Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Cách Viết Một Đề Án Kinh Doanh (Business Case)

Đề án kinh doanh là một văn kiện chính thức, sử dụng nhiều lí lẽ để thuyết phục những người có quyền quyết định chấp nhận thực hiện đề xuất của bạn. Một đề án kinh doanh tốt sẽ cân nhắc tất cả các cách tiếp cận khả thi cho vấn đề và hỗ trợ người chủ doanh nghiệp chọn ra được phương án tốt nhất cho tổ chức. Bài viết sau đây sẽ giải thích nội dung và cấu trúc của một đề án kinh doanh cũng như những quy trình liên quan để tạo ra nó.

Trước khi viết đề án kinh doanh

Một bản đề án kinh doanh thực chất là kết quả của rất nhiều giai đoạn bạn phải hoàn thành trước đó. Thông qua các giai đoạn này, bạn có thể đánh giá dự án hiện tại có khả thi hay không. Việc phát triển một đề án kinh doanh có thể tốn rất nhiều thời gian nên điều quan trọng là bạn cần thực hiện đánh giá này càng sớm càng tốt. Về cơ bản, bạn phải hiểu được hoàn cảnh kinh doanh của mình trước khi phát triển đề án kinh doanh.

Ở giai đoạn chuẩn bị đầu tiên, bạn cần phân tích kỹ lưỡng bối cảnh dẫn đến việc khởi xướng dự án. Một khi đã hiểu rõ và thông suốt vấn đề này, bạn cần xác định những yếu tố cần thiết để lập đề án kinh doanh và ước tính sơ bộ những yêu cầu của dự án. Những yêu cầu này có thể bao gồm thời gian, nguồn nhân lực cần có để tính được tỷ suất đầu tư (ROI), hoặc để hoàn thiện đề án, dự án hoặc các khâu trong dự án.

Tiếp theo, bạn nên xác định tất cả những nguồn tư liệu cần thiết giúp xây dựng đề án. Các nguồn này có thể bao gồm các báo cáo tài chính nội bộ, nghiên cứu tình huống ở các dự án tương tự, dữ liệu lịch sử, các phân tích và dự báo ngành, các nghiên cứu nhân khẩu học, v.v.

Sau khi đã thu thập những thông tin đó, bạn nên lập kế hoạch sơ bộ cho đề án kinh doanh và gửi cho những người chịu trách nhiệm quyết định. Hãy hỏi ý kiến của họ về dự án, giá trị và tính khả thi, và nếu như những ý kiến đó là tích cực, hãy xin hỗ trợ từ họ.

Dựa trên những thông tin đã có, bạn nên cân nhắc về khả năng được chấp thuận của dự án. Từ đó bạn mới ra quyết định có nên tiếp tục và bắt tay vào việc viết đề án hay không.

Bảng tóm lược (Executive summary)

Bảng tóm lược là cái nhìn tổng quan về đề án kinh doanh. Nó trình bày một cách ngắn gọn và dễ hiểu về vấn đề mà dự án định giải quyết, những lưu ý quan trọng, những nguồn lực cần thiết để hoàn thành dự án, kết quả mong đợi, tỉ suất ​​đầu tư dự kiến và dự báo khi nào thì đạt được ROI. Vì một số bên chỉ đọc bảng tóm lược, nên việc đưa ra những thông tin cần thiết cho việc ra quyết định là rất quan trọng. Giống như phần tóm tắt trong các bài viết học thuật, bảng tóm lược được trình bày ở phần đầu nhưng phải được viết sau khi toàn bộ đề án kinh doanh đã hoàn thành.

Báo cáo vấn đề (Problem statement)

Phần này tập trung trực tiếp vào vấn đề mà dự án định giải quyết. Nó nêu ra những khu vực có vấn đề và cần giải pháp, chẳng hạn như hiệu suất thấp, việc bỏ lỡ các cơ hội, tình hình hoạt động tồi tệ trên thị trường hay những phản hồi tiêu cực từ người tiêu dùng đối với một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó.

Phân tích tình hình

Phần này mô tả cụ thể hơn về những nguyên nhân sâu xa của vấn đề và tại sao nó xảy ra. Cuối cùng, phần văn bản này cũng đưa ra những dự báo về các sự kiện có thể xảy ra nếu tình hình hiện tại còn tiếp diễn. Và kết luận của phần phân tích nên kết nối đến phần tiếp theo.

Các lựa chọn giải pháp

Trong phần này, bạn cần chỉ ra các giải pháp khả thi cho vấn đề và mô tả một cách đầy đủ để người đọc hiểu được. Lấy ví dụ, nếu giải pháp được đề xuất là thực hiện ảo hóa máy tính để bàn, bạn sẽ phải định nghĩa các thuật ngữ và ứng dụng chuyên ngành của công nghệ đó. Đa số vấn đề đều có nhiều giải pháp khả thi và bạn nên xem xét tất cả các giải pháp đó để lựa chọn ra giải pháp tốt nhất.

Bản mô tả dự án

Phần mô tả này phải bao gồm tất cả các nguồn lực cần thiết cho việc thực hiện dự án, ngân sách dự án, mốc thời gian với các mục tiêu đo lường được cho tất cả giai đoạn trong dự án. Hãy liệt kê tất cả những lầm tưởng mà người đọc cần lưu tâm, ví như, những quy định của chính phủ liên quan đến dự án sẽ không được phép thay đổi. Bạn cũng nên nhắc tới những thứ có liên quan đến dự án, chẳng hạn như ảnh hưởng từ các dự án khác hay sự sẵn sàng của những nhân lực chủ chốt. Chú ý tới những rủi ro liên quan đến dự án và nên có kế hoạch sơ bộ để giải quyết chúng. Trong phần ngân sách, nên bao gồm các dự báo cho các số liệu tài chính có liên quan như ROI và tổng chi phí sở hữu (TCO - total cost of ownership). Bạn cũng nên đưa ra một con số - thường là 15-20% của tổng ngân sách- phòng trường hợp vượt phạm vi dự án. Xác định và mô tả tất cả các giai đoạn của dự án, kèm thêm một bài đánh giá sau dự án. Nên đưa thêm các tiêu chí đo lường để xác định sự thành công của dự án.

Phân tích lợi ích - chi phí

Phần này đưa ra đánh giá về chi phí và lợi ích cho tất cả các phương án, bao gồm phương án được đề xuất và tất cả những phương án thay thế khác. Nếu có thể, hãy minh họa trường hợp của bạn với những dữ liệu từ các dự án tương tự và ví dụ điển hình. Biểu đồ và đồ thị thường được bao gồm trong phần này hoặc trong một phụ lục ở phía sau. Trong mọi trường hợp, đồ thị có khả năng biểu đạt dữ liệu tốt hơn so với câu chữ đơn thuần, vì vậy hãy tận dụng triệt để nó. Phân tích chi phí và lợi ích nên xem xét lợi ích tài chính dự kiến ​​cho công ty là bao nhiều và khi nào công ty nhận được khoản lợi nhuận đó.

Khuyến nghị

Trong phần này, bạn đưa ra các khuyến nghị cho dự án và cách thức thực hiện. Khuyến nghị thực hiện là một sự trình bày ngắn gọn lại những kết quả khả quan sau khi phân tích lợi ích-chi phí và khẳng định niềm tin của bạn rằng dự án nên được tiến hành. Chỉ ra những tình huống, hoàn cảnh thuận lợi tối thiểu để thực hiện dự án, bao gồm các nhân sự lõi và công việc chính. Nên kèm một đề nghị kiểm tra lại tiến độ dự án. Hãy giải quyết rõ ràng nếu có bất kỳ câu hỏi nào về khả năng sử dụng của những nguồn lực chính. Giới thiệu cho người xem về các tài liệu có liên quan và các phần minh họa hữu ích.

Trước khi bạn trình bày đề án kinh doanh, hãy:

Kiểm tra nội dung tài liệu của bạn để đảm bảo rằng nó được chuẩn bị tốt và bao gồm tất cả những phần quan trọng. Dưới đây là mẫu danh sách kiểm tra cho đề án kinh doanh:

  1. Phần báo cáo vấn đề của bạn có được suy ra một cách hợp lý từ việc phân tích tình hình không?

  2. Báo cáo vấn đề có nhấn mạnh sự cấp thiết phải có giải pháp không?

  3. Danh sách các giải pháp khả thi cho vấn đề có đầy đủ không? Liệu bạn có bỏ sót giải pháp tiềm năng nào không?

  4. Phần mô tả dự án của bạn có chi tiết không?

  5. Những dữ liệu và tính toán trong ngân sách có chính xác không?

  6. Bạn có đủ dữ liệu hỗ trợ cho phần phân tích chi phí - lợi ích không?

  7. Bạn đã tiếp cận với ít nhất một bên liên quan lớn để nhận hỗ trợ ban đầu chưa?

  8. Bảng tóm lược của bạn có đầy đủ những thành tố quan trọng và được sắp xếp giống như thứ tự trong đề án hoàn chỉnh không?

Mọi dự án đều không giống nhau, nên đề án kinh doanh cụ thể của bạn sẽ có những thành tố quan trọng riêng. Nó sẽ giúp bạn thoát ra khỏi khuôn mẫu của những dự án khác, và có cái nhìn tươi mới hơn. Hãy thêm những giải pháp mới phát sinh vào danh sách kiểm tra, nếu bạn đáp ứng được các yêu cầu đó. Khi bạn đã kiểm tra xong tất cả các mục trong danh sách và điều chỉnh lại đề án kinh doanh của mình, hãy đọc lại đề án một cách cẩn thận và chỉnh cho rõ ràng. Mạch văn phải logic và xuôi tai, và không được phép có những lỗi ngữ pháp hay chính tả. Chạy chức năng kiểm tra chính tả - nhưng hãy chú ý đến những lỗi mà chức năng này bỏ lỡ. Sau cùng, cần có ít nhất một người khác đọc lại đề án của bạn với một cái nhìn khách quan.

Theo saga.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

823 lượt xem