Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Thành Công Không Cần Trả Giá”: Thành Công Đòi Hỏi Sự Hy Sinh – Đang Nhanh Chóng Trở Nên Lỗi Thời.

Chúng ta có những lời đồn về làm việc chăm chỉ và thành quả nhận được như:

  • Càng làm việc chăm chỉ, bạn càng có nhiều tiền
  • Thành công đến cùng với sự hy sinh
  • Sự cân bằng chỉ dành cho lúc về hưu hoặc sau khi đã “lìa trần”
  • Không có thời gian để làm tất cả mọi chuyện
  • Người chiến thắng là người làm việc chăm chỉ nhất
  • Càng làm việc nhiều giờ, bạn sẽ càng có sức ảnh hưởng lớn
  • Là một doanh nhân nghĩa là không có kỳ nghỉ nào trong một vài năm

Ngày nay, những tuyên bố này không còn đúng nữa. Chúng ta đang đối mặt với thực tế mới – thời đại của thành công không cần trả giá.

Ở Nhật, đã có nhiều người chết vì làm việc quá sức đến mức người Nhật đã có riêng thuật ngữ “karoshi” để chỉ những người như thế, từ này có nghĩa là “chết do làm việc quá sức”. Mặc dù “karoshi” chỉ mức cực độ của tình trạng làm việc quá sức, nhưng ở mức thấp hơn, tình trạng này cũng có những tác động sâu rộng và lâu dài lên tất cả các yếu tố trong cuộc sống của chúng ta. Hầu hết chúng ta không chỉ đơn giản đang tìm cách ngăn chặn thảm họa cực độ này mà còn tích cực tìm cách tốt nhất để sống một cuộc đời trọn vẹn và tuyệt vời: đạt được thành công và có thời gian, năng lượng để tận hưởng nó.

Bạn đã từng nghe ai đó khoe khoang rằng họ chỉ ngủ có hai giờ mỗi đêm trong suốt một tuần , bởi quá bận rộn với một dự án quan trọng? Khi phần lớn chúng ta đã biết nhiều về chức năng cơ bản của não bộ và cơ thể, chúng ta nhận thức được rằng sống kiểu “trang hảo hán” thì chỉ có dại dột chứ chẳng ấn tượng gì.

Khi hạnh phúc chúng ta có nhiều năng lượng hơn và hay giúp đỡ người khác hơn. Bởi tất cả chúng ta đều sẽ rời khỏi nhân thế vào một ngày nào đó theo nguyên tắc “cát bụi lại trở về với cát bụi”. Vậy nên chúng ta càng phải ưu tiên sống vui vẻ, hạnh phúc.

Rất khó để tận hưởng hạnh phúc lâu dài nếu chúng ta phải làm việc 16 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm. Với chúng ta, “điều kiện để tối ưu hóa hạnh phúc” nằm trong khoảng 30 và 60 giờ làm việc mỗi tuần. Có thể hiểu, 30 giờ là khi chúng ta còn nhiều việc khác, hoặc khi chúng ta không thực sự hết mình với công việc đang làm. 60 giờ là khi chúng ta là khi chúng ta đã xác định được mục tiêu, con đường của mình, làm việc cùng những người cho chúng ta cảm hứng, niềm vui và công việc đó không tước đi nhiều thứ trong cuộc sống của chúng ta.

Dường như để trở thành một nhà doanh nhân hay một tài phiệt thành công mà vẫn đạt được cân bằng trong cuộc sống không hề dễ dàng. Chúng ta cũng cần phải nỗ lực rất lớn để làm cất cánh công việc kinh doanh của mình để nó phát triển lớn mạnh, bền vững và được công chúng biết đến rộng rãi. Vậy liệu trong lúc làm việc đó, chúng ta có đủ thời gian và năng lượng để dành cho việc tận hưởng cuộc sống hạnh phúc, trọn vẹn và cân bằng – một cuộc sống không chút hối tiếc hay không?

THÀNH CÔNG KHÔNG CẦN TRẢ GIÁ

Khi chúng ta biết nhiều hơn về cơ thế con người, tư duy cùng động lực làm việc của họ, và khi những thách thức hiện này đòi hỏi một bộ kĩ năng mới, thì rõ ràng chiến lược làm việc nhiều hơn để đánh bại đối thủ xưa cũ và đơn giản chúng ta không còn là cách khả thi duy nhất.

Giờ đây chúng ta đã có thể tối ưu hóa thành công trong kinh doanh và cả hạnh phúc cá nhân cùng một lúc. Đó là trạng thái mà J. Milne và M. Bjergegaard tác giả của cuốn Thành công không cần trả giá gọi là trạng thái tối ưu kép mới – sẽ không còn sự loại trừ giữa thành công trong kinh doanh và thành công cá nhân. Hay hạnh phúc cá nhân có liên quan tới sự thành công kinh doanh.

Cuốn sách được cấu trúc thành 66 bài viết ngắn, mỗi bài tiết lộ một chiến lược, một phương pháp hoặc một quan điểm chuyên sâu có liên quan đến “thành công không cần trả giá”. Đó là:

  1. Những cuộc đối thoại cá nhân của hai tác giả với các doanh nhân trên thế giới, những người đã thành công trong cả công việc lẫn cuộc sống.
  2. Những nghiên cứu và lời khuyên từ các chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực tâm lý học và hiệu suất làm việc.
  3. Những đóng góp, trí tuệ và nguồn cảm hứng của những người tác giả cùng làm việc, tranh luận và chia sẻ cuộc sống.

Và cả,

  1. Kinh nghiệm của họ về khởi động và điều hành các doanh nghiệp, bao gồm Rainmaking – nhà máy sản xuất thành công, trong sáu năm có tổng doanh thu 50 triệu đô la và có những kỳ nghỉ dài 6 – 8 tuần, hầu như không làm việc quá 45 giờ mỗi tuần.

Tất cả được phân loại thành bảy phần:

#1 Tăng cường hiệu suất

#2 Phương pháp mới để làm những điều đã cũ

#3 Xác định những kẻ gây lãng phí thời gian và năng lượng

#4 Khi con đường gập ghềnh

#5 Thiết kế cân bằng

#6 Một tư duy mới

#7 Hành động

1. Tăng cường hiệu suất

15 chiến lược sẽ truyền cảm hứng cho bạn để tăng hiệu suất theo cấp số nhân. Trong khi một số người có thể tạo ra hàng triệu đô la thu nhập mỗi giờ, thì một số khác phải chiến đấu vất vả để có được mức lương tối thiểu như một nhân viên tập sự tại Mc Donald’s. Hãy thông minh và đặt bản thân vào đúng vị trí.

Bi kịch lớn nhất là khi chúng ta bỏ qua hạnh phúc tối ưu đê ưu tiên cho việc đạt thành công. Trớ trêu thay, dù mang trong mình những ý định vô cùng tốt đẹp, chúng ta bỏ qua hiệu suất tối ưu, vì thế mà đánh mất cả hai. Hạnh phúc của chúng ta bị giảm đi so với những gì chúng ta có thể đạt được, đồng thời thành công cũng sẽ ít hơn. Không ít doanh nhân làm việc chưa tới 10 hay 20 giờ mỗi tuần nhưng vẫn có thể hạnh phúc. Họ áp dụng một số quy luật mà khi nghe tên, chúng ta có thể sẽ thốt lên “Mình biết cái này mà”, “Sao có thể thế được”,…

Quy luật “lợi tức cận biên giảm dần” – chúng ta nhận được nhiều giá trị từ đơn vị đầu tiên chúng ta thêm vào, nhưng giảm dần từ những đơn vị thêm sau đó và đến một mức nhất định, mỗi đơn vị thêm vào sau đó sẽ tạo giá trị âm hoặc bằng 0.

Có thể chúng ta đã sử dụng nguyên tắc này nhưng ta không hề hay biết đó chính là lúc chúng ta khát nước, chúng ta uống cốc nước đầu tiên rất sảng khoái, thoải mái, rất “đã” nhưng khi ta uống cốc thứ hai, cảm giác này đã giảm dần: bớt “đã” hơn và cho tới cốc thứ ba và thứ tư cảm giác này có thể không còn nữa mà ta còn cảm thấy no, trướng bụng. Và chúng ta chỉ cần uống đủ để giải khát chứ không uống quá nhiều.

Đó là quy luật hay và đã được áp dụng trong nhiều phương diện cuộc sống, còn ngay tại phần này J. Milne và M. Bjergegaard cho bạn thấy biện pháp cụ thể hơn để tăng hiệu suất của mình.

#Lắp bánh xe của bạn: Nếu đơn phương độc mã khởi nghiệp, bạn sẽ là chiếc xe khuyết mất một nửa, thiếu đi sự hỗ trợ cần thiết để kinh doanh thành công. Có thể bạn sẽ không tìm kiếm một nửa đã mất của mình trong thế giới này và cơ hội thành công sẽ bị giảm đi đáng kể. Nếu đơn thương độc mã, bạn sẽ đặt bản thân vào thế vô cùng bất lợi  ngay từ khi mới bước chân ra khỏi cửa.

Sẽ thế nào nếu Bill Gates không có Paul Allen? Liệu một mình N. R. Narayana Murthy có thể tao ra Infosys? Câu trả lời gần như là không.

#Khởi động lấy đà: Nếu có thể, bạn hãy bắt đầu thật hoành tráng, nhưng cũng đừng e ngại khi bắt đầu với điểm xuất phát khiêm tốn để tạo đà. Công việc kinh doanh bạn đang làm hiện nay có thể không phải là ý tưởng trị giá một tỉ đô la, nhưng đó có thể là một bước quan trọng. Cho dù bạn đang làm bất cứ điều gì, hãy tiếp tục. Rất nhiều người nghĩ rằng họ sẽ bắt đầu khi họ tìm ra “ý tưởng lớn”. Hãy dẹp ngay suy nghĩ đó đi. Và bắt đầu một điều gì đó. Nó sẽ tạo đà cho bạn. Chờ đợi sẽ luôn chỉ là chờ đợi mà thôi.

#Chọn thời điểm chin muồi: Doanh nhân thất bại một phần là do không tính đến điều kiện thị trường nơi mình đang khởi nghiệp. Nhiều người lạc quan đã tạo ra những sản phẩm tuyệt vời bằng các công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, đa số người tiêu dùng lại chẳng quan tâm gì đến những công nghệ đó. Ngoài ra, còn nhiều điều kiện cần và đủ khác để chúng ta đưa tầm nhìn đi trước của mình vào thực tế lại chưa xuất hiện.

#Tiến hành một thử nghiệm nhỏ: Hãy bỏ qua các chiến thuật khiến bạn lạc hướng, hãy hướng thẳng tới các khách hàng tiềm năng và cố gắng bán cho họ sản phẩm của bạn. Hãy quán triệt việc đó trước khi bạn đầu tư một số tiền lớn để hoàn thiện sản phẩm, nếu không bạn sẽ phải đối diện với nguy cơ nhu cầu khách hàng một đằng, bạn lại mạo hiểm tài sản của mình để đưa ra sản phẩm một nẻo.

#Hãy bước ra khỏi garage: Hãy đặt bản thân vào một môi trường giàu năng lượng, tràn đầy cảm hứng cùng các doanh nhân khác.

#Hãy khác biệt: Luôn tìm cách nổi bật.

#Đòn bẩy công nghệ: Đối với người đang tìm kiếm cuộc sống cân bằng, tận dụng công nghệ thông tin chính là một phần của giải pháp.

#Yếu tố con người là quan trọng nhất: Một yếu tố quan trọng của sự khác biệt giữa một nhà lãnh đạo bình thường – chăm chỉ nhưng không thu được là bao với một nhà lãnh đạo đạt được những kết quả đáng nể đó là khả năng gắn kết được đúng người, thúc đẩy, truyền cảm hứng cho họ và tạo ra kiểu văn hóa công ty đúng đắn.

#Tương tác với lòng nhiệt huyết của người khác: Hãy kết nối với những người có chung niềm đam mê.

#Làm chủ nghệ thuật lắng nghe: Trong nhiều tình huống khó khăn, câu trả lời là hãy im lặng.

#Hãy tinh gọn: Tất cả chúng ta đều có thể gia tăng hiệu suất gấp bội bằng cách đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn để thiết kế một kế hoạch thực hiện hiệu quả.

#Không nên cố gắng quá sức: Bằng nỗ lực không gắng sức, bạn không những có thể đạt được kết quả tốt hơn, mà còn có thể giữ sức được nhiều hơn trong suốt chặng đường.

#Lướt sóng: Khi bạn cảm thấy một làn sóng năng lượng đang tới, hãy tự đặt bản thân vào vị trí phù hợp để tận dụng nó. Hãy linh hoạt và tự hỏi bản thân “ Ngay lúc này, mình cảm thấy làm việc gì hiệu quả nhất?” Rồi hãy bắt tay vào làm việc đó. Chắc chắn bạn sẽ nhận ra rằng mình làm nhanh hơn và chất lượng tốt hơn so với khi bạn ép buộc bản thân.

#Bồi dưỡng trí tuệ: Bằng việc thiền định, bạn rút lại các khoản vay của mình từ quá khứ và tương lai để đầu tư toàn bộ tâm trí, con người mình vào hiện tại.

Và đơn giản nhưng hết sức quan trọng đó là:

#Ngủ đủ: Nếu cuộc sống của bạn là một chiếc cầu tàu được xây dựng hướng ra đại dương, thì giấc ngủ sẽ là trụ cột nền tảng giữ vững mọi thứ khác.

2. Phương thức làm mới những điều đã cũ

Năm bài viết minh họa về những điều chỉnh rất nhỏ tới các thói quen hằng ngày (suy nghĩ, học tập, và lên danh sách công việc cần làm) có thể tác động tới thành quả nhiều như thế nào – và chúng ta sẽ có bao nhiêu niềm vui trong quá trình này.

Có một số công việc chúng ta phải làm rất thường xuyên, có lẽ thường xuyên hơn là chúng ta mong muốn. Chúng đều là các việc vặt vãnh, nhưng nhiều việc như thế gộplại cũng tốn rất nhiều thời gian, công sức của chúng ta, và bởi thế chúng thường xuyên là chủ đề của các bài giảng hoặc các khóa đào tạo về hiệu suất làm việc.

Hầu hết chúng ta đều được học rất nhiều về các cuộc họp, danh sách công việc cần làm và các hoạt động khác kiểu này. Nhưng vì lý do nào đó, chúng ta lại không nhận được các cơ hội cơ bản nhất để cải thiện chúng . Thật chẳng khác gì kẻ tham bát bỏ mâm.

Bạn có nghĩ việc thay đổi môi trường của cuộc họp thay vì cùng nhau ngồi quanh một chiếc bàn ảm đạm, nhàm chán sẽ mang lại hiệu quả cao trong công việc?

Claus Meyer, một doanh nhân về ẩm thực người Đan Mạch có một quan niệm về họp hành vô cùng thú vị.

Tôi biến càng nhiều cuộc họp hành thành các cuộc dạo bộ hoặc chạy bộ càng tốt, đặc biệt khi phải thảo luận những chủ đề khó. Tôi từng đi bộ cùng một đồng nghiệp quanh Copanhagen dưới trời tuyết trong vòng 2 giờ đồng hồ. Chủ đề thảo luận hôm đó thực sự khó và chúng tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời.

Thay vì cố gắng ôm đồm danh sách những việc cần làm trong “dài hạn”, hãy lập một danh sách việc làm của “hôm nay” một cách có chủ đích. Hãy thực hiện công việc đó. Hãy cảm thấy hài lòng về nó.

Một cách khác, thoát khỏi các kênh thông tin thông thường và bắt đầu tìm kiếm một số kiến thức mới và hiếm, bạn có thể tiết kiệm thời gian, đồng thời lại đạt được nhiều điều có ích cho bản thân hơn. Đấy là chưa kể bạn còn có nhiều phút giây cảm thấy thú vị với kiến thức mình đang đơn thương độc mã theo đuổi.

Việc nhỏ bé nhưng hiệu quả mang lại không hề nhỏ: thư giãn đầu óc. Sự mệt mỏi của não bộ khác với sự mệt mỏi của các cơ bắp. Nếu học được cách nhận ra cảm giác này, chúng ta có thể xen vào vài giây nghỉ ngơi chính xác lúc cần thiết. Bằng cách đó, chúng ta tận hưởng được cảm giác đầu óc được trống rỗng nhiều lần trong ngày.

Bài viết cuối, hai tác giả khuyên chúng ta nên tập trung vào điều cực kỳ quan trọng. Những danh sách công việc cần làm là một hoạt động tranh thủ. Đừng dành phần lớn thời gian làm việc trong ngày cho nó.

3. Xác định những kẻ gây lãng phí thời gian và năng lượng

Thật ngạc nhiên là hàng ngày chúng ta lãng phí rất nhiều thời gian. Những việc chúng ta làm không tạo ra bất cứ giá trị thực tế nào về mặt kinh doanh hay hạnh phúc cá nhân. Đã đến lúc phải giảm thiểu sự lãng phí đó: 14 bài viết sẽ nói rõ hơn vấn đề này.

Theo quan sát của tôi, hầu hết mọi người đều tiến lên phía trước trong khoảng thời gian mà người khác lãng phí.

Lượng thời gian và công sức mà tất cả chúng ta lãng phí mỗi ngày sẽ khiến bạn phải ngạc nhiên. Người ta đã nhiều lần chứng minh rằng 20% nỗ lực sẽ mang đến ít nhất 80%  kết quả của chúng ta. Phần lớn công sức mà ta bỏ ra không bổ sung thêm bất kỳ giá trị đáng kể nào cho thành công hay hạnh phúc của chính mình. Và tất nhiên, phần khó khăn là cần phân biệt được việc nào là quan trọng và việc nào gây lãng phí thời gian. Bạn có thể tham khảo 14 biện pháp dưới đây để tiết kiệm thời gian của chính mình.

  1. Chọn đúng dự án
  2. Tránh xa những người bào mòn nguồn năng lượng của bạn
  3. Nếu bạn phải đi đâu đó, hãy đi một cách thông minh
  4. Gặp mặt trực tiếp để giải quyết các xung đột thay vì gửi email…
  5. Hãy quyết đoán khi cần thiết
  6. Sắp xếp lại cuộc sống của bạn
  7. Thử thay đổi môi trường vật lý hoặc tìm kiếm điều gì mới mẻ hơn
  8. Tránh xa những kẻ lợi dụng
  9. Thư giãn và để người khác cùng góp ý
  10. Đi thẳng vào vấn đề
  11. Đừng giấu giếm, tận dụng mọi cơ hội để mọi người biết đến và quan tâm dự án của bạn
  12. Hãy thông minh khi huy động vốn
  13. Đừng để công nghệ kiểm soát bạn
  14. Tránh những xung đột không cần thiết.

4. Khi con đường gập ghềnh

Không thể phủ nhận rằng trở thành doanh nhân đôi khi thật khó khăn. Các tấm gương doanh nhân tiêu biểu chia sẻ thẳng thắn về thất bại của họ. Hãy cùng nhìn vào đó và rút ra 5 suy nghĩ tích cực khi con đường gập ghềnh – để nhanh chóng đứng dậy và không quá đau đớn.

#Suy nghĩ gia tăng sức mạnh 1: Khó khăn = thách thức = phát triển = hạnh phúc

#Suy nghĩ gia tăng sức mạnh 2: Mỗi thất bại là một cơ hội

#Suy nghĩ gia tăng sức mạnh 3: Dù hoàn cảnh nào bạn vẫn có thể thành công mà không cần phải trả giá

#Suy nghĩ gia tăng sức mạnh 4: Tất cả những gì bạn cần làm là thua keo này ta bày keo khác (và kiên trì theo đuổi những keo thích hợp)

#Suy nghĩ gia tăng sức mạnh 5: Những người già (và trẻ) đang bắt tay vào công việc kinh doanh đầu tiên của họ ngay ngày hôm nay

5. Thiết kế cân bằng

Hầu hết mọi người đều mong muốn một cuộc sống cân bằng nhưng rất ít người lên kế hoạch để đạt được điều đó. Hãy dừng ngay trò ngồi chờ sung rụng và bắt đầu áp dụng 10 cách đơn giản trong phần này. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy sự cân bằng có thể dễ dàng đạt được đến thế nào, chỉ cần bạn tính đến nó ngay từ đầu.

6. Một tư duy mới

Suy cho cùng, tất cả nằm ở niềm tin. Có đến hàng tá, thậm chí hàng trăm phương pháp và chiến lược giúp chúng ta đạt được trạng thái tối ưu kép, nhưng tận sâu trong thâm tâm, nếu chúng ta không thực sự tin rằng trạng thái đó tồn tại (ít nhất là với chúng ta) thì sẽ chỉ lại lãng phí thời gian thêm mà thôi. Phần này có tới 11 bài viết đề cập đến việc tìm kiếm một tư duy mới.

7. Hành động

Với những tấm gương mà tác giả có đề cập tới trong cuốn sách, hẳn nhiều người trong số chúng ta sẽ hào hứng: “Tuyệt vời – Tôi có niềm tin – Nào, hãy nói cụ thể cho tôi biết tôi có thể làm gì ngay tại đây bây giờ”. Cuốn sách kết thúc với phần thúc giục bạn Hãy hành động với sáu bài viết để bạn đạt được một Thành công không cần trả giá.

Không hẳn sau khi đọc xong cuốn sách này, chúng ta có thể nói rằng những người đang làm việc nhiều giờ ngoài kia không hiệu quả, mà cuốn sách hướng chúng ta tới phương pháp làm việc bền vững và nhân văn hơn. Tất nhiên vẫn nên phấn đấu để thúc đẩy bản thân đạt được hiệu suất làm việc cao nhất.

 

 

Review chi tiết bởi Thu - Bookademy

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,389 lượt xem