Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

CEO Việt, Tại Sao Không?

Với nguồn vốn FDI tăng lên không ngừng ở hầu hết các lĩnh vực, các doanh nghiệp (DN) FDI đang có nhu cầu rất lớn cho vị trí CEO. Tuy nhiên, đa phần vị trí này đều do người nước ngoài đảm nhận. Phải chăng người Việt thiếu các yếu tố cần thiết để trở thành CEO tại các DN này?  

Câu trả lời là người Việt có rất nhiều tiềm năng để trở thành CEO nếu biết tối đa hóa lợi thế và tận dụng cơ hội có được.

Trong bối cảnh nguồn vốn FDI không ngừng tăng lên, các DN FDI sẽ cần một lực lượng người bản xứ am hiểu thị trường nội địa nhằm triển khai các kế hoạch kinh doanh, đầu tư và phát triển một cách trơn tru theo chiến lược "tư duy toàn cầu, hành động địa phương".

Vì vậy, yêu cầu "hành động địa phương" có thể được giải quyết qua việc thuê người Việt vào làm ở các vị trí chủ chốt. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu "hành động địa phương", các ứng viên cần có khả năng khai thác và biến những tiềm năng của người Việt thành lợi thế cạnh tranh.

Lợi thế cạnh tranh của người Việt. Thứ nhất, khả năng toán học của người Việt được xem là một lợi thế rất lớn có thể được chuyển đổi thành kỹ năng cần có của một CEO trong nhiều lĩnh vực.

Hằng năm, học sinh Việt Nam đều giành được các giải cao tại các cuộc thi quốc tế, thậm chí ngay các kỳ thi như GMAT (đánh giá tiêu chuẩn trình độ và khả năng của sinh viên nộp đơn vào chương trình học cao cấp về kinh doanh và quản trị ), phần suy luận toán học cũng không phải là điều khó nhằn với các thí sinh người Việt.

Thực tế, các CEO tại các công ty lớn trong hầu hết các lĩnh vực cần khả năng phân tích nhanh nhạy và phán đoán tình huống dựa vào thông tin có sẵn (dù ít hay nhiều) để đưa ra quyết định.

CEO của Google có thể nhớ được tất cả các số điện thoại ông liên lạc từ trước đến nay, hay như ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT từng nói kỹ năng toán học giúp ông có thể tính trước các phép toán so với đối tác. Kỹ năng tư duy logic và suy luận này có thể được phát triển trên nền tảng toán học (và cả triết học) nếu chúng ta có cách khai thác và phát triển.

Ý tưởng kinh doanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động cạnh tranh ngày nay. Để hình thành các ý tưởng kinh doanh, ngoài những sự kiện có sẵn, doanh nhân còn tìm đến các ngành khoa học khác để có thể sáng tạo ra các thiết bị và phương pháp kinh doanh mới.

Các phương pháp này có thể được xây dựng thông qua việc quan sát và mô phỏng thiên nhiên để hình thành các ý tưởng kinh doanh phục vụ nhu cầu thị trường. Chẳng hạn như tàu tốc hành Shinkansen nổi tiếng của Nhật Bản có thiết kế mũi tàu mô phỏng theo hình dáng chiếc mũi của loài chim bói cá để giảm tiếng ồn khi vận hành.

Nguồn kiến thức này có thể tích lũy từ các môn khoa học tự nhiên khác như vật lý, hóa học hay sinh học. Nó không chỉ gói gọn trong các ngành công nghiệp công nghệ mà còn ở các ngành phi công nghệ như tài chính hoặc bán lẻ.

Tuy nhiên, để trở thành CEO của các hãng lớn, ngoài khả năng toán học, một người cần có những "phần tử" thuộc "tập hợp giao" khác của người Việt và CEO quốc tế. Đó là khả năng phát triển triết lý để hình thành các triết lý trong kinh doanh và phát triển DN.

Đến lúc này các môn khoa học xã hội như triết học, lịch sử, văn học hay địa lý lại đóng vai trò nền tảng giúp các CEO tiềm năng phát triển lý luận và triết lý cho DN cũng như văn hóa kinh doanh của công ty. Với kho tàng kiến thức từ sách giáo khoa, sách tham khảo, báo chí và internet, kỹ năng này có thể không ngừng được trau dồi và củng cố.

Trong một DN hiện đại không thể thiếu một "tấm lòng", hay nói cách khác là đạo đức kinh doanh và trách nhiệm với xã hội. Người Việt có nhiều giá trị nhân văn có thể đáp ứng tiêu chí của một CEO quốc tế. Đó là truyền thống "uống nước nhớ nguồn" và "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" có thể chuyển thành giá trị phục vụ cộng đồng địa phương, hay tư tưởng "lá lành đùm lá rách" làm nền tảng cho các hoạt động từ thiện và nhân đạo tại địa phương.

Kỹ năng ngoại ngữ mà chủ yếu là tiếng Anh là yêu cầu quan trọng trong hội nhập và gần như là tất yếu nếu muốn trở thành một CEO quốc tế.

Thực tế, nhu cầu học ngoại ngữ tại Việt Nam đang không ngừng tăng cao trong thời gian gần đây và chất lượng cũng không ngừng được cải thiện qua các kỳ thi tiêu chuẩn như IELTS hoặc TOEFL, TOEIC. Nếu có thể tiếp tục nâng cao kỹ năng ngoại ngữ để đuổi kịp các nước như Singapore, Ấn Độ, Philippines thì cơ hội cho người Việt sẽ rộng mở hơn.

Một CEO trong thế giới toàn cầu hóa cần có những đặc điểm toàn cầu như trên nhưng vẫn không thể thiếu những đặc trưng riêng biệt. Chẳng hạn, CEO gốc Israel vẫn có thể nói được tiếng Hebrew và biết kinh Talmud, hay CEO gốc Ấn vẫn có thể biết nấu cà ri dê và nhảy những điệu nhảy truyền thống sôi động của Ấn Độ.

Tương tự, CEO gốc Việt vẫn có thể thưởng thức phở, hay đặc trưng hơn là bún mắm, nghe chèo hay vọng cổ, biết một vài câu ru con và đặc biệt là có thể giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam mọi lúc, mọi nơi. Đặc điểm này là sự bổ sung cho yêu cầu "act locally" của DN.

Từ những đặc điểm riêng biệt trên có thể thấy người Việt hoàn toàn có thể tối đa hóa những thế mạnh của mình để tận dụng các cơ hội có được nhằm trở thành "sếp" trong các công ty đa quốc gia tại Việt Nam, hay thậm chí tại các công ty hàng đầu thế giới. Điều quan trọng là khả năng chuyển những thế mạnh tiềm năng này thành lợi thế và khẳng định chúng trước nhà tuyển dụng.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

493 lượt xem