Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Từ Shark Tank Đến Khởi Nghiệp Thật Sự: Đọc Bao Nhiêu Sách Cho Đủ?

Trong những ngày gần đây, Chương trình truyền hình thực tế Thương vụ bạc tỉ - Shark Tank Vietnam đang ngày càng thu hút độc giả với những ý tưởng khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ rất táo bạo và tiềm năng. Và trong một bài báo Shark Lê Đăng Khoa: Trẻ nhất, ít tiền nhất nhưng tự tin là người có khả năng xây dựng thương hiệu tốt nhất! (Theo Kenh14.vn), chúng ta biết đến một shark Lê Đăng Khoa chỉ vừa tròn 34 tuổi nhưng đã là một doanh nhân trẻ có tiếng tại Sài Gòn. Tính đến hiện nay, Lê Đăng Khoa đã nắm giữ rất nhiều thương hiệu nổi tiếng, tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau từ du lịch sinh thái, nông nghiệp, dịch vụ, hoa, bất động sản...

Lê Đăng Khoa có từng chia sẻ:

"Khởi nghiệp là một câu chuyện vô cùng căng thẳng. Các bạn sẽ phải đánh đổi rất nhiều mồ hôi, nước mắt, rất rất nhiều thứ. Nhưng khởi nghiệp là thứ các bạn trẻ nên làm, phải làm. Vấn đề ở chỗ, từ chỗ “muốn khởi nghiệp” đến “có một mô hình khởi nghiệp”, nó là đoạn đường rất dài và gian nan."

Như vậy ta có thể thấy được rằng khởi nghiệp không phải là một chuyện dễ dàng. Vậy trước khi khởi nghiệp ngoài việc chúng ta chuẩn bị một ekip đúng, chiến lược tài chính rõ ràng, ý tưởng kinh doanh xuất sắc, hiểu về marketing/ tài chính/ dòng tiền..., hãy thử tìm hiểu những cuốn sách về khởi nghiệp để mỗi "nhà khởi nghiệp" có thể chu toàn hơn cho mình về kiến thức, về tâm lý, và về năng lực trong lĩnh vực này.

1. Tạo Lập Mô Hình Kinh Doanh - Thay Đổi Cuộc Chơi Kinh Doanh, Bạn Dám Không?

Khi được hỏi về các mô hình khởi nghiệp của mình, Lê Đăng Khoa có chia sẻ:

Với những mô hình kinh doanh mà Khoa đang làm thì mình nghĩ thế mạnh lớn nhất của mình chính là khả năng xây dựng thương hiệu. Khoa tự tin mình có thể xây dựng được những thương hiệu tốt trong thời gian ngắn nhất. Mà ở thời đại cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, những thứ liên quan đến hình ảnh, đến thương hiệu là cực kì quan trọng.

Nếu đọc cuốn sách "Tạo Lập Mô Hình Kinh Doanh", bạn sẽ biết cách xây dựng một mô hình tiến bộ, phần thiết kế ấn tượng và cách viết hệ thống. Cuốn sách này sẽ cung cấp cho bạn vốn hiểu biết sâu sắc về bản chất của các mô hình kinh doanh. Nó mô tả những mô hình truyền thống và những mô hình mới nhất trên thế giới hiện nay cũng như cơ chế hoạt động của chúng. Những kĩ thuật sáng tạo, cách định vị mô hình kinh doanh trong một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, và cách định hướng quá trình tái thiết mô hình kinh doanh trong tổ chức.

Cuốn sách này được chia làm 5 phần:

(1) Khung mô hình kinh doanh

“Mô hình kinh doanh diễn giải tính hợp lý trong cách thức một tổ chức tạo lập, phân phối và nắm bắt giá trị.” Nó giống một bản kế hoạch chi tiết về chiến lược xuyên suốt cơ cấu tổ chức, quy trình và hệ thống. Mô hình kinh doanh bao trùm bốn khu vực chính là khách hàng, sản phẩm chào bán, cơ sở hạ tầng và năng lực tài chính.

Khung mô hình bao gồm 9 thành tố:

  • Phân khúc khách hàng (Customer Segments – CS)
  • Giải pháp giá trị (Value Propositions – VP)
  • Kênh kinh doanh (Channels – CH)
  • Quan hệ khách hàng (Customer Relationship – CR)
  • Dòng doanh thu (Revenue Stream – RS)
  • Các nguồn lực chủ chốt (Key Resources – KR)
  • Những hoạt động trọng yếu (Key Activities – KA)
  • Những đối tác chính (Key Partnership – KP)
  • Cơ cấu chi phí (Cost Structure – CS)

(2) Hình mẫu

Có 5 mô hình được phác thảo trong chương này:

- Mô hình chuyên biệt hóa kênh phân phối: bao gồm ba dạng nghiệp vụ khác nhau là nghiệp vụ quan hệ khách hàng, nghiệp vụ cải tiến sản phẩm và nghiệp vụ cơ sở hạ tầng.

- Mô hình cái đuôi dài: bán nhiều loại sản phẩm với số lượng ít hơn (tập trung bán nhiều sản phẩm ngách, mỗi sản phẩm chỉ bán chạy trong một khoảng thời gian nhất định).

- Nền tảng đa phương: tác hợp trên hai nhóm khách hàng khác biệt nhưng có mối quan hệ phụ thuộc qua lại.

- Miễn phí với tư cách một mô hình kinh doanh: những khách hàng không phải thanh toán được tài trợ bởi một thành phần khác trong mô hình kinh doanh hoặc một phân khúc khách hàng khác.

- Mô hình kinh doanh mở: nhằm tạo ra và nắm giữ giá trị nhờ hợp tác một cách có hệ thống với các đối tác bên ngoài.

(3) Thiết kế

Những người làm kinh doanh không hề biết rằng hằng ngày họ vẫn thực hiện việc thiết kế. Chúng ta biết kế những tổ chức, chiến lược, mô hình kinh doanh, quy trình và dự án. Để làm được điều đó, chúng ta phải cân nhắc một mạng lưới nhân tố phức tạp, như các đối thủ cạnh tranh, công nghệ, môi trường, pháp lý và hơn thế nữa. Ngoài ra, chúng ta phải thực hiện điều đó trong những lĩnh vực xa lạ mà ta chưa từng biết tới. Đó chính xác là những gì để nói về thiết kế. Những gì các doanh nhân còn thiếu là các công cụ thiết kế bổ trợ cho những kĩ năng kinh doanh của họ.

(4) Chiến lược

Chương này bao gồm 4 chiến lược: môi trường hoạt động của mô hình kinh doanh, đánh giá các mô hình kinh doanh, triển vọng về một mô hình kinh doanh dựa trên Chiến lược Đại dương Xanh và quản trị nhiều mô hình kinh doanh.

(5) Quy trình

Tóm lại, có 5 giai đoạn trong quy trình thiết kế mô hình kinh doanh: vận động (chuẩn bị cho một dự án thiết kế mô hình kinh doanh thành công), nhận thức (nghiên cứu và phân tích các yếu tố cần thiết để tiến hành thiết kế mô hình kinh doanh), thiết kế (sáng tạo và thử nghiệm những phương án khả thi, lựa chọn phương án tốt nhất), triển khai (thử nghiệm nguyên mẫu mô hình kinh doanh) và quản lý (điều chỉnh mô hình kinh doanh để thích ứng với những phản ứng của thị trường).

Quy trình này không mấy khi diễn ra đúng theo thứ tự liệt kê trên.

Đặc biệt, giai đoạn nhận thức và thiết kế thường có xu hướng cùng diễn ra một lúc. Giai đoạn chạy thử nguyên mẫu mô hình kinh doanh có thể bắt đầu sớm ngay từ giai đoạn nhận thức, dưới hình thức phác thảo những ý tưởng nguyên sơ về mô hình kinh doanh. Tương tự, chạy thử nguyên mẫu trong giai đoạn thiết kế có thể dẫn tới những ý tưởng mới, những ý tưởng này cần được nghiên cứu thêm và bạn lại quay về giai đoạn nhận thức.

Tiểu kết: Tạo Lập Mô Hình Kinh Doanh thực sự là một cuốn sách công phu, từ nội dung đến hình thức trình bày. Nó chứa đủ những lý do đáng bỏ tiền ra mua, về cả nội dung, hình thức, lối viết và minh họa. "Đây không phải lần đầu tôi đọc một cuốn sách về chiến lược và quản trị như thế này, nhưng đây là cuốn sách khơi dậy trong tôi niềm tò mò thích thú với kinh doanh nhất – điều mà tôi nghĩ khá cần thiết với bản thân mình lúc này." - Thu Trang nhận xét.

Xem review chi tiết tại: https://goo.gl/ntjwGD

 

2. GAM7 Book 07 Trade Marketing - Tiếp Thị Thương Mại: Chiếc Chìa Khóa Mọi Marketer Cần Nắm Giữ

Khi được hỏi về giá trị mà Lê Đăng Khoa đã tìm kiếm khi khởi nghiệp là gì thì anh đã trả lời rằng:

Mình phải nghĩ cái sản phẩm, cái dịch vụ mình tạo ra có khác biệt, có mang lại giá trị, giải pháp nào cho cuộc sống hay không,… Làm cho bữa ăn của người ta phong phú hơn, làm cho cuộc sống của người ta tiện ích hơn chẳng hạn.

Khi đọc "GAM7 Book 07 Trade Marketing - Tiếp Thị Thương Mại", cuốn sách mà được coi như "chiếc chìa khóa mọi marketer cần nắm giữ", chúng ta càng hiểu thêm về cái "tâm" của nhà khởi nghiệp Lê Đăng Khoa.

Book 07 Trade Marketing là cuốn đầu tiên trong series GAM7 2.0, được phát hành vào quý IV năm 2017. Cuốn tạp chí này bao gồm các bài viết từ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực marketing từ các công ty và thương hiệu lớn như Lazada, Bluefox, WildFire Collaborative, và Nielson. Với Trade Marketing, GAM7 hứa hẹn sẽ mang đến toàn bộ “phần chìm” của tảng băng lĩnh vực tiếp thị thương mại, tức hệ thống các hoạt động chiến lược dẫn đến hành vi mua của khách hàng, hay “phần nổi” của tảng băng ấy.

Trade Marketing được chia thành bốn mảng: Marketing – Design, Branding, Communications và Digital Marketing. Cuối sách có một phần bonus nhỏ về các tài liệu tham khảo, tài liệu đọc thêm và giải đáp câu hỏi.

Phần 1. Marketing – Design

Chuyên mục mở đầu, Marketing – Design đề cập tới những khái nghiệm cơ bản nhất trong Trade Marketing, làm sao để thấu hiểu khách hàng nhằm gia tăng doanh số và cách tối ưu hóa hoạt động khuyến mại, cũng như chiến lược để khác biệt và chiến thắng trên kênh phân phối truyền thống.

Chiến thắng khách hàng tại điểm bán – bài viết đầu tiên trong cuốn sách, được viết bởi Nhung Phạm – cung cấp cho người đọc thông tin về yếu tố “đủ” hoàn thiện marketing truyền thống. Để có thể bán sản phẩm ra cho người tiêu dùng, doanh nghiệp cần hai chức năng là Sales (đưa sản phẩm từ nhà sản xuất tới các kênh phân phối) và Marketing (tạo ra nhu cầu và triển khai các hoạt động quảng bá), nhưng như thế vẫn chưa đủ. Trade Marketing sẽ giúp bổ sung vào phần khuyết thiếu ấy.

Trade Marketing luôn nhắm đến ba đối tượng chính: Khách hàng, Điểm bán và Thương hiệu. Do đó, các doanh nghiệp cần có trọng trách xây dựng mối quan hệ ba bên thật hoàn hảo. Các mối quan hệ bao gồm: làm bạn với kênh phân phối, thu hút khách hàng, và gắn kết với thương hiệu.

Phần 2. Branding

Trước hết là một bài viết về Toàn cảnh thị trường FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) và những biến chuyển trong hành vi người tiêu dùng. Tác giả Huy Hoàng, Commercial Director của Kantar Worldpanel Việt Nam, đưa ra những xu hướng nổi bật của ngành FMCG thông qua nghiên cứu một số thị trường điển hình ở châu Á (gồm Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam…). Ba xu hướng này là: tác động đến nhóm người mua có giá trị nhất thông qua điện thoại thông minh, đi tắt đón đầu những biến đổi của thương mại điện tử, và đáp ứng kì vọng thay đổi liên tục của người tiêu dùng.

Vậy, làm thế nào để thiết lập, duy trì và mở rộng kênh phân phối? Nếu doanh nghiệp không cung cấp sản phẩm thuộc ngành FMCG thì có những cách tối ưu kênh phân phối nào? Câu trả lời chính là chiến lược phát triển bền vững, theo bài viết Khi doanh nghiệp Non-FMCG làm Trade Marketing của Marketing Director của Davines – Tigi Việt Nam, Phạm Vũ Tùng.

Phát triển bền vững là “sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không làm ảnh hưởng tới sự thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai.” Ba lĩnh vực chính của phát triển bền vững là kinh tế, môi trường và con người. Một chiến lược phát triển thương hiệu bền vững “từ xác định giá trị cốt lõi, nền móng thương hiệu, định vị thương hiệu đến truyền thông và các công tác khác.” Bên cạnh đó, câu chuyện thực tế từ thương hiệu mỹ phẩm Davines sẽ giúp người đọc tiếp cận cách thức phát triển và duy trì chiến lược phát triển bền vững một cách cụ thể và rõ ràng hơn.

Trong quá trình xây dựng thương hiệu, Start-up và SME (Small and Medium Enterprise – Doanh nghiệp vừa và nhỏ) có cần tiếp thị thương mại? Vì ngân sách hạn chế cho Marketing và ít đầu tư cho tiếp thị thương mại tại điểm bán mà các Start-up cùng SME “bị kém ưu tiên về vị trí (như là để những góc khuất hay những vị trí mà khách hàng khó nhìn ra)”. Tác giả Nguyễn Quang Hiệp đưa ra một số giải pháp khắc phục như cải thiện hệ thống phân phối hiện tại để khai thác tối đa tiềm lực, mở rộng kênh phân phối mới. Về vấn nạn chi phí, kênh thương mại điện tử (E-commerce) có thể là một sự lựa chọn với điểm mạnh khó cưỡng. Và giải pháp cuối cùng, ít nhất dành một khoản hợp lý đầu tư cho tiếp thị thương mại tại điểm bán.

Tiếp theo, Sự đổ bộ của cửa hàng tiện lợi, cơ hội của những doanh nghiệp nhạy bén của tác giả Dương Vũ Thụy cung cấp các số liệu về số cửa hàng ở Việt Nam cuối năm 2015, tỉ lệ về đối tượng mua hàng tại đây và địa điểm của chúng. Các cửa hàng tiện lợi hút khách như vậy là do mở cửa 24/7, sẵn bày các mặt hàng nhu yếu phẩm, thức ăn nhanh và các tiện ích khác; do đa dạng văn hóa, hàng hóa và trải nghiệm. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết tận dụng lợi thế “sân nhà” thì hoàn toàn có thể nắm phần lợi trong cuộc đua này.

Phần 3. Communications

Chuyên mục số ba, Communications là nơi chứa đựng đáp án cho câu hỏi làm sao “trò chuyện” được với khách hàng tại điểm bán. Bài viết về Instore Communication: cuộc trò chuyện không lời sẽ mở màn chuyên mục này. “Tại cửa hàng, chúng ta chỉ có 15 giây cơ hội để đưa sản phẩm của mình vào trong sự lựa chọn của người mua hàng mà thôi.” Vậy phải làm sao để chiến thắng cuộc chiến khốc liệt trên quầy kệ? Một trong các hướng doanh nghiệp có thể tập trung vào là viết call-to-action, hay lời chào mời, tại điểm bán hàng thật hấp dẫn. Nếu bạn là một copywriter và bạn đang phải viết một lời chào hàng, hãy tìm đọc bài viết Bảng cửu chương hành động trong tạp chí này để có được các tip copywriting thật hữu ích nhé.

Bên cạnh đó, chuyên mục này còn đưa ra những ví dụ chào hàng ở các khu chợ Việt Nam trong Chợ truyền thống Việt Nam – chất hiện đại trong lối bán cũ, Tài sản truyền thông thương hiệu (bao gồm sự có sẵn, sự kết nối và 3 chữ D: Dễ thấy, Dễ chọn, Dễ mua) và tiềm năng của thị trường nông thôn trong lĩnh vực bán lẻ ở bài viết Xu hướng mới để tiếp cận thị trường bán lẻ nông thôn.

Chuyên mục thứ tư là Digital Marketing. Trong thời đại số hóa, công nghệ hóa như hiện nay, doanh nghiệp cũng cần thay đổi để tiếp cận khách hàng, tạo môi trường thuận lợi nhất cho khách hàng, nhằm tăng doanh số. Các bài viết trong phần này gồm:

  • Số hóa tiếp thị thương mại (cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng số hóa Trade Marketing, Trade Marketing trên môi trường kĩ thuật số, thiết lập hệ thống phân phối đa kênh tích hợp, cách Việt Nam đón nhận xu hướng số hóa),
  • Omni-Channel Retailing: tối ưu và đồng bộ trải nghiệm mua sắm (những lợi ích của Omni-Channel Retailing và các cách để trải nghiệm Omni-Channel Retailing đạt đích doanh nghiệp mong muốn),
  • Cuộc tranh luận mang tên Bán lẻ sắp chết, bán lẻ sống mãi (trải nghiệm và công nghệ: thần dược của bán lẻ, công nghệ mới: liệu chỉ là thuốc chữa triệu chứng?),
  • Tiếp thị thương mại cho thương mại điện tử (khi xe đẩy hàng được thay bằng cú click chuột, tiếp thị thương mại cho thương mại điện tử),
  • Khi mỗi cá nhân là một nhà bán lẻ

Phần 4. Bonus

Chuyên mục Bonus kết lại lần này có “nội dung hoàn toàn mới, tính tổng kết và đối thoại cao hơn nhằm khơi gợi cho bạn đọc niềm yêu thích tìm hiểu thêm”. Phần đầu tiên là Wrap&Go, nơi tổng hợp lại những kiến thức và concept trong cuốn sách dưới dạng mindmap để tiện cho việc hệ thống kiến thức và tra cứu. Phần thứ hai, References, nơi chứa đựng các ý tưởng mới, các cuốn sách hay, các khóa học thú vị. Phần cuối cùng, GAM7 Connect, nơi chuyên gia GAM7 giải đáp thắc mắc xoay quanh chủ đề của bạn đọc.

Tiểu kết: Nếu như bạn đang học Marketing, hoặc có ý định hay đã trở thành một Marketer, cuốn sách này (và có thể là toàn bộ series GAM7) sẽ trở thành chìa khóa giúp bạn nắm bắt được xu thế và năng động hơn, linh hoạt hơn trong sự nghiệp.

Xem review chi tiết tại: https://goo.gl/fcKqLx

Kết

Từ những chia sẻ của nhà khởi nghiệp Lê Đăng Khoa, chúng ta có thể tìm kiếm được nhiều cuốn sách giúp củng cố kiến thức về khởi nghiệp cho cá nhân đang tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp. Hãy vun đúc cho bản thân kiến thức để tạo cho mình một nền tảng kinh tế bởi "Muốn làm kinh tế, nhất định phải có kiến thức nền tảng về kinh tế." - Lê Đăng Khoa. Mà những kiến thức nền tảng đó không nhất thiết phải tới từ trường lớp, nó có thể đến từ đọc sách, đến từ việc mình đi học hỏi các đàn anh, đàn chị, quan sát những người thành công họ đạt được thành tựu của họ như thế nào.

Tổng hợp bởi Thái Hà - Bookademy

---

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

9,416 lượt xem