Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Phương Pháp Đúng Hiệu Quả Cao": Một Bí Quyết Học Tập Và Làm Việc Chưa Từng Có

"Không có thời gian để học gì cả!"

"Đã quyết tâm là sẽ chăm chỉ ôn thi rồi, thế mà ba bốn ngày nay không học được chữ nào."

"Nghe tai nọ lại để lọt tai kia, chẳng nhớ được nội dung gì cả."

"Sao mình học mãi mà cũng không vào? Mình già rồi chăng?"

"Cái này chán quá, chẳng muốn học gì hết!"

....

Bạn cũng từng trăn trở như vậy phải không? Việc học là vô cùng, kéo dài từ khi bắt đầu vào mẫu giáo và đến tận khi đã đi làm vẫn còn có những điều cần phải học hỏi. Tuy nhiên, để có hứng thú và học hành có hiệu quả thì cần phải có phương pháp. Cuốn sách "Phương pháp đúng hiệu quả cao" với 5 chương, nó được viết ra với mục đích chia sẻ kinh nghiệm học tập của Akihiro Shimiru - một người dành nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại khóa nhưng vẫn thành công trong việc học. Đây không chỉ là cẩm nang ôn thi cho những bạn trẻ sắp bước vào các kỳ thi quan trọng, mà còn là nghệ thuật để những người đã đi làm không có nhiều thời gian theo đuổi việc học hành.

CHƯƠNG I. BÍ QUYẾT NÂNG CAO KHẢ NĂNG HIỂU BÀI VÀ KHẢ NĂNG GHI NHỚ

  1. Hãy ghi nhớ nội dung trước khi ghi vào vở

Khi sử dụng sách để học hay khi đọc sách thì điều quan trọng cần chú ý là nên cố gắng ghi lại vào vở. Cũng cần phải lưu ý là khi ghi bài "không được sao chép y nguyên".

Nếu chỉ chép y nguyên vào vở và nghĩ rằng kiến thức đó đã ở trong đầu rồi thì thật sai lầm. Vì thế, cần cố gắng tạo thành thói quen "hiểu nội dung, diễn giải nội dung đó bằng ngôn từ của mình rồi mới ghi lại" hoặc là "nhớ rồi mới ghi.

Nghe chủ động sẽ ghi nhớ lâu hơn.

  1. Kẻ một đường bên phải trong vở rồi mới bắt đầu sử dụng

Theo như tác giả, hồi sinh viên, ông đã ghi chép vở một cách rất công phu. "Danh sách TO DO" - danh sách việc cần làm cũng là một trong số đó.

Ở phía mép phải cuốn vở, ông đã kẻ một đường thẳng. Sau giờ học, ông ghi vào đó danh sách các việc cần làm. Nội dung viết gồm có:

  • Điều muốn hỏi
  • Điều muốn tìm hiểu, tra cứu
  • Dụng cụ học tập, bài tập của buổi học tiếp theo

Và sau khi kết thúc giờ học, chỉ cần nhìn vào vở, chúng ta không chỉ thấy nội dung của giờ học mà còn thấy những thắc mắc của bản thân hay điều mình hứng thú trong giờ học và những điều mình cần làm.

Bằng  việc làm rõ chi tiết đối tượng là ai, kỳ hạn đến khi nào..., chúng ta sẽ biết rõ việc cần làm tiếp theo và có thể đảm bảo chắc chắn các ý tưởng sẽ được triển khai thành hành động.

  1. Che đi những điều muốn học thuộc

Trong kinh doanh, mọi người rất hay sử dụng cụm từ "hiển thị hóa", tức là làm cho mọi người thấy rõ các thao tác vốn khó nhìn thấy, từ đó dẫn đến khó nhận biết được vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, trong phần này, tác giả cuốn sách lại khuyên mọi người khi viết vở ghi các môn học thuộc là hãy làm ngược lại, tức là "che khuất đi". Cách thực hiện việc này không hề khó:

  • Chuẩn bị: bút bi màu cam, tờ giấy trong màu đỏ (có thể lấy tờ giấy trong suốt rồi dùng bút màu đỏ để tô lên hoặc tờ giấy trong mờ màu đỏ).
  • Trong giờ học, dùng bút bi cam để viết những điều cô giáo nói hay viết trên bảng mà mình cảm thấy quan trọng.
  • Sau giờ học, lấy tờ giấy màu đỏ che lên phần vở vừa ghi chép, những chữ viết bằng bút màu cam sẽ bị che đi, từ đó ta có thể vừa ôn lại những phần đã bị che vừa ghi nhớ.

Viết bằng bút màu cam sẽ giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, công sức.

  1. Cách viết vở "để sau này có thể sử dụng"

Tác giả của cuốn sách này viết rằng khi đi đâu, vào lúc nào ông cũng mang theo một cuốn vở B5 hoặc vở ghi chú nhỏ để ghi chép. Nội dung ghi chép có thể là nội dung họp bàn, nội dung hội nghị, hay là ghi chép tóm tắt về cuốn sách đang đọc... Akihiro Shimizu cho rằng

Nếu quy định mỗi cuốn vở chỉ ghi chép về một nội dung, ví dụ cuốn này dùng để ghi lại nội dung bàn bạc, cuốn sổ kia để ghi tóm tắt nội dung sách đọc... thì sẽ tốn rất nhiều sổ. Hơn nữa, đôi lúc chúng ta sẽ không thể nhớ "vấn đề này" được viết vào cuốn nào. Cho nên tất cả chỉ cần ghi chung trong một cuốn vở là được.

Trong công việc, khi viết vở Akihiro Shimizu có một vài chú ý:

  • Không nối các câu văn bằng mũi tên
  • Cố gắng viết thành sơ đồ
  • Viết đẹp
  • Định kì xem lại và đưa thêm các nhận định, ý tưởng.

Viết đẹp để có thể cho người khác xem, tránh việc "Sau này xem lại mà không hiểu ý nghĩa".

  1. Bí quyết ôn tập là ôn vào ngày hôm đó, ngày hôm sau và chủ nhật

Người ta thường nói: "Sinh viên Tokyo rất thông minh" nhưng tác giả của cuốn sách lại lại không nghĩ như vậy. Sinh viên Tokyo biết rất rõ con người vốn không thông minh, chính vì thế nếu không ôn tập đi không ôn tập lại sẽ không thể nhớ được. Do đó cần phải tự mình tìm tòi cách làm thế nào để không quên.

Hay nói cách khác, cần lặp đi lặp lại những điều mình muốn nhớ nhiều lần và mỗi lần học thì không cần học lâu. Điều quan trọng là phải tăng số lần học lên.

Thêm vào đó thời điểm ôn tập lại cũng rất quan trọng. Nhà tâm lý học người Đức Ebbinghaus đã gọi thành quả nghiên cứu của mình là: "Đường cong biểu diễn mức độ quên." Theo nghiên cứu đó thì con người sau khi nhớ một điều gì đó, 20 phút sau họ sẽ quên 42% và một ngày sau sẽ quên khoảng 74%. Vì vậy, để tránh việc lãng quên này thì cần phải ôn tập lại đúng thời điểm. Và theo tác giả, ông cho rằng cần phải "ôn tập lại vào ngay ngày hôm sau, ngày hôm sau và ngày chủ nhật".

Con người nhất định sẽ quên. Muốn nhớ thì phải học đi học lại.

  1. Chuẩn bị trước trong công việc sẽ mang lại niềm đam mê

Việc chuẩn bị bài trước sẽ giúp cho chúng ta cảm nhận được tâm trạng vui vẻ, dễ chịu khi tham dự giờ học. Nếu đã xem bài trước thì trong giờ học chúng ta sẽ có cảm giác rằng: "À mình đã hiểu" và cái cảm giác dễ chịu ấy sẽ trở thành động lực giúp chúng ta tiếp tục học. Giống như nếu tiếp tục học hành chăm chỉ thì đi thi sẽ được điểm cao mà có động lực học hơn nữa.

Nếu tìm hiểu kĩ lưỡng về đối tác thì cho dù là lần đầu gặp mặt, chúng ta cũng có thể làm cho họ thấy hài lòng.

  1. Ghi điều muốn nhớ vào băng rồi nghe trong bồn tắm

"Ghi những điều muốn nhớ vào trong băng và nghe lại trong bồn tắm" - đây chính là bí quyết mà tác giả cuốn sách đã thực hiện khi ôn thi.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ về những tháng ngày đó, về những cuốn băng casset mà tôi đã sử dụng. Tôi có thói quen ghi những điều muốn nhớ trong băng và nghe nó trong bồn tắm...

Vậy tại sao phương pháp này lại có hiệu quả? Bởi vì để ghi lại trong băng thì thực ra chúng ta đã đọc lên thành tiếng rồi. Hơn nữa sau đó chúng ta còn nghe lại bằng tai nội dung cần học thuộc đó. Điều này giúp chúng ta ghi nhớ dễ dàng hơn.

Nói ra thành lời, nghe bằng tai sẽ làm chúng ta dễ nhớ bài hơn.

  1. Tìm hiểu ngay lập tức. Hỏi ngay lập tức. Làm như thế chúng ta sẽ không quên

Điều không hiểu hay thấy nghi vấn thì chúng ta cần tìm hiểu hay đi hỏi ngay. Làm như vậy sẽ khiến chúng ta thoải mái hơn.

Không để câu hỏi mãi mãi là câu hỏi. Nếu không hiểu thì tra ngay lập tức. Đây chính là cách để tự làm cho tương lai của chính mình trở nên tươi sáng hơn.

  1. Những điều có thể nhớ toàn bộ và những điều phải hiểu mới nhớ

Trong công việc, có rất nhiều điều cần phải nhớ, quy tắc cần phải biết. Khi đó thay vì nhớ một cách máy móc thì chúng ta sẽ lặp đi lặp lại câu hỏi "Tại sao lại như thế này" thì sẽ dễ hiểu hơn và cũng dễ nhớ hơn.

Nếu hiểu rõ ý nghĩa, quy trình thì sẽ dễ nhớ hơn và dễ ứng dụng hơn là nhớ máy móc.

CHƯƠNG II. NGHỆ THUẬT SỐNG GIÚP NĂNG LỰC ĐƯỢC MÀI GIŨA

  1. Tạo thói quen tóm lược những điều đã nghe thấy

Nếu trong đầu chúng ta ý thức rằng sau khi nói chuyện xong sẽ tổng hợp ngắn gọn nội dung thì sẽ tránh được việc chúng ta không chú tâm lắng nghe.

  1. Hiệu quả không ngờ với một phút ôn tập lại

Khi được hỏi "Hãy cho tôi biết bí quyết để nâng cao thành tích học tập một cách nhanh chóng'', Akihiro Shimizu đã ngay lập tức giới thiệu bí quyết sau:

  • Ôn tập lại nội dung đã học lần trước trong vòng một phút trước khi giờ học bắt đầu.
  • Sau khi giờ học kết thúc thì ôn tập lại trong vòng một phút.

Như vậy, chỉ ôn tập lại một phút thôi nhưng sẽ củng cố nội dung cần ghi nhớ cho chúng ta và tránh lãng phí thời gian.

  1. Tỉ lệ thời gian dành cho đầu vào và đầu ra là 3:7

Đối với những nội dung chúng ta cần học thì:

  • Sử dụng kĩ năng kết hợp giữa đầu vào và đầu ra.
  • Dành nhiều thời gian cho đầu ra hơn là đầu vào.
  1. Để đạt được mục tiêu thì cần phải biết cách tính ngược

Tính ngược từ mục tiêu, nhìn vào hiện trạng thì chúng ta sẽ thấy rõ điều bây giờ cần làm là gì. Sau khi tính ngược như vậy có thể chúng ta thấy "cứ như bây giờ là ổn" hay "nếu cứ tiến hành theo cách như bây giờ thì sẽ khó đạt được mục tiêu''. Nếu rơi vào trường hợp hai thì phải thay đổi cách làm.

  1. Hãy cắt bánh ra rồi ăn

Trong các tình huống khi làm việc, chúng ta nên bình tĩnh suy xét xem "mình còn bao nhiêu thời gian" rồi phân chia thời gian cho từng nội dung công việc. Chia quỹ thời gian mình có ra để quản lý thì sẽ dễ dàng lên kế hoạch hơn.

  1. Bí quyết thoát khỏi vòng xoáy "hôm nay mình thất bại"

Chỉ bằng các câu hỏi vào cuối mỗi ngày, thói quen trong cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi. Và câu hỏi được tác giả nhắc đến ở đây đó chính là "câu hỏi ma thuật":

- Về những chuyện tốt

  • Câu hỏi ma thuật 1: Tại sao chuyện đó lại xảy ra?
  • Câu hỏi ma thuật 2: Cần làm gì để tiếp tục làm tốt như thế?

- Về những chuyện chưa tốt

  • Câu hỏi ma thuật 1: Nguyên nhân nào để xảy ra chuyện đó?
  • Câu hỏi ma thuật 2: Chuyện đó phải như thế nào mới lý tưởng nhất?
  • Câu hỏi ma thuật 3: Làm thế nào để đến gần với tình trạng lý tưởng đó?
  • Câu hỏi ma thuật 4: Từ hôm nay bắt đầu cần làm gì?

Luyện thói quen nhìn lại một ngày đã qua, chúng ta có thể tránh được việc rơi vào vòng xoáy thất bại.

  1. Đối với người đang đi làm thì "kiểm tra" chính là vì bản thân mình.

"Tự mình kiểm tra" là phương pháp hiệu quả để xem mình đã hiểu nội dung đến đâu. Bằng cách xác nhận trước, chúng ta có thể tiến hành công việc mà không phải vội vã.

  1. Chọn sách kinh doanh sau khi đã suy nghĩ lợi ích của quyển sách đối với mình

Để giải quyết những trăn trở hàng ngày, tác giả thường tìm những gợi ý để giải quyết vấn đề từ sách. Nhưng ông đã chọn sách như thế nào?

  • Chọn cuốn sách mà mình có thể giải thích được đầy đủ lí do chọn chúng.
  • Chọn cuốn sách mà mình có thể hiểu được khoảng 70%.

Khi đọc sách, theo tác giả thì không nhất thiết phải đọc từ đầu, chúng ta có thể đọc theo thứ tự ưu tiên từ những chỗ cần thiết nhất.

  1. Tạo thói quen đào sâu suy nghĩ "tại sao, tại sao" ngay cả trong những việc nhỏ nhặt thường ngày

"Tất cả mọi việc đều có liên quan sâu xa với nhau". Người mà qua quýt với một việc nhỏ thì sẽ qua quýt ngay cả với những việc khác. Nói cách khác "Việc nhỏ cũng là việc lớn". Học được điều này từ người bố của mình, vì thế nên, trong công việc hay trong những việc nhỏ nhặt hàng ngày, Akihiro Shimizu luôn để ý và lặp lại câu hỏi "tại sao, tại sao", dù cho đó là việc nhỏ nhặt như thế nào.

CHƯƠNG III. BÍ QUYẾT NĂNG CAO KHẢ NĂNG TƯ DUY HỨNG THÚ

  1. Làm thế nào để tìm thấy niềm vui trong học tập

Đối với thực vật, hễ chúng ta gieo hạt, tưới nước, chăm sóc hàng ngày thì đến thời kì đơm hoa, hoa sẽ nở.

Việc học tập cũng giống như thế. Nếu chúng ta tìm kiếm lĩnh vực mà bản thân nghĩ là thú vị, sau đó duy trì việc tìm kiếm, suy nghĩ thì việc học ngày càng trở nên thú vị. Như thế người học sẽ trở nên yêu thích lĩnh vực đó. Để làm được điều này, tất nhiên chúng ta không thể nói "Vì nội dung đang học thật tẻ nhạt nên tôi không hứng thú" mà tự bản thân mình phải tìm kiếm điều thú vị trong học tập. Chúng ta hãy tìm cách làm tăng những điều mình "có thể làm được" lên, để tìm ra được lối vào khu vườn hứng thú.

  1. Hãy bắt đầu thay đổi bản thân ngay ngày hôm nay từ những việc nhỏ nhất ngay hôm nay

Chúng ta muốn thay đổi cuộc sống hàng ngày, thay đổi bản thân nhưng lại không có dũng khí. Và như thế nên lúc nào chúng ta cũng bị cuốn theo những thói quen lặp lại hàng ngày. Nếu bạn muốn thay đổi, đừng viện lý do bận, hãy thử bắt đầu một điều gì đó ngay hôm nay bạn nhé, dù cho đó là chuyện nhỏ bé như nào cũng được.

Tại Hy lạp có câu thành ngữ: "Bắt đầu là một nửa của toàn bộ", tức là bằng việc bắt đầu một cái gì đó, chúng ta đang thay đổi một nửa bản thân mình. Vì thế, hãy hành động. Hành động sẽ làm cho ý thức thay đổi một cách tự nhiên.

  1. Chúng ta trưởng thành với 1.01 lần

Bạn chắc hẳn đang nghĩ "Con số 1.01 lần thật chẳng thấm vào đâu" phải không? Không có chuyện ấy đâu. Bạn thử ấn số 1 trong máy tính rồi dần dần nhân với số 1.01 thử xem. Sau một tháng (30 ngày) là 1.348, sau 3 tháng (90 ngày) là 2.449, sau một năm (365 ngày) là 37.783. Thật tuyệt vời phải không?

Trong công việc cũng như trong cuộc sống hàng ngày, bạn hãy thử mỗi ngày làm thêm một điều gì đó, tiến bộ hơn ngày trước chỉ một chút thôi (khoảng 1.01 lần). Ngay cả những việc quá bé nhỏ đến mức không thể nhìn thấy bằng mắt nhưng chúng ta cứ tiếp tục làm thì đến một lúc nào đó sẽ tạo ra được hiệu quả không ngờ.

  1. Khi thấy cuống tinh thần, hãy làm những việc đơn giản

Nếu thấy mất tinh thần làm việc, hãy bắt đầu từ công việc đơn giản. Hãy vận động cơ thể bằng những việc đơn giản để tạo nên sức bật.

  1. Làm bánh Sanwich: Phần ghét - Phần thích - Phần ghét

Nếu thực hiện phương pháp bánh Sanwich, kẹp phần mình ghét (kém) đến phần mình thích (giỏi) rồi đến phần mình ghét (kém) thì có thể tiếp tục làm việc.

  • Bước 1: Trước tiên từ việc hơi kém một chút, môn học mình yếu
  • Bước 2: Làm các công việc, môn học mà mình có thể hoàn thành một cách nhẹ nhàng theo cách riêng của mình
  • Bước 3: Lại tiếp tục thử sức với công việc hơi phiền phức một chút, môn học mình yếu
  1. Dù có hứng khởi cũng không thức trắng đêm

Học tập hay công việc đều là những việc diễn ra hàng ngày nên cái nhìn tổng quan rất quan trọng. Vì thế chúng ta hãy chú trọng đến "tổng hiệu suất hai ngày". Nếu biết dừng công việc trước giới hạn thì tổng hiệu suất làm việc trong hai ngày sẽ lớn nhất.

  1. Vì đầu hàng trước nhược điểm mà không thể bắt đầu điều gì mới

Nếu bạn chỉ nghĩ thầm trong đầu một mục tiêu nào đó kiểu "Hãy làm cái này nào" thì sẽ không thể thực hiện được. Những lúc như thế bạn có thể giải quyết bằng cách "nói với ai đó". Hãy tuyên bố với mọi người theo trình tự bốn bước:

  • Bước 1: Nói điều muốn thực hiện
  • Bước 2: Nói tại sao muốn thực hiện
  • Bước 3: Nói muốn đến khi nào phải hoàn thành
  • Bước 4: Nói nếu thực hiện được thì sẽ làm như thế nào

Hãy tuyên bố với mọi người để cắt đứt đường lui của bản thân.

  1. Biến "một bức tường" thành "một chiếc cầu thang"

Khi tuyên bố với mọi người về mục tiêu lớn, có thể bản thân sẽ khó hình dung một cách cụ thể trong mục tiêu lớn đó sẽ bao gồm những mục tiêu nhỏ nào. Do đó chúng ta cần đưa ra các mục tiêu nhỏ để giúp đạt được mục tiêu lớn. Khi đưa ra một mục tiêu lớn, một mục tiêu cao thì cần phải chia nhỏ nó ra, biến nó thành một chiếc cầu thang với từng cấp bậc. Nếu biết cách phân chia nhỏ "những điều nên làm" để đạt được mục tiêu thì sau này chỉ việc thực hiện từng điều một.

  1. Hãy thử nghĩ xem trong trường hợp này người đó sẽ làm gì

Hãy thử nhìn nhận vấn đề từ một góc nhìn khác sẽ đưa ra được quyết định đúng.

CHƯƠNG IV. KĨ NĂNG QUẢN LÝ THỜI GIAN

  1. Khi quyết định không làm gì đó thì tự nhiên sẽ có thời gian rảnh

Cụm từ "đoạn tuyệt, vứt bỏ, tránh xa" đã lưu hành từ khá lâu rồi. Nó có ý nghĩa là: đoạn tuyệt, cắt bỏ những thứ không cần thiết, tránh xa những thứ vốn đã ăn sâu vào trong mình. Đây là việc rất quan trọng trong cả học hành lẫn công việc.

Trong công việc hay trong học tập, đôi khi những thứ không cần thiết thường làm chúng ta mất thời gian và mất tập trung, chúng làm cho chúng ta dễ bị trì hoãn công việc của mình. Vì thế chúng ta hãy tránh xa những thời gian lãng phí, tất nhiên chúng ta cần thời gian nghỉ ngơi, nhưng tránh việc ngồi vật vờ mà không làm gì.

  1. Chỉ cần học trong khoảng thời gian trống cũng đủ rồi

Chúng ta thường tự nói với bản thân rằng: "Vì có quá nhiều việc cần làm nên không có thời gian học". Tác giả viết cuốn sách này cũng từng như thế, thế nhưng khi ông nhìn lại quãng thời gian cấp 2, cấp 3 của mình, ông nhận ra mình vẫn tham gia các hoạt động mà vẫn có thể đảm bảo việc học. Để có thể đảm bảo thời gian cho các hoạt động và công việc như vây, ông đã phải tận dụng "khoảng trống thời gian" cho công việc của mình. Vào những khi mình rảnh rỗi, dù là thời gian ngắn, trên tàu điện chẳng hạn, ông cũng luôn tận dụng để học thuộc bài khi còn là học sinh, học ngoại ngữ, cập nhật tin tức khi đã trưởng thành và đi làm... Nếu bạn đã quyết định và nghiêm túc thực hiện nó thì dù chỉ là một chút thời gian, nó cũng trở nên hữu ích.

  1. Cài đặt "đồng hồ sát nút"

"Làm thế nào để nâng cao khả năng tập trung?"

Con người ta thường tập trung cao độ khi:

  • Thứ nhất, khi chúng ta say mê cái gì đó.
  • Thứ hai, chúng ta sẽ tập trung khi cảm thấy nguy hiểm.

Vì thế, dù có tự nhủ rằng "Hãy say mê công việc và học hành" thì mình cũng chẳng thể trở nên say mê được. Vì thế, đừng tự nhắc bản thân bằng những lời nói suông mà hãy "tạo ra tình huống nguy hiểm". Nếu như chúng ta tạo ra tình huống "cảm thấy thời gian còn lại không nhiều" thì tự nhiên sẽ thấy "bằng cách nào đi chăng nữa thì mình vẫn phải hoàn thành cho xong việc trong khoảng thời gian giới hạn" và do đó nâng cao khả năng tập trung của bản thân.

  1. Đeo cho mình một chiếc đồng hồ chính xác

Bất cứ ai cũng được trao một ngày 24 giờ, bình đẳng như nhau nhưng có những người đạt được rất nhiều thành quả còn có những người lại kết thúc một ngày mà chẳng làm được gì cả. Vậy sự khác nhau đó là do đâu mà có?

Đó chính là so sự khác nhau trong "cảm giác về mặt thời gian". Người có cảm giác chính xác về mặt thời gian sẽ có nhiều hơn 24 tiếng trong một ngày, nhưng ngược lại người không có cảm giác chính xác về thời gian sẽ có trong tay khoảng thời gian ít hơn 24 tiếng rất nhiều.

Người có cảm giác chính xác về mặt thời gian là người đeo "chiếc đồng hồ chính xác", còn người thiếu cảm giác chính xác về thời gian là người đeo "chiếc đồng hồ lỏng lẻo". Vì thế chúng ta hãy vứt đi chiếc đồng hồ lỏng lẻo, đeo cho mình chiếc đồng hồ chính xác thì sẽ rèn giũa được cảm giác về mặt thời gian.

  1. Không được lập danh sách TO DO như thế này

Có những danh sách TO DO chúng ta không được phép lập ra, ví dụ khi chúng ta viết ra một loạt điều nên làm, muốn làm nhưng thực chất chỉ mang tính chất động não để sắp xếp các dự định trong đầu; hay có những khi chúng ta chỉ liệt kê hàng loạt các gạch đầu dòng thì kết cục chúng ta lại chẳng làm được gì.

Vì thế chúng ta hãy lập danh sách TO DO với những lưu ý sau:

  • Đánh số vào các mục
  • Chia các mục vào ba loại hộp
  • Viết vào sổ lịch trình các mục xếp trong "hộp cần làm ngay" và "hộp để sau làm."
  1. Quản lí nhất quán lịch trình. Cố gắng ghi cả thời gian nghỉ

Mỗi người có một cách riêng để quản lí lịch trình của mình, có người thích ghi vào sổ tay, tác giả của cuốn sách này lại ghi lịch trình của mình vào Iphone để quản lí.

Không phải lúc nào công việc của chúng ta cũng theo ý muốn, vì thế chúng ta phải thường xuyên điều chỉnh lịch trình của mình sao cho phù hợp, phải biết cách tùy cơ ứng biến sao cho thật linh hoạt. Khi gặp vấn đề khẩn cấp, hãy nhanh chóng phán đoán và ghi ngay vào lịch trình. Khi nghĩ là muốn làm thì hãy làm ngay hoặc quyết định luôn bao giờ sẽ làm.

  1. Nếu phân chia ngày thành những ô thời gian thì sẽ không có tình trạng làm việc không tập trung

Khi quyết định lịch trình của mình, các bạn nên phân chia một ngày của mình thành những khoảng thời gian nhỏ và nghĩ xem sẽ phân bố công việc nào vào các khoảng thời gian đó.

Bằng việc phân chia thành các ô thời gian sẽ giúp cho tình trạng "hôm nay mất cả ngày dành cho việc này hay cả ngày hôm nay chả làm được việc gì" sẽ không còn nữa. Việc phân chia công việc vào các ô thời gian còn có ưu điểm làm thay đổi, làm mới tâm trạng của chúng ta.

CHƯƠNG V. LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC HIỆU QUẢ

  1. Ép mình phải nhớ những điều cần nhớ ngay bằng "cánh cửa học thuộc"

Hồi còn là học sinh, tác giả Akihiro Shimizu đã từng thực hiện phương pháp "gián tờ giấy ghi chú lên cửa nhà để học thuộc. Cách làm này là một cách làm khá thú vị, giúp chúng ta nhớ được khá nhiều nên nên ông rất khuyến khích chúng ta thực hiện. Cách làm này có thể áp dụng cho rất nhiều tình huống chứ không chỉ tình huống cần học thuộc gì đó, nó khiến chúng ta ghi nhớ một cách vô cùng thoải mái chứ không hề miễn cưỡng.

  1. Nếu "trở thành giáo viên" thì có thể nhớ một cách trôi chảy cả những lĩnh vực mình kém

Việc chỉ bảo cho người khác có rất nhiều lợi ích:

  • Có thể đánh giá được mình hiểu vấn đề đến đâu thông qua việc mình có thể chỉ dạy đầy đủ cho cấp dưới được không
  • Dễ lưu lại kiến thức trong đầu như một bộ nhớ sự kiện
  • Rèn giũa kĩ năng truyền đạt kiến thức cho người khác

Việc chỉ dạy cho người khác chính là cơ hội để mình nhìn lại những chỗ được và chưa được của mình. Hơn thế nữa, để dạy cho người khác, chúng ta còn cần truyền đạt thật dễ hiểu nội dung đó nữa. Vì thế dạy chính là một năng lực cần thiết trong kinh doanh.

  1. Vui vẻ tấn công các kiến thức cần học thuộc bằng "câu đố chuyên sâu"

Khi học thuộc lòng một mình và cảm thấy không hề thú vị, hãy học cùng người khác, hãy lôi kéo họ học cùng mình. Khi học hãy cùng đố nhau về những điều quan trọng, về những câu hơi khó một chút, khi ra câu hỏi như vậy thì cả người được đố cũng như người đố đều học được nên cách này có lợi cho cả hai bên.

  1. Phương pháp đọc sách không làm lãng phí những cuốn sách mình đã đọc

Ở mục này, tác giả sẽ giới thiệu cho các bạn những phương pháp đọc sách mà ông đã áp dụng, cụ thể như:

  • Vừa đọc vừa đặt mình vào hoàn cảnh trong sách
  • Nảy ra ý tưởng thì viết lại luôn
  • Không cần đọc toàn bộ cũng được
  • Tận dụng giấy ghi nhớ, dán giấy ghi chú vào chỗ cần lưu tâm

Chúng ta đừng để kiến thức đọc được trôi theo dòng nước mà hãy biến chúng thành của mình bạn nhé.

  1. Mức độ stress tăng lên tỉ lệ thuận với độ nặng của chiếc cặp

Với tác giả Akihiro Shimizu, ông cho rằng mức độ stress sẽ tỉ lệ với độ nặng của chiếc cặp, vì thế chiếc cặp mà ông mang đi làm thường nhẹ hết sức, nó gồm có:

  • Các loại tài liệu
  • Một quyển vở
  • Điện thoại
  • Một cuốn sách
  • Sô cô la

Và việc suy nghĩ làm thế nào để làm nhẹ bớt chiếc cặp của mình cũng là một cách rèn luyện khả năng phán đoán.

  1. Nhờ người "có năng lực" ở cạnh bỏ đi rào cản trong nhận thức của mình

Những khi "trăn trở vì không làm sao tìm được lối thoát khỏi tình cảnh này" thì hãy đi mượn sức của người khác.

Con người dù là bất cứ ai cũng đều có cách làm riêng của bản thân. Thế nhưng khi vấp phải cản trở gì đó, chúng ta có lúc không thể vượt qua nếu chỉ làm theo cách mình vẫn làm. Những lúc như thế, thật tốt nếu có thể nhờ ai đó lấy đi "sợi dây" trói buộc mình.

Kết

Như vậy, xuyên suốt 5 chương của cuốn sách là những "bí quyết học tập" và "nghệ thuật làm việc nhuốm màu phương pháp học tập" từ trước đến nay chưa từng có. Những bí quyết này không phải chỉ dùng trong những kì thi ôn thi lấy chứng chỉ mà nó hoàn toàn có thể áp dụng được trong việc học tập và trong công việc hàng ngày. Mong rằng những kinh nghiệm quý báu của tác giả Akihiro Shimizu sẽ hình thành cho bạn những phương pháp đúng trong việc học tập và công việc từ đó, công việc của các bạn chắc chắn sẽ luôn đạt hiệu quả cao.

 

Tác giả: Thái Hà - Bookademy

---

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

9,618 lượt xem