Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "How To Stand Out - Nổi Bật Cũng Cần Chiến Thuật": Những Cách Gây Chú Ý Để Mọi Người Công Nhận Tài Năng Của Bạn

“Điều gì giúp một số người nổi bật? Điều gì khiến những cá nhân nhất định khác biệt với đám đông – phải chăng là thu hút sự tập trung và được người khác chú ý trong công việc, trong một buổi tiệc hay trong đời?”

Bạn có lẽ đã trau dồi được nhiều kỹ năng để hoàn thiện bản thân và thành công hơn. Những đôi khi bạn sẽ cần thể hiện những kỹ năng đó để đồng nghiệp, khách hàng, bạn bè và cả thế giới công nhận những gì bạn đã làm.

Dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu và những ví dụ thực tế đầy cảm hứng, tiến sĩ Rob Yeung sec hướng dẫn bạn những bí quyết để được mọi người chú ý. Với cuốn sách “How To Stand Out - Nổi Bật Cũng Cần Chiến Thuật” bạn sẽ nhanh chóng đạt được các kỹ năng:

  • Vận dụng thành công ngôn ngữ cơ thể
  • Kết hợp những câu từ khiến mọi người phải gật đầu đồng tình trong lời nói hằng ngày
  • Trau dồi kỹ năng thuyết phục để bán sản phẩm, nêu ý tưởng, lập mạng lưới quan hệ và giao lưu với bạn bè
  • Tạo động lực thúc đẩy để trở nên thành công hơn
  • Nâng cao lòng tự tin để đạt được thành quả như mong muốn

Chương 1: Thúc đẩy sự tự tin và lật tẩy sự tự tin giả

“Tôi nghiệm ra rằng dũng cảm không phải là không sợ hãi, mà là chiến thắng sự sợ hãi” – Nelson Mandela.

  • Hãy hiểu rằng trạng thái tinh thần phù hợp có thể tạo nên sự khác biệt hoàn toàn đối với biểu hiện, vị thế và sức thuyết phục của bạn. Bất kể bạn đang đàm phán với một, nhiều hay rất nhiều người, hoặc chỉ là người đang đọc thư ứng tuyển, luôn có những kỹ thuật được chứng minh rằng có thể đánh bại sự lo lắng và giúp bạn nổi bật với lý do chính đáng.
  • Hãy ghi nhớ sự tin giả: nhiều người trong có vẻ tự tin, nhưng bạn không thể biết trong lòng họ đang cảm thấy lo lắng hay kinh sợ thế nào. Vậy nên, bạn đừng cho rằng mình là người duy nhất trên đời luôn cảm thấy kinh hãi và thiếu tự tin từ trước đến giờ. Có thể rất nhiều người quanh bạn cũng đang tỏ vẻ tự tin, nhưng không cảm thấy tự tin chút nào.
  • Bạn cũng nên lưu tâm đến ảo tưởng thấu suốt. Việc bạn nhận thức rõ rang về những triệu chứng căng thẳng của mình - như tim đập nhanh, lòng bàn tay đổ mồ hôi, âu lo cứ lởn vởn trong đầu – không có nghĩa là người khác cũng có thể nhìn ra. Đơn giản là hãy nhắc nhở chính mình về ảo tưởng thấu suốt này; chỉ cần như thế, bạn sẽ trong đáng tin cậy hơn và nói chuyện hùng hồn hơn với người khác.
  • Hãy nhớ rằng bạn sẽ nhận được lợi ích từ việc áp dụng các kỹ thuật trên chứ không chỉ hiểu về chúng. Một số kỹ thuật cần được viết ra giấy vì đó là cách chứng tỏ chúng có ích. Đừng hiểu lầm rằng chỉ đọc qua vài chương sách là bạn có thể có được sự tự tin ghê gớm mà bạn tìm kiếm.
  • Trong hành trình để trở nên nổi bật, hãy thử toàn bộ các kỹ thuật và xem cách nào phù hợp với bạn. Hãy làm và thử kết hợp nhiều cách khác nhau, để xem cách nào sẽ nâng tầm cho bạn.

Chương 2: Thuyết phục thông qua ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp không lời

“Phương tiện chính là thông điệp” – Marchall McLuhan.

  • Có vô số bằng chứng chỉ ra rằng những dấu hiệu không lời – từ biểu hiện gương mặt, chất going cho đến điệu bộ - sẽ tạo nên sự khác biệt có thể đo lường được ở nét lôi cuốn, khả năng được ghi nhớ và tạo ảnh hưởng của bạn.
  • Về đặc điểm giọng nói, hãy nhớ rằng giọng trầm có thể giúp bạn được nhìn nhận như người lãnh đạo, có năng lực và đáng tin cậy. Cũng nên cân nhắc thêm một phát hiện bất ngờ rằng việc nói nhanh hơn thường gắn với khả năng được đánh giá tốt hơn.
  • Kết hợp thêm điệu bộ vào hành động của bạn nếu muốn cải thiện khả năng thuyết phục của mình. Tuy nhiên phải nhớ rằng không phải điệu bộ nào cũng tạo nên hiệu quả như nhau: Những cử chỉ chạm vào bản thân bạn có thể vách trần sự hoài nghi hay dối trá.
  • Kết hợp phong cách giao tiếp không lời tổng quan với bản chất thông điệp muốn truyền tải. Sôi nổi và năng động không phải lúc nào cũng phù hợp. Không có phong cách nào là tuyệt đối đúng hoặc sai – chỉ có phong cách phù hợp nhất trong tình huống nhất định.
  • Yêu cầu mọi người phản hồi về sự phù hợp trong phong cách của bạn. Đừng tự cho rằng mình biết cần phải làm gì. Hãy khuyến khích những người xung quanh nói cho bạn biết những điều mà bạn không tự mình nhận ra.

Chương 3: Chiến thắng bằng lời nói

“Mục tiêu của hùng biện cá nhân không phải là chân lý mà là sự thuyết phục” ­– Thomas Babington Macaulay.

  • Chúng ta ít khi bị thuyết phục hoàn toàn bởi sự thật và logic – giá mà được như thế. Con người được cấu thành từ lý trí và tâm hồn. Hãy dành thời gian truyền đạt điều cốt lõi trong thông điệp của bạn bằng cách khéo léo lựa chọn ngôn ngữ, và bạn sẽ nhận ra thông điệp của mình dần trở nên hiệu quả hơn.
  • Không phải khán giả nào cũng giống nhau. Tất nhiên, thật dễ để bạn sử dụng cùng một bài thuyết trình, cùng slide trình chiếu và cùng thông điệp truyền tải. Nhưng hãy lưu ý rằng hầu hết khan giả đều muốn được đối xử đặc biệt.
  • Mọi người thường nghe theo trái tim hơn là trí óc, nên hãy truyền đạt những cảm xúc mà bạn muốn khan giả đón nhận. Hàng tá nghiên cứu đã chứng minh cho sức mạnh của cảm xúc trong việc tác động đến hành vi của con người. Hãy bắt đầu với một cảm xúc nào đó nếu bạn muốn thuyết phục họ tuyệt đối.
  • Sử dụng những thủ thuật như đặt ra kỳ vọng cao và sử dụng các tuyên bố đạo đức, chúng cũng có ảnh hưởng đến trái tim hơn khối óc. Mọi người có thể hiểu các con số, nhưng họ lại bị ảnh hưởng bởi những tham vọng cao cả và quan niệm đạo đức.
  • Hãy kể chuyện nhiều hơn. Đó có thể là một câu chuyện truyền cảm hứng về ai đó đã gặt hái thành công, hay một câu chuyện về sự thất bại để cảnh tỉnh. Hãy chia sẻ tự nguyện về cuộc đời của chính bạn. Tất cả mọi người đều thích nghe kể chuyện. Và chỉ cần họ muốn, thật sự mong muốn nghe bạn nói là bạn đã hoàn thành một nửa công việc rồi.
  • Và hãy nhớ đến những công cụ thường được nhiều diễn giả chuyên nghiệp sử dụng, như phép ẩn dụ, ví von, so sánh, câu hỏi tu từ, đối lập và liệt kê. Nhưng hãy nhớ rằng chỉ sử dụng các công cụ trên sẽ không đảm bảo cho bạn tạo được ấn tượng tốt. Bạn cần phải sử dụng chúng cùng với những dấu hiệu không lời.

Chương 4: Gia tăng hiệu suất bằng niềm đam mê

“Không có gì thay thế được sự cần cù chăm chỉ” – Thomas Edison

  • Những cá nhân nổi bật, làm việc hiệu quả thường có khuynh hướng lạc quan về công việc của họ. Điều đó nghe có vẻ hiển nhiên. Nhưng nếu bạn bám vào một công việc mà mình chán ghét, nó có thể khiến bạn phải từ bỏ, vì thực tế là bạn sẽ không bao giờ được chú ý hay thăng tiến trong công việc đó. Nếu không thích công việc của mình, hãy hành động.
  • Giá trị mà chúng ta gán cho công việc mang tính chủ quan. Hai người có thể làm cùng một việc, nhưng một người có thể cảm thấy căng thẳng và mất tinh thần, còn người kia có thể cảm thấy lạc quan và tận tụy với nó. Không phải ai cũng có cùng cảm giác đối với một công việc. Tất cả chúng ta đều có thể cảm thấy nhiệt huyết hơn trong công việc nếu chúng ta lựa chọn nó.
  • Nếu bạn đang quản lý những người khác hay vận hành một doanh nghiệp, hãy nhớ rằng một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của bạn là đảm bảo những người làm việc cho bạn tìm thấy được giá trị cũng như ý nghĩa trong công việc. Hãy giúp họ hiểu được bức tranh rộng lướn và những hệ quả từ công việc của họ đối với đồng nghiệp, khách hàng và cộng đồng, giúp họ hoàn thành công việc hết sức mình.
  • Một cách để hạnh phúc hơn trong công sở là hãy thoát khỏi nó và tìm một công việc khác phù hợp với bạn. Phương châm cốt lõi của việc tự bố trí công việc là mọi người có thể và nên định hình bản chất công việc của họ. Tìm kiếm sự phản hồi và những lười khuyên chân thành từ thành viên trong nhóm, cũng như các buổi huấn luyện với người quản lý. Càng cảm thấy mình kiểm soát công việc tốt, bạn sẽ càng đạt năng suất cao hơn.
  • Những cá nhân nổi bật không chỉ thể hiện mình tốt bằng cách sử dụng những ngôn từ thông minh và ngôn ngữ hình thể. Họ còn thể hiện mình bằng những thành quả. Nhưng thật khó để làm điều này nếu bạn không thật sự cảm thấy hài lòng trong công việc. Vì vậy, đầu tư cho sự nghiệp của mình bằng cách đảm nhận trách nhiệm và tạo ra công việc mà bạn muốn làm.

Lời kết: Vươn lên, tiến xa và vượt qua chính mình

“Nếu sống đủ lâu, bạn nhất định sẽ phạm sai lầm. Nếu học hỏi từ những sai lầm đó, bạn sẽ trở thành người tốt hơn” – Bill Clinton.

Bất cứ hành trình tự cải thiện bản thân nào cũng bao gồm những lần thử và sai. Chẳng hạn như việc bạn cố gắng đưa phép ẩn dụ vào ngôn ngữ của mình. Vài người có thể làm tốt, trong khi những người khác lại vấp váp. Khi cố gắng tự bố trí công việc, bạn có thể nhận thấy vài nỗ lực của bạn được thưởng xứng đáng, trong khi những nỗ lực khác lại kết thúc trong sự thất vọng.

Những sai lầm, nhầm lẫn và vấp váp đều tốt cả, miễn là bạn học được điều gì đó từ chúng. Chúng ta biết rằng các nhà nghiên cứu khoa học đã kiểm tra hiệu quả của những cách can thiệp khác nhau lên các nhóm đối tượng thử nghiệm. Hãy tự xem mình như một nhà nghiên cứu đang xem xét, phân loại các kỹ thuật nào hiệu quả đối với mình.

Khi mọi chuyện trở nên tồi tệ, hãy học hỏi từ điều đó. Nghĩ xem điều gì đang diễn ra và phân tích xem bạn có thể cải thiện cho cơ hội tương lai như thế nào.

Nhưng để công bằng, bạn cũng nên xem lại những thành công mình đạt được. Đừng chỉ thử một kỹ thuật và mặc định rằng nó đương nhiên sẽ hiệu quả. Nghĩ xem làm thế nào để kỹ thuật này thậm chí còn có hiệu quả tốt hơn trong những lần tới.

Bất kể đang huấn luyện một cá nhân theo kiểu một đối một hay làm việc cá nhân với cả một nhóm các nhà quản lý, xem xét lại những hành động của họ hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Có một phương pháp đơn giản gọi là: Hoạch định, Thực hiện, Xét lại.

 

 

Tác giả: Phương Anh - Bookademy

-----------------------------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,039 lượt xem