Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Cân Đối Thời Gian Để “Tối Đa Hóa Lợi Nhuận” Từ Việc Làm Thêm

Đã là dân kinh tế, bài toán chi phí - lợi ích là bài học vỡ lòng. Đi làm thêm cũng là một quyết định đầu tư. Đầu tư thời gian và sức lao động, cái mà bạn nhận lại sẽ là thu nhập, kinh nghiệm, kĩ năng và các mối quan hệ. Tuy nhiên, với cuộc sống năng động và đa nhiệm của một người trẻ, chi phí cơ hội bỏ ra là thời gian cho các hoạt động khác như học tập, hoạt động ngoại khóa, làm tình nguyện là khá lớn. Lúc này, khả năng đa nhiệm, kĩ năng quản lí thời gian chính là giải pháp giúp bạn không bị mất cân bằng và “tối đa hóa lợi nhuận” từ công việc làm thêm. Đây cũng chính là một kĩ năng giúp ích rất nhiều cho người trẻ trong sự nghiệp sau này.

Tuổi trẻ chẳng có gì ngoài năng lượng và thời gian. Hè về, cuộc sống năng động cuốn ta theo các hoạt động ngoại khóa, tình nguyện, tập thể dục thể thao khỏe đẹp cơ thể. Đi làm thêm khiến bạn đắn đo bởi không biết mình có “cân” nổi không. Làm thế nào để phân bổ thời gian cho hợp lí để vừa đi làm thêm mà cuộc sống vẫn cân bằng và hiệu quả với tất cả những hoạt động khác? Đã đến lúc bạn tập cho mình kĩ năng đa nhiệm (multitasking) rồi đó.

Hãy bắt đầu với những bước sau nhé:

1. Xác định rõ lợi ích - chi phí của việc làm thêm

 Để có một quyết định đầu tư hiệu quả, việc đầu tiên chúng ta cần cân nhắc chính là lợi ích - chi phí, phải không nào? Điều này sẽ giúp các bạn định lượng được khoảng thời gian cố định trong ngày mà bạn sẽ dành cho công việc. Vạch một đường thẳng chia trang giấy của bạn ra thành 2 cột: “Get” & “Give” (cho đi & nhận lại). Ở cột “get”, hãy liệt kê ra tất cả những lợi ích mà bạn kì vọng có được khi làm công việc này, càng chi tiết, cụ thể càng tốt. Liệt kê lợi ích ở tất cả các mặt, và hãy chú trọng vào cơ hội phát triển bản thân của chính bạn. Sang đến cột “Give”, thông thường, mọi người thường liệt kê ngay được những “chi phí hiện”. Dù vậy, chúng ta vẫn cần quan tâm đến chi phí cơ hội - những cơ hội mà bạn phải đánh đổi để dành thời gian cho việc đi làm thêm.

Một khi đã xác định một cách rõ ràng được và mất của việc làm thêm, bạn sẽ ước lượng được giá trị mà công việc này đem đến cho mình để quyết định lượng thời gian hợp lí dành cho công việc.

2. Đặt thứ tự ưu tiên để phân bổ thời gian phù hợp

 Đối với sinh viên mới đi làm thêm, công việc làm thêm nhiều khi choán gần hết mối quan tâm cũng như thời gian của bạn. Sự mới mẻ của một vai trò mới cuốn bạn theo công việc. Ngoài ra, cũng do công việc mới nên nhiều khả năng bạn có thể còn chưa quen việc và mất nhiều thời gian để vừa học vừa làm. Đó là với giai đoạn đầu, chúng ta có thể đặt ưu tiên cho việc làm thêm cao hơn 1 chút. Nhưng về lâu dài, khi công việc đã đi vào “nề nếp, quy củ”, hiệu suất công việc cao hơn, cũng là lúc bạn cân bằng lại thời gian cho các hoạt động khác.

Dựa vào giá trị của việc làm thêm đã xác định ở trên, ta đặt nó trong so sánh với các hoạt động khác và tìm ra thứ tự ưu tiên cho tất cả các hoạt động trong cuộc sống của mình. Ví dụ, nếu bạn có 3 hoạt động lớn là đi làm thêm, đi học hè và làm tình nguyện, hãy phân tích được - mất và đánh giá tầm quan trọng của từng việc một. Đặt trọng số thật cụ thể. Ví dụ, Học tập chiếm 35%, Làm thêm chiếm 30%, Hoạt động tình nguyện chiếm 20%, và còn lại 15% cho cá nhân bạn bao gồm vui chơi, giải trí, sinh hoạt,...

Dựa vào đó, bạn có thể phân bổ và cân đối thời gian một cách cụ thể cho từng nhiệm vụ một. Ví dụ, dành 5 tiếng/ngày để nghe giảng trên lớp, 1 tiếng để ôn bài ở nhà; dành 5 tiếng/ngày cho việc làm thêm,... và tuân thủ theo nó. Nếu như trong thực tế, thời gian bạn dành cho việc làm thêm vượt quá thời gian này quá nhiều thì có nghĩa là cuộc sống của bạn đang bị mất cân bằng, đồng nghĩa với việc hiệu quả của các công việc khác đang giảm sút.

3. Gia tăng hiệu suất công việc

 Để tiết kiệm thời gian cho một việc gì đó mà không giảm bớt khối lượng công việc mình phải làm thì chỉ có cách là làm nó thật nhanh và hiệu quả. Chính vì vậy, gia tăng hiệu suất công việc chính là một cách để bạn làm nhanh hơn, còn dư nhiều thời gian hơn để dành cho những hoạt động khác. Có một số thói quen sau giúp bạn gia tăng hiệu suất công việc:

  • “Trăm hay không bằng tay quen”: Hãy luyện tập để trở nên thuần thục trong những việc mà bạn thường phải làm, không chỉ là làm nó một cách nhanh chóng mà còn “điệu nghệ” và hiệu quả nữa.
  • Luôn ngăn nắp và trật tự: Bất kể bạn đi tới đâu, bạn làm gì, cũng hãy cố sắp xếp mọi thứ quy củ nhất có thể. Nơi bạn ở, bàn làm việc tại cơ quan, màn hình desktop tối giản nhất có thể, hoặc ví dụ như bạn dùng drive hay dropbox, hay các công cụ lưu trữ khác, hãy sắp xếp nó thật khoa học. Thậm chí, hòm mail cũng là một điều bạn cần chú tâm làm cho thật gọn ghẽ. Thói quen nhỏ, hiệu quả lớn. Bạn sẽ thấy mọi việc diễn ra trơn tru và chính xác hơn, đồng nghĩa với nhanh hơn, tốn ít công sức và hiệu quả hơn.
  • Trong 1 lúc, chỉ tập trung vào 1 thứ: Để có thể đa nhiệm, bạn cần học cách tập trung cho từng công việc một. Nếu bạn có công việc A, chiếm một khoảng thời gian t, hãy sắp xếp nó vào một thời điểm T cố định trong ngày, và làm nó đúng trong khoảng thời gian ấy, không hơn không kém, không để bất kì một nhiệm vụ nào khác chen vào T. Đảm bảo rằng khi T kết thúc thì A cũng được hoàn thành. Lâu dần, bạn sẽ thấy mình làm được nhiều việc hơn thay vì cứ rối tung lên vì nhảy hết từ việc này sang việc khác và cuối cùng chẳng việc nào ra hồn cả.
  • Tránh tác nhân gây xao nhãng: Tất nhiên rồi, muốn tập trung được thì phải không được xao nhãng. Mà muốn không xao nhãng thì hãy tránh xa những thứ có thể khiến bạn bị xao nhãng. Ví dụ như smartphone, thông báo từ facebook, chiếc giường của bạn, đồ ăn,... Nếu như bạn chưa thực sụ tin tưởng vào ý chí không thể bị khuất phục của mình, hãy tránh xa chúng khi bạn đang làm việc,...
  • Tránh trì hoãn: Trì hoãn là kẻ thù của quản lí thời gian. Trì hoãn khiến cho chúng ta né tránh những việc thực sự quan trọng, cần được giải quyết để làm những việc dễ dàng nhưng không quan trọng và mang lại giá trị thực sự. Nó khiến chúng ta tiêu tốn rất nhiều thời gian sống cho những việc mang lại hiệu quả không cao. Chính vì vậy, hãy tự tạo động lực cho bản thân để tránh xa sự trì hoãn. Vẽ ra trong đầu những hậu quả xấu nhất mà sự trì hoãn mang lại, tự kỉ luật bản thân, tự tạo áp lực cho bản thân chính là những phương pháp cơ bản để loại bỏ tính trì hoãn.

4. Những điều nhỏ nhặt

 Có nhiều điều “be bé xinh xinh” nhưng lại ảnh hưởng không nhỏ đến việc cân đối thời gian cho việc làm thêm mà không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác nhé:

  • Địa điểm làm thêm: Nếu địa điểm làm thêm “xa xôi cách trở”, bạn nên cân nhắc thật kĩ. Vì riêng việc di chuyển đã tiêu tốn khá nhiều thời gian sống và năng lượng của bạn, chưa kể là chi phí đi lại cũng đắt đỏ.
  • Văn hóa công sở: Nơi bạn đi làm có thể có văn hóa công sở cực kì thú vị, mối quan hệ giữa đồng nghiệp cực kì tốt, và mọi người thường xuyên dành thời gian sau giờ làm để gặp gỡ và giao lưu. Đó là một dấu hiệu rất tốt. Nhưng cũng hãy nhớ phân bổ thời gian cho việc tạo dựng mối quan hệ nơi công sở này nhé.

Tuy nhiên, như Auren Hoffman - CEO của LiveRamp đã trả lời phỏng vấn trên tờ thời báo Times: “Điều mà bạn nên ưu tiên nhất khi kiếm tìm công việc đầu tiên chính là sự phát triển bản thân. Phát triển bản thân quý như cả vương, cả hậu và cả đế chế gộp lại. Đặt phát triển bản thân lên trên cả thù lao, trên cả địa điểm, trên cả văn hóa công sở, và trên tất cả”

Đi làm thêm một công việc chuyên môn có thể là quyết định đầu tư táo bạo nhất của bạn hè này. Sẽ có nhiều thách thức hơn bạn tưởng, và nhiều khi tình trạng mất cân bằng sẽ xảy ra với bạn. Thế nhưng, thách thức sinh ra là để vượt qua. Hãy có ý thức và luyện tập dần dần kĩ năng quản lí thời gian và cân bằng cuộc sống, mọi thứ sẽ dần “dễ thở” hơn. Đo cũng chính là bí quyết để tận dụng hiệu quả và trở nên “awesome” trong bất cứ việc gì bạn làm. Hãy để công việc làm thêm hè này chính là sự đầu tư “sáng suốt” cho hiện tại và cho tương lai của bạn.

Nguồn : hrc.com.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,476 lượt xem