Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Nước Đức Trong Lòng Bàn Tay”: Cuốn Cẩm Nang Du Học Không Thể Bỏ Lỡ

Nếu bạn không thuộc top 1% của khoa, hay bao nhiêu phần trăm của trường đi chăng nữa thì cũng đừng để sự tự ti che lấp mong muốn được đi du học, mở mang kiến thức. Tại sao họ làm được còn mình lại không thể. Tôi có thể, bạn có thể, chúng ta đều có thể.

Chương 1: Du học Đức-Tại sao không?

Có thể đâu đó trong số các bạn cũng sẽ có người giống cô gái Trần Mai này, luôn mong muốn được đi du học, nhưng lại không biết làm thế nào để thực hiện giấc mơ đó. Và khi chúng ta cứ mải loay hoay với những suy nghĩ, kế hoạch và tính toán, nào làm sao để có thể đạt được học bổng để đi du học, phải có nó mới đi du học được, rồi làm cách nào để nâng cao trình độ tiếng anh của mình. Rồi chúng ta lại lâm vào buồn bực và chán nản vì biết rằng khả năng của bản thân không thể đạt được điều đó. Năm thoáng trôi qua, bạn đã tốt nghiệp đại học, và cho rằng vậy là xong mình không thể đi du học được rồi. Năm 23 tuổi, Trần Mai cũng là một cô gái như thế. Với áp lực ra trường, việc làm, kiếm tiền, bạn bè đều đã nhanh chóng kết hôn, ổn định cuộc sống gia đình, chỉ còn lại ta với sự chần chừ, lo sợ mình đã già để đi du học, nhưng vẫn muốn khát khao có được nó.

Dù nhiều thứ còn chưa rõ ràng, dù tương lai chẳng thực sự hứa hẹn điều gì nhưng tôi biết, đó là điều mình ao ước bao lâu và sẽ vô cùng hối tiếc nếu không nắm bắt lấy cơ hội.

Sau chuyến du lịch châu Âu trở về, mẹ của Trần Mai đã quyết định sẽ hỗ trợ cô nếu cô muốn tiếp tục học thạc sĩ ở nước ngoài. Mặc dù chưa biết tương lai sẽ ra sao, và chi phí sẽ mất bao nhiêu, cô chỉ biết một điều rằng mình nên nắm lấy cơ hội này khi còn có thể.Trần Mai quyết định chọn nước Đức là nơi để học lên thạc sĩ với 4 lý do cơ bản.

Đầu tiên và quan trọng nhất là Tài Chính. Các trường công ở Đức có chính sách miễn phí học cho những người học bằng tiếng Anh. Với điều kiện thuận lợi đó, bạn sẽ không cần phải lo lắng với việc tìm kiếm học bổng ở đâu, như thế nào, điều đó sẽ tiết kiệm kha khá thời gian. Việc còn lại bây giờ là chi phí sinh hoạt cần được hỗ trợ từ gia đình. Chi phí du học tự túc sẽ tùy thuộc vào các nhu cầu chi tiêu của từng cá nhân, và thường rơi vào khoảng 200 triệu đồng. Bạn có thể đang lo lắng, hay cho rằng chỉ có những gia đình khá giả, có nền tảng kinh tế vững chắc mới dám mạo hiểm để cho con cái du học tự túc. Nhưng những người bạn của Trần Mai ở Đức đều không thuộc diện con nhà khá giả, mà chỉ ở bậc trung. Mọi người đều cố gắng chi tiêu tối thiểu và để dành tiền ở mức có thể. Để có thể học ở Đức thì bạn cần một khoản tiền hơn 200 triệu đồng, bằng khoảng 8.820 EUR để chứng minh tài chính. Số tiền đó để đảm bảo bạn có được một cuộc sống sinh hoạt bình thườn. Nó bao gồm tiền thuê nhà, lương thực, thực phẩm, trang phục, đi lại, bảo hiểm, dịch vụ y tế, thông tin liên lạc, sách và nhu cầu giải trí, văn hóa, thể thao. Nếu bạn là một người tiết kiệm thì có thể cắt bớt chi tiêu ở các khoản trang phục, đi lại, giải trí, sách vở hay lương thực. Khi học tập tại Đức bạn có thể chọn ở kí túc xá, để tiết kiệm tiền thuê nhà hay đi lại. Hoặc bạn có thể lựa chọn các phương tiện di chuyển công cộng như tàu, xe điện, xe đạp, xe buýt. Sau khi cắt bớt các khoản không cần thiết thì trung bình một tháng các bạn du học sinh tự túc chỉ cần chi trả 440-449 EUR.

Điều thứ hai mà bất kể ai trước khi đi du học cũng đều phải cân nhắc kĩ đó là Chất Lượng Giáo Dục. Không ai mong muốn sẽ mạo hiểm bỏ một số tiền lớn ra và chẳng thu được lại thứ gì. Suy cho cùng chúng ta muốn đi du học, để được tiếp xúc với những nền giáo dục tốt, có nền tảng để có một công việc ổn định, kiếm được tiền và một cuộc sống hạnh phúc, no đủ sau này. Ở Đức, nền giáo dục sau đại học không đi theo con đường thương mại hóa như ở Anh, Mỹ hay Úc. Nền giáo dục ở đây vô cùng nghiêm khắc, khối lượng bài vở lớn, các trường Đại học cũng không ngần ngại trong việc đánh trượt sinh viên. “Vào được chưa chắc ra được” sẽ là nguyên tắc bạn cần cân nhắc và nhớ kĩ trước khi vào học ở bất kì một trường tại đây.

Điều thứ ba, vẫn liên quan đến vấn đề tài chính, đó là làm thế nào để giảm gánh nặng cho gia đình- Việc Làm Thêm, có được nó là điều mong muốn của mỗi sinh viên khi đi du học. Nó sẽ giúp bạn tự lập trong các khoản chi tiêu, không cần nhận trợ cấp từ gia đình, không cần thấy lo lắng vì mỗi khi mình thiếu tiền hay khi tiền chưa được chuyển vào tài khoản, ít nhất bạn đang có một công việc. Trong quá trình học tập tại Đức, du học sinh được cho phép làm việc toàn thời gian 120 ngày trong năm hoặc bán thời gian 240 ngày trong năm. Nó giúp chúng ta chi trả phần lớn chi phí sinh hoạt tại Đức. Bạn có thể làm từ một đến hai công việc làm thêm. Mức lương làm thêm sẽ thường bằng hoặc thấp hơn 450 EUR. Việc tự mình trang trải chi phí sinh hoạt giờ đây hoàn thành trở thành một việc khả thi.

Lý do cuối cùng mà Trần Mai chọn Đức để đi du học là do Vị Trí Địa Lý Thuận Lợi của nó. Vì Đức nằm trong liên minh châu Âu, nên bạn có thể đi lại tự do tới 26 nước khác trong khối Schengen. Do phần lớn chương trình tại Đức đã miễn học phí, nên việc tìm học bổng tại Đức có lẽ sẽ là một điều khó khăn. Tuy nhiên nếu bạn có thành tích học tập tốt, thì một số trường, khoa hay viện nghiên cứu sẽ dành những khoản hỗ trợ và phần thưởng cho bạn. Một khi đã nhập học tại đây, thì việc tìm kiếm các cơ hội từ các khoản hỗ trợ tài chính sẽ cao hơn. Bản thân Trần Mai đã nộp hồ sơ xin học bổng của STIBET. Việc nộp hồ sơ rất đơn giản, bạn cần gửi bản mềm bảng điểm, thư động lực và thư giới thiệu của một giáo sư trong nước tới ban xét duyệt học bổng. Trong thời gian viết luận văn Mai nhận được 525 EUR/ tháng. Điều khó khăn khi học ở đây mà Trần Mai sẽ đề cập đến trong chương 2 là vấn đề làm sao dung hòa hai ngôn ngữ Anh và Đức, khi bạn cần một thứ trong học tập, còn một thứ trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Chương 2: Học Tiếng Anh, tiếng Đức và cách duy trì cả hai thứ tiếng

Trước hết đối với việc học tiếng Anh, xuất phát từ chính những gì mà Trần Mai đã trải nghiệm cô đưa ra một vài lời khuyên rất hữu ích cho những ai đang loay hoay tìm cách học tiếng Anh, hay đang muốn nâng cao trình độ của mình. Đầu tiên và quan trọng nhất là học từ vựng. Ngôn ngữ nào cũng vậy, sẽ bao gồm hai phần ngữ pháp và từ vựng. Trong giao tiếp, thì từ vựng đóng vai trò quan trọng hơn. Kể cả khi bạn dùng sai cấu trúc thì người đối diện vẫn sẽ hiểu được điều mà bạn đang đề cập đến. Vì vậy hãy cố gắng trau dồi vốn từ vựng của mình hết mức có thể. Không có con số chính xác bao nhiêu sẽ là đủ. Chính tiếng mẹ đẻ của chúng ta, là tiếng Việt, cũng có hàng ngàn từ mà chúng ta không biết đến. Việc học tự vựng vì vậy cũng là do tự bản thân chúng ta tự giác và chủ động học. Chính bạn mới có thể quyết định việc mình có muốn học hay không, học được bao nhiêu. Nó cũng sẽ giúp bạn xây dựng tính tự chịu trách nhiệm cho bản thân mình. Trần Mai có đưa ra một vài giải pháp giúp bạn học từ vựng hiệu quả. Đó là hãy học từ trong câu thay vì học đơn lẻ, vì bạn có thể nhớ được nhiều từ cùng lúc, nhớ được cách kết hợp các từ với nhau, nhớ được cấu trúc và văn cảnh. Đặt câu với từ vựng mình đã học, chỉ khi sử dụng nó bạn mới có thể nhớ được nó nhanh hơn và sâu sắc nhất. Chuyển sang vấn đề tiếp theo là tìm sách tốt có thể bổ sung nguồn từ vựng cho bạn. Nếu ở mức khởi đầu thì bạn nên tìm đến quyển Vocabulary in Use, dành cho trình độ beginner. Bộ Vocabulary in Use cũng có những quyển sách dành cho trình độ cao hơn. Nếu mục đich của người học là tiếng Anh giao tiếng, hay tiếng Anh thư tín thương mại thì nên tìm đến những quyển sách dành cho từ vựng trong các cuộc thi TOEIC. Những quyển sách dành cho IELTS hay TOEFL chỉ thích hợp cho các bạn muốn học đại học hay sau đại học. Thời gian dành cho việc học từ vựng không thể một, hai tháng là bạn có thể tu thành chính quả được. Chúng ta có mặt trên đời hơn 20 năm cũng chưa chắc đã lĩnh hội hết tinh hoa của tiếng Việt. Đừng nóng lòng mà nhồi nhét nhiều từ vựng một lúc vào đâu. Hãy dành cho bản thân một thời gian để thích ứng với việc học tiếng Anh. Sắm ngay cho mình một quyển sổ từ vựng để đến đâu bạn cũng có thể giở ra xem lại và ghi nhớ. Một điều quan trọng khác trong khi học từ là phát âm sao cho đúng. Khi bạn phát âm đúng thì người nghe mới hiểu được điều bạn đang nói. Bạn có thể tìm đến các video dạy nói trên Youtube, nghe, xem khẩu hình miệng, cách họ hướng dẫn lấy hơi, đặt lưỡi sao cho đúng để có một phát âm hoàn hảo. Và nhớ là hãy luyện tập đi luyện tập lại nhiều lần. Hoặc bạn có thể tìm đọc các trang đọc chậm tiếng Anh như spotlightenglish.com hay voanews.com. Một cách cũng rất hay khác là nói và ghi âm lại xem mình có nói đúng không, cần sửa chỗ nào. Tiếp theo hãy đọc và nghe thật nhiều. Càng đọc nhiều, càng hiểu rộng và sâu. Đó là cách hiệu quả để một ngôn ngữ có thể ngấm dần vào trong tâm trí của bạn. Khi bạn đọc, bạn suy nghĩ, bạn đặt vấn đề, tất cả sẽ đều bằng tiếng Anh. Và cuối cùng hãy làm bài tập ngữ pháp vừa đủ.

Việc học tiếng Đức cũng tương tự như việc học tiếng Anh. Điều quan trọng nhất vẫn là từ vựng. Vốn kiến thức tiếng Anh tốt sẽ giúp ích cho việc học tiếng Đức. Ở cấp độ từ B1 trở đi thì những từ vựng khó mang tính học thuật cao của tiếng Đức rất giống tiếng Anh. Nếu thời gian eo hẹp thì bạn có thể đăng kí các lớp học cuối tuần hoặc thuê gia sư để học.

Khi sang Đức bạn sẽ phải sử dụng song song cả hai ngôn ngữ, tiếng Anh dành cho việc học tập và tiếng Đức dùng để giao tiếp với người bản xứ. Vậy làm thế nào để dung hòa hai thứ ngôn ngữ có vẻ khác biệt thế này? Chúng ta hãy cùng xem qua những cách mà Trần Mai đã sử dụng. Trong cuộc sống hàng ngày thì cô hoàn toàn dùng tiếng Đức. Thường xuyên xem tin tức, báo đài, phát thanh, nói chuyện với người bản địa. Sử dụng tiếng Đức ở bất kì mọi đâu có thể. Nếu có điều chưa hiểu thì đừng ngần ngại hỏi lại hoặc yêu cầu người đối diện nói chậm lại. Một cách khác mà Trần Mai sử dụng chính là đọc truyện, luyện nghe nói qua các câu chuyện. Bên cạnh đó Trần Mai không quên luyện tập tiếng Anh hàng ngày bằng cách đọc tin tức trên trang BBC News, xem Vlogs, và các chương trình giải trí bằng tiếng Anh,hay những buổi phỏng vấn người nổi tiếng mà cô hâm mộ. Trong học tập thì bạn hãy cố gắng chọn môn học bằng cả hai thứ tiếng, để có thể tiếp xúc được với cả hai loại ngôn ngữ. Việc tìm tài liệu, làm bài tập nhóm, thuyết trình sẽ giúp bạn nâng cao trình độ thứ tiếng đó rõ rệt. Một cách hay nữa đó là kết hợp việc học tiếng với các hình thức giải trí, hay tham gia các diễn đàn và cộng đồng để có thể gặp gỡ và trò chuyện với nhau.

Những người học tiếng Đức hay nói vui với nhau: “Life is too short to learn German”. Tôi cho rằng, bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có thể phải học cả đời, kể cả tiếng mẹ đẻ. Tôi vui vì học được thêm được hai ngôn ngữ mới. Và từ ngày đó, thế giới của tôi dường như trở nên rộng lớn, đa dạng màu sắc hơn rất nhiều.

Chương 3: Lịch trình du học

Lịch trình du học dành cho sinh viên chưa tốt nghiệp đại học tại Việt Nam

Bước 1: Học tiếng Đức, học tiếng Anh

Ở Đức, ngoài các chương trình dạy bằng tiếng Đức thì cũng có những chương trình dạy 100% bằng tiếng Anh. Hãy xác định sớm chương trình mà mình muốn học và khả năng ngoại ngữ của bản thân để cải thiện. Tùy vào điều kiện cá nhân mà bạn có thể mất từ mấy tháng đến 2 năm để có thể đáp ứng điều kiện về ngôn ngữ. IELTS yêu cầu cho việc đi du học là 6.0 hoặc 6.5, còn trình độ tiếng Đức tối thiểu là B1.

Bước 2: Cập nhật điều kiện học đại học tại Đức

Từng năm các điều kiện để đi du học sẽ khác nhau, bạn nên thường xuyên ghé qua trang web chính của DAAD để xem, tránh bỏ lỡ các thông tin quan trọng. Nói chung thì điều kiện để bạn đi du học là đã tốt nghiệp trung học phổ thông và có trình độ tiếng Anh cần thiết. Bạn có thể học dự bị, và đi làm thêm rồi mới học đại học.

Bước 3: Tìm hiểu về trường đại học, trường dự bị đại học, ngành học đại học phù hợp tại Đức

Việc này bạn nên làm song song với công việc ở bước 1. Trang web DAAD sẽ cung cấp cho bạn 2000 chương trình học khác nhau tại Đức. Việc chọn hồ sơ để gửi đi sẽ dựa theo các yếu tố

-Ngành/chương trình học

-Xếp hạng trường theo ngành

-Thành phố

-Sự gần gũi, người thân, họ hàng, bạn bè

Bước 4: Chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ cần thiết để nộp thẩm tra APS, để xin nhập học đại học/dự bị đại học tại Đức, để mở tài khoản du học, để xin visa

Bạn nên soạn cho mình một danh sách các giấy tờ cần thiết để tránh nhầm lẫn và sai sót. Sau đó là việc công chứng các giấy tờ

Bước 5: Nộp hồ sơ thẩm tra APS cho Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, nhận chứng nhận APS

APS là một bộ phận thuộc Phòng Văn hóa của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội. Thủ tục thẩm tra của APS sẽ chỉ đơn thuần là kiểm tra các giấy tờ, chứng chỉ du học. Sau khi giấy tờ của bạn được thẩm tra thành công, bạn sẽ nhận được 10 giấy chứng nhận APS.

Bước 6: Đăng ký thi TestAS, thi TestAS, nhận kết quả của kỳ thi TestAS

TestAS là kỳ thi viết để đánh giá năng lực học đại học của sinh viên nước ngoài tại Đức, có thể bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh. Bạn có thể đăng ký thi ở Đại học Bách Khoa Hà Nội hoặc trung tâm DAAD Thành phố Hồ Chí Minh. Kỳ thi này không giới hạn độ tuổi, số lần thi và có giá trị mãi mãi.

Bước 7: Gửi hồ sơ xin nhập học đại học/dự bị đại học sang Đức. Nhận giấy báo mời nhập học/giấy báo mời tham gia kỳ thi tuyển của trường đại học/trường dự bị đại học tại Đức.

Bạn cần phải tìm hiểu cách thức nộp hồ sơ tới trường trong nguyện vọng của bạn. Ở Đức có hai hình thức tuyển sinh chính là Zulassungsfrei hoặc Zulassungsbeschrankt-hạn chế số lượng nhập học. Các trường sẽ dựa theo thứ hạng của học sinh để tuyển sinh viên đủ số lượng vào ngành.

Bước 8: Mở tài khoản du học tại một ngân hàng

Cách chứng minh tài chính phổ biến nhất của các du học sinh Việt Nam là sử dụng tài khoản phong tỏa. Thủ tục cũng vô cùng đơn giản và dễ hiểu. Khi sang Đức bạn có thể mở tài khoản tại các ngân hàng Đức rất nhanh gọn, làm như vậy vừa nhanh, vừa đỡ chi phí hơn.

Bước 9: Nộp hồ sơ xin visa cho Đại sứ Đức. Nhận kết quả visa

Thủ tục xin visa không hề rườm rà như chúng ta tưởng. Hồ sơ bao gồm: đơn xin visa, giấy tờ liên quan tới hộ chiếu, giấy tờ chứng minh mục đích chuyến đi và chứng minh tài chính. Bạn cần phải công chứng những loại giấy tờ này trước khi nộp. Các công tác được thực hiện tại Đại sứ quán/Lãnh sự quán luôn yêu cầu bạn phải đặt lịch trước. Thời gian tiêu tốn cho các thủ tục visa sẽ là khoảng 2 tháng.

Bước 10: Chuẩn bị lên đường sang Đức

Trước khi sang sinh sống ở một đất nước mới bạn nên tìm cho mình một chỗ ở. Ở ký túc xác của trường có rất nhiều thuận lợi. Giá cả thấp hơn nhà cho thuê bên ngoài. Ngoài ra bạn cũng chưa thể biết được chính xác nơi bạn ở như thế nào, nó có giống với những gì được mô tả. Và việc chưa sử dụng thành thạo ngôn ngữ bản địa cũng gây khó khăn khi bạn muốn nói chuyện hay thương lượng với chủ nhà. Hãy liên lạc với Hội sinh viên Việt Nam tại thành phố bạn sắp đến học để có được sự trợ giúp và tư vấn thiết thực nhất.

Lịch trình du học dành cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học tại Việt Nam

Đối với nhóm đối tượng này thì cơ bản các bước đều giống như trên đến 70%, khác biệt chỉ nằm ở thủ tục APS. Thẩm tra APS dành cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học chỉ diễn ra trong hai tháng là cuối tháng 2 và tháng 8 hàng năm. Bù lại thì bạn không phải đăng kí thi viết TestAS mà chỉ phải vượt qua vòng phỏng vấn. Phỏng vấn APS sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng tháng 11 hằng năm. Việc phỏng vấn sẽ diễn ra bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức. Để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, bạn nên ôn lại kiến thức các môn được liệt kê trong bảng điểm của bạn. Bên cạnh câu hỏi về ngành học sẽ có các câu hỏi liên quan đến việc vì sao bạn chọn Đức làm nơi du học, vấn đề tài chính, mối quan hệ quen biết tại đây.

Kết lại

Bạn nên lập cho mình một lịch trình du học riêng với các mốc thời gian cụ thể từ những ngày đâu để tiện theo dõi và không bỏ lỡ một một mốc thời gian nào. Bạn hãy tận dụng các nguồn lực hỗ trợ bên ngoài khi cảm thấy tinh thần bị lung lay. Những người đi trước có rất nhiều kinh nghiệm sẽ cho bạn nhiều lời khuyên bổ ích.

Chương 4: Đời sống sinh viên và một số câu chuyện nhỏ về bạn bè

Khi mới sang đây cũng giống như bao du học sinh khác lần đầu tiên đặt chân đến một đất nước xa lạ, Mai đã mất một thời gian mới có thể hòa nhập với nhóm bạn tới từ các nước khác. Sinh viên phương Tây sống khá thuốc, sẽ có những người của những buổi tiệc, họ tận dụng những buổi “party” để tìm bạn trai, bạn gái, và qua đêm cùng. Bên cạnh đó bạn sẽ thường xuyên bắt gặp hình ảnh cô cậu sinh viên hút thuốc lá, hút cỏ, shisha và rượu bia, thuốc lá. Tuy nhiên, họ cũng luôn biết giới hạn của mình để không trở nên hư hỏng cả.

Việc học tập trên trường thì tương đối nặng so với ở Việt Nam. Các môn học được tổ chức theo hình thức bài giảng hoặc hội thảo. Ngoài thời gian tới lớp bạn sẽ phải bận rộn làm bài tập nhóm, thuyết trình hay bài luận. Môn học khó, khối lượng công việc lớn luôn là lý do khiến nhiều bạn sinh viên trượt môn. Điểm yếu của du học sinh Việt Nam là khả năng viết luận, thảo luận và phê bình. Vì tính cách rụt rè của Mai, mà tôi nghĩ không chỉ riêng Mai, mà còn nhiều học sinh khác vì nhiều lý do, sợ sai, sợ xấu hổ mà không dám phát biểu ý kiến. Lúc đó thày giáo của Mai đã nói với cô rẳng, nếu cô không đưa ra ý kiến và suy nghĩ của mình thì du cô có thông minh, giỏi giang tới đâu thì cũng sẽ chẳng ai biết đến. Kể từ đó, thay vì im lặng, Mai đã bắt đầu chủ động phát biểu ý kiến, đóng góp thảo luận và đặt câu hỏi. Điểm số cũng nhờ vậy mà được nâng cao rõ rệt.

Về việc làm thêm ở đây, thì một sinh viên cũng phải bỏ túi cho mình một, tới hai, ba công việc làm thêm. Bạn có thể tìm được một công việc trợ lý sinh viên tại trường đại học, hay đến làm ở các công ty, làm việc tại cửa hàng, siêu thị, khách sạn, đến những công việc tại các nhà hàng.

Khi mới sang đây, do chưa nói được tiếng Đức, mà Mai chưa thể kết thân với một người bạn ở đây. Phải mất đến một năm Mai mới quen được những người bạn khác. Người bạn đầu tiên mà Mai quen đến từ Kazakhstan. Ấn tượng về người bạn này mãi đọng lại ở khoảng khắc người bạn ấy đã tháo khăn của mình cho Mai mượn trong một mưa tuyết rất lớn. Mùa đông đầu tiên đó vừa dài, vừa lạnh lẽo, âm u và hoàn toàn vắng bóng mặt trời. Từ người bạn đầu tiên đó Mai bắt đầu quen được nhiều người khác. Một người bạn ở kí túc xá mà cô ví như một nhân vật bước ra từ cuốn tiểu thuyết của Nga. 20 tuổi, học Luật, chơi đàn piano trong nhà thờ và trong một cửa hàng bánh ngọt lâu đời nhất thành phố màu nhiệm. Và cảm giác như người một nhà với nhau khi chúng ta cũng nhau nấu ăn, góp chung với nhau các món, chia sẻ mọi thứ trên đời này. Mai cũng biết thêm được những người bạn dường như có vẻ khác biệt. Một cô gái có thể chạy 42 km không nghỉ trong ba giờ đồng hồ. Mai học được một điều bền bỉ cũng là một nguồn sức mạnh vô tận như vậy đó. Và còn rất nhiều người bạn mà Mai đã gặp tại đây trong suốt những năm bên này. Con người họ, những câu chuyện họ mang lại đem đến những cung bậc cảm xúc khác nhau, như những gam màu sáng tối lẫn lộn trong bức tranh của cuộc đời Mai.

Chương 5: Văn hóa Đức, con người Đức

Đức là một quốc gia có bề dày lịch sử và đã trải qua nhiều biến động. Trước hết Đức là một đất nước Ki-tô giáo, khi có đến 60% người dân ở đây theo tín ngưỡng này. Không thể nói đến Đức là một quốc gia lễ hội. Lễ hội lớn nhất là Giáng sinh của Ki-tô giáo. Chợ Giáng sinh ở đây dù lớn hay nhỏ cũng đều đắm mình trong sự lung linh, rực rỡ của những bóng đèn trang trí. Mùi thịt xiên nướng thơm phức, hòa quyện với mùi quế, mùi hạnh nhân. Bạn có thể nếm thử xúc xích nướng đủ loại từ thịt heo, thịt bò, với công thức bí truyền của từng vùng. Ngoài ra còn có pizza, thịt bít tết, cá hun khói, bánh kếp, nấm nướng, khoai tây chiên. Với đủ sự hấp dẫn từ ẩm thực thì thực sự nếu là tôi chắc sẽ không ngần ngại mà chọn Đức là nơi du học mất. Ở Đức còn có các lễ hội kahsc như lễ hội háo trang đường phố Carnival, lễ hội mùa hè, lễ hội âm nhạc, lễ hội khinh khí cầu, lễ hội của từng địa phương.

Có lẽ điều tôi thích nhất về đất nước này mà Mai nói tới trong quyển sách này là người Đức luôn chú trọng đến mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong gia đình. Phụ nữ được tạo tối đa điều kiện để phát triển sự nghiệp. Những người đàn ông cũng không hề phiền lòng nếu vợ mình có học vị cao hơn hay kiếm nhiều tiền hơn. Đàn ông Đức cũng tự nguyện chia sẻ việc nhà với vợ, như nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc con cái. Khi người vợ mang thai, người chồng sẽ được yêu cầu tham gia lớp tiền sản với vợ. Nó giúp cho họ thấy được vai trò, trách nhiệm đối với con chung của cả hai người. Cha mẹ Đức cũng rất tôn trọng ý kiến cá nhân, sự riêng tư của con cái.

Người Đức có những phẩm chất, tính cách mà đáng để chúng ta học tập. Đầu tiên, người Đức là những người thẳng thắn. Họ không ngại nói những điều mà bạn không vui, họ sẽ thẳng thắn nói về thói quen xấu của bạn, hay nhận xét không tốt về kết quả công việc mà bạn làm. Vì thẳng thắn, nên họ là những con người trung thực. Người Đức đề cao tính chỉ trích, biện luận. Trẻ em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã được dạy cách phản biện. Chỉ trích của họ mang tính xây dựng, giúp bạn cải thiện kĩ năng, không bao giờ được bằng lòng mà cần phải cố gắng hơn nữa. Người Đức cũng là những người độc lập. Tính cách này được rèn luyện ngay từ khi còn bé. Trẻ em có phòng riêng và tự chịu trách nhiệm về đồ đạc của mình. Ông bà ít khi tham gia vào việc nuôi dạy con cái của bố mẹ. Phụ nữ Đức trong những buổi hẹn hò đều tự chủ tài chính, không để chàng trai phải chi trả toàn bộ phí hẹn hò. Đến ngay cả người già, người khuyết tật cũng ít khi cần đến sự giúp đỡ của người ngoài. Người Đức sống vô cùng nguyên tắc, luôn tuân thủ những nguyên tắc được đặt ra. Chính vì đó mà giao thông không bao giờ xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Các trang mạnh xã hội cũng không bị lạm dụng, tất cả đều có nguyên tắc rất quy củ. Tuy Đức là một đất nước giàu có, nhưng người dân đều giữ lối sống giản dị và tiết kiệm. Đồ đạc luôn được giữ gìn cẩn thận để có thể sử dụng được lâu. Những phiên chợ cũ luôn được ưa chuộng. Không bao giờ để lại thức ăn thừa hoặc đổ đi. Họ cũng rất chịu khó sử dụng các phương tiện công cộng. Làm việc chăm chỉ, chi tiêu tiết kiệm có lẽ làm một trong những lý do khiến nền kinh tế Đức phát triển lớn mạnh như vậy. Phép lịch sự là nguyên tắc tối thiểu trong cuộc sống ở đây. Khi mới lần đầu gặp mặt họ luôn chào hỏi, bắt tay. Bạn bè thân thiết thì trao nhau những cái ôm, hỏi thăm sức khỏe, kèm theo lời chúc. Ở nơi công cộng, mọi người luôn xếp hàng, tránh chen lấy, nói to khi sử dụng các phương tiện giao thông.

Chương 6: Sau tốt nghiệp: Nghiên cứu sinh tiến sĩ hay tìm việc làm? Về quê hay ở lại

Về nước hay ở lại luôn là câu hỏi gây khó khăn cho nhiều bạn trẻ khi tốt nghiệp.Tất nhiên chúng ta đa phần sẽ muốn trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, bố mẹ, bạn bè thân yêu, được vùng vẫy trong thế giới vốn quen thuộc và trên hết là được cống hiến hết mình cho quê hương. Nhưng những người trẻ cũng lo lắng liệu các kiến thức mình học ở đây có phù hợp với sự phát triển của Việt Nam. Hãy chuẩn bị tâm lí sẵn sàng trước khi về nước, để tránh việc cảm thấy vì nơi mình quay về sẽ không giống như với môi trường ở đây. Một số người lựa chọn làm việc tại đây một vài năm rồi mới quay về. Nó giúp bạn tích lũy được kha khá kiến thức và kinh nghiệm. Bên cạnh đó có nhiều bạn trẻ đã sớm có ý định định cư ở Đức.

Dù bạn quyết định về nước hay ở lại định cư tại Đức thì đó đều là quyết định đáng hoan nghênh. Chỉ có bạn là người biết rõ nhất điều kiện, khả năng và hoài bão của bản thân. Hãy tự tin lựa chọn đường đi của riêng mình.

Kết

Dành cho những ai đang băn khoăn xem liệu mình có thể đi du học được không

“Nếu bạn không thử thì sao biết được là không thể”

Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng để đạt được những giấc mơ của bản thân mình. Biến nó thành điều có thể.

 

Tác giả: Mai Hương - Bookademy

----------------------------------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về:[email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

7,752 lượt xem