Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Cưỡi Thuyền Ngược Gió - Tư Duy Sáng Tạo Là Cốt Lõi Kinh Doanh”: Không Có Con Đường Tắt Nào Có Thể Dẫn Bạn Đến Thành Công

Những người làm việc sáng tạo là những người có thể mở rộng lĩnh vực hiểu biết của bản thân bằng cách phát huy tối đa khả năng và đưa ra vô vàn ý tưởng độc đáo. Trên con đường đi đến thành công những người sáng tạo luôn biết cách tạo nên dấu ấn riêng biệt cho bản thân, biết vận dụng linh hoạt các kỹ năng và kiến thức để đạt được mục tiêu. Trong thời đại cạnh tranh càng ngày càng khắc nghiệt đòi hỏi chúng ta phải học cách trở thành những con người sáng tạo. Và con đường đó cũng cần trải qua những khó khăn, trắc trở, đòi hỏi sự cố gắng học hỏi từ bản thân.

Phần I: Tìm kiếm, rèn giũa tính tự lập

65% công ty muốn tuyển dụng những người tự lập

Trong thế giới này luôn tồn tại sự cạnh tranh khốc liệt. Cạnh tranh giữa những loài vật để chiếm được chủ quyền lãnh thổ, cạnh tranh trong việc săn mồi, thức ăn. Cạnh tranh giữa những loài thực vật cạnh tranh từng nguồn sáng, nguồn dinh dưỡng, nguồn nước. Chỉ khi biết phát triển thì kẻ mạnh mới có thể tồn tại trong giới tự nhiên khắc nghiệt. Cuộc sống cũng không khác gì một trận chiến diễn ra trong giới tự nhiên. Trong môi trường làm việc, con người không ngừng cạnh tranh để sinh tồn, khẳng định giá trị của bản thân. Cạnh tranh tạo nên sự khác biệt, nó buộc chúng ta phải phát huy hết khả năng của mình, khiến chúng ta không ngừng mài giũa, cố gắng. Trong công việc kinh doanh nếu không tự mình ươm mầm, sáng tạo và tạo ra những điều mới lạ, nguyên bản thì khó có thể tồn tại.

Thay vì suy nghĩ, nghi ngờ năng lực và khả năng của bản thân chúng ta hãy cố gắng tìm tòi, học hỏi để cải thiện những thiếu sót. Thời gian dành cho việc buồn bã, oán trách thì hãy dùng năng lượng đó để học hỏi cái mới.

Trong quyển sách này tác giả đã đặt ra hình tượng của một người tự lập trong làm việc, trong suy nghĩ, sáng tạo và hành động ra sao:

-Những người quan sát vận động của thế giới từ đó rút ra nhận thức riêng

-Tò mò và luôn muốn được thử thách

-Luôn nghĩ ra những ý tưởng marketing tốt (suy nghĩ giản lược)

-Có ý thức lãnh đạo và phản hồi việc kinh doanh

-Biết coi niềm vui chung như niềm vui của chính mình

-Không đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh (phủ nhận bản thân, chối bỏ trách nhiệm)

-Tự đặt ra và hướng tới mục tiêu

Và để có kế hoạch hành động tác giả cũng nêu ra 4 bước để giúp chúng ta có thể cải thiện và nâng cao khả năng tự lập của mình:

-Bước 1: Nhận biết (Khả năng thu thập thông tin)

-Bước 2: Suy nghĩ (Khả năng tư duy)

-Bước 3: Sáng tạo (Khả năng sáng tạo)

-Bước 4: Hành động (Khả năng thiết lập quan hệ)

Những người làm trong lĩnh vực quảng cáo, dịch vụ khách hàng, đều sẽ luôn nhận được những câu hỏi từ khách hàng và người tiêu dùng như “Phương pháp tốt hơn là gì?” hay “Cách tốt nhất là gì?” Xã hội luôn vận động, con người luôn phát triển,vì vậy nhu cầu của chúng ta ngày một tăng lên, con người sẽ luôn đòi hỏi cái nào tốt hơn, cái tốt nhất là gì, cuộc sống không thể thỏa mãn hay đáp ứng nhu cầu của con người trong một thời gian dài, mà nó sẽ luôn phải vận động để đáp ứng chúng ta. Do đó những người làm trong dịch vụ khách hàng cũng luôn phải sáng tạo hơn nữa để thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng ta biết nhu cầu của khách hàng, chúng ta phải tư duy, sáng tạo ra cái mới và cuối cùng áp dụng nó vào thực tiễn. Bốn bước tuy nghe dễ dàng nhưng cũng là điều khó khăn để thực hiện nhất. Và tác giả đã sắp xếp bốn bước công việc theo thứ tự dành cho “Những người làm việc sáng tạo khao khát những công việc mới mẻ” như sau:

-Tạo ra liên kết giữa bốn bước để hình thành sức mạnh tổng hợp

-Suy nghĩ việc hình thành giá trị mới từ việc “biết”

-“Suy nghĩ”, gắn kết những điều lớn lao, độc đáo với sản phẩm đầu ra

-Tập trung biến “sáng tạo” thành khả năng cạnh tranh

-“Hành động” chính là duy trì những mối quan hệ

-Mài giũa, nâng cao khả năng tổng hợp thành bản năng

-Liên kết kế hoạch công việc với “thương hiệu hóa bản thân”

Công việc của bốn bước nêu trên chính là những tiền đề trong chiến lược marketing. Marketing chính là chiến lược tổng hợp tìm hiểu thị trường, xây dựng kế hoạch phân phối sản phẩm, quảng cáo, chi phí bán hàng và chăm sóc khách hàng. Và hiện nay nó đang là một lĩnh vực bùng nổ, nhận được nhiều sự quan tâm, hứng thú và được coi trọng ở hầu hết mọi nơi. Để xây dựng một chiến lược marketing cần tổng hợp từ việc đứng trên lập trường đối phương để suy nghĩ, tổ chức và sắp xếp các ý kiến mang tính chiến lược, dùng sự chân thành và nhiệt huyết của mình để truyền tải đến cho đối phương.

Để có những phương châm làm việc đúng đắn, chắc chắn chúng ta cần một người đứng đầu đúng đắn. Họ sẽ dẫn dắt ta, đồng thời cũng phải chịu trách nhiêm vô cùng to lớn và nặng nề. Một người lãnh đạo sẽ cần tìm cho mình những người biết việc để làm. Và vì vậy để không bị trở thành một dấu ấn nhạt nhòa trong mắt người lãnh đạo, bạn cần phải biết cách để tạo nên “thương hiệu cá nhân” Đó có thể là một người nhanh nhẹn, chăm chỉ, nhạy bén. Quan trọng hơn hết hãy biết mình ở đâu, cần gì, đang thiếu cái gì đối phương, cụ thể là sếp của mình, khách hàng của mình muốn điều gì, muốn mình làm gì cho họ. Chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ cái tôi cá nhân, sự cạnh tranh luôn diễn ra, và nó chỉ có khắc nghiệt hơn mà thôi. Để xây dựng thương hiệu cho bản thân cũng cần phải có một kế hoạch rõ ràng. Trong quyển sách này tác giả đã nêu lên bốn bước rất kĩ càng “biết-suy nghĩ-sáng tạo-hành động” và cụ thể thể hiện ở những điểm sau:

-Khả năng luôn suy nghĩ từ lập trường của đối phương (khách hàng, xã hội) (bản chất của việc kinh doanh)

-Khả năng lên kế hoạch một cách có chiến lượn (tư duy có hệ thống)

-Khả năng sáng tạo, luôn nghĩ đến những điều mới mẻ khác với những người khác (tư duy sáng tạo)

Phần II: Phương pháp lập kế hoạch của những người làm công việc sáng tạo

Bước 1: BIẾT ( Rèn luyện khả năng thu thập thông tin)

Thông tin mà chúng ta thu thập được nhanh chóng trở nên cũ, sự việc của hôm qua đã cũ so với hôm nay, của hôm nay có khi cũng không mới bằng ngày mai. Vì vậy để bắt kịp xu hướng vận động xã hội, chúng ta không thể ngừng tìm hiểu các thông tin.

Trong kinh doanh “thông tin” là thứ rất quan trọng để sáng tạo ra những giá trị mới. Vì cuộc sống chính là “không ngừng thay đổi”. Dự đoán trước được thay đổi và luôn vận động theo cái mới chính là bản chất của kinh tế.

“Thông tin” tồn tại để chúng ta có thể vẽ nên những giấc mơ,để mở rộng khả năng tưởng tượng và để sản sinh ra những giá trị mới.

Những thông tin ban đầu chúng ta biết được chỉ là gợi ý nhỏ cho chúng ta để mỗi người có thể tự xây dựng cho mình những ý tưởng mới. Việc biết cách biến hóa thông tin để sản sinh ra thông tin mới là chìa khóa thành công để bạn có thể bứt phá và tạo nên dấu ấn cá nhân.

Nói một cách đơn giản thì việc nắm giữ thông tin cà hiểu biết không làm nên một doanh nghiệp thành công. Kiến thức phải được biến đổi thành những giá trị mới, tạo ra những thông tin thực sự có ích. Để làm được như vậy chúng ta phải phát huy nhiều khả năng hơn so với cách tổng hợp thông tin thông thường.

Cấu trúc để hình thành giá trị thông tin mới đó chính là dựa trên giá trị thực tế của nó, ví dụ như đồ vật, kỹ thuật, thị trường, bán hàng, dịch vụ, môi trường, quản lý tính năng. Cùng với đó là các giá trị mang tính thông tin đó là chiến lược hướng đến người tiêu dùng, tính năng mới của sản phẩm, có thể đáp ứng những thói quen mới, những yêu cầu đặc trưng. Hai điều đó tạo nên giá trị doanh nghiệp, làm nổi bật được thương hiệu của công ty đó.

Mục tiêu lớn nhất của các doanh nghiệp đó chính là lợi nhuận, và lợi nhuận được thể hiện thông qua sản phẩm đó có được tiêu dùng nhiều hay không. Và ai sẽ là người mua sản phẩm của công ty bạn. Đó chính là người tiêu dùng. Vì vậy người tiêu dùng đóng vai trò vô cùng quan trọng, để có thể bán được nhiều sản phầm, đòi hỏi nó phải đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Nó thúc đẩy những người làm kinh doanh nghiên cứu kỹ khách hàng của mình để có thể thấu hiểu họ.

Chúng ta cần nghiên cứu triệt để xem người tiêu dùng đang nghĩ gì, họ sẽ phản ứng thế nào, hành động ra sao… Chìa khóa đưa đến thành công cho các chiến lược kinh doanh chính là cách tư duy “ tìm hiêu sâu hành vi và tâm lý người tiêu dùng để đưa ra hoạt động marketing phù hợp”.

Để có thể hiểu được tâm lý người dùng đòi hỏi những người làm kinh doanh cần phải tập trung điều tra 2 thứ: điều tra định tính và điều tra định lượng. Điều tra định tính dựa vào số liệu khách quan bình quân về số người, lượng hàng bán ra, tỉ lệ khách hàng, phạm vi thị trường, tính phổ biến, tính thực tế. Điều tra định lượng sẽ bao gồm lắng nghe ý kiến của một nhóm người để có thể đưa ra nhận định khái quát về ý thức của người tiêu dùng, thói quen, sở thích, tâm lý.

Quan sát khách hàng chính là bản chất của việc kinh doanh. Chỉ cần nghĩ đến con người, chúng ta cũng đã có thể vẽ ra bức tranh toàn cảnh kinh tế không giới hạn.

Để thu thập thông tin hiệu quả hãy đến hiện trường để thực nghiệm ,chứ đừng chỉ mãi ngồi trước màn hình máy tính và thu thập lại thông tin của người khác.

Trong bước này tác giả đã nêu lên bảy bước để có thể nắm bắt được thông tin toàn cảnh thị trường:

-Phân tích môi trường xã hội

-Phân tích thị trường

-Phân tích người tiêu dùng

-Phân tích sản phẩm

-Phân tích đối thủ/bản thân

-Phân tích sự lưu thông

-Phân tích khả năng giao tiếp

Càng thu thập được thông tin chúng ta sẽ càng hiểu rõ được các vấn đề, cái chúng ta cần là gì, làm sao để đạt được nó, đồng thời nó cũng giúp chúng ta linh hoạt xử lý các sự cố không mong muốn.

Cuối cùng động cơ lớn nhất để biết chính là tò mò. Hãy luôn tò mò để động lực muốn tìm hiểu, thấu hiểu và sáng tạo hơn nữa.

Bước 2: SUY NGHĨ (Khả năng tư duy)

Suy nghĩ chính là khả năng tưởng tượng, khả năng mơ mộng. Nếu không đào sâu suy nghĩ, không tập trung cao độ thì không thể tiến lên được.

Theo tác giả khả năng tưởng tượng là khả năng vẽ nên những hình tượng mới

-Vẽ nên hình ảnh thế giới mới

-Khái niệm có khả năng tạo ra giá trị cá nhân

-Tầm nhìn chiến lược cần có trong việc kinh doanh

-Giấc mơ mà rất nhiều người hướng đến

-Ý tưởng sản sinh ra rất nhiều điều mới mẻ

-Khả năng dự đoán được những thay đổi, đưa ra được những giả thuyết

Trước khi tưởng tượng, sáng tạo chúng ta cũng cần

-Cần có khả năng đọc hiểu tình hình, nhìn xa trông rộng để giải quyết vấn đề

-Thấu hiểu cảm xúc của người khác

-Nắm bắt được xã hội đa dạng và phức tạp

-Phá vỡ những tập quán cũ và hình thành những thói quen mới.

Để có thể đưa mặt hàng đến gần hơn với người tiêu dùng, công cụ hữu hiệu nhất đó chính là quảng cáo. Quảng cáo là công việc bán hạnh phúc. Nó đòi hỏi đánh vào tâm lý người dùng, kích thích trí tò mò, nó khiến khách hàng cảm thấy vui vẻ. Mơ ước của khách hàng chính là chìa khóa đem đến thành công cho doanh nghiệp. Ước mơ lớn bắt nguồn từ lời hứa lớn. Lời hứa sẽ đem đến cho khách hàng những điều gì cần thiết và họ mong muốn có được. Làm thế nào để ta có thể hiểu được và đáp ứng được ước mơ của khách hàng? Chính là khả năng tưởng tượng của mình. Để tạo ra một thương hiệu mà ở đó mọi người đều yêu mến chúng ta cần tưởng tượng và quản lý tổng thể. Người tưởng tượng là người kiến tạo những cốt truyện cơ bản. Vẽ nên một bức tranh đa màu sắc, tạo nên một câu chuyện trong đầu để ta có thể hiểu được cảm xúc của khách hàng.

Trong hoạt động suy nghĩ-sáng tạo hàng ngày thì không thể thiếu những khái niệm. Làm thế nào để làm tốt hơn, làm thế nào để tạo ra cái tốt hơn. Có rất nhiều cái tốt hơn mà chúng ta muốn thực hiện. Để tạo ra những thứ tốt hơn đòi hỏi phải luôn tạo ra những khái niệm mới. Khái niệm đó mang giá trị gì? Giá trị mới độc đáo là gì? Tính độc đáo có cao không? Có mang lại ấn tượng kỳ vọng lớn lao không? Có mang ý chí khao khát thành công mạnh mẽ không.

Khái niệm viễn cảnh đã không còn xa lạ đối với xã hội luôn vận động, thay đổi không ngừng như bây giờ. Viễn cảnh là một bức tranh tổng thể về tương lai, hành động tương lai, tạo ra những thay đổi mới. Viễn cảnh xã hội sẽ vận động như thế nào để doanh nghiệp có thể xây dựng tầm nhìn thương hiệu trong 10, 20 năm nữa, để nó luôn bắt kịp với xu hướng vận động của xã hội.

Phần cuối cùng trong bước thứ 2 là việc xây dựng cảm tính. Hiện nay các doanh nghiệp đều đòi hỏi nhân viên của mình phải có một tâm trạng nhạy bén. Để xây dựng cảm tính, hay là để tạo nên những sự độc nhất của bản thân thì không còn cách nào khác ngoài rèn giũa, nâng cao khả năng của mình.

Bước 3: SÁNG TẠO (Rèn luyện khả năng sáng tạo)

Khả năng sáng tạo là

-Khả năng nảy ra những điều mới mẻ, những ý tưởng chưa ai biết tới

-Tạo ra những giá trị mới khi giải quyết vấn đề

Không có khả năng sáng tạo, chúng ta không thể kỳ vọng đến việc kinh doanh hiệu quả, tìm thấy những điều thú vị, tạo ra thành quả và chứng minh sự tồn tại của bản thân.

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp dẫn đến việc mỗi công ty đều cố gắng tìm được bản sắc riêng cho thương hiệu của mình. Chính vì vậy họ luôn nỗ lực khẳng định cái độc nhất của mình, không ngừng sáng tạo. Sáng tạo cũng chính là một cách để giải quyết vấn đề tốt nhất. Không có vấn đề nào là giống nhau vì vậy chúng ta cũng cần linh hoạt để tạo ra những giải pháp mới.

Chúng ta không thể giải quyết từng phần rắc rối. Cần phải đưa vấn đề ra một góc nhìn rộng hơn và quan sát, sửa chữa và tìm hướng đi mới, tất cả các bước đều cần tưởng tượng và sáng tạo.

Sáng tạo bắt nguồn từ vứt bỏ và phá vỡ. Sáng tạo để tạo ra cái mới thay thế cho cái cũ. Phá vỡ những quy tắc cũ, thiết lập những quy chuẩn mới. Sáng tạo cũng giống như tình yêu. Khi bạn thích một ai đó, bạn sẽ tìm hiểu xem họ như thế nào, hoàn cảnh sống, tính cách, sở thích cá nhân. Và bạn luôn mong muốn làm mọi điều để khiến đối phương cảm thấy hạnh phúc nhất. Sáng tạo cũng như vậy chúng ta cũng phải tìm hiểu khách hàng thích gì, muốn gì, làm thế nào để thỏa mãn họ. Chúng ta cần làm gì để khiến cho khách hàng cảm thấy vui vẻ. Sáng tạo là hào hứng mong chờ sự thay đổi. Để thay đổi giá trị chúng ta cần:

-Thay đổi góc nhìn – Thử thay đổi góc độ bình thường ta vẫn quan sát

-Thay đổi những điểm mấu chốt – Gắn kết vấn đề với những điều mới lạ, những thứ chưa biết, những lĩnh vực khác

-Thay đổi nhận thức – Không bán “hàng hóa” mà là bán “ý nghĩa”

-Thay đổi khái niệm – Thay thế những lý tưởng, những đường lối chỉ đạo cũ.

Sáng tạo là những chiến lược tác động đến con người. Sáng tạo không chỉ đơn thuần tạo ra cái mới, mà cái mới đó phải đem đến kết quả nào đó, không thì chúng ta sáng tạo làm gì. Sáng tạo luôn đi kèm với chiến lược cụ thể để đạt được kết quả tốt nhất. Sáng tạo sẽ bao gồm cả chiều rộng, chiều dài và chiều sâu. Đó là khả năng triển khai, duy trì và thâm nhập. Sáng tạo chính là chỗ để tự khẳng định mình.

Ngày nay cũng là thời đại tự khẳng định mình của từng cá nhân, bởi lẽ giờ đây công ty, doanh nghiệp khi tuyển dụng luôn lựa chọn “cái tôi”. Điều đó khiến môi trường kinh doanh trở thành “môi trường tốt nhất để sáng tạo”, để thể hiện “cái tôi cá nhân”.

Chúng ta ngày nay không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ đơn thuần, mà còn phải chứng minh những phương pháp riêng của bản thân cũng đem lại kết quả. Chúng ta không chỉ đơn thuần thụ động chờ công việc đến và làm theo những gì người khác bảo, mà còn phải chứng minh mình là một người có khả năng sáng tạo, nghĩ ra được nhiều giải pháp hay ho hơn nữa. Mỗi chúng ta nên tự tạo cho mình một cá tính riêng biệt, và biến nó thành thế mạnh cạnh tranh trong công việc kinh doanh.

Bước 4: VẬN ĐỘNG ( Kiến tạo các mối quan hệ)

Mục tiêu của vận động chính là tạo ra những mối liên kết sâu sắc.

Đối với những làm việc sáng tạo, quan điểm muốn tạo ra “mối liên kết bền vững” từ ba bước “biết, suy nghĩ và sáng tạo” là vô cùng cần thiết.

Tác giả cho rằng vận động cũng chính là khả năng tạo lập quan hệ. Nó không phải là khả năng đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ như thế nào, mà nó đòi hỏi chúng ta học cách lấy được sự tín nhiệm của người khác. Điều chúng ta cần không phải là truyền đạt cách tiến hành mà là thái độ của mình. Thái độ đối với khách hàng sẽ đánh giá con người của bạn trong mắt đối phương. Nó cũng giúp ta xây dựng mối quan hệ lâu dài và bền vững với mọi người chúng ta tiếp xúc.

Để đối phương hiểu được những điều chúng ta muốn truyền đạt hãy chuẩn bị 1 bản kế hoạch hoàn chỉnh. Bản kế hoạch đó cần phải đứng từ suy nghĩ của đối phương để viết nên, nó cũng giúp cho đối phương mở rộng, kích thích tầm nhìn. Ngoài ra một bản kế hoạch tốt cũng cần viết rõ những suy nghĩ hay vướng mắc của người viết (bản thân). Một bản kế hoạch cũng chỉ nên gói gọn trong 1 trang A4, người đọc có thể dễ dàng thấy được tổng thế, hiểu được tính liên quan, nắm được bản chất vấn đề, dễ dàng quan sát mọi thứ và dễ đưa ra đánh giá của bản thân. Sau khi có được một bản kế hoạch hoàn chỉnh điều tiếp theo chúng ta phải làm là trình bày nó. Việc trình bày hay là thuyết trình là sự giao tiếp giữa hai chiều giữa người nghe và người nói. Thuyết trình chính là hiểu được 2 điều: Mình muốn nói gì và muốn nói nó như thế nào. Dựa vào bản kế hoạch để nói những điều mình muốn và vận dụng các kỹ năng để diễn đạt nó.

Thuyết trình không phải chỉ để giải thích về kế hoạch mà còn là để lựa chọn đối tác.

Nhờ vào khả năng giao tiếp chúng ta có thể làm quen với những người mới, hiểu được khả năng của họ, dựa trên cơ sở đó để xây dựng mối quan hệ lâu dài tin tưởng lẫn nhau.

Ngày nay để đánh giá một doanh nghiệp thành công hay không thì không chỉ còn dựa vào mỗi kỹ thuật, sản phẩm hay thu nhập hiện tại nữa, mà còn bao gồm cả tiêu chí duy trì và nghĩa vụ cống hiến xã hội. Duy trì xã hội được biểu hiện ví dụ như ở vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu doanh nghiệp đó gây ra một vụ bê bối ô nhiễm môi trường sẽ dẫn đến sự phản đối của người dân và tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp đó sản xuất.

Mục tiêu cuối cùng của cả thế giới, của đất nước chúng ta, của từng doanh nghiệp, từng ngành kinh doanh và từng cá nhân chúng ta đều là phát triển bền vững.

Phần III: Bốn khả năng tổng hợp để tạo nên thành công

Trong phần nay tác giả nêu ra những ví dụ để chứng minh sự tổng hợp của bốn bước “biết, suy nghĩ, sáng tạo và vận động” trong việc tạo lập thương hiệu của các nhãn hàng nổi tiếng. Nó giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn về cách một doanh nghiệp làm thế nào để tạo được dấu ấn riêng trên thị trường cạnh tranh khốc liệt này.

Ví dụ về Starbucks – Thương hiệu café nổi tiếng, được đông đáo giới trẻ hâm mộ

Bốn bước mà Starbucks đã áp dụng:

-Bước 1: Biết

  • Cà phê của Mỹ nhạt và không ngon
  • Văn hóa cà phê không phát triển
  • Muốn uống nhanh chóng
  • (Giám đốc) Sau khi thưởng thức Expresso của Ý liền có suy nghĩ “Cũng có loại cà phê ngon thế này sao?”

-Bước 2: Suy nghĩ

  • “Tạo ra văn hóa cà phê mới” theo đúng tiêu chuẩn của khách hàng

-Bước 3: Sáng tạo

  • “Chốn thứ ba của bạn”
  • (Mang đến cho khách hàng chốn bình yên thứ ba ngoài nhà và nơi làm việc)

-Bước 4: Vận động

  • Tạo ra giá trị quan mới với cơ sở là “chốn” bình yên

Và còn rất nhiều các ví dụ từ các nhãn hàng khác mà bạn nên tìm hiểu trong phần này. Mỗi thương hiệu sẽ có những điểm riêng biệt về nội dung cũng như cách thức xây dựng thương hiệu, nhưng đều sẽ tuân thủ theo bốn bước ở trên.

Phần IV: Không có những “suy nghĩ” vượt quá khả năng hiện tại

Trong “thế giới trí tuệ”, ta cần phải có suy nghĩ nếu muốn trở nên chuyên nghiệp hơn thì ngay từ hiện tại, ta phải làm gì và làm chuyên nghiệp ra sao. Chúng ta bắt đầu từ việc nắm bắt lý thuyết, phương pháp và kỹ thuật, điều chỉnh khả năng sao cho phù hợp. Không ai có thể chiến đấu tức thì cả. Trước tiên chúng ta cần đưa bản thân vào một guồng cụ thể, làm quen dần với những biến cố bất ngời. Kích thích thu hoạch sớm chỉ khiến thành quả nhanh hỏng mà thôi.

Lời kết

Điều quan trọng mà chúng ta cần phải nhớ nhất đó chính là bất kể bạn làm việc ở lĩnh vực, kể cả trong kinh doanh hay quảng cáo, không có con đường tắt nào để dẫn đến thành công. Xuất phát điểm chúng ta đều như nhau, đều là những con người bình thường. Chỉ qua quá trình tự rèn luyện, rèn giũa mới tạo ra được một con người thành công.

Tác giả: Mai Hương - Bookademy

----------------------------------

Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,000 lượt xem