Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Du Học Nhật Bản": Nhật Bản - Sống Và Khát Vọng

Tôi đã từng khóc lớn một mình, đã từng gọi cấp cứu nhập viện, lặng lẽ đi bộ trong những đêm đông buốt giá sau khi đã mệt nhoài vì công việc. Chính những khoảnh khắc vất vả đó đã từng bước dạy tôi phải tự lập và cứng rắn. Tính đến tháng Tư năm 2016 là tròn tám năm tôi ở Nhật. Đó thực sự là những năm tháng vô giá trong cuộc đời.

Đây là những dòng tâm sự từ tận đáy lòng của một cô gái tên là Phi Hoa - một du học sinh Nhật Bản đã rời xa quê hương với chặng đường gần 3000 ngày. Gần 8 năm trời đằng đẵng xa nhà, cũng như bao du học sinh khác, Phi Hoa mang trong mình một ước mơ cháy bỏng về giấc mơ học tập tại đất nước Nhật Bản xinh đẹp như những bông hoa anh đào cùng tinh thần và lòng tự tôn dân tộc cao ngút trời tựa ngang núi Phú Sỹ. Không chỉ dừng ở đó, nỗi canh cánh trong lòng của cô về một ngày được trở về mảnh đất quê hương – nơi sinh nhau cắt rốn để cống hiến, truyền lửa cho những thế hệ mai sau.

Trong thời đại toàn cầu hóa, những cuốn sách kể về những trải nghiệm chân thực và chi tiết như thế này rất cần thiết. Nếu bạn là người trẻ đang tìm kiếm cơ hội du học nhưng gia đình không có điều kiện, nếu bạn đang muốn du học để học hỏi kinh nghiệm làm hồ sơ hay phỏng vấn xin học bổng, nếu bạn muốn tìm hiểu vễ kỹ năng sống, học tập và làm việc của sinh viên ở nước ngoài. Và đặc biệt, nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu về ngôn ngữ, đất nước, con người Nhật Bản tươi đẹp hấp dẫn nhưng cũng vô cùng xa vời thì đây chính là cuốn sách dành cho bạn.

Hằng năm, số người Việt Nam sang Nhật học tập và doanh nghiệp Việt hợp tác với doanh nghiệp Nhật ngày càng gia tăng. Vì vậy, cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo có giá trị dành cho những ai chuẩn bị hay mới sang du học và làm việc tại Nhật Bản, cũng như phụ huynh các em. Những trải nghiệm chân thực và những suy ngẫm của Phi Hoa được ghi lại theo trình tự thời gian : quá khứ - hiện tại qua 5 chương của quyển sách “Du học Nhật Bản”.

Chương 1 : Tôi đi du học

Trong chương 1 : Tôi đi du học, người đọc có thể tìm thấy những thông tin bổ ích về cách đăng ký học bổng của chính phủ Nhật Bản, nội dung trả lời phỏng vấn và những chia sẻ của tác giả về cảm xúc lần đầu xa nhà, xa quê hương để sang học tập tại nơi đất khách quê người. Đó là những cảm xúc mới mẻ khi cô tình cờ biết được chương trình học bổng chính phủ Nhật (MEXT) qua một người bạn tên Thủy, cho đến những băn khoan, lo lắng của cô lần đầu tiên có được một cái nhìn khái quát về chương trình học bổng này

Học bổng có nhiều loại trao cho sinh viên ở bậc đại học, cao đẳng, trung cấp và có những loại trao cho thạc sĩ, tiến sĩ. Trong các loại đó, nếu nhận được học bổng đại học, sinh viên sẽ được chính phủ Nhật chu cấp tất cả chi phí du học (học phí+sinh hoạt phí). Đặc thù của học bổng bậc đại học này là chính phủ Nhật chọn những người không những giỏi mà còn phải có quyết tâm học tập bằng Tiếng Nhật”.

Với những yêu cầu gắt gao và những khó khăn trước mắt như vậy, liệu Phi Hoa có bỏ cuộc?. Cô không hề núng chí mà khát khao thực hiện ước mơ của cô ngày càng mãnh liệt. Cô nói với tất cả các chúng bạn cùng trang lứa của mình rằng sẽ đi thi học bổng, tự đẩy mình vào một con đường chỉ có cách tiến lên mà không được thoái lui.

Tôi tin rằng, một khi chúng ta nghiêm túc muốn làm điều gì đó, những sự tình cờ hằng ngày sẽ trở thành cơ hội thực sự. Cơ hội và may mắn sẽ đến càng nhiều nếu hằng ngày chúng ta chăm chỉ càng nhiều.

Cuối cùng, cô đã thành công đánh đấu bước ngoặt đầu đời làm thay đổi cuộc sống của mình mãi mãi về sau. Chẳng cần tìm kiếm đâu xa, cô thành công bước đầu bởi cô đã chăm chỉ và làm tốt những việc hằng ngày cho cuộc sống của mình với một niềm tin rằng điều kỳ diệu sẽ xảy ra nếu bạn nghiêm túc với giấc mơ của mình: “Cơ hội đến đôi khi đến mà không gõ cửa, đến trong chiếc áo tàng hình, nếu không để ý sẽ khó mà nhận ra. Cơ hội trong khi đến trong hình hài của khó khăn và trở ngại, càng trở ngại bao nhiêu, cơ hội càng lớn bấy nhiêu”. Phi Hoa cũng như bao người trẻ khác, mang trong mình một bầu nhiệt huyết tuổi trẻ chẳng hề vơi, một trái tim kiên trung rộng mở chấp nhận mọi thử thách, một hoài bão muốn đóng góp cho quê nhà. Ngồi trên máy bay mà những dòng suy nghĩ vẫn thôi thúc cô khôn nguôi.

Từ hôm nay tôi đi du học, từ hôm nay tô sẽ bắt đầu một trang mới trong cuộc đời. Từ hôm nay tôi sẽ sống hết mình để hiểu một đất nước khác, một ngôn ngữ khác. Bằng một cái nhìn khách quan và tri thức, tôi sẽ trở về một ngày nào đó để hiểu hơn mọi thứ nơi tôi sinh ra, để đóng góp gì đó cho nơi tôi sinh ra cùng những con người đang từng ngày vất vả cố gắng trên mảnh đất thân yêu.

Chương 2 : Khởi đầu mới

Mở ra trước mắt người đọc ở chương 2 : Khởi đầu mới là một không gian rợn ngợp của đất nước Nhật bản xa xôi với  một bầu trời hoa anh đào tinh khôi trong nắng Tháng Tư giữa những hàng sân ký túc, nơi Phi Hoa học tập, rèn luyện cho ước mơ của mình. Ở chương này, chúng ta sẽ thấy được những khó khăn, bỡ ngỡ khi lần đầu tham gia môi trường học tập tại nước ngoài và cách mà tác giả sử dụng để vượt qua hành trình này với kết quả đáng ngưỡng mộ. Môi trường học tập của những học sinh du học là sự pha trộn giữa nhiều nền văn hóa khác nhau. Muốn thành công được, mỗi chúng ta đều phải thay đổi bản thân mình, từ nhận thức cá nhân, lối tư duy, suy nghĩ. Chúng ta gánh vác trên vai cả một niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Vậy cố gắng quyết tâm học để khẳng định bản thân, khẳng định đất nước mình không hề thua kém một quốc gia dân tộc nào trên thế giới này là một trách nhiệm lớn lao.

Cái lớn nhất mà du học mang lại là môi trường quốc tế. Môi trường đó giúp thay đổi và hình thành tính cách của bạn. Giúp bạn học cách tự lập, tự học cách hòa nhập thích nghi với hoàn cảnh xa lạ. Điều này rất có ích cho hành trang của mỗi người sau này khi làm việc. Nếu bạn thu mình lại trong vỏ ốc của sự nhút nhát thì cuộc sống du học sẽ là một cực hình. Vạn sự khởi đầu nan, hãy từng bước hòa nhập bằng cách chào hỏi và mở lời với tất cả những người xung quanh bạn.

Dù là hình thức du học thế nào đi chăng nữa thì đi du học có nghĩa là đi xa nhà, xa quê hương và bắt đầu một cuộc sống tự lập. Môi trường cạnh tranh quốc tế với học sinh Việt Nam khi đi du học Nhật Bản thường là những sinh viên đến từ Hàn Quốc, Mông Cổ, Singapore với mỗi một nước lại có một lợi thế cho riêng mình. Phi Hoa cũng đưa ra một phương pháp học Tiếng Nhật cho những ai muốn chinh phục thứ ngôn ngữ này:“Học ngoại ngữ cần nhất là sự chăm chỉ, vì ngoại ngữ là môn học cần nhiều sự bắt chước, luyện tập hơn là sự sáng tạo và tư duy”. Vì thế, không có một phương pháp nào tối ưu hơn để học Tiếng Nhật ngoài sự chăm chỉ. 4 phương pháp ấy chính là :

  • Luyện nói nhiều nhất có thể với người bản xứ để tăng khả năng giao tiếp và phản xạ. Luyện tập khả năng thuyết trình một vấn đề nào đó ngay trong cuộc hội thoại hằng ngày
  • Luyện nghe nắm được ý chính sau khi nghe liên tục một đoạn dài
  • Luyện đọc nhanh bằng việc chỉ nhìn các chữ Hán và xâu chuỗi ý nghĩa của câu bằng việc két nối ý nghĩa các chữ hán
  • Luyện viết luận ngắn, viết báo cáo bằng tiếng Nhật

Chương 3 : Trưởng thành

Có nhiều quan niệm cho rằng, khi đi du học ở nước ngoài, cuộc sống của chúng ta sẽ chỉ lặp lại bởi các thói quen : ăn – ngủ - học . Liệu điều này có thực sự là một điều tốt không. Đây liệu đã là một phương pháp học tập thông minh ? Câu trả lời phụ thuộc vào cách tư duy của mỗi người. Nhưng theo kinh nghiệm của tác giả đã từng trải qua cuộc sống sinh viên ở nước ngoài thì việc chỉ chú tâm, miệt mài vào học không hẳn là tốt. Điểm yếu của sinh viên Việt Nam là khả năng tư duy sáng tạo, hoạt động cộng đồng, hoạt động ngoại khóa. Nếu chỉ chăm chăm học lý thuyết thôi trong khi khả năng giao tiếp và làm việc nhóm kém thì cho dù thành tích học tập có tốt đến đâu thì sau này khó lòng được một công ty uy tín hàng đầu tuyển dụng. Điều này cũng có nghĩa là song song với việc học kiến thức ở trường, chúng ta cũng cần phải rèn luyện cho mình các kỹ năng mềm cần thiết. Bởi việc thành công sự nghiệp sau này có đến 75% kiến thức mà nhà trường không dạy bạn.

Tham gia các hoạt động tình nguyện, tham gia các câu lạc bộ, chơi thể thao, đi làm thêm. Tuy nhiên cần lưu ý rằng các hoạt động ngoài việc học cũng chỉ nên chiếm nhiều nhất là một nửa cuộc sống của bạn, Phần quan trọng nhất vẫn là học tập khi bạn là sinh viên.

Trước khi đi du học ở bất kỳ một đất nước nào, bạn luôn phải vạch ra mục tiêu cũng như dự định của mình sau này khi tốt nghiệp ra trường. Từ việc chuẩn bị hành trang du học, các đồ dùng cá nhân, phương tiện đi lại, hồ sơ, cho đến các yếu tố như khí hậu, ẩm thực, văn hóa. Khi sang du học Nhật Bản, chúng ta sẽ dân phải làm quen với những cảnh như : sinh viên Nhật Bản ngủ gật trong lớp hay việc sinh viên lười phát biểu. Đó cũng là do nền văn hóa của nước Nhật chịu ảnh hưởng của phong kiến ngày xưa. Thời gian phân bổ cũng là yếu tố quan trọng ! Tác giả đã có những trải nghiệm thật tuyệt vời của tuổi trẻ của mình khi được : dạy Tiếng Việt cho người Nhật, đi phiên dịch Việt – Nhật hay tham gia những buổi diễn thuyết về Việt Nam, tham gia hùng biện bằng Tiếng Nhật, cuộc thi viết kế hoạch khởi nghiệp cho sinh viên Nhật trên toàn quốc. Du học trên một mảnh đất xứ người, ta không chỉ đơn thuần học tập về kiến thức mà còn là dịp chúng ta được một lần trải nghiệm nền văn hóa của nước bạn. Đó là câu chuyện của những người cảnh sát nước Nhật tốt bụng, có trách nhiệm với người dân, nghị lực phi thường của phu nhân bộ trưởng Matsuda Iwao nuôi lớn đứa con tật nguyền của mình không ngại đàm tiếu dư luận, hay đó là câu chuyện của người “Hiệp sĩ” luôn mở rộng vòng tay giúp đỡ với người lao động Việt Nam mà quên mất cả gia đình : “Nước Nhật ngày xưa đã làm nhiều điều có lỗi với đất nước các bạn. Bây giờ các bạn lại đến đây và lao động chăm chỉ trên đất nước này. Tôi rất biết ơn và luôn muốn giúp các bạn sống tốt hơn”.

Chương 4 : Công việc và mơ ước

Đối với các bạn sinh viên đang tìm cho mình một con đường định cư để làm việc ở nước ngoài thì chắc chắn bạn không thể bỏ qua chương 4 : Công việc và mơ ước . Tác giả đưa ra một số đặc điểm tuyển dụng ở Nhật Bản cho mọi người tham khảo như :

  • Coi trọng tuyển dụng sinh viên mới ra trường :

Sinh viên mới ra trường như những trang giấy trắng, rất dễ sử dụng và dạy bảo so với lao động đã có kinh nghiệm và cách làm việc ảnh hưởng từ nhiều môi trường khác nhau, vì thế họ cũng dễ đào tạo và nghe lời hơn, có xu hướng gắn bó lâu dài với công ty hơn những người đã có kinh nghiệm ở công ty khác.

  • Tuyển dụng hàng loạt vào tháng Tư hằng năm :

Cuối tháng ba và đầu tháng 4 là mùa sinh viên tốt nghiệp ra trường nên tháng 4 được coi như là “mùa tuyển dụng” truyền thống của Nhật Bản.

  • Coi trọng thâm niên làm việc hơn trình độ học vấn :

Các công ty Nhật coi trọng người nhân viên có kinh nghiệm làm việc bao nhiêu năm và ở công ty mình bao nhiêu năm chứ không đánh giá quá cao người nhân viên có trình độ thạc sĩ hay tiến sĩ vì công ty quan niệm học tập và thực tế là khác nhau và kinh nghiệm thực tế mới là điều quan trọng.

  • Không coi trọng chuyên môn và thành tích học tập của sinh viên :

Công ty sẽ đào tạo lại người lao động từ đầu nên họ không cần người sinh viên họ tuyển phải giỏi chuyên môn sẵn, chỉ cần người sinh viên giỏi tiếp thu và có khả năng phát triển trong tương lai.

  • Sinh viên kiếm việc làm trước khi ra trường một năm :

Từ cuối năm ba và đầu năm nhất cho bậc đại học, sinh viên nghiên cứu các ngành nghề trong xã hội, tham gia các buổi seminar thuyết minh về công ty, nộp đơn, phỏng vấn xin việc, và nhận kết quả.

  • Dang tiếng các trường đại học rất quan trọng :

Các công ty hàng đầu thường chỉ tuyển các sinh viên từ các trường đại học hàng đầu và một số ít trường đại học ít nổi tiếng hơn.

  • Sự đồng bộ của sinh viên khi đi tìm việc :

Hình ảnh các sinh viên đi ứng tuyển tìm việc của Nhật Bản thường được quy chuẩn theo một mẫu thức chung thể hiện sự giản dị nhưng cũng không kém phần chuyên nghiệp. Đó là : Suit đen hai cúc, giày đen, tóc đen gọn gàng không nhuộm, trang điểm nhẹ (với nữ), tay đeo đồng hồ và xách một chiếc cặp vuông đen. Ngoài ra cac sinh viên còn cần phải lưu ý cách đi lại, ra vào công ty, cách chào hỏi, cách ngồi, cách trả lời phỏng vấn .

  • Tình hình tuyển dụng sinh viên nước ngoài trong các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản :

Xét về độ hấp dẫn của sinh viên nước ngoài doanh nghiệp Nhật muốn tuyển dụng tại nước bản địa đem về làm việc thì sinh viên Việt Nam đứng thứ hai với số lượng chiếm 23,1%. Con số thống kê này cho thấy cơ hội làm việc rất lớn trong doanh nghiệp Nhật cho lưu học sinh Việt Nam tại Nhật và sinh viên Việt Nam trong nước nói chung

Ở phần Tôi đi tìm việc, cô đã đúc kết ra tất cả những kinh nghiệm của chính bản thân mình trong những tháng ngày đi tìm việc tại nước Nhật bản. Có thể nói đây chính là nguồn tư liệu tham khảo quý giá cho những ai đã, đang và sẽ có ý định làm việc tại Nhật Bản. Để tìm việc, bạn có thể làm theo 4 bước với những phương pháp ở mỗi bước bao gồm :

  • Phân tích bản thân là bước quan trọng nhất :
  • Viết ra giấy tất cả những kinh nghiệm của bản thân trong quá khứ
  • Phân tích các kinh nghiệm trong quá khứ bằng các câu hỏi về: Động cơ bắt đầu, lý do động lực, vấn đề, cạc xử lý tình huống, kết quả, điều học tập – trưởng thành, kinh nghiệm thất bại, lý do tiếp tục.
  • Tìm ra điểm mạnh của bản thân trong các kinh nghiệm ấy
  • Tìm ra lĩnh vực bạn muốn hoạt động và làm việc trong tương lai
  • Từ kết quả phân tích bản thân, chuẩn bị các câu trả lời để PR bản thân, xây dựng lý do ứng tuyển
  • Phân tích các ngành nghề, công ty tồn tại trong xã hội
  • Tìm kiếm ngành nghề, công ty phù hợp
  • Làm hồ sơ, thi và phỏng vấn
  • Luyện tập và luyện tập
  • Luôn là chính mình
  • Phỏng vấn lại nhà tuyển dụng
  • Biến phỏng vấn thành buổi trò chuyện vui vẻ và cuốn hút

Chương 5 : Nhật Bản trong mắt tôi

Đây có lẽ là phần đặc biệt nhất của cuốn sách. Bởi nó đã vẽ ra một bức tranh tươi đẹp, giản dị về đất nước, con người Nhật Bản bằng những bài viết như “Nước Nhật thật đặc biệt” hay câu chuyện “Người Nhật với thảm họa động đất”. Người đọc sẽ có được một cái nhìn toàn cảnh về xã hội, con người, cũng như tinh thần Nhật Bản. Ở Nhật, cảnh sát được coi như là “hàng hóa công cộng” – Hệ thống Koban khiến họ tự hào là một trong những nước an toàn nhất thế giới; cùng với đó là sự cống hiến hết mình cho công việc với tư tưởng “làm việc đến tận cuối đời”, cùng với tác phong làm việc xem trọng thời gian :”Theo thống kê, thời gian chậm của tàu siêu tốc Shikansen ở Nhật trung bình mỗi năm chỉ là 30 giây”. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy được những điều còn chưa hoàn chỉnh ở nước Nhật : đó là sự thiếu lạc quan trong cuộc sống, áp lực công việc quá nặng nề khiến Nhật Bản có số thanh thiếu niên tự tử đang ngày càng gia tăng, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình ở Nhật cũng chưa thực sự gắn bó khăng khít với nhau, sự chênh lệch giàu nghèo vẫn còn tồn tại. Những bạn nào đang mơ ước lập nghiệp ở Nhật nên đọc mục “Nhật Bản có phải là một môi trường tốt cho người nước ngoài lập nghiệp” và “Đừng sang Nhật theo trào lưu”. Để thành công ở nước Nhật không phải là một điều đơn giản, thậm chí là rất khó.Sống ở đâu, nên hiểu rõ về đặc điểm xã hội ở đó, có hiểu mới thích nghi được và mới tận dụng tốt để thành công. Một phần vì nước Nhật là một quốc đảo có nhiều điểm vẫn còn rất khép, phần khác là do những yếu tố (1) Quốc tịch Nhật; (2) Nam giới; (3) Nhiều tuổi. Mặt khác, tinh thần khởi nghiệp ở Nhật là không cao. “Nước Nhật trọng những ai làm việc lâu dài trong một công ty, trọng những công ty tồn tại lâu, người Nhật không giỏi khởi nghiệp cái mới nhưng giỏi cải thiện những thứ lạc hậu lỗi thời thành tốt hơn để thích nghi với thay đổi”. Điều đó khiến việc khởi nghiệp một cái gì mới ở Nhật là rất khó, đối với người nước ngoài càng khó, đối với phụ nữ càng khó nữa. Vài năm gần đây, số bạn trẻ quan tâm đến nước Nhật, sang Nhật học tập và làm việc ngày càng nhiều hơn làm nên làn sóng du học, xuất khẩu lao động sang Nhật. Qua cuốn sách, tác giả cũng đã phản ánh được thực trạng không mấy tốt đẹp cũng như gửi những thông điệp, lời khuyên đến mọi người trong thời buổi thông tin quá nhiều và không rõ ràng như hiện nay. (1) Không nên nhầm lẫn giữa việc đi du học và việc xuất khẩu lao động. Thực tế hiện nay dịch vụ “xuất khẩu lao động kiểu mới” đang được nhiều bạn trẻ quan tâm là : sang Nhật dưới dạng du học sinh nhưng khi sang đến nước Nhật rồi thì du học sinh này không đi du học mà chủ yếu là đi làm kiếm tiền, vì thế có thu nhập như đi lao động và có khi còn có thu nhập nhiều hơn tu nghiệp sinh. (2) Thực trạng của những “du học sinh kiểu mới” : họ lao động quá thời gian cho phép (>28 tiếng một tuần) dẫn đến việc ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, tinh thần, học tập. Thậm chí, do số giờ lên lớp không đảm bảo, có người ở Nhật đến 3 năm cũng chưa nói được Tiếng Nhật trôi chảy, một số thành phần người Việt còn nảy sinh thói hư tật xấu, ăn cắp vặt, trộm cắp, phạm pháp do bắt liên lạc hoặc bị vây quanh bởi những tầng lớp xấu. Sang Nhật là một cơ hội học tập lớn. Kiếm tiền cũng quan trọng nhưng việc trau dồi Tiếng Nhật, quyêt tâm đạt được một trình độ nhất định để sau này có thể về nước dùng vốn tiếng nhật đó làm những công việc tốt hơn là cơ hội lớn để đầu tư cho bản thân.

Du học nên chỉ là du học – như nghĩa vốn có của nó – và như pháp luật cho phép. Hãy luôn tỉnh táo để biết mình phải làm gì, sẽ phải đánh đổi điều gì. Hãy thực hiện ước mơ của mình một cách khôn ngoan và an toàn nhất nhé. Nhớ đừng sang Nhật theo trào lưu.

Kết thúc chuyến hành trình dài 3000 ngày học tập và làm việc tại nước Nhật, từng trang sách đều lấp lánh tình yêu của cô gái trẻ đối với đất nước Nhật Bản bí ẩn và cuốn hút nhưng cũng tràn trề tình yêu đối với quê hương và con người Việt Nam, và vì vậy rất dễ tìm được sự đồng cảm nơi người đọc, đồng thời cuốn sách giúp người trẻ biến ước mơ, truyền cảm hứng sức mạnh, niềm tin, hiện thực hóa hoài bão, khát khao của mình.

 

Tác giả: Bùi Hoài Nam – Bookademy

 ----------

Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về: [email protected] 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,957 lượt xem