Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] 20 Câu Thần Chú Giúp Bạn Điều Chỉnh Thái Độ - Thứ Duy Nhất Bạn Có Thể Thay Đổi

Nếu muốn sống hạnh phúc hơn, bạn phải điều chỉnh thái độ của mình. Cách giải quyết căng thẳng sẽ quyết định mức độ hạnh phúc của bạn.

Sáng nay, một giáo sư tâm lí học lâu năm đã đến hội trường để dạy bài học cuối cùng cho các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học, về nguyên tắc quản lí căng thẳng. Khi bà giơ cốc nước lên quá đầu, ai cũng nghĩ bà sẽ đề cập đến phép ẩn dụ “chiếc cốc rỗng một nửa hay đầy một nửa” quen thuộc. Tuy nhiên, thay vào đó, với nụ cười trên môi, vị giáo sư hỏi “Cốc nước tôi đang cầm đây nặng bao nhiêu?”

Các sinh viên đưa ra những câu trả lời từ vài chục gram đến vài kilogram(*).

Sau một hồi lắng nghe mọi câu trả lời và gật đầu, bà đáp “Theo góc nhìn của tôi, câu trả lời không hề liên quan đến cân nặng chính xác của chiếc cốc này. Tất cả đều phụ thuộc vào thời gian tôi cầm nó. Nếu tôi cầm cốc chỉ một hoặc hai phút thì nó thật sự rất nhẹ. Nhưng nếu tôi liên tục cầm chiếc cốc này trong một tiếng đồng hồ, sức nặng của nó có thể làm đau cánh tay tôi. Nếu tôi cầm nó suốt một ngày, tay tôi rất có thể sẽ bó chặt, hoàn toàn tê liệt và không thể hoạt động được, buộc tôi phải thả chiếc cốc xuống sàn. Như vậy, sức nặng chính xác của chiếc cốc không hề thay đổi, nhưng nó sẽ trở nên nặng hơn khi tôi cầm nó lâu hơn.”

Cả lớp đều gật đầu tán thành, và bà tiếp tục “Những lo lắng, thất vọng và căng thẳng của các bạn cũng giống như cốc nước này vậy. Nghĩ về chúng một lúc thì sẽ chẳng có gì to tát xảy ra cả. Nghĩ về chúng lâu hơn thì bạn sẽ bắt đầu cảm thấy đau. Nghĩ về chúng cả ngày thì bạn sẽ hoàn toàn tê liệt và chẳng thể làm được gì khác cho đến khi buông chúng ra.”

Hãy để những lời trên của giáo sư trở thành hồi chuông cảnh tình cho bạn.

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc đương đầu với sức nặng của những suy nghĩ quẩn quanh trong tâm trí, đó chính là dấu hiệu rằng đã đến lúc nên buông chiếc cốc ra rồi.

Chìa khóa ở đây là nhận ra những lo lắng, thất vọng và căng thẳng bạn đang phải giải quyết hoàn toàn là sản phẩm bạn tự tạo. Và bạn có thể gần như ngay lập tức buông bỏ chúng bằng cách điều chỉnh thái độ của mình. Hôm nay, tôi chỉ thử thách bạn việc đó mà thôi – thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng lựa chọn tích cực hơn. Hãy nhìn những câu trích dẫn mà tôi đã cẩn thận chọn lọc từ những bài đăng trên blog này dưới đây. Sau đó chọn một (hoặc một vài) câu có liên quan đến hoàn cảnh hiện tại của bạn và lặp đi lặp lại nó như một câu thần chú vào khoảnh khắc bạn cảm thấy sự tiêu cực đang len lỏi vào bên trong mình.

  1. Đa số mọi người tự khiến mình không hạnh phúc chỉ bằng việc không thể chấp nhận cuộc sống hiện tại. Hãy lưu tâm.
  2. Hạnh phúc không bắt đầu với một mối quan hệ tốt đẹp hơn, một tấm bằng cao hơn, một nghề nghiệp tốt hơn, hay nhiều tiền hơn. Hạnh phúc bắt đầu với cách bạn nghĩ và điều bạn nói với chính mình hôm nay.
  3. Có lẽ bạn không thể kiểm soát mọi thứ xảy ra với bạn, nhưng bạn có thể quyết định không đầu hàng trước chúng.
  4. Khi bạn không thể xoay chuyển tình hình được nữa, bạn buộc phải thay đổi chính mình. Như vậy sẽ lần lượt thay đổi mọi thứ.
  5. Tự bạn phải lựa chọn điều gì quan trọng và điều gì không. Mọi thứ trong cuộc sống của bạn sẽ có ý nghĩa chính xác như cách bạn nhìn nhận chúng.
  6. Sử dụng những khó khăn và thất bại của hôm nay làm bàn đạp và động lực thay vì để chúng làm phiền bạn. Bạn hoàn toàn nắm quyền kiểm soát cách bạn nhìn nhận cuộc sống.
  7. Lo lắng không bao giờ thay đổi được kết quả. Hãy hít thở thay vì suy nghĩ quá nhiều. Rèn luyện cho tâm trí cách nhìn ra bài học trong mọi tình huống và tận dụng nó thật tốt.
  8. Hãy chọn lựa thật cẩn thận trong các cuộc chiến. Hòa bình luôn tốt hơn là có lí. Bạn không cần phải tham gia vào mọi cuộc xung đột có dính dáng đến mình.
  9. Đừng tỏ ra chán ghét kể cả khi bạn đang buồn bã. Hãy giữ trái tim và tâm trí bạn rộng mở. Hòa bình không phải xóa bỏ nỗi đau mà là sự hiện diện của tình yêu.
  10. Hãy chúc mọi người tốt lành, kể cả khi họ thô lỗ với bạn. Giữ lấy sự tiêu cực đến cuối cùng chỉ tổn hại bạn mà thôi. Hãy mỉm cười và tiến về phía trước.
  11. Hạnh phúc và tư duy tiêu cực không thể cùng tồn tại. Những người tiến về phía trước với thái độ tích cực sẽ luôn tìm thấy giải pháp hiệu quả hơn.
  12. Hãy nói sự thật. Ta sẽ khiến bản thân đau khổ hoặc mạnh mẽ. Nhưng đến cuối cùng, công sức bỏ ra vẫn như nhau.
  13. Khi bạn thực sự tập trung, mọi người và mọi thứ đều là giáo viên của bạn. Hãy dành thời gian để tiếp thu và lắng nghe. Hãy dành thời gian để học những điều mới.
  14. Chúng ta sẽ rút ra được bài học qua thời gian. Hãy buông bỏ những thứ không thể đáp ứng bạn trong quá khứ và biết ơn chúng đã đưa bạn đến hiện tại – đến khởi đầu mới.
  15. Hãy nghĩ về hàng trăm ngàn bước đi đúng, bước đi sai lầm, cơ hội và sự trùng hợp đã đưa bạn đến đây. Ở một góc độ nào đó, có cảm giác chúng như phép màu kì diệu nhất thế giới phải chứ?
  16. Có một sự thật là, nếu bạn không buông bỏ, không tha thứ cho bản thân, không tha thứ cho hoàn cảnh ấy, không chấp nhận nó đã kết thúc, thì bạn không thể tiến lên.
  17. Buông bỏ không phải là khả năng lãng quên quá khứ. Buông bỏ là có đủ hiểu biết và sức mạnh để nắm lấy hiện tại.
  18. Bước vào con đường hoàn toàn mới là một điều khó, nhưng ở yên trong hoàn cảnh không còn phù hợp hay không còn tồn tại còn khó hơn.
  19. Thỉnh thoảng bạn nên dừng buồn phiền, kinh ngạc và hoài nghi. Hãy tin tưởng mọi thứ sẽ ổn, có thể không theo cách bạn mong đợi, nhưng nó sẽ ổn theo cách nó phải thế.
  20. Ngẩng cao đầu và mở rộng trái tim để đến những ngày tươi đẹp hơn.

 

Khía cạnh thiết thực nhất của những thần chú này: Cách đương đầu lành mạnh

Trên hết, những câu thần chú trong bài đăng này đều đảm nhiệm chức vụ như một cơ chế đương đầu lành mạnh với những thất vọng không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Hiểu biết cách đương đầu theo hướng lành mạnh là một kĩ năng vô giá.

Dễ dàng nhận thấy cách bạn đương đầu có thể phản ánh sự khác biệt giữa sống một cuộc sống tốt và sống một cuộc sống buồn chán. Nếu bạn chọn những cơ chế không lành mạnh như tránh né hoặc từ chối, có khả năng bạn sẽ biến một tình huống khó khăn thành bi kịch. Và đáng buồn thay, đây lại là sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải.

Khi bạn thấy mình phải đối mặt với thực tại đáng thất vọng, phản ứng đầu tiên của bạn có thể là từ chối tình huống này, hoặc tránh việc hoàn toàn giải quyết nó. Nhưng khi làm vậy, bạn vô tình giữ chặt hơn nỗi đau bạn muốn buông bỏ - thực tế là bạn đang niêm phong nó bên trong mình.

Hãy thử tưởng tượng rằng một người thân thiết với bạn bị bệnh, và giúp đỡ họ vượt qua căn bệnh là điều vô cùng đau đớn. Có thể bạn không muốn giải quyết nỗi đau này, nên bạn đương đầu bằng cách tránh né nó, tìm cách tê liệt bản thân với rượu và ăn uống không lành mạnh. Do đó, bạn cũng sẽ mắc bệnh trong lúc nỗi đau tiếp tục lớn dần bên trong bạn.

Điều ấy rõ ràng chẳng tốt chút nào.

Nếu bạn để ý thấy bản thân đang làm những thứ tương tự, đã đến lúc phải dừng lại, thừa nhận bạn đang đương đầu bằng cách trốn tránh và chuyển sự tập trung sang một cơ chế lành mạnh hơn, như sử dụng những câu thần chú trong bài này để giúp bạn mở rộng tâm trí chẳng hạn.

Khi bạn đối mặt những khó khăn với một thái độ cởi mở - cởi mở với những nỗi đau và cảm xúc bạn có – bạn sẽ thấy không thoải mái, nhưng bạn vẫn ổn và có thể tiến về phía trước. Cởi mở có nghĩa là bạn sẽ không ngay lập tức quyết định đây chỉ là một trải nghiệm tồi tệ, có nghĩa là bạn sẽ quyết định bạn không thực sự biết tiếp theo nên làm gì và bạn muốn hiểu toàn bộ sự thật của vấn đề. Đó là thái độ học hỏi thay vì phỏng đoán về điều tồi tệ nhất.

 

Những lợi ích chung của việc đương đầu lành mạnh

Đương đầu rõ ràng không phải dễ tập luyện và tôi cũng sẽ không cho là như thế. Điều tôi muốn nói ở đây là nó đáng thời gian bạn bỏ ra. Với việc tập luyện, đương đầu lành mạnh cho phép bạn tìm ra cách quản lí dòng chảy những tình huống bất ngờ và khó kiểm soát trong đời tốt hơn. Ví dụ…

  • Thực hiện một nhiệm vụ khó khăn hơn bạn tưởng – Thay vì chạy từ nhiệm vụ quá khó nhằn và thách thức, bạn có thể chấp nhận nó và thử cảm giác khó chịu lẫn thử thách xem sao, và vẫn bắt tay vào làm. Chẳng hạn như viết một cuốn sách là điều vô cùng khó khăn và thách thức nhưng bạn vẫn có thể làm kể cả với những cảm xúc lẫn lộn bên trong mình (giống cách tôi và Angel làm với cuốn 1000 Little Things Happy Successful People Do Differently ấy).
  • Tương tác với người bạn quý nhưng lại khiến bạn bực bội hoặc nản lòng – Thay vì mắng chửi người đó khi bạn đang buồn bực, bạn có thể ngồi yên lặng với những cảm xúc khó khăn bên trong và mở lòng với cảm xúc của họ. Sau đó, khi bạn đã dành một khoảng thời gian để thở, bạn có thể thấy tầm quan trọng của việc giải quyết thông qua thấu cảm với người đó. Hãy cố thấu hiểu họ thay vì đánh giá họ về thứ họ không giỏi.
  • Những ham muốn không lành mạnh sẽ chẳng đưa bạn đến đâu cả - Có thể bạn có xu hướng lạm dụng những ham muốn không lành mạnh như rượu hay đồ ngọt để an ủi bản thân khi đang căng thẳng. Nhưng bạn có thể ngồi lại với những cảm xúc đó và mở lòng với chúng, sau đó dần dần xây dựng các thói quen tích cực hàng ngày để đương đầu theo cách lành mạnh hơn – đi dạo, ngồi thiền, nói chuyện với ai đó về cảm xúc của bạn, viết nhật kí, xem lại những thần chú liên quan trong bài viết này,… (Angel và tôi xây dựng những thói quen tích cực và thay đổi lối sống hàng ngày với học sinh bằng tiêu chuẩn “Mục tiêu và Phát triển” (Goals and Growth) của chương trình Getting Back to Happy).
  • Ép buộc bản thân phải đối mặt với cái chết của một người thân – Khi một người bạn yêu quý qua đời, nỗi đau và cảm giác mất mát dường như đàn áp tất cả. Ở thời điểm đó, rất dễ để bạn dấn thân vào những cách giảm bớt nỗi đau không lành mạnh và “nhanh chóng”. Tuy nhiên, bạn phải ép buộc mình làm điều ngược lại – thương cảm chính mình, ngồi lại với những suy nghĩ và cảm xúc vô cùng khó khăn mà bạn có, và mở rộng tâm trí với những thứ ở phía trước. Dần dần, bạn sẽ thấy rõ rằng chết không phải là kết thúc, nó còn là một sự khởi đầu nữa. Bởi khi bạn mất đi người quan trọng, cái kết này, cũng như mọi mất mát khác, là khoảng thời gian tái tạo. Mặc dù rất buồn nhưng cái chết của người thân buộc bạn phải tái tạo cuộc sống của mình, và đó là cơ hội để trải nghiệm cái đẹp với những cách và địa điểm mới lạ.

 

Tất nhiên, chúng tôi mới chỉ đơn thuần lướt qua bề mặt chiếc hồ bơi bất tận chứa các khả năng đương đầu lành mạnh thôi. Các bạn cần phải hiểu rằng học cách đương đầu lành mạnh sẽ giúp bạn nhận ra bạn có thể kiểm soát tốt mọi thứ cuộc đời ném vào bạn và trở nên mạnh mẽ hơn, đôi khi còn hạnh phúc hơn bạn của trước đây nữa.

Cuối cùng, thế giới ngoài kia giống hệt bên trong con người bạn vậy. Thế giới là những gì bạn nghĩ, trông thấy và trở thành. Vì vậy hãy thu thập và lựa chọn suy nghĩ thật khôn ngoan nhé.

Hãy nghĩ thử xem hôm nay bạn muốn sống như thế nào.

 

Đến lượt bạn…

Điều chỉnh thái độ đã ảnh hưởng đến cuộc sống và hoàn cảnh của bạn như thế nào?

Có điều gì khác mà bạn cố gắng ghi nhớ để tăng cường tư duy và đương đầu hiệu quả hơn với căng thẳng hay nỗi đau không?

Chúng tôi rất mong nhận được hồi âm của bạn. Xin vui lòng để lại một câu trả lời bên dưới nhé.

(*) Bản gốc là từ vài ounce đến vài pound:

  • Ounce: 1 ounce = 28.3495231 grams.
  • Pound (cân Anh): 1 pound = 453.59237 grams.

 

Tác giả: Marc Chernoff, một trong hai tác giả của blog marcandangel.com

Link bài gốc: http://www.marcandangel.com/2017/06/25/20-mantras-that-will-adjust-your-attitude-when-you-cant-adjust-anything-else/

Dịch giả: Thu Trang – Bookademy.

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch giả: Thu Trang – Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: “Theo Bookademy” hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,107 lượt xem