Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Nói Ra Đừng Sợ - Kỹ Năng Thuyết Trình Cho Người Mới Bắt Đầu”: Shy or Shine

Tôi là một người hướng nội và rất ngại nói chuyện với mọi người, chứ đừng nói đến việc thuyết trình trước hẳn một đám đông. Lần đầu tiên thuyết trình trước lớp là năm đầu tiên đại học. Tôi vẫn nhớ như in câu nói của cô bạn cùng lớp dành cho tôi sau bài thuyết trình của mình “Big Fail”. Câu nói khiến tôi hoàn toàn sụp đổ, thất vọng và căm ghét chính bản thân mình. Việc đó đã khiến tôi mất đi sự tự tin một thời gian dài, nó khiến tôi sợ càng thêm sợ những môn học cần phải thuyết trình. Nhưng trong sâu thẳm con người tôi vẫn biết rằng thuyết trình là một việc cần thiết và tôi phải thực hiện nó chứ không thể mãi trốn tránh được. Chỉ là tôi không biết phải làm thế nào để xóa bỏ đi rào cản sợ hãi trong lòng. Tôi tự hỏi những người thuyết trình giỏi ngoài kia có phải bẩm sinh đã như vậy, hay chỉ có những người hoạt ngôn, hướng ngoại mới có thể làm tốt công việc nói trước đám đông, và thuyết trình vốn không có chỗ cho những người hướng nội. Tôi rơi vào một vòng xoáy suy nghĩ không lối thoát, nghi ngờ và tuyệt vọng, khao khát phá vỡ nhưng lại sợ hãi vì sẽ lại bị những lời nhận xét của mọi người làm cho tổn thương.

Người mới thuyết trình đa phần đều thiếu niềm tin vào bản thân. Họ sợ đủ mọi thứ, sợ người  nghe sẽ ngó lơ không quan tâm đến điều mình nói, sợ sẽ nhớ trước quên sau, sẽ không biết điều tiếp theo mình cần nói là gì.

Bruce Lee đã từng nói: “ Bạn không thể học được điều gì mới trừ khi bạn sẵn sang chấp nhận những giới hạn của bản thân. Bạn phải chấp nhận sự thật là bạn có khả năng trong một vài khía cạnh và giới hạn trong những điều khác, và bạn phải phát triển những khả năng của bản thân”. Tôi phải chấp nhận sự thật rằng mình không có năng khiếu ăn nói, nhưng mình có khả năng học hỏi, cố gắng, bền bỉ không ngừng nghỉ, và tôi sẽ không để mình phải khuất phục trước những trở ngại này. Không biết thì học, và tôi tin bản thân sẽ trở thành một người thuyết trình giỏi. Và quyển sách “Nói ra đừng sợ: Kỹ năng cho người mới thuyết trình mới bắt đầu” đang và sẽ giúp chúng ta rất nhiều trên con đường trở thành một người thuyết trình giỏi.

Trên đời này, bất kỳ chuyện gì, muốn làm được cũng cần có thời gian suy nghĩ và chiêm nghiệm. Chính vì vậy, bạn nên đọc và suy ngẫm thật sâu những điều đã được đúc kết, vì nó có thể là những vấp váp mà bạn đã từng trải nghiệm trong việc thuyết trình, hay nó cũng có thể là những kinh nghiệm hữu ích để bạn thành công hơn trong việc chinh phục người nghe.

Shy or Shine- Mãi sống thu mình hay sẽ tỏa sáng đều phụ thuộc vào lựa chọn của chính chúng ta ngay lúc này.

Phần 1: Yếu tố tạo nên người thuyết trình giỏi

Trước hết để trở thành một người thuyết trình giỏi bạn phải là người tự tin, tin vào bản thân mình, tin vào những khả năng của mình, tin vào những khả năng đó sẽ giúp bạn trong việc thuyết trình ra sao. Bạn nên tin tưởng vào bản thân chứ không phải là lời nói, bình phẩm của mọi người về bạn. Chỉ có bạn biết rằng khả năng của mình lớn hơn rất nhiều, và vượt xa những phán xét dành cho bạn. Chỉ có tin tưởng bản thân mới giúp bạn nhìn nhận được điểm mạnh, điểm yếu, và khát khao, mong muốn được học hỏi, để khắc phục những yếu điểm đó, và sẽ không bao giờ sợ hãi trước thất bại.

Hơn cả việc tin tưởng vào bản thân mình đó chính là tin tưởng mọi người sẽ yêu thích bài nói của mình. Việc tin rằng họ sẽ ủng hộ bạn, chìm đắm trong lời nói và sự dẫn dắt của bạn sẽ tạo nhiều năng lượng giúp bạn phấn khởi và tự tin hơn.

Để có được sự tự tin ở bản thân mình cũng như ở phía bên người nghe, quan trọng là bạn phải chuẩn bị kĩ càng trong tay một thứ vũ khí lợi hại. Đó chính là nội dung bài nói của mình. Một bài viết được chuẩn bị kĩ càng, chi tiết sẽ giúp bạn có thêm tự tin vào phần trình bày của mình cũng như nhận được sự hưởng ứng từ phía đám đông.

Bạn đừng lo sợ nếu mình tin tưởng quá nhiều vào điều gì đó sẽ nhận lại thất vọng càng nhiều hơn. Chúng ta chưa thử thì không thể biết được kết quả sẽ ra sao. Lo lắng và sợ hãi sẽ khiến bản thân càng thêm mệt mỏi, càng khiến bản thân trì trệ, đi xuống. Chấp nhận giới hạn của bản thân và tin tưởng vào những khả năng khác của chính mình sẽ giúp bạn có thêm sức mạnh to lớn để vươn xa hơn nữa.

Khi trình bày trước một đám đông bạn cần phải cho mọi người biết bản thân bạn là ai. Tên tuổi, địa vị hay những thứ khác không quan trọng bằng việc bạn ở đây với mục đích là gì, bạn sẽ là một người truyển cảm hứng cho mọi người, là một người mang đến những thông điệp hữu ích cho mọi người, chứ không phải sự thu hút đến từ những bộ trang phục hút mắt, vẻ ngoài lộng lẫy của mình. Hãy học cách trở thành một chuyên gia trong mắt mọi người bằng cách chú trọng những điều sau trong bài thuyết trình

- Nói ngắn gọn, dễ hiểu để giúp người nghe nắm được thông tin quan trọng nhất mà mình muốn truyền đạt và để tránh sự buồn chán.

- Nói chuyện một cách chủ động, tự tin: Nếu bạn run rẩy và tỏ ra mất bình tĩnh, bài nói của bạn sẽ coi như mất đi một nửa giá trị. Mọi người biết được điểm yếu của bạn họ sẽ mất đi sự hứng thú và tập trung vào bài nói của mình vì họ biết đây cũng sẽ là một trong hàng nghin người thuyết trình nhàm chán.

- Hiểu được những gì người khác muốn nghe

- Luôn sử dụng ngôn ngũ tích cực để truyền động lực và năng lượng cho người nghe. Giúp họ thấy được lợi ích mà họ đạt được qua bài thuyết trình của bạn.

Phần 2: Xây dựng và phát triền nội dung

Đây là phần quan trọng quyết định đến sự thành bại của một người thuyết trình. Nếu bạn tự tin vào khả năng nói của mình, nhưng trong tay lại chỉ nắm trong tay những nội dung sơ sài, thì người nghe sẽ không dễ dàng để bị mắc lừa bởi bề ngoài của bạn. Họ đến đây để nghe nội dung bạn nói chứ không phải đến để thẩm định khả năng nói tốt hay dở của bạn.

Để có một bài nói hoàn hảo trước hết phải xây dựng nội dung cẩn thận. Tùy thuộc vào hình thức của đề tài mà chúng ta có thể xây dưng nội dung theo các hướng khác nhau:

Hướng I: “Tôi có ý tưởng”

Bạn nên tạo ra những ý tưởng mới để tránh sự trùng lặp và nhàm chán cho người nghe. Độ “mới” của những kiến thức mà bạn dùng để trình bày cũng cần phải đảm bảo sự minh bạch, độ chính xác, và khả thi.

Hướng II: “Tôi có một hiểu biết”

Từ những hiểu biết của bản thân để chọn ra ý tưởng cho bài thuyết trình của mình bạn cần phải chú trọng đến sự đúng đắn của thông tin, nguồn gốc của nó; giá trị thời đại của nó, liệu nó có phù hợp với cuộc sống hiện đại đang biến đổi không ngừng, những thông tin mới sẽ tốt hơn những điều đã được nói đi nói lại nhiều lần. Tiếp theo trong việc lựa chọn ý tưởng của bài thuyết trình bạn không thể bỏ qua sự khách quan, bạn không thể chỉ luôn nói những điều tốt về một vấn đề mà bỏ qua những khía cạnh còn tồn tại của nó. Cái gì cũng có hai mặt, không có gì tốt hoàn toàn và cũng không có cái gì xấu toàn bộ. Nếu bạn đề cập đến từ nhiều góc độ thì sẽ giúp tăng tính thuyết phục của bài thuyết trình.

Hướng III: “ Tôi có kinh nghiệm”

Việc khai thác nội dung này khác biệt so với hai hướng còn lại ở chỗ là ở đây bạn sẽ tập trung xây dựng vấn đề dựa trên những kinh nghiệm của bản thân mình. Tuy nhiên bạn cũng cần phải lưu ý khi chọn hướng đi này. Hãy tự đặt câu hỏi liệu kinh nghiệm đó có phải của riêng mình, bạn không thể bắt mọi người ngồi nghe đi nghe lại những trải nghiệm, kĩ năng mà họ đã đọc trong sách vở, người khác sẽ luôn cảm thấy hứng thú trước câu chuyện của chính người nói, vì bạn sẽ có minh chứng rõ ràng nhất cho những điều bạn nói. Và đừng quên một điều cần thiết là bạn phải đảm bảo bạn đã thành công khi áp dụng những điều mà bạn nói. Người nghe sẽ không cảm thấy thuyết phục hay tin tưởng vào những lời nói xuông mà không thấy được những thành tựu của bạn.

Sau khi đã xác định ý tưởng cho nội dung của mình, điều tiếp theo bạn làm là bắt tay vào xây dựng nó. Quyển sách này đã đưa ra những cách thức rất cụ thể, kèm theo ví dụ sinh động mà bạn không nên bỏ lỡ nó. Dưới đây chỉ là phần tóm tắt:

Bước 1: Xác định yêu cầu

Bước 2: Tìm kiếm thông tin

Bước 3: Xử lý thông tin

Bước 4: Xây dựng thành hệ thống

Trong bài thuyết trình ngoài những thông tin nêu ra, bạn đừng quên thêm vào những dẫn chứng để tăng tính thuyết phục cho bài nó. Hãy dẫn dắt người nghe vào bài nói của mình bằng một câu chuyện, một câu danh ngôn của một người nổi tiếng, hoặc có thể là những số liệu thực tế gây shock. Người nghe sẽ dễ dàng bị thu hút ngay từ đầu vào bài nói của bạn.

Phần 3: Starting (mở đầu bài nói)

Có ba điều quan trọng bạn cần phải cân nhắc kĩ trước khi đứng trước đám đông thuyết trình. Đầu tiên là vấn đề trang phục, diện mạo. Lựa chọn quần áo phù hợp với nội dung buổi thuyết trình, thành phần tham dự, tính chất công việc là rất cần thiết. Nếu bạn báo cáo trước một hội đồng, hay là buổi giới thiệu sản phẩm thì nên chọn những trang phục mang tính nghiêm túc, trang trọng như quần tây, áo sơ mi, chân váy đen. Còn trong những buổi giao lưu, trò chuyện bạn có thể ăn mặc thoải mái, áo phông in hình hình tổ chức hay sologan, câu nói mang đậm tính kêu gọi cho nội dung bài nói của mình. Tuy nhiên dù trong hoàn cảnh nào cũng nên ăn mặc gọn gàng, trang phục cũng thể hiện một phần con người bạn, ăn mặc đẹp không chỉ thể hiện bạn tôn trọng mọi người, mà còn chính là tôn trọng chính bản thân mình. Ngoài trang phục đầu tóc cũng là một điều bạn phải cân nhắc. Bạn không thể mang một bộ tóc dày, lòa xòa xuất hiện trước mặt mọi người, hay một bộ tóc đủ các màu đang hot trend bây giờ, nó sẽ khiến mọi người chú ý đến nó hơn là bài thuyết trình. Và tôi chắc chắn đó là điều bạn không mong muốn. Chẳng ai muốn rằng vào cuối buổi tất cả đọng lại trong mọi người là hình ảnh mái tóc hay bộ trang phục không chỉn chu thay vì sự tuyệt vời và hữu ích mà bài nói của bạn đang truyền đạt.

Điều thứ hai mà bạn cần lưu ý đó là thái độ khi đứng trước đám đông. Một phong thái đĩnh đạc, tự tin kèm nụ cười luôn nở trên môi sẽ tạo ấn tượng tin tưởng, vui vẻ cho mọi người. Hãy mở đầu bằng một lời hỏi thăm, một lời cảm ơn dành cho những khan giả của bạn vì đã đến đây tham dự buổi thuyết trình này, và họ chính là những khan giả đang xem phần trình diễn của bạn.

Điều cuối cùng mà tôi chắc mọi người khi đến tham dự buổi thuyết trình đều mong muốn người thuyết trình là một người kể chuyện hay. Bạn là người dẫn dắt họ thưởng thức những tinh hoa kiến thức, những trải nghiệm thú vị, đưa họ qua những lời nói bay bổng, hạnh phúc, có khi lại dẫn họ đến những vùng trời mơ ước. Và vì vậy lời nói đầu tiên đưa họ vào câu chuyện của bạn rất quan trọng. Thay vì chỉ giới thiệu tên bạn, tên đề tài và vào đề luôn thì hãy tiếp cận người nghe bằng những câu chuyện để người đọc dễ dàng cảm thấy hứng thú.

Hãy học cách điều khiển khán giả, đừng để mình mất quyền chủ động và bị dẫn dắt bởi đám đông.

Phần 4: The End (kết thúc bài nói)

Nếu phần mở đầu bài thuyết trình là nơi giúp bạn thể hiện ấn tượng đầu tiên thì cuối bài thuyết trình là chỗ để người nghe có thể đúc kết được những điều bạn nói. Không ai mong muốn sau khi kết thúc bài thuyết trình mọi người sẽ quên luôn bạn là ai, bạn nói về cái gì. Cách kết thúc bài thuyết trình là rất quan trọng và tùy thuộc vào loại bài thuyết trình thí sẽ có cách kết bài khác nhau. Đối với trình bày khoa học bạn phải nhắc lại và nhấn mạnh những ý chính mà người nghe phải nhớ. Có thể ghi nhớ mẫu câu đơn giản sau: “ Trước khi kết thúc bài thuyết trình của mình, tôi chỉ cần bạn nhớ ba điều……” Đối với một bài trình bày báo cáo kế hoạch điều bạn cần làm là một lời cam kết về hiệu quả của dự án hay kết quả mà cộng đồng nhận được khi dự án này đi vào hoạt động, Đối với bài thuyết trình truyền lửa bạn nên chọn một câu danh ngôn ý nghĩa, ngắn gọn, dễ đọng lại, khơi gợi cảm xúc cho mọi người.

Phần 5: Nghệ thuật sân khấu

Giống như một người nghệ sĩ, bạn cũng đang đóng vai một ngôi sao trên sân khấu trình diễn của riêng mình và bạn luôn mong muốn khán giả của mình sẽ hài lòng với bài biểu diễn của mình. Và với cương vị là một người nghệ sĩ bạn luôn khát khao được tỏa sáng nhất trên sân khấu này. Vì vậy để trở thành một ngôi sao làm chủ được sân khấu bạn không được bỏ qua những chi tiết sau:

  1. Tiếng nói

Một giọng nói hay sẽ giúp truyền đạt tốt nhất nội dung bài nói. Vậy thế nào mới có được một giọng nói dễ đi vào lòng người

- Mở đầu bài nói với một giọng điệu trầm và tốc độ chậm. Trong bài nói tùy thuộc vào đề tài mà bạn nói sẽ điều chỉnh cao độ, và tốc độ sao cho phù hợp.

- Nên biết nói đúng chỗ, đúng lúc và biết khi nào nên ngừng lại.

- Khi nói đừng à, ừm…. Tập cho mình thói quen nói năng lưu loát trước đám đông. Bạn có thể tập nói trước gương, trước những bạn bè thân thiết để bớt lo lắng, căng thẳng dẫn đến việc nói lắp bắp.

- Luyện hơi để nói được những câu dài mà vẫn đủ sức vang và rõ từng chữ.

- Luyện cho mình đọc rõ ràng từng câu, từng chữ, tránh nói nhanh, nuốt âm. Nói rõ ràng, mạch lạc, biết nhấn nhá đúng chỗ và lướt qua những điểm không quan trọng.

- Luyện khẩu hình phát âm.

- Tạo điểm dừng trong câu nói.

  1. Ngôn ngữ cơ thể

Bạn không chỉ giao tiếp với người đối diện bằng lời nói mà còn bằng cả ngôn ngữ cơ thể. Việc phối hợp hài hòa hình thể theo lời nói của mình sẽ giúp tạo được sự chú ý, giúp cho bài nói trở nên dễ hiểu hơn và giúp truyền đạt năng lượng tích cực đến người nghe. Cách sử dụng ngôn ngữ hình thể rất quan trọng và góp phần không nhỏ vào thành công của bài thuyết trình.

- Mắt : Thường xuyên trao đổi ánh mắt với người nghe. Khi nói đừng nhìn chằm chằm về một phía, lên trần nhà, hay dưới sàn, bạn nên nhìn qua cả khán phòng, và dừng lại ở một số người. Ánh mắt của bạn sẽ truyền cho họ sự tin tưởng vào bài nói, vào người đang thuyết trình.

- Miệng : Khi mới xuất hiện đừng quên nở nụ cười với đám đông. Nụ cười của bạn góp phần xóa đi khoảng cách, giúp bạn và mọi người trở nên gần gũi hơn, cũng như làm tan đi những mệt mỏi trong quá trình mệt mỏi khi lắng nghe những bài thuyết trình khác. Khi kết thúc bài thuyết trình, việc mỉm cười sẽ giúp để lại dấu ấn về một diễn giả thân thiện. Nên biết cười đúng lúc, đúng thời điểm, cười duyên dáng chứ không phải tiếng cười to, sỗ sàng, phát ra tiếng động lớn.

- Cổ : Điều chỉnh cổ phù hợp với ánh nhìn của người nghe. Khi cổ ngước lên cao thể hiện sự tự tin trong khi đó khi hạ xuống lại thể hiện sự tôn trọng của mình với khán giả.

- Vai : Nên thả lỏng hai vai, nhướn vai khi muốn thể hiện sự thắc mắc, nghi vấn.

- Tay : Hành động dang tay mang ý nghĩa kêu gọi mọi người giải đáp thắc mắc, còn khi nắm chặt nấm đấm thể hiện sự mạnh mẽ, quyết tâm.

Tuy nhiên để có thể có được một hình thể như ý khi biểu diễn bài thuyết trình, bạn sẽ phải luyện tập rất nhiều. Đừng cố gồng mình thực hiện toàn bộ mà hãy để cơ thể mình thư giãn trước nhịp độ bài nói.

  1. Phong cách diễn thuyết

Mỗi người tùy vào cá tính riêng mình sẽ có phong cách diễn thuyết khác nhau. Có những người ưa hài hước, kể chuyện, có những người lại thích sự trang trọng, nghiêm chỉnh, nhưng nên nhớ phong cách càng đa dạng sẽ càng thành công. Qua những lần học hỏi, vấp ngã bạn sẽ có thể định hình phong cách cho riêng mình, phù hợp với mọi hoàn cảnh và người nghe. Để xác định được phong cách diễn thuyết bạn cần định vị lại bản thân đang ở lứa tuổi nào ; vị thế xã hội, là một nhà lãnh đạo, nhân viên ; đối tượng tiếp cận là ai, học sinh, sinh viên… ; nội dung bài thuyết trình.

Phần 6: Nguyên tắc sử dụng Power Point hiệu quả

PowerPoint là một phần mềm hỗ trợ thuyết trình giúp diễn giả thể hiện bài nói của mình một cách sinh động, dễ hiểu và dễ dàng thu hút sự chú ý của người nghe. Tuy nhiên nếu như lạm dụng và quá phụ thuộc vào nó đôi khi kết quả sẽ đi ngược lại những gì chúng ta mong muốn. Để học cách sử dụng PowerPoint một cách hiệu quả, bạn nên lưu ý những điểm sau:

- Đầu tiên bạn phải có những slide mặc định, bao gồm:

- Slide mở đầu: Trình bày thông tin diễn giả, tên đề tài.

- Slide tóm tắt nội dung chính: Những điểm chính trong bài thuyết trình của bạn giúp người nghe định hướng về nội dung bạn muốn truyền đạt, và để họ ghi nhớ sơ qua mục đích của đề tài.

- Slide hình ảnh: hình ảnh minh họa cho thông tin.

- Slide kết thúc: Thay vì chỉ đề chữ “Tạm biệt” hay “Kết thúc” hãy thay bằng dòng “Mời các bạn đặt câu hỏi”. Đặt câu hỏi là dấu hiệu cho thấy bài nói của bạn đã kết thúc, và đã đến lúc người nghe và người nói thảo luận, trao đổi những vấn đề liên quan chưa được giải quyết.

- Cấu trúc của các slide cần được thống nhất theo một mẫu chung, nghĩa là sự thống nhất trong cách chọn font chữ, cỡ chữ, in đậm, in  nghiêng, viết hoa, gạch đầu dòng hay cách đề các mục.

- Áp dụng nguyên tắc 7x7 mỗi slide chỉ có 7 dòng, mỗi dòng có 7 chữ, tóm tắt ý chính của luận điểm, để người nghe không rơi vào tình trạng chỉ có đọc slide mà không để ý những gì diễn giả muốn nói, nó cũng dễ gây cảm giác nhàm chán cho mọi người.

- Đơn giản các hiệu ứng sử dụng, đừng để mọi người quá tập trung vào việc slide bạn trang trí hào nhoáng như thế nào mà quên mất nội dung bạn trình bày.

- Lựa chọn hình ảnh phù hợp, tông màu chữ và nền hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh thuyết trình.

- Bạn là người thuyết trình và bạn nên là người làm slide cho bài nói của mình, vì chỉ có bạn mới hiểu được từng ý tứ, câu nói, hình ảnh mà mình muốn truyền tải.

Phần 7: Sai lầm không thể bỏ qua

Trong những lần thuyết trình sẽ không ít lần bạn mắc những sai lầm làm ảnh hưởng đến kết quả. Và chỉ khi mắc lỗi, bạn mới biết cách khắc phục để không bao giờ mắc phải những lỗi sai đó nữa.

- Lỗi trình bày thiếu ý: Khắc phục bằng cách luôn sử dụng note để ghi lại ý chính và sử dụng nó khi nói.

- Lỗi vị trí đứng không phù hợp: không nên đứng che trước màn chiếu PowerPoint, chọn vị trí bên cạnh phông chiếu để tránh làm khuất tầm nhìn người nghe.

- Lỗi không tương tác với người nghe: Hãy học cách sử dụng ánh mắt, cử chỉ tay, chân để cho thấy sự quan tâm của bạn dành cho mọi người.

- Lỗi mở bài và kết bài dài dòng, đi xa chủ đề: Luyện tập bằng cách soạn sẵn những đoạn mở bài, kết bài và tập nói trước ở nhà.

- Lỗi trang phục không nghiêm chỉnh: Nếu chúng ta không biết cách tôn trọng vẻ ngoài của mình, thì người nghe cũng khó có thể tôn trọng chúng ta.

- Lỗi sử dụng ngôn ngữ tiêu cực

- Lỗi nói thiếu nhịp điệu: Để có thể truyền cảm hứng và khơi gợi mọi người bạn nên tập nói với nhịp điệu nhanh, âm giọng cao. Còn muốn người nghe lắng lòng lại và ghi nhớ thật sâu những điều mình nói hãy thỏ thẻ với họ bằng một tông giọng trầm ấm, chậm rãi.

Kết

Tôi đã từng là một người sợ thuyết trình, và đến giờ có lẽ nỗi sợ đó vẫn còn thoáng qua mỗi lần tôi đứng nói trước đám đông. Nhưng trong lòng tôi vẫn luôn tin rằng chỉ cần mình cố gắng luyện tập và đứng lên từ những vấp ngã, tôi sẽ không phải chịu đựng sự sợ hãi nữa. Shy or Shine là thông điệp mà tôi muốn gửi đến các bạn, những người như tôi, lựa chọn nằm ở chính các bạn. Tôi tin rằng bằng những kỹ năng bạn học được qua cuốn sách này sẽ giúp bạn có thêm niềm tin vào bản thân, để chinh phục những chặng đường trước mắt. Mượn lời của tác giả Nguyễn Ngọc Sơn:

“Bạn hãy nói đi, đừng sợ.”

 

Tác giả: Mai Hương - Bookademy

--------------

Bài viết cộng tác cùng Bookademy xin gửi về: [email protected] 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,955 lượt xem