Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Chia Sẻ Kinh Nghiệm Ứng Tuyển Học Bổng Chính Phủ Úc AAS Bởi "Thợ Săn" Học Bổng Trần Lê Nghi Trân

Chị Trần Lê Nghi Trân được biết đến như một "thợ săn" học bổng lão luyện với thành tích ấn tượng: đạt IELTS 8.5, chinh phục 10 học bổng sau đại học của chính phủ Úc và New Zealand trong năm 2014, cùng các trường nổi tiếng như: University of Melbourne, University of Queensland, University of Technology Sydney, RMIT,...) và sở hữu top bài viết được share nhiều nhất trên Scholarship Planet. (Theo scholarshipplanet.info)

Gần đây, mình đã được/bị hỏi khá nhiều về quy trình và kinh nghiệm xin học bổng. Có những câu hỏi không dễ trả lời trong vài câu, và cũng có những điều tưởng chừng đơn giản mà nhiều người vẫn không biết/không chịu cất công tìm hiểu. Vẫn định dành thời gian ngồi tổng hợp lại mọi thứ, hệ thống hóa những điều mình đã học được để giúp cho cái trí nhớ ngày càng tệ hại, và cũng hy vọng sẽ giúp đỡ được những người đang hoặc sẽ đi trên con đường săn tìm học bổng đầy gian nan đỡ vất vả phần nào, nhưng mãi mà vì nhiều lý do vẫn chưa viết được. Vì thế, đành lấy lại bài viết cũ đưa lên đây. Dưới đây là phần nào những gì mình đã làm để chuẩn bị xin học bổng chính phủ Úc (trước đây là ADS), và dĩ nhiên là còn thiếu sót rất nhiều ví dụ chưa đầu tư đúng mức vào các bài luận, thư giới thiệu,...nên đã trượt ngay vòng hồ sơ. Đây là thất bại đầu tiên nhưng chưa phải là cay đắng nhất, vì mình đã dự cảm được kết quả (nộp hồ sơ đúng hạn đã là thành công) và dĩ nhiên sau đó còn nhiều lần trượt vỏ chuối nữa. Sau mỗi lần thất bại, mình lại tiếp tục chỉnh sửa hồ sơ, tiếp tục nghiên cứu khoa học, tiếp tục "rải truyền đơn"... Mất ba năm kể từ ngày thi IELTS lần đầu, một năm căng sức chiến đấu trên mọi mặt trận thì mới có thể tạm gọi là kết thúc một chặng đường chinh phục. Vẫn biết con đường trước mắt còn dài và nhiều lắm những chông gai, nên chỉ biết khuyên những ai đã/đang/sẽ đi theo con đường này hãy thật kiên trì và mạnh mẽ. Chúc các bạn thành công!

Thế là cuối cùng mình cũng đã hoàn tất việc nộp đơn, điều tưởng khó khả thi khi chỉ còn 30 giờ nữa là hết hạn mà mình mới bắt tay vô viết statements. Dù chưa biết có thành công hay không thì cũng xin tiếp bước người đi trước để chia sẻ với các bạn đồng hành và những người sẽ nộp đơn năm sau đôi dòng kinh nghiệm.

1. Tìm hiểu thông tin

Ai bắt đầu sớm sẽ đi được xa hơn, mình tin vậy. Sau khi thi IELTS năm 2011 theo yêu cầu công việc, mình bắt đầu ngó nghiêng các diễn đàn ttvnol, webtretho,… (hồi đó còn chưa có các nhóm trên Facebook như bây giờ) để tìm hiểu thông tin, chọn nước đi học, yêu cầu của từng học bổng, quy trình nộp đơn, những kinh nghiệm của người đi trước… Nguyên năm 2012 mình cày nát mấy cái diễn đàn, đọc và thậm chí copy từng trang của những chủ đề có khi đến hơn trăm trang,… Càng đọc càng vỡ ra nhiều điều, cũng hồi hộp lo lắng theo những cơn đau tim lên ruột của các applicants. Và quan trọng hơn, nhờ đó mình xác định sẽ chỉ theo một số học bổng thôi, và bắt tay vào việc đáp ứng các yêu cầu của chúng. Mình nhắm ADS vì thích con người Úc, những người mình đã gặp – sự hài hước, thân thiện, ham học hỏi và yêu thích văn hóa, cũng vì chất lượng giáo dục và vì Úc ít kỳ thị người nước ngoài hơn một số nước khác. Mình biết, nếu muốn xin học bổng PhD thì phải tìm được giáo sư, mà muốn thuyết phục giáo sư thì phải chứng minh khả năng nghiên cứu và có đề tài hấp dẫn, thế là mình bắt tay vào nghiên cứu khoa học, viết bài cho các tạp chí và tham gia các hội nghị hội thảo,… Vừa học hỏi, lại có thêm nhiều ý tưởng nghiên cứu và giảng dạy, đồng thời cũng theo kịp những vấn đề nóng trong ngành, lại cũng tạo dựng được các mối quan hệ,… (chỉ tội nghiệp cái túi tiền, hic, từ nghiên cứu đến công bố, báo cáo tất cả đều tự túc ) Nhưng nhờ tham gia vào các hoạt động đó mà mình biết thông tin, dự thi và giành được vài cái học bổng hội nghị ngắn hạn, vừa được học vừa được chơi hehe. Nói túm lại, cứ cắm cổ mà đào, biết đâu ngày nào đó mòn lưỡi cuốc lại đụng trúng mỏ vàng thì sao :P.

2. Nghiên cứu kỹ trước khi hỏi

Những ngày mới tập tọe tìm hiểu, mình có muôn vàn điều muốn hỏi nhưng chẳng biết hỏi ai, bắt đầu từ chỗ nào. Vì thế nên hoàn toàn đồng cảm với những câu “Em muốn xin học bổng, phải làm sao?”, “Có học bổng nào dễ xin không mọi người ơi?”,… Nhưng rồi với thời gian, mình càng trở nên dị ứng với những câu hỏi như thế, đỉnh điểm là khi đọc trên một group nọ, một người hỏi cũng một câu hỏi kiểu như thế khi được khuyên “Gu-gồ đi” đã trả lời “Gu gồ làm chi khi e có thể lên đây hỏi cho nhanh?” Nếu bạn không biết bạn là ai, bạn cần gì, thì ai biết đây? Và ngoài bố mẹ bạn ra, ai có thể cày sâu cuốc bẫm xong cơm bưng nước rót đến tận miệng cho bạn? Săn học bổng, tức là đi xin tiền tài trợ của người ta. Nếu bạn là nhà tài trợ, bạn có muốn chi tiền cho một kẻ làm biếng chỉ thích ăn sẵn, ngại vất vả và thiếu nhiệt tình không? Trừ học bổng “Utachi Batacho” ra, mình nghĩ tốt nhất hãy chịu khó cày xới biển thông tin cái đã, nếu không tìm được điều mình cần thì ít ra cũng mở mang được đầu óc, đất có tơi thì hạt mới dễ nảy mầm, bỏ công sức ra mới mong có ngày xơi quả ngọt chứ. Hơn nữa, câu hỏi cụ thể thì người ta mới biết đường mà trả lời giúp. Mình nghĩ người khác hoàn toàn có thể đánh giá năng lực và con người bạn qua cách bạn đặt câu hỏi và nội dung những điều bạn hỏi đấy. Thế nên, dù AAS có kiên trì trả lời đến 50 lần cho cùng một câu hỏi, thì liệu bạn có dám chắc họ không có ấn tượng không tốt lắm về người hỏi những câu đó ngay từ khi bạn chưa nộp hồ sơ không? Và nếu người đọc hồ sơ phát hiện bạn mắc những lỗi họ đã nhắc cả chục lần, bạn nghĩ họ sẽ thấy thế nào? Đừng đổ cho điều kiện, mình cũng ở vùng sâu vùng xa đó thôi, nhưng có bác Gu-gồ thì dù ở trên núi cũng đâu có lạc đường được phải không nào.

3. Làm đẹp hồ sơ

Như đã nói, xin học bổng tức là đi săn, mà đã đi săn thì phải có mồi. “Mồi” đây chính là những tiêu chí tuyển chọn của học bổng mà họ luôn công bố rõ ràng ngay từ đầu, ví dụ với AAS là năng lực học tập, khả năng đóng góp cho sự phát triển đất nước và tố chất lãnh đạo. Năng lực học tập thể hiện qua kết quả học tập ở bậc đại học hoặc sau đại học, có lẽ là thứ không thể thay đổi được nếu bạn đã ra trường. Như vậy, nếu bạn có ý định xin học bổng từ sớm thì nên cố gắng để có bảng điểm đẹp. Bằng không, hãy cố gắng cải thiện những tiêu chí còn lại hoặc tìm học bổng nào phù hợp hơn. Mình thấy có người vặn vẹo AAS tại sao không chấp nhận bằng liên thông hay bằng đại học thứ 2, tại sao lại không cố gắng học ngay từ đầu để mài sắc cái lưỡi câu, hoặc nếu đã lỡ thì hãy đi tìm con cá nào thích ăn loại mồi mà mình có chứ chẳng ích gì khi cố dùng thịt lợn để nhử trâu rừng vào bẫy phải không nào? Còn nếu bạn chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu về học tập thì cũng chẳng sao, hãy cứ cố gắng trong công tác chuyên môn, kiếm lấy vài cái bằng khen chẳng hạn để chứng minh năng lực. Hoặc tham gia công tác xã hội, tình nguyện,… để đóng góp cho cộng đồng, cho thấy tầm ảnh hưởng và tố chất lãnh đạo của mình chẳng hạn. Đơn giản thôi mà, đi quyên quần áo cũ cho đồng bào lũ lụt, hay rủ bạn bè góp sức giúp đỡ người hàng xóm ở quê đang gặp khó khăn. Dĩ nhiên, làm tình nguỵện từ trái tim khác với tham gia cho có thành tích, có cái để khoe, và mình cũng tin ban tuyển chọn học bổng thừa sức nhận ra ngọn lửa nhiệt huyết nếu có trong trái tim mỗi người. Mình nhớ đã đọc rằng các thành viên ban tuyển chọn đều là chuyên gia kỳ cựu trong việc phát hiện tố chất và tiềm năng của các ứng viên, nên khó mà lòe họ được lắm.

4. Mạnh dạn nhờ giúp đỡ

Nói thật là trong quá trình làm hồ sơ mình chẳng biết nhờ ai giúp đỡ, phần vì không quen biết nhiều người từng được học bổng, phần vì con cái bìu ríu, hồ sơ làm mãi không xong thì làm sao mà nhờ vả chỉnh sửa, hơn nữa người muốn nhờ lại cũng bận rộn, đâu có thời gian mà xem cho mình. Vậy mà, có những người đi trước như T.T.H.L lại sẵn sàng chia sẻ CV, Research proposal của mình, bạn D.Q.D sẵn sàng ngó qua giúp cái employment letter mà mình đã viết đại chẳng theo khuôn mẫu nào, cả cái referee report mà mình đã soạn vội soạn vàng khi chỉ còn ít thời gian nữa là hết hạn mà mình vẫn chả tới đâu, dù mình chẳng quen biết gì trước với các bạn ấy. Có những người xin học bổng thành công đã chia sẻ họ nhờ cả chục người đọc và chỉnh sửa, còn hồ sơ của mình thì lại chẳng có được cái may mắn đó, thế nên nếu có tạch thì mình cũng hiểu. Thêm một lý do để bắt tay vào làm sớm, đừng ai để nước đến cổ mới nhảy như mình. Cũng còn may là ngày cuối cùng mà hệ thống nộp đơn trực tuyến không nghẽn mạng. 

5. Nghiền ngẫm ý tưởng

Nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm. Mình khuyên mọi người bắt tay làm sớm, mình cũng khởi động sớm nhưng rồi lại mãi đến giờ chót mới ra sức bơi. Còn may là trong đầu luôn nung nấu ý định hoàn tất hồ sơ nên mọi lúc mọi nơi đều nghĩ đến nó. Lúc nấu cơm, rửa chén, cho con ăn… cũng nghĩ về những gì mình sẽ viết. Có điều, nghĩ là nghĩ thế thôi, đến khi bắt tay vào viết thật thì lại phải mướt mồ hôi chỉnh sửa, cắt gọt, sắp xếp,… Dù sao, cũng còn hơn bắt tay vào viết khi trong đầu chỉ có tờ giấy trắng.

6. Không bỏ cuộc

Chắc hẳn những người vừa bấm nút submit trong mấy ngày qua đều đã trải qua cảm giác này. Mệt mỏi, áp lực, muốn buông tay. Đặc biệt là những người thuộc nhóm 3 và xin PhD như mình. Cảm giác đau đầu suy nghĩ khi chọn đề tài, viết proposal sao cho tốt để thuyết phục một ông/bà giáo sư nào đó ở tận trời Úc nhận hướng dẫn mình. Rồi cảm giác ôn IELTS, cắm đầu vào sách vở khi thiên hạ rộn ràng đi chơi tết, mình thì đứa lớn léo nhéo bên tai với 10 vạn câu hỏi vì sao, đứa nhỏ khóc lóc, tã, sữa,… chưa kể điểm làm bài thấp tẹt, sai cả những điều cơ bản nhất. Rồi cảm giác tù túng bất lực khi ôm con cả ngày ở nhà, không làm được việc gì, kể cả chạm vào cái máy tính để ngay cạnh giường, rồi khi các con đã ngủ thì mình cũng đã đơ ra vì quá mệt. Lại còn sức khỏe xuống cấp nghiêm trọng từ ngày sinh khó suýt chết, truyền hết 3 lít máu cũng chưa lại người, hở cái là chóng mặt xây xẩm. Nhưng chưa bao giờ mình có ý định bỏ cuộc, kể cả khi mai là deadline mà tối nay mới viết được 1 câu statement, con lại ỉ ôi khóc quấy. Có lẽ, mình chỉ được cái lì lợm. Và vì lì lợm nên mình sẽ tiếp tục chiến đấu nếu AAS không chọn mình, thế thôi.

7. Cuối cùng: Bạn đồng hành

Cái này nhiều bạn đã nói. Dù sao, mình cũng muốn cảm ơn tất cả những lời động viên, chia sẻ và những người bạn mới mình đã có được trên chặng đường vừa qua. Đường ngắn hơn nhiều nhờ những người bạn đồng hành thú vị, vì vậy nên mình cứ mong chặng đường trước mắt sẽ còn dài. Chúc may mắn đến tất cả mọi người, kể cả những người đã, đang và sẽ apply. Và không phải nói, thực sự mình biết ơn gia đình và người bạn đời tận tụy, không có họ hỗ trợ thì mình sẽ chẳng bao giờ làm nổi được cái gì cả.

Theo FB Trần Lê Nghi Trân

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,490 lượt xem