên sân khấu là tim đập chân run, chữ nghĩa chạy đâu mất hết. Hoặc nhiều người tự tin kể chuyện, nhưng chỉ sau ít phút là khán giả bắt đầu ngáp ngủ, thậm chí bắt đầu kể câu chuyện của riêng họ (nói chuyện riêng ấy mà). Vậy làm sao để kể chuyện hấp dẫn?

Bài viết này sẽ bật mí bí quyết TNT giúp bạn kể chuyện đầy cảm hứng, từ đó gia tăng sức hấp dẫn cho bài thuyết trình. Có lẽ hiệu quả nhất vẫn là học qua thực tế, nên chúng ta sẽ cùng xem clip của Presiyan Vasilev, nhà vô địch diễn thuyết thế giới năm 2013, rồi phân tích xem ông đã ứng dụng TNT như thế nào nhé!

Bí quyết thuyết trình T – Thu HÚT ngay

Ngay khi bạn bước lên sân khấu, 7 giây đầu tiên rất quan trọng. Đó là khoảnh khắc khán giả quyết định xem họ có muốn nghe bạn nói hay không. Song đa số mọi người thường lãng phí 7 giây này (thậm chỉ cả vài phút) để… giới thiệu bản thân, và một loạt những lời cảm ơn và khách sáo, rồi sau đó mới vào chủ đề chính.

Hãy thử đặt vai bạn vào khán giả, khi có ai đó được giới thiệu lên sân khấu với một chủ đề nào đó, thì bạn mong muốn nhất là gì? Đó là muốn họ bắt đầu ngay vào chủ đề chính. Thời gian là vàng, do đó khi được giới thiệu lên sân khấu, Presiyan đã THU HÚT ngay khán giả bằng cách kể chuyện luôn, và đưa khán giả vào một khung cảnh gợi sự tò mò.

Trong trường hợp bạn muốn giới thiệu bản thân, thì hãy cứ THU HÚT trước, rồi hẵng làm việc đó. Người ta sẽ chỉ muốn biết bạn là ai, khi bạn có gì đó THU HÚT họ. Có nhiều cách để THU HÚT. Giả sử, bạn cần thuyết trình về quả Susu. Bạn có thể:

  • Thu hút bằng câu hỏi: Đã bao giờ bạn ăn Susu chưa? (nhiều khán giả gật đầu, thế là THU HÚT thành công) Đó là một loại quả thú vị nhất thế gian, vì…
  • Thu hút bằng câu đố: Đố bạn loại quả nào bắt đầu bằng chữ S? (khán giả bắt đầu nói, và bị THU HÚT) Vâng, nói tới Susu, làm tôi nhớ tới một lần mình nghịch ngu…
  • Thu hút bằng câu chuyện: Ở một rừng chuối nọ, có một cây Susu khổng lồ… (khán giả bắt đầu tự hỏi, sao Susu lại mọc ở rừng chuối, và thế là bạn THU HÚT được họ rồi ^^!)

Nói chung, hãy làm mọi cách để “câu” sự chú ý của khán giả ngay trong 7 giây đầu tiên. Bạn có thể THU HÚT bằng rất nhiều các loại “mồi câu”: câu hỏi, câu đố, câu chuyện, thậm chí câu hát, câu thơ… nhưng chú ý đừng có “câu giờ”. Không ai thích chờ đợi cả!

Bí quyết thuyết trình N – Nói THẬT hay

Sau khi khán giả đã bị bạn THU HÚT, lúc này bạn giống như một hộp quà và họ đã lựa chọn cầm nó lên. Vấn đề tiếp theo là bên trong hộp quà đó có những gì. Đó là những thông điệp bạn muốn truyền tải tới khán giả. Vấn đề là làm sao nói thật hay?

Một sai lầm của nhiều người là sau khi mở màn thu hút, họ bắt đầu nói, nói, giải thích, giải thích… mà quên mất một sự thật là bộ não thường nhớ những gì khiến nó cảm thấy sung sướng, còn lý thuyết khô khan sẽ chỉ làm nó mệt mỏi. Đó chính là lý do mà tự cổ chí kim, cha ông ta không bao giờ nói thẳng một bài học nào đó, mà thường lồng ghép chúng vào những câu chuyện.

Trong clip thuyết trình trên, Presiyan đã truyền tải thông điệp “Reach Out”một cách mạnh mẽ, khắc sâu vào tâm trí người đọc bằng câu chuyện rất đơn giản, nhưng được miêu tả một cách sinh động hài hước. Một lần nữa Presiyan đã áp dụng TNT và giúp chúng ta.

  • THẤY những gì ông đã thấy
  • NGHE được những gì ông đã nghe
  • TRẢI được những gì ông đã trải qua….

Nhờ đó, khoảnh khắc ấy như được sống lại, làm khán giả nhớ mãi câu chuyện xịt lốp, cùng với thông điệp “Reach Out”. Giờ nhắm mắt lại, tôi cũng hình dung được toàn bộ câu chuyện đó diễn ra như thế nào, từ cảnh cái xe “chống đẩy”, cho tới lời nói vui của Jessi – bậc thầy nâng lốp.

Nói chung, trong thuyết trình, nếu mỗi một thông điệp hay ý chính của bạn mà không có minh họa đính kèm thì giống như thuyền đậu mà không có mỏ neo, sớm muộn cũng bị cuốn trôi, khán giả sẽ khó mà nhớ. Vì thuyết trình quốc tế thời lượng 7 phút, nên Presiyan chọn một thông điệp và một câu chuyện, còn trong thực tế thuyết trình, thì một cấu trúc bài thuyết trình chặt chẽ và dễ nhớ sẽ trông giống thế này.

  • Mở đầu thu hút.
  • Thân bài sống động
  • Ý chính 1 – Minh họa 1
  • Ý chính 2 – Minh họa 2
  • Ý chính 3 – Minh họa 3
  • v.v…
  • Kết thúc ra sao? Mời đọc tiếp.

Chú ý: Minh họa ở đây không nhất thiết chỉ là câu chuyện, bạn có thể dùng những ví dụ vui, hoạt động trò chơi, hoặc hình ảnh clip để làm bài thuyết trình sống động hơn. Nói chung, mỗi một ý phải kèm một thứ gì đó để neo nó vào (giống nguyên tắc móc treo trí nhớ trong sách Numagician)

Bí quyết thuyết trình T – Tóm CHẶT vào!

Có thể bạn kể một câu chuyện rất hay, khán giả bị lôi cuốn, nhưng nếu bạn không TÓM CHẶT nó cùng với một bài học nào đó, thì quả thật là lãng phí câu chuyện. Để tóm chặt bài học của mình, Presyian đã sử dụng cụm từ “Reach Out” và hành động đưa tay ra phía trước. Và ông đã lồng ghép vào trong câu chuyện ít nhất 3 lần, chứ không chỉ là đặt ở cuối.

Để có thể TÓM CHẶT,  trước khi xây dựng bài thuyết trình bạn hãy trả lời câu hỏi, “Sau bài thuyết trình, nếu có một câu nói mà khán giả sẽ nhớ, nó sẽ là gì?” sau đó, bạn có thể dành thời gian để “chế biến” cho thông điệp đó trở nên hấp dẫn, dễ nhớ. Giả sử tôi thuyết trình về chủ đề động lực chẳng hạn, thì thông điệp truyền tải cho khán giả có thể là câu nói. “Một khi đã QUYẾT, hãy dùng hết TÂM huyết mà làm!”

Trong trường hợp bài thuyết trình dài với nhiều ý, thì trước tiên bạn hãy trả lời câu hỏi, “Nếu phải tóm lại bài thuyết trình trong 30 giây (100 chữ) thì sẽ là gì?” việc này không những giúp bạn nhớ được những thứ quan trọng nhất trong bài thuyết trình, mà còn hỗ trợ rất đắc lực cho phần kết. Sau đó hãy chế biến từng ý theo hướng dẫn trên, tóm lại thành một câu dễ nhớ, ấn tượng.

Nếu giả sử bài viết này cũng là một bài thuyết trình, thì tôi tóm gọn nó trong 100 chữ như sau.

Bài viết giúp độc giả biết cách kể chuyện và thuyết trình cuốn hút hơn với bí mật TNT. Đầu tiên là phải THU HÚT NGAY trong 7 giây đầu tiên, sau đó là NÓI THẬT HAY với những ví dụ minh họa sống động cho từng ý, và TÓM CHẶT VÀO bằng những câu nói vần điệu, dễ nhớ. Tóm lại là THU HÚT, NÓI THẬT, TÓM CHẶT hay còn gọi là HÚT THẬT CHẶT!(thật là dễ nhớ ^^!)

Đó là những nét khái quát về TNT, nếu muốn tìm hiểu sâu hơn bạn có thể chờ những bài viết mới của tôi, hoặc tìm đọc cuốn sách thuyết trình đỉnh cao của Craig Valentine, nhà vô địch diễn thuyết năm 1999 tại đây. Tôi  gọi đó là kinh thánh về nghệ thuật diễn thuyết.  Hiện chưa có bản tiếng Việt, song cách viết của Craig rất đơn giản và dễ áp dụng từ những người mới bắt đầu cho tới các diễn giả quốc tế, đều dùng được.

Cuối cùng, lý thuyết sẽ mãi chỉ là lý thuyết nếu bạn không áp dụng vào thực tiễn. Song ở trường không phải môn học nào thầy cô cũng cho thuyết trình, còn đi làm thì không phải lúc nào chúng ta cũng được chọn là người thuyết trình. Thật khó để thay đổi hoàn cảnh, song bạn có thể thay đổi chính bản thân mình. Sao không tự tạo ra cho mình một môi trường để rèn luyện kỹ năng rất quan trọng này.

Nguồn : fususu.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,849 lượt xem