Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Trí Thông Minh Tích Cực": Nếu Bạn Mới Chỉ Biết IQ, EQ, AQ Thì Hãy Bổ Sung Ngay PQ Cho Bản Thân!

Nếu như IQ viết tắt của cụm từ "lntelligent Quotient” trong tiếng anh, có nghĩa là chỉ số thông minh; EQ là viết tắt của Emotional Quotient có nghĩa là chỉ số cảm xúc - Một tính trạng số lượng được dùng để đo lường trí tưởng tượng, sáng tạo của một người; AQ là viết tắt của Adversity Quotient (chỉ số biểu thị khả năng vượt qua nghịch cảnh, bất hạnh, lao đao… gọi tắt là chỉ số vượt khó) thì PQ là từ viết tắt của Positive Intelligence Quotient, có nghĩa là chỉ số thông  minh tích cực. Thực ra, chỉ số PQ chính là phần trăm thời gian mà tâm trí bạn hành xử như bạn bè với bạn; hay nói cách khác, đó là phần trăm thời gian tâm trí bạn phục vụ bạn chứ không phải phá hoại bạn. Ví dụ, PQ bằng 75 nghĩa là tâm trí phục vụ bạn 75% thời gian và phá hoại bạn 25% thời gian. Để hiểu rõ hơn về PQ, chúng ta hãy nhờ tới Shirad Chamine qua cuốn  Trí thông minh tích cực.

Nghiên cứu đột phá về tâm lý học và khoa học thần kinh đều đưa ra giả định chung rằng chúng ta cần làm việc chăm chỉ để đạt được thành công và từ thành công mới có hạnh phúc. Trong thực tế, việc tăng chỉ số PQ sẽ mang đến hạnh phúc và hiệu quả công việc tốt hơn, từ đó tạo nên thành công cao hơn. Người có chỉ số PQ thấp vẫn có thể thành công nhưng không có hạnh phúc. Con đường duy nhất dẫn tới thành công và niềm hạnh phúc dài lâu là thông qua phát triển chỉ số PQ.

Cuốn sách Trí thông minh tích cực được chia làm 6 phần. Phần I đưa ra tổng quan chung về khung PQ. Ba chiến lược khác nhau giúp tăng chỉ số PQ sẽ được thảo luận lần lượt trong phần II, III, IV. Trong phần V, bạn sẽ biết cách đo PQ cho cá nhân và tập thể để có thể theo dõi sự tiến bộ. Phần VI, nói về việc vận dụng PQ vào những thử thách trong công việc cũng như trong cuộc sống.

PHẦN I: TRÍ THÔNG MINH TÍCH CỰC

Tiềm năng của bạn được xác định bởi nhiều yếu tố, bao gồm trí tuệ nhận thức (IQ), trí tuệ cảm xúc (EQ), các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và mạng lưới quan hệ xã hội của bạn. Nhưng trí thông minh tích cực (PQ) mới là yếu tố xác định khả năng của bạn có thể sử dụng tiềm năng vô tận của mình.

Ba chiến lược cải thiện chỉ số PQ

Trong trận tuyến của cuộc chiến không ngừng nghỉ trong tâm trí bạn, một bên là những kẻ Phá hoại vô hình, những yếu tố nhằm hủy hoại mọi nỗ lực khiến bạn hạnh phúc hơn hoặc làm việc hiệu quả hơn. Còn phía bên kia chính là Trí tuệ, nó mang lại sự khôn  ngoan, sáng suốt và khai phá những sức mạnh tâm lý mà bạn chưa vận dụng đến. Kẻ Phá hoại và Trí tuệ nằm ở những vùng khác nhau trong não bộ của bạn và được củng cố khi bạn kích hoạt các vùng não bộ đó. Vì vậy, trận chiến nội tại giữa kẻ Phá hoại và Trí tuệ là trận chiến giành thế thượng phong của những vùng khác trong não bộ. Sức mạnh của những kẻ Phá hoại so với sức mạnh của Trí tuệ sẽ xác minh chỉ số PQ của bạn và tiềm năng thực sự mà bạn đã đạt được.

Kẻ Phá hoại là ai? Là những kẻ thù nội tại của bạn. Chúng tập hợp những kiểu suy nghĩ tự động và theo thói quen, mỗi kiểu đều có tiếng nói, niềm tin và những giả định riêng chống lại những lợi ích cảu bạn.

Kẻ Phán xét. Phán xét là tên trùm Phá hoại, tồn tại trong tiềm thức của tất cả mọi người. Nó thúc ép bạn không ngừng phê phán bản thân, tình trạng và hoàn cảnh của bạn cũng như của những người khác. Nó khiến bạn cảm thấy lo lắng, căng thẳng, giận dữ, thất vọng, xấu hổ và tội lỗi. Nó nói dối rằng nếu không có nó, bạn và những người khác sẽ trở nên lười biếng, không có tham vọng và không đạt được mục đích nào. Chính vì vậy, nó bị hiểu nhầm thành sự nghiêm khác của lý trí hơn là kẻ phá hủy thật sự.

Kẻ Khắt khe. Khắt khe là nhu cầu của sự hoàn hảo, trật tự và tổ chức. Chính điều đó đã khiến bản thân bạn và người xung quanh cảm thấy lo âu, căng thẳng. Nó làm cho năng lượng của bản thân bạn và những người khác kiệt quệ vì hướng đến sự hoàn hảo không cần thiết. Nó biện minh rằng sự hoàn hảo luôn tốt và bạn không phải trả giá đắt nào vì điều đó.

Kẻ Cả nể. Đây là kẻ sẽ thúc ép bản thân bạn luôn cố gắng để được sự chấp nhận và yêu mến qua việc giúp đỡ, làm hài lòng, giải cứu hoặc tôn vinh người khác. Điều đó khiến bạn cảm thấy bản thân bị mất hình ảnh và bực bội với người khác. Nó cũng khiến người khác trở nên phụ thuộc quá mức vào bạn. Ý nghĩ chiều lòng người khác sẽ đánh lừa bản thân bạn rằng đó là một điều tốt, phủ nhận một cách gián tiếp việc bạn đang thực sự cố gắng để được yêu quý và chấp nhận.

Kẻ Hiếu thắng. Nó sẽ khiến bạn luôn phụ thuộc vào năng lực và thành quả để công nhận và khẳng định bản thân. Điều này làm cho bạn chỉ chủ yếu tập trung vào các thành công bên ngoài hơn là các tiêu chí à bạn có bên trong về hạnh phúc. Điều này sẽ dẫn đến xu hướng nghiện công việc và khiến bạn bật ra khỏi các nhu cầu sâu xa về cảm xúc và các mối quan hệ. Nó đánh lừa bản thân bạn rằng việc tự chấp nhận bản thân phụ thuộc vào năng lực và đánh giá bên ngoài.

Nạn nhân. Kẻ này muốn bạn trở nên mẫn cảm và thất thường như một cách để gây sự chú ý và được yêu quý. Nó sẽ tập trung một cách thái quá đến cảm xúc bên trong, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực. Hậu quả là bạn sẽ lãng phí năng lượng tinh thâng và cảm xúc, cũng như những người khác cảm thấy tội lỗi vì không thể kéo dài niềm vui của bạn. Nạn nhân đánh lừa bạn bằng cách giả định rằng trở thành “nạn nhận” hay nhân vật của một tấn bi kịch là cách tốt nhất để thu hút sự quan tâm và chú ý của người khác.

Kẻ Siêu lý trí. Kẻ lý trí quá mức chỉ tập trung phân tích quá trình xảy ra các sự vật sự việc, kể cả các mối quan hệ. Nó khiến bạn trở nên mất kiên nhẫn với những cảm xúc của con người và xem việc bày tỏ cảm xúc là một việc mất thời gian hay không đáng để xem xét. Dưới sự ảnh hưởng của Siêu lý trí, bạn sẽ bị cho là một người lạnh lùng, xa cách hay kiêu căng. Điều đó làm giới hạn sự hiểu biết và tính linh hoạt của các mối quan hệ trong công việc cũng như đời sống cá nhân, gây sợ hãi cho người ít lý trí hơn. Nó khiến bản thân bạn nghĩ rằng lý trí là điều quan trọng và hữu ích nhất để trở thành một người thông minh.

Kẻ Siêu thận trọng. Hắn khiến bạn không ngừng lo lắng về những nguy hiểm và những điều không ổn xảy ra xung quanh bạn. Điều đó sẽ làm cho sự căng thẳng luôn bao trùm lên bạn. Nó đánh lừa bản thân bạn rằng những gì quanh bạn nguy hiểm hơn thực tế và khiến bạn coi việc cảnh giác là giải pháp tốt nhất để giải quyết chúng.

Kẻ Hiếu động. Hắn khiến bạn luôn trong tình trạng hào hứng khi nghĩ về các hoạt động kế tiếp hay làm việc không ngừng nghỉ. Điều này sẽ không mang lại cho bạn cảm giác bình yên hay sự thỏa mãn với hoạt động hiện tại. Nó sẽ luôn khiến bạn phân tán mất tập trung vào những việc hay mối quan hệ hiện tại thực sự đáng giá. Những người khác sẽ cảm thấy khó khăn khi giữ mối quan hệ với những người hiếu động và thường cảm thấy có khoảng cách với những người này. Nó đánh lừa bạn rằng trở nên bận rộn là cách sống trọn vẹn, nhưng lại bỏ qua thực tế rằng khi theo đuổi một cuộc sống viên mãn, tức là bạn đang bỏ qua những gì thực sự đang diễn ra trong cuộc sống.

Kẻ Kiểm soát. Kẻ kiểm soát sẽ bắt mọi người phải thực hiện theo ý muốn của mình. Khi sự việc không diễn ra như ý muốn, họ sẽ cảm thấy lo lắng cực độ và mất kiên nhẫn. Dưới con mắt của người ưa kiểm soát, mọi việc chỉ nằm trong kiểm soát, hoặc ngoài tầm kiểm soát. Tuy kẻ Kiểm soát giúp bạn đạt được kết quả trước mắt, nhưng về lâu dài nó sẽ tạo ra sự bực bội cho người khác và ngăn không cho họ phát triển tối đa khả năng của bản thân.

Kẻ Lảng tránh. Hắn sẽ chỉ tập trung vào mặt tích cực và vui vẻ. Hắn sẽ né tránh những nhiệm vụ khó khăn hay những xung đột. Kết quả là những xung đột bị ém giữ từ lâu sẽ bùng phát. Việc lảng tránh cũng sẽ làm chậm quá trình kết thúc vấn đề. Hắn nói dối rằng bạn là người tích cực chứ không phải đang lảng tránh vấn đề.

Trí tuệ. Nếu kẻ Phá hoại đại diện cho những kẻ thù nội tại, thì Trí tuệ tượng trưng cho tiếng nói sâu sắc và khôn ngoan trong bạn. Nó giúp bạn thoát khỏi cuộc tranh cãi và né tránh được những bị kịch và những thời điểm căng thẳng hay trở thành nạn nhân của kẻ Phá hoại. Trí tuệ mang đến cho bạn năng lực tuyệt vời nhất để đối mặt với mọi thử thách. Năm năng lực Trí tuệ bao gồm (1) Khám phá với sự tò mò và cởi mở; (2) Cảm thông với bản thân và những người khác, dùng sự cảm thông và hiểu biết trong mọi tình huống: (3) Đổi mới và đưa ra những cái nhìn mới và những giải pháp sáng tạo; (4) Định hướng, lựa chọn con đường phù hợp với những giá trị tiềm ẩn của bạn với nhiệm vụ; (5) Kích hoạt và đưa ra quyết định mà không bị ảnh hưởng bởi những kẻ Phá hoại.

Ba chiến lược để cải thiện chỉ số PQ

Chiến lược 1: Làm suy yếu những kẻ Phá hoại.

Chiến lược này cần xác định rõ những kiểu suy nghĩ và cảm xúc của kẻ Phá hoại và nhận ra chúng không hề giúp ích gì cho bạn. Rõ ràng những kẻ Phá hoại này đang tự biện minh rằng chúng là bạn của chúng ta- thậm chí tệ hơn nữa, chúng giả vờ là chính chúng ta. Để làm suy yếu những kẻ Phá hoại, bạn cần quan sát và nhận diện những suy nghĩ hay cảm xúc mang tính Phá hoại khi chúng xuất hiện. Ví dụ như, bạn có thể nói với chính mình, “Tên Phán xét lại xuất hiện và nói rằng mình sẽ thất bại” hay “ Cái cảm giác lo lắng của tên Kiểm soát lại đến nữa rồi”.

Chiến lược 2: Tăng cường sức mạnh cho Trí tuệ

Muốn làm được điều này, bạn cần nhìn mọi việc dưới lăng kính của Trí tuệ, sử dụng năm năng lực của Trí tuệ để vượt qua mọi thử thách. Bạn sẽ thấy Trí tuệ luôn sẵn sàng để trao cho bạn những cách xử lý thử thách hiệu quả hơn những Kẻ phá hoại.

Chiến lược 3: Tăng cường sức mạnh vùng tư duy cho PQ

Muốn củng cố sức mạnh cho vùng Trí thông minh tích cực, bạn cần phân biệt được sự khác biệt giữa vùng Tư duy Trí tuệ tích cực (PQ) và vùng Tư duy tồn tại. Bạn sẽ thấy vùng Tư duy PQ vẫn chưa phát triển, trong khi đó vùng Tư duy tồn tại của não bộ đã được sinh ra một cách tự nhiên.

PHẦN II: CHIẾN LƯỢC ĐẦU TIÊN: LÀM SUY YẾU NHỮNG KẺ PHÁ HOẠI

Điểm mấu chốt khi muốn làm suy yếu những kẻ Phá hoại là bạn không nên đấu với chúng. Nếu cảm thấy bực mình và giận dữ khi nhìn thấy Nạn nhân, kẻ Cả nể hay kẻ Hiếu động, thì nghĩa là bạn đang “Phán xét” kẻ Phá hoại của mình. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ kích hoạt và khiến kẻ đầu sỏ của tất cả bọn chúng – kẻ Phán xét – mạnh lên.

Cách hiệu quả nhất để làm suy yếu những kẻ đó đơn giản là quan sát và ghi nhận những suy nghĩ hoặc cảm giác của bọn phá hoại đó mỗi khi bạn thấy chúng. Tác giả Eckhart Tolle sử dụng một ẩn dụ rất đúng để miêu tả hiện tượng này. Đó là “tâm ngã”, một thuật ngữ chung mô tả những kẻ Phá hoại, tựa như hình ảnh một người tuyết khổng lồ đang tan chảy dưới ánh sáng của nhận thức tỉnh táo. Chúng ta sẽ đưa kẻ Phá hoại ra ánh sáng bằng cách quan sát và đặt tên cho chúng.

 Ví dụ, bạn đặt tên cho kẻ Phán xét là “Đao phủ” và kẻ Siêu lý trí là “Người máy”. Giả sử bạn đã xác định được tên kẻ Kiểm soát và gọi nó là “Camera đang khăng khăng là phải làm theo cách của hắn mới thành công”. Hoặc bạn có thể quan sát và đánh dấu những cảm xúc được hình thành từ đó: “ Camera đang nôn nóng và giận dữ vì cuộc họp không đi theo hướng hắn muốn”. Hãy thử theo cách này, nó không hề tốn thời gian của bạn một chút nào.

PHẦN III: CHIẾN LƯỢC THỨ HAI: TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH CHO TRÍ TUỆ

Trí tuệ và sức mạnh của Trí tuệ có thể đáp ứng mọi thách thức, dù chúng quan trọng đến đâu hay khó khăn đến mấy. Cách đối diện với thách thức của Trí tuệ giúp tạo ra kết quả tốt nhất, đồng thời mang đến cho chúng ta những cảm xúc tích cực, giúp giảm thiểu tiêu cực và căng thẳng.

Tất cả chúng ta đều có năm sức mạnh đó. Chúng ta đều được chứng minh có khả năng Cảm thông với chính mình và người khác; khả năng Khám phá bằng sự tò mò sâu sắc; khả năng Phát kiến đưa ra những lựa chọn sáng tạo; khả năng Định hướng các lựa chọn và quyết định những con đường phù hợp nhất với những giá trị và mục đích sâu kín nhất; cuối cùng là khả năng Kích hoạt ý định để tạo ra kết quả.

Sự cảm thông

Cảm thông tức là cảm nhận và thể hiện sự đánh giá cao,có lòng trắc ẩn và lòng khoan dung. Cảm thông hướng đến hai chủ thể quan trọng: bạn và người khác. Khi đồng cảm với chính mình, bạn sẽ dễ đồng cảm với người khác hơn. Để tăng sức mạnh này, chúng ta hãy thử tham gia trò chơi quyền năng: “Hình dung đứa trẻ”, chỉ bằng một suy nghĩ trong tích tắc. Hãy hình dung mình là một đứa trẻ trong một bối cảnh mà ở đó những khí lực của bạn sẽ tỏa ra. Có thể là lúc bạn đang ôm một chú cún, khi bạn đang xây một lâu đài cát, hoặc đang được người yêu thương âu yếm. Hãy chọn một hình ảnh sống động và chi tiết làm dâng lên trong lòng bạn một cảm xúc quan tâm và đồng cảm. Bạn có thể tìm một tấm ảnh của mình lúc nhỏ khi vẫn còn giữ được sự tươi sáng tích cực. Hãy đặt tấm ảnh đó lên bàn làm việc, trong điện thoại  hoặc trên máy tính để bạn nhìn thấy nó thường xuyên. Mỗi khi bị những khó khăn trong cuộc sống vùi dập, mỗi khi cảm thấy mình đang phán xét bản thân hay cảm thấy đang bị người khác phán xét, tấm ảnh đó sẽ là một sự nhắc nhở rằng bạn thật sự xứng đáng để được quan tâm và thông cảm một cách vô điều kiện.

Khám phá

Khi còn là trẻ con, chúng ta đều biết cách khám phá theo cách trong sáng nhất, trải nghiệm sự hiếu kỳ và hào hứng khi khám phá ra điều gì đó. Cách khám phá của Trí tuệ cũng chân phương như vậy. Sự trong trẻo và cảm xúc thuần túy mà năng lượng Khám phá của Trí tuệ mang lại dựa vào tính hiếu kỳ, sự cởi mở, sự ngạc nhiên và hào hứng với thứ được phát hiện. Một suy nghĩ không ngoan mạnh mẽ có thể dẫn đến “cái khó ló cái khôn”. Hãy thử đóng vai một nhà nhân chủng học đầy đam mê, lúc đó bạn trở thành một nhà quan sát sắc sảo và say mê khám phá ra bản chất đơn giản của mọi sự vật sự việc, mà không hề muốn phán xét, thay đổi hay kiểm soát điều gì. Hãy là một nhà nhân chủng học như thế trong mọi tình huống khó khăn. Khi đó, chúng ta sẽ tránh được việc chọn lọc thông tin nào chỉ hợp với những định kiến của mình hoặc cho mình muốn kết quả là gì. Mục tiêu duy nhất của ta là khám phá ra vấn đề theo đúng bản chất của nó. Ví dụ, nếu bạn đang mâu thuẫn với ai đó, bạn hãy bỏ ra ba phút ngưng những trách móc và đòi hỏi của mình. Thay vào đó, bạn hãy hứng thú hơn việc tìm hiểu tại sao người kia lại cảm thấy như vậy.

Phát kiến

Nếu năng lực Khám phá là để khám phá sự việc, thì Phát kiến quan tâm đến việc tạo ra những cái mới ngoài sự việc đó. Phát kiến thực sự phá vỡ những giới hạn, những giả định và thói quen kéo chúng ta tụt hậu. “Đâu là cách tạo ra hướng đi mới hoàn toàn?” – đó chính là câu hỏi để thực hiện năng lực Phát kiến. Với Phát kiến, chúng ta thử chơi trò chơi: “Vâng… và …”. Để chơi trò này, bạn chỉ cần nói “Vâng, điều tôi thích về ý tưởng này là… và …”. Bằng cách này, mọi ý tưởng đều được đánh giá cao chứ không bị phán xét trước khi nảy ra ý tưởng khác để phản ứng lại. Hãy giữ tốc độ tư duy của bạn nhanh và liên tục. Chúng ta có thể chơi trò chơi kể cả khi bạn đang tư duy lẫn trong bối cảnh nhóm.

Định hướng

Sức mạnh Định hướng của Trí tuệ nghĩa là đưa ra sự lựa chọn giữa nhiều con đường, nhiều hướng khác nhau dựa trên một la bàn kiên định. Tọa độ của chiếc la bàn này chính là giá trị cốt lõi của bạn hoặc là những điều khiến cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa và có mục đích. Nếu luôn dùng chiếc la bàn đó để định hướng  cho bản thân, thì những gì bạn lựa chọn sẽ mang đến cho bạn cảm giác trọn vẹn bởi khi đó cuộc sống mà bạn đang sống đang đi đúng với những lý tưởng và nguyên tắc của bạn. Đối với Định hướng bạn thử sức với trò chơi: Hồi tưởng hiện tại từ tương lai. Khi đứng ở ngã ba đường, hãy tưởng tượng chúng ta đang ở giai đoạn cuối đời nhìn lại những sự lựa chọn mà ta đang đối mặt lúc này. Ở vị trí đó, bạn nghĩ mình sẽ đưa ra lựa chọn nào? Lý do để thực hiện trò chơi này là đến cuối đời, chúng ta không còn bận tâm đến những điều phù phiếm của những kẻ Phá hoại, tất cả đều trở nên nhạt nhòa và mọi điều tưởng đúng hóa ra lại sai. Sau cùng, những thứ còn đọng lại là những gì thật, những gì mang lại giá trị, ý nghĩa và mục đích thực sự cho cuộc sống của chúng ta.

Kích hoạt

Một số người lo ngại rằng thái độ của Trí tuệ khi chấp nhận mọi thứ như một món quà, một cơ hội sẽ dẫn đến sự thụ động, lười biếng, thiếu tham vọng và hành động. Thực tế hoàn toàn trái ngược. Năng lực Kích hoạt của Trí tuệ sẽ hướng bạn đến hành động, ở đó tất cả năng lượng tinh thần và cảm xúc của bạn sẽ chỉ tập trung vào hành động cho một mục tiêu nổi bật nhất và không bị sao lãng bởi những kẻ Phá hoại. Hãy đặt bản thân mình vào vị trí của những kẻ Phá hoại và thử đoán xem chúng sẽ làm gì đề phá hoại bạn. Hãy đoán trước những gì chúng sẽ rủ rỉ hay gào thét vào tai bạn khi bạn đang làm việc và những lời ngụy biện của chúng. Một khi bạn đã đoán được nước cờ của bọn chúng, bạn có thể chặn đứng bọn chúng và dễ dàng gạt bỏ những suy nghĩ đó. Một cách then chốt để đánh bại bất cứ kẻ thù và chuẩn bị nghênh chiến. Thực ra mà nói, bạn sẽ chặn đứng được chúng bằng cách áp dụng năng lực của Trí tuệ.

PHẦN IV: CHIẾN LƯỢC THỨ BA: TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH VÙNG  TƯ DUY PQ

Để phát triển cơ bắp, bạn có thể tập nâng tạ thường xuyên. Bài tập nâng tạ cho vùng Tư duy PQ rất đươn giản: chuyển hướng chú ý càng nhiều càng tốt đến cơ thể và bất cứ giác quan nào trong năm giác quan của bạn ít nhất 10 giây. Đây là sự lặp lại về mặt tích cực, tựa như các động tác lặp đi lặp lại trong phòng tập thể hình.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo phải bước tối thiểu 10000 bước mỗi ngày để giữ cơ thể khỏe mạnh  (tương đương với 6km). Tập luyện chho vùng Tư duy PQ cũng tương đương với việc thực hiện lặp lại các bước PQ (các bài tập để duy trì sự tích cực) 100 lần/ ngày. Nói cách khác chuyển càng nhiều càng tốt sự tập trung vào cơ thể bạn và bất cứ giác quan nào trong năm giác quan của bạn ít nhất 10 giây và làm như thế 100 lần/ ngày. Bạn không cần phải chú ý đến yếu tố chính xác của thời gian – 10 giây tương đương với ba nhịp thở.

Mỗi ngày đều có vô vàn cơ hội để luyện tập PQ. Ví dụ, các cơ hội đã bị mất trong đầu vì dành phần lớn thời gian đọc một cuốn sách, cơ thể bạn không nhận ra điều đó. Do đó, ngay bây giờ, khi bạn đang tiếp tục đọc sách, hãy bắt đầu cảm nhận trọng lượng của bạn lên ghế trong vòng 10 giây (ba nhịp thở). Hoặc bắt đầu nghĩ đến nhiệt độ, bề mặt hay trọng lượng cuốn sách bạn đang cầm trong tay. Hoặc bắt đầu nghĩ về nhịp thở kế tiếp đó và cách mà ngực và bụng của bạn đang nhấp nhô. Hoặc hãy thử cố gắng nghe âm thanh quanh bạn khi đang đọc. Đó là một vài cách tập luyện trong hàng trăm cách cho mục tiêu hàng ngày của bạn.

Bạn thấy đấy, không hề khó chút nào để rèn luyện Tư duy PQ. Chỉ cần tập luyện một chút. Cũng như nếu như nếu bạn không thể phát triển bắp tay qua  việc hiểu cấu trúc cơ thể, bạn cũng không thể phát triển PQ não bộ qua việc suy nghĩ, đọc hay thảo luận các khái niệm. Bạn cần phải luyện tập liên tục.

PHẦN V: THƯỚC ĐO SỰ THAY ĐỔI TRONG BẠN

Giả thuyết mấu chốt của Trí thông minh tích cực là tất cả những cảm giác tiêu cực, không có tinh thần xây dựng hoặc phá hoại là do những kẻ Phá hoại trong bạn tạo ra, bất kể trong tình huống nào. Mỗi một milligram năng lượng của bạn tiêu tốn vào việc lo lắng, căng thẳng, giận dữ, nản chí, tự ti, thiếu kiên nhẫn, tuyệt vọng, nuối tiếc, oán trách, bồn chồn, có lỗi, hoặc xấu hổ do kẻ Phá hoại gây ra trong tâm trí bạn. Tuy nhiên, chính Trí tuệ sẽ dùng lăng kính và năm sức mạnh của mình đồng hành cùng bạn vượt qua mọi thử thách. Đó là những cảm xúc tích cực.

Do đó, cách nhanh nhất để phát hiện ra tâm trí bạn đang đồng hành cùng bạn (Trí tuệ) hay kẻ thù của bạn (kẻ Phá hoại) là để ý cảm xúc mà bạn đang trải qua. PQ được xác định bằng cách tính toán phần trăm cảm xúc do Trí tuệ tạo ra so với cảm xúc do kẻ Phá hoại tạo ra trong một ngày. Bạn có thể xem và làm bài trắc nghiệm PQ hai phút tại trang web www.PositiveIntelligence.com. Cuộc đời chúng ta có những ngày suôn sẻ và những ngày gặp trục trặc, và chỉ số PQ của chúng ta được tính trong một khoảng thời gian “chuẩn” về cả công việc và cả cuộc sống. Ví dụ, điểm PQ của bạn trong thời gian đi nghỉ mát sẽ không phải là kết quả PQ chính xác. Bạn có thể làm lại bài trắc nghiệm PQ để có chỉ số chính xác hơn khi không bị chi phối bởi những cảm xúc bất thường nào.

Bạn có thể xác định chỉ số PQ của nhóm bằng phương pháp tương tự nhưng sẽ là các thành viên nói về cảm xúc của họ khi tương tác với những thành viên khác trong nhóm. Đánh giá chỉ số tích cực của cả một tổ chức, những mối quan hệ, và thậm chí những cuộc hôn nhân cũng dùng phương pháp tương tự. Chỉ số PQ là một yếu tố dự báo quan trọng về tiềm năng mà một cá nhân, nhóm, sự hợp tác hoặc một cuộc hôn nhân có thực sự đạt được.

PHẦN VI: ỨNG DỤNG TRONG CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG

Xây dựng tinh thần đội nhóm (Team – Building)

Hầu hết các chuyến đi và hoạt động xây dựng đội nhóm chỉ tạo ra một trạng thái phấn chấn trong ngắn hạn, và tính tích cực trong nhóm sẽ nhanh chóng biến mất sau các sự kiện này. Vấn đề là vì những hoạt động này sử dụng những hoạt động được thiết kế buộc mọi người tham gia tích cực và đây chỉ là tạm thời đẩy bọn Phá hoại sang một bên. Ví dụ, khi bạn đang chơi trò đi trên dây với một thành viên trong nhóm mà bạn không coi trọng, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời đặt sự khinh bỉ của mình sang một bên và cộng tác với người đó để thực hiện thành công thử thách trên. Đây có thể là một khoảnh khắc khiến bạn thú vị trong việc thúc đẩy mối quan hệ với đồng nghiệp. Vấn đề là những kẻ Phá hoại của bạn đang ẩn nấp trong chuyến đi đó chứ không bị phát hiện hay biến mất. Nếu kẻ Phán xét trong bạn khinh thường thành viên trong nhóm trước chuyến đi, sự khinh thường này hẳn sẽ quay lại ở một dạng khác ngay sau khi chuyến đi kết thúc.

Cân bằng công việc và cuộc sống

Cân bằng giữa công việc và cuộc sống thường được hiểu  là khoảng thời gian ta dành cho công việc so với dành cho gia đình hay thời gian theo đuổi các mục tiêu cá nhân khác. Việc phân chia thời gian cân bằng là điều cần thiết và bạn có thể cải thiện trạng thái cân bằng giữa thời gian dành cho công việc – cuộc sống bằng cách sử dụng Tư duy PQ khi thực hiện các hoạt động. Tư duy PQ tiếp cận vấn đề này không chỉ từ hướng số lượng (thời gian dành cho mỗi khía cạnh là bao lâu) mà còn tập trung vào chất lượng của thời gian đó.

Giải quyết những vấn đề phức tạp                     

Bạn đã bao giờ trải qua cảm giác khi thấy mây mù tan biến và tìm được câu trả lời cho một vấn đề phức tạp nào đó? Những khoảnh khắc này xuất phát từ Tư duy PQ của bạn, khi nó phá tan đám mây mù trong đầu và cả những âm thanh phiền phức. Hầu hết mọi người có trải nghiệm này khi đang tắm, tập luyện thể thao, hay đi bộ trong rừng. Chính những hoạt động này, với những kích thích vật lý hoàn toàn, tập trung vào cảm giác của cơ thể, làm kích hoạt Tư duy PQ và làm kẻ Phá hoại im lặng. Bây giờ thì bạn biết làm sao để có được những khoảnh khắc này rồi đó.

Làm việc và sống với những người “khó chịu”

Trí thông minh tích cực đưa ra bốn chiến lược chính cho bạn thực hiện:

  1. Ngưng tiếp năng lượng cho những kẻ Phá hoại họ.
  2. Tiếp năng lượng cho Trí tuệ của họ.
  3. Giúp họ khám phá ra những kẻ Phá hoại của chính họ.
  4. Tạo hàng rào bao quanh những kẻ Phá hoại của họ.

Như bạn có thể tưởng tượng, chúng ta có thể chấp nhận bất kỳ thử thách lớn lao nào trong công việc, cuộc sống cá nhân và áp dụng hình mẫu PQ cho nó. Tôi hy vọng bạn sẽ lựa chọn cách làm như vậy và hy vọng bạn sẽ chia sẻ những gì bạn đã học với người khác, nhờ đó một cộng đồng lớn hơn có thể được xây dựng trên Trí khôn chung. Qua đây, tôi mong rằng một chút của cuốn Trí thông minh tích cực sẽ giúp các bạn sẽ làm được điều mà bạn muốn.


Review chi tiết bởi Thu -  Bookademy

---------------

Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

8,942 lượt xem