Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Nếu Tôi Biết Được Khi Còn 20": Chúng Ta Là Người Quyết Định Cách Chúng Ta Nhìn Vào Thế Giới

Chẳng hiểu vì sao người ta cứ coi tuổi trẻ là những năm tháng 20s trong cuộc đời, có lẽ bởi tuổi 20 chẳng phải lớn cũng chẳng phải bé bỏng gì. Cái tuổi đã bắt đầu biết lo toan về tương lai, đã bước đầu biết có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình,nhưng cũng chính là giai đoạn chúng ta dễ gặp phải khó khăn, thử thách nhất trong cuộc đời. Thế nhưng người ta nói “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn từng cảm lạnh vì tắm mưa bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”. Tuổi trẻ chính là những năm tháng đẹp nhất cuộc đời mỗi con người. Nhưng năm tháng làm theo ý mình, điên rồ và quyết liệt, những năm tháng ngọt bùi đáng cay của chông gai thử thách.những năm tháng hình thành nên những con người trưởng thành và đầy trải nghiệm.

Cuốn sách Nếu tôi biết được khi còn 20 giống như một luồng sáng, thổi một nguồn sinh khí mới vào giới trẻ thông qua những tư tưởng khác biệt giúp bạn mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn, trưởng thành hơn và đặc biệt có cách nhìn nhận khác về các vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Bản thân tác giả đã tham gia giảng dạy các khóa học về khởi nghiệp và đổi mới tại trường đại học Stanford. Chính vì vậy, xuyên suốt cuốn sách là những tình huống, những tấm gương người thành công bà đưa ra cho mỗi chủ đề được đề cập đến. Cuốn sách xoay quanh các chủ đề kích thích sự sáng tạo và phát triển ý tưởng không theo lối mòn truyền thống, và cả những bài học kinh doanh, việc xây dựng mối quan hệ, các kỹ năng sống cần thiết.

“Về cơ bản,mục tiêu của cuốn sách này là nhằm trao cho bạn một nhãn quan mới để nhìn nhận những chướng ngại vật bạn gặp phải mỗi ngày khi bạn đang vẽ con đường đến tương lai của mình. Nó cho phép bạn đặt nghi vấn về những điều thường được cho là đúng đắn và đánh giá lại những quy luật xung quanh cuộc sống của mình. Trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, bạn sẽ luôn phải đối mặt với những điều không chắc chắn...”

Nếu may mắn bắt gặp được cuốn sách này trong những năm tháng 20s thì nó sẽ chính là chiếc kim chỉ nam giúp bạn thay đổi chính mình, mạnh mẽ và thành công hơn. Tuy nhiên nó vẫn có giá trị quý báu cho những ai muốn hoàn thiện bản thân, luôn luôn tìm kiếm những điều mới mẻ, sáng tạo cho dù đã trải qua tuổi 20s.

Chương 1: Mua một, tặng hai

Trong chương đầu tiên này, người đọc sẽ tiếp cận được với những bài học mà tác giả đã giao cho sinh viên của mình, các bạn hoàn toàn có thể thử thách mình với những bài học đó để đánh giá xem khả năng sáng tạo và phát triển ý tưởng. Đó là những bài học như: “Bạn sẽ làm gì để kiếm được tiền khi tất cả những gì bạn có chỉ là 5 đô la và hai giờ đồng hồ?”, “Thay cho 5 đôla,tôi đưa cho mỗi nhóm một phong bì có mười cái kẹp giấy,trong vòng vài ngày tới các nhóm có bốn giờ để tạo ra càng nhiều giá trị càng tốt bằng việc sử dụng những cái kẹp giấy. Ở đây giá trị được đong đếm theo bất cứ cách nào họ muốn.” Và những thử thách trên đã giúp các bạn sinh viên làm được nhiều hơn họ nghĩ. Bằng chứng là có nhóm đã tạo ra được hơn 600 đôla với tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư lên đến 4.000 phần trăm từ 5 đôla ban đầu, hay từ mười chiếc kẹp giấy họ bán đi để  lấy tấm bảng dán áp phích quảng cáo sau đó họ dựng một sạp nhỏ ở một trung tâm thương mại gần đó với tấm bảng ghi “Bán sinh viên Stanford: mua một, tặng hai” và họ thật sự kinh ngạc về những đơn hàng họ nhận được...

“Những bài tập kể trên đã nhấn mạnh nhiều điều dường như trái ngược với những gì người ta thường nghĩ. Thứ nhất là cơ hội luôn có rất nhiều trong cuộc sống. Ở bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ nơi đâu bạn cũng có thể nhìn quanh và tìm ra các vấn đề cần được giải quyết… Thứ hai, cho dù vấn đề lớn hay nhỏ thế nào đi chăng nữa, thường thì vẫn có những cách thức sáng tạo để giải quyết vấn đề bằng những nguồn lực sẵn có của bạn…Thứ ba, chúng ta thường đóng khung các vấn đề một cách quá cứng nhắc. Khi nhận được một thử thách đơn giản, như kiếm tiền trong hai giờ đồng hồ chẳng hạn, người ta hầu như đều nhanh chóng phản ứng theo những cách thông thường. Họ không dừng lại và xem xét vấn đề ở những khía cạnh rộng hơn. Khi thoát khỏi ra những suy nghĩ chật hẹp thông thường, bạn sẽ thấy một thế giới rộng lớn với những cơ hội được mở ra trước mắt mình…”

Đối với các bạn sinh viên khi đăng ký học thường sẽ chọn cho mình những lớp có giáo viên giỏi nhất, dễ tính nhất, cho điểm cao nhất để đạt được kết quả cao trong kỳ học. Thế nhưng Carlos Vignolo, một giáo sư danh tiếng ở Đại học Chile lại nói rằng ông thường gợi ý cho sinh viên nên học với những giáo viên dở nhất trong trường vì điều này sẽ chuẩn bị tốt cho cuộc sống của họ sau này khi họ không có những nhà giáo dục xuất sắc để hướng dẫn con đường đi cho mình. Khi gặp những giáo viên dở nhất dạy mình thì buộc bản thân phải nỗ lực hơn, tìm tòi tự học nhiều hơn để đáp ứng được yêu cầu đầu ra, và như vậy sẽ trở nên tự lập hơn, chủ động hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống sau này.

Chương 2: Rạp xiếc đảo lộn

Trong chương này tác giả đề cập đến những thử thách trong cuộc sống, và một vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta không xem khó khăn là các cơ hội trong cuộc sống hằng ngày? Khi nhắc đến khó khăn chắc hẳn chúng ta đều thở dài ngán ngẩm và sợ phải đối diện với nó. “Về cơ bản, chúng ta không được dạy để nắm lấy các khó khăn. Chúng ta được dạy rằng khó khăn là những thứ cần phải tránh hoặc là những điều để phàn nàn”. Chính tư duy đó khiến chúng ta sợ khó khăn và luôn tìm cách tránh né nó. Chúng ta không hề đón nhận nó, va vào nó để cảm nhận, để giải quyết và tìm ra các giải pháp sáng tạo hơn, và biết đâu trong các thử thách đó ta lại phát triển ra một ý tưởng mới mẻ, một phương pháp kinh doanh tiềm năng hay một phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả…

“Không có một giới hạn nào cho độ lớn của các vấn đề bạn có thể giải quyết”. Khả năng của con người là vô hạn và bạn hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn những gì bạn nghĩ. “Giữa việc không làm gì cả và làm điều gì đó chỉ cách nhau một quyết tâm nhỏ, nhưng hai lựa chọn này có thể mang đến hai kết quả hoàn toàn khác biệt”. Đứng trước những dự định, những cơ hội bạn hoàn toàn có thể lựa chọn giữa làm và không làm. Nếu đủ quyết tâm và đam mê bạn sẽ làm nó và kết quả đem lại dù có thành công hay không cũng cho bạn những trải nghiệm quý báu, những bài học để đời. Những khi không làm, bạn cũng sẽ chẳng mất gì, thời gian, công sức, trí tuệ và tiền bạc nhưng những trải nghiệm thì không bao giờ có được. Mà tuổi trẻ là phải khám phá thế giới và khám phá chính giá trị của bản thân mình.

“Đa số mọi người đều không thể từ bỏ cuộc sống dễ chịu của mình để  giúp giải quyết những vấn đề nghiêm trọng ở những nơi xa xôi. Nhưng trong rất nhiều trường hợp khác, các thử thách nhỏ hơn rất nhiều dường như cũng dễ dàng làm nản chí chúng ta. Với nhiều người, thay đổi công việc hay chuyển đến sống ở một thành phố khác cũng mạo hiểm như đi lên một nơi xa xôi để làm các công việc viện trợ. Người ta thường cảm thấy thoải mái hơn khi “khoá chặt mình” trong một vai trò họ xem là “đủ tốt” hơn là tìm kiếm một lựa chọn khác mang tính rủi ro cao hơn. Hầu hết chúng ta đều bằng lòng với việc tiến những bước tiến nhỏ và thận trọng. vì thế chúng ta chẳng đi được rất xa, nhưng cũng chẳng thể làm lung lay con thuyền.”

Chương 3: BIKINI HAY là CHẾT

Trong chương này tác giả đề cập đến những quy tắc do chính chúng ta tạo ra và nếu vô tình bó hẹp mình trong những quy tắc đó, không phá vỡ chúng thì mãi sẽ chẳng tạo ra được những giá trị mới mẻ và sáng tạo. “Chúng ta vẽ nên các đường tưởng tượng xung quanh những gì chúng ta nghĩ mình có thể làm-các đường ranh giới đó thường giới hạn chúng ta nhiều hơn là những quy tắc chung xã hội đặt lên chúng ta. Chúng ta định nghĩa bản thân bằng nghề nghiệp, thu nhập, nơi chúng ta sống,xe chúng ta lái, học vấn, và thậm chí bằng cả lá số tử vi của mình. Mỗi định nghĩa này khóa chúng ta lại trong các giả định cụ thể chúng ta là ai và chúng ta có thể làm gì.” Chẳng biết từ khi nào, người ta đánh giá nhau qua những thứ vật chất bên ngoài, xe sang, đồ hàng hiệu,  nhà đẹp, nghề nghiệp…khiến khái niệm về lòng thấu cảm, lòng trắc ẩn, về đam mê, sở thích gần như rất mờ nhạt. “Chúng ta luôn luôn tạo ra các nhà tù cho chính mình với các luật lệ mỗi chúng ta đặt ra cho mình, khóa mình vào các vai trò cụ thể và ra khỏi con đường vô tận của những điều khả thi.” Chúng ta luôn giữ mình trong những khuôn khổ nhất định, là con gái chỉ cần học hành bình thường rồi lấy chồng sinh con, việc này phải làm thế này, phải làm thế kia, con trai thì phải làm kỹ sư, kỹ thuật,con gái thì phải thùy mị,nết na… Tất cả những thứ đó là khuôn khổ giam chúng ta lại những giới hạn nhất định, không dám thử thách mình, làm khác đi, chúng ta sợ mình khác người, cười khác chế nhạo.. Linda Rottenberg hay Leila Velez là những tấm gương dám bứt phá khỏi những mong đợi của người khác để làm điều mình muốn, đến nơi mình muốn đến…

Một cách khác để phá vỡ các quy tắc là bứt phá khỏi những điều bạn thường mong đợi ở chính mình và những gì người khác mong đợi ở bạn. Tất cả mọi người đều đồng ý rằng thật dễ để đi trên con đường được vạch trước, nhưng thường sẽ thú vị hơn rất nhiều khi khám phá thế giới những điều đáng ngạc nhiên đang ẩn nấp ngay quanh đây.

Chương 4: Vui lòng lấy ví của bạn ra

Tiêu đề chương 4 nói đến một bài tập mà tác giả và các đồng nghiệp của mình ở trường “dschool” đã phát triển vào vấn đề trọng tâm của việc nhận diện cơ hội. Mỗi người được chia thành từng cặp, họ lấy ví của mình ra và trao đổi với nhau về cách họ sử dụng ví của mình, những tiện ích cũng như rắc rối mà chiếc ví mang lại như kích thước, số ngăn, kiểu dáng… Sau giai đoạn đó mỗi người sẽ thiết kế và tạo ra một chiếc ví mới cho người kia-khách hàng của họ, bằng những nguyên liệu như giấy, băng keo, bút lông, kẹp giấy, kéo… Sau đó họ tiến hành bán cho khách hàng của mình, và dường như ai cũng cảm thấy hài lòng với chiếc ví mới của mình, nó đã tháo gỡ được hết những  rắc rối mà họ gặp phải với chiếc ví cũ và nhất quyết mua ngay nếu như một chiếc ví như vậy được sản xuất.

“Rất nhiều bài học được rút ra từ bài tập này. Đầu tiên, chiếc ví tượng trưng cho sự thật là các vấn đề tồn tại ở khắp nơi, kể cả trong túi quần của bạn. Thứ hai, chẳng tốn quá nhiều công sức để nhận ra các vấn đề này. Thật ra nhìn mọi người ai cũng cởi mở khi kể cho bạn nghe các vấn đề của họ. Thứ ba, bằng thực nghiệm bạn có thể lấy được những phản hồi nhanh chóng về các giải pháp mà bạn đưa ra. Nhưng việc đó chẳng tốn quá nhiều công sức, tài nguyên, hay thời gian. Và cuối cùng, nếu giải pháp của bạn không đi đúng hướng thì phí tổn cũng rất ít. Tất cả những gì bạn cần làm là bắt đầu lại từ đầu.”

Chương 5: Bí quyết thành công của thung lũng Silicon

Trong chương này, tác giả đề cập đến vấn đề thất bại trong cuộc sống. Điển hình và xuyên suốt trong chương này là những câu chuyện của các nhân vật đã thành công và tồn tại ở thung lũng Silicon-nơi mà thất bại là điều được hoan nghênh và không có ai thành công ở đây mà không có cho mình những thất bại lớn. “Ở mức độ căn bản nhất thì toàn bộ việc học hỏi của chúng ta đều đến từ thất bại. Hãy nghĩ đến một đứa trẻ đang tập đi. Nó bắt đầu bò trước rồi ngã nhiều lần trước khi thuần thục kỹ năng đi mà những người lớn chúng ta xem là bình thường.” Và tác giả nói : “Tôi đã đi đến chỗ tin tưởng rằng cách học có hiệu quả nhất là từ sự trải nghiệm cả thất bại lẫn thành công. Bạn gần như không học được điều gì nếu bạn không tự làm nó, bằng những thực nghiệm dần dần,và bằng việc đứng dậy được sau những thất bại không thể tránh khỏi. Bạn không thể học đá bóng nếu chỉ đọc sách về luật chơi bóng, bạn không thể học chơi đàn dương cầm chỉ bằng cách học nhạc lý, và bạn cũng không thể nấu ăn được khi chỉ đọc sách hướng dẫn nấu ăn.”

Chương 6: Không đời nào…Nghề kỹ sư là dành cho con gái mà

“Giao điểm tuyệt vời nhất là khi mà niềm đam mê và các kỹ năng của bạn trùng nhau và trùng với nhu cầu thị trường.  Nếu bạn có thể tìm thấy giao điểm đó thì bạn đang ở một vị trí tuyệt vời, vị trí mà công việc cũng đồng thời làm phong phú thêm cuộc sống của bạn thay vì chỉ cung cấp các nguồn lực tài chính cho phép bạn tận hưởng cuộc sống sau những ngày làm việc.”

Mô hình công việc tuyệt vời nhất được xác định thông qua điểm giao thoa giữa ba yếu tố đó là đam mê, kỹ năng và nhu cầu xã hội. Nếu chỉ có một trong số các yếu tố đó thì một công việc không thể đáp ứng được trọn vẹn nhu cầu của mỗi người. Giống như trong cuốn sách “Thức dậy và mơ đi” tác giả cũng đã đề cập đến vấn đề này,khi chúng ta càng kết hợp được nhiều trụ cột trong cuộc sống (gia đình,công việc,đam mê,..) thì mức độ hài lòng trong công việc càng cao. Chúng ta không thể bó hẹp mình trong một công việc “vừa đủ”,một công việc chỉ đáp ứng cho bạn nhu cầu về thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày,mà niềm đam mê thì luôn sống trong sự chờ đợi.

“Điều quan trọng là nên đánh giá lại cuộc đời và sự nghiệp của bạn tương đối thường xuyên. Quá trình tự đánh giá này buộc bạn chấp nhận thực tế là đôi khi phải đến lúc bạn chuyển sang một môi trường mới để trở nên xuất sắc hơn. Hầu hết mọi người không đánh giá vai trò của họ đủ thường xuyên và vì vậy họ ở lại các công việc của mình lâu hơn mức cần thiết. Một số người điều chỉnh cuộc sống của họ hằng ngày hoặc hàng tuần và liên tục tối ưu hóa nó. Những người khác chờ đợi nhiều năm mới nhận thấy rằng họ đã đi chệch hướng rất xa nơi họ từng hy vọng tới...”

Chương 7: Biến nước chanh thành trực thăng

Có lẽ nào nước chanh lại có thể biến thành trực thăng được? Một thứ nước uống đơn giản như nước chanh lại có thể biến thành một chiếc trực thăng mang trong mình tri thức công nghệ nhân loại? Nhưng không, đó là hai thứ tác giả ví nó giống như nỗ lực và may mắn. Bà đề cập đến việc tại sao có rất nhiều người cuộc sống của họ lại gặp rất nhiều may mắn và thành công. Liệu có phải họ được ưu ái hơn so với người khác, những người còn lại thì bất hạnh? Bà cho rằng: “Ngay cả khi chúng ta nghĩ mình may mắn,chúng ta vẫn thường phải làm việc chăm chỉ để đưa mình vào vị trí đó.” May mắn chẳng tự nhiên mà có, nếu bạn càng làm việc chăm chỉ thì bạn sẽ có được càng nhiều may mắn. Cho dù trong mỗi hoàn cành sự cạnh tranh có khốc liệt bao nhiêu, xác suất thành công có thấp đến đâu thì bạn vẫn có thể tối đa hóa cơ hội của mình bằng cách chuẩn bị tốt mọi yếu tố về thể chất, trí tuệ và tình cảm.. Một luận điểm khác được bà đưa ra đó là: “Không có gì đáng ngạc nhiên là người may mắn thường hướng ngoại. Họ giao tiếp bằng mắt nhiều hơn và cười thường xuyên hơn,  tạo ra những cuộc gặp gỡ tích cực và phóng khoáng hơn. Những hành động đó mở cửa cho họ tiếp xúc với nhiều cơ hội hơn.” Những người may mắn thường biết nắm bắt cơ hội của mình, họ luôn làm việc chăm chỉ và tập trung vào mục tiêu của bản thân. Điển hình như Vương Quyên, một cô gái mạnh mẽ của Việt Nam, người luôn nỗ lực không ngừng vượt qua mọi khó khăn khi sống cùng gia đình tại một đất nước xa lạ,hay aka QD3-một nhà sản xuất phim ảnh và âm nhạc rất thành công, ông đã biết tạo động lực để kéo mình ra khỏi đói nghèo, để tự nuôi sống mình và cuối cùng là trở nên nổi tiếng trên thế giới.

Chương 8: Hãy luôn vẽ hồng tâm quanh mũi tên.

Chúng ta nên trân trọng những gì mà người khác làm cho mình. Nếu bạn trân trọng và suy nghĩ về nó, bạn sẽ nhìn ra được nhiều khía cạnh khác chứ không đơn thuần chỉ là một món quà hay một sự giúp đỡ. “Tất cả những gì một ai đó làm cho bạn đều hàm chứa chi phí cơ hội,nghĩa là nếu anh ta đã dành thời gian trong ngày của mình để tiếp bạn thì phải có điều gì đó anh ta không làm cho chính mình.” Việc bày tỏ sự quý trọng những điều người khác làm cho bạn có một ảnh hưởng sâu sắc đến cách người khác cảm nhận về bạn. Hãy nhớ rằng: “quanh đi quẩn lại trên thế giới này chỉ có năm mươi người”,điều này có thể không đúng với nghĩa đen, nhưng cuộc sống thường cho chúng ta cảm giác như vậy. Chúng ta luôn gặp đi gặp lại những người biết mình và kể cả những người biết những người bạn biết. Trái đất này tròn lắm, người cùng lớp với bạn ngày trước có thể sẽ là sếp của bạn, khách hàng của bạn, thậm chí bạn đời của bạn sau này... Chính vì vậy, bạn không nên bỏ qua mối quan hệ nào, có thể bạn không thích họ, hay không phải tất cả mọi người đều thích bạn, nhưng chúng ta không nên gây thù hận. Mọi mối quan hệ đểu có thể đem đến cho bạn những cơ hội. Và chúng sẽ tạo ra danh tiếng của bạn.

“Về cơ bản, danh tiếng là tài sản có giá trị nhất của bạn, nên hãy bảo về nó thật tốt.” Tất nhiên chúng ta không phải là những người hoàn hảo, chúng ta hoàn toàn có thể mắc sai lầm đặc biệt là làm việc gì đó lần đầu tiên. Tuy nhiên quan trọng nhất là cách chúng ta khắc phục những sai lầm đó, nhận ra điểm mấu chốt và nói lời xin lỗi là một điều rất cần thiết. Ngoài ra, trong chương này tác giả cũng nhắc đến một số kỹ năng sống cần thiết ít được giảng dạy trong trường học. Kỹ năng thương lượng bởi hầu hết quan hệ giữa chúng ta với những người khác về cơ bản đều là một loạt các cuộc thương lượng. Một kỹ năng cũng rất có giá trị là nghệ thuật giúp đỡ người khác. Trong một vài trường hợp dù họ có không cần đến sự giúp đỡ của bạn họ vẫn luôn cảm tháy cảm kích vì đã ngỏ lời giúp đỡ..

Chương 9: Phần này có thi hay không?

“Biện minh là vô nghĩa, hoặc nói thẳng ra, biện minh là trò nhảm nhí. Chúng ta kiếm cớ để che đậy một thực tế là chúng ta đã không đủ nỗ lực cho công việc. Bài học này chạm đến tất cả mọi mặt.” Chúng ta thường được khuyến khích để làm mọi thứ ở mức độ vừa đủ hài lòng,mà quên mất rằng mình nên tận dụng mọi cơ hội để trở nên xuất sắc. Như hầu hết các bạn sinh viên khi biết rõ thang điểm và mình muốn đạt được đến mức nào thì họ chỉ quan tâm đến giới hạn của mức đó, tức là vừa đủ để đạt điểm mình mong muốn. Và một câu hỏi cổ điển thường được đặt ra cho các giáo viên đó là phần này có thi hay không. Họ dường như bỏ qua khái niệm trở nên xuất sắc. Giữa vừa đủ và trở nên xuất sắc là một khoảng cách rất xa, đòi hỏi một sự nỗ lực vượt bậc cùng một ý chí học hỏi lớn. Khi nói đến việc trở nên xuất sắc,nhiều doanh nghiệp lựa chọn một lĩnh vực mà họ thực sự tỏa sáng, BMW tập trung vào kỹ thuật xuất sắc nhất; Walmart hứa hẹn giá thấp nhất; Disneyland phấn đấu là nơi hạnh phúc nhất trên trái đất,... Trở nên xuất sắc có nhiều chiều hướng khác nhau và theo những cách khác nhau nhưng luôn luôn bắt đầu bằng việc cởi bỏ những giới hạn mà người khác và bản thân đặt ra cho mình. Bằng một ý chí tiến xa,quyết tâm tiếp cận với tiềm năng thực sự của bản thân. Cuộc sống không phải một cuộc diễn tập và bạn sẽ không có cơ hội thứ hai để cố gắng hết sức đâu nhé!

Chương 10: Những tạo tác từ thực nghiệm

“Trong một hoàn cảnh khá bất ngờ, tôi đã hiểu được thông điệp rằng mỗi chúng ta là người quyết định cách chúng ta nhìn vào thế giới.”

Đối với hầu hết mỗi chúng ta,có rất nhiều những đám đông đứng bên lề, khuyến khích chúng ta ở lại trên con đường quy định, chỉ tô màu bên trong các đường ranh giới, và đi trên cùng những con đường họ đã đi theo. Đôi khi làm theo số đông với được cho là hợp lý và “chuẩn mực” mà chẳng biết đúng sai thế nào, làm ngược lại theo số đông là “lập dị”, là sai trái. Tư duy lối mòn như vậy dễ khiến cuộc sống bị bó hẹp và những quy định không rõ ràng, những giới hạn tưởng chừng như là những “quy chuẩn”. Điều chúng ta cần làm là tư duy sáng tạo, thoát ra khỏi những vòng tròn an toàn,  sẵn sàng đối đầu với mạo hiểm, thất bại và quan trọng là để trở nên xuất sắc hơn.

 

Tác giả: Nguyễn Bích Ngọc - Bookademy

-------------------------------------

Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link:http://www.facebook.com/bookademy.vn 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,813 lượt xem