Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Chinh Phục Học Bổng: Bạn Là Ai? Và Tại Sao Lại Là Bạn?

Nói đến học bổng, người ta hay nghĩ đến những bí kíp, những mẹo ghi điểm. Nhưng với tôi, chinh phục học bổng là cuộc hành trình khám phá bản thân thú vị nhất. Từ thời sinh viên khi ứng tuyển Global Ugrad, hay đến bây giờ ứng tuyển cho Fulbright, mỗi giai đoạn lại là một sự thức nhận mới về bản thân mình, về con đường mình muốn đi, về những đỉnh núi mình muốn chinh phục, khai phá để có được một cuộc đời đủ đầy, ý nghĩa nhất.

Có lẽ vì vậy khi được hỏi về kinh nghiệm ứng tuyển học bổng, tôi muốn bắt đầu từ những gì sâu sắc, bản chất nhất. Tôi luôn tin rằng mọi bí kíp, kỹ thuật, mẹo mực chỉ là phần ngọn của thành công. Rễ có chắc thì cây mới vững. Móng có bền, nhà mới trụ được với thời gian. Chinh phục học bổng cũng vậy, câu hỏi quan trọng nhất không phải là làm thế nào để đạt được. Trả lời được câu hỏi “Mình là ai”, “mình muốn gì”, và “tại sao mình lại là người xứng đáng được học bổng đó” mới là điểm mấu chốt tạo sức bật thực sự cho thành công bền vững.

Tôi vẫn nhớ cuộc trò chuyện với chồng mình trong quán cafe ngày mùng 3 Tết. Tay ôm cốc trà nóng để người đỡ run vì lạnh, tôi lấy hết sức can đảm để nói:

“Em cần phải đi anh ạ. Em đã trì hoãn quá lâu rồi.”

Dũng cảm nói điều đó với anh nhưng thực sự người tôi cần thuyết phục lại chính là bản thân mình. Bởi đi lúc này là sẽ phải bỏ lại rất nhiều phía sau lưng. Còn bao nhiêu người đang trông cậy vào mình. Bao hoạt động còn dở dang. Và con đường trước mắt cũng đâu có gì rõ ràng và chắc chắn.

Tôi ngước mắt lên để cố giữ những giọt nước mắt đang cố trào ra. Anh nắm lấy tay tôi, thổi hơi ấm vào lòng bàn tay cho đỡ lạnh. Rồi anh mỉm cười ấm áp: “Anh muốn em được hạnh phúc. Dù thế nào anh cũng sẽ ủng hộ em.”

Sẽ mất mát nhiều, nhưng tôi biết mình phải làm gì. Tôi đã đi làm đủ lâu và đủ nhiều để hiểu rõ những vấn đề mình muốn giải quyết cũng như những khó khăn mình còn gặp phải. Tôi muốn được học hỏi từ những người giỏi nhất ở một nền giáo dục tiên tiến, cũng như tích luỹ thêm các nguồn lực từ môi trường quốc tế để tạo được nhiều cải tiến ý nghĩa khi về nước.

Và vì vậy tôi cần đi.

TÔI LÀ AI?

Có lẽ thử thách lớn nhất và cũng ý nghĩa nhất trong quá trình ứng tuyển học bổng là việc viết bài luận về bản thân. Chỉ trong 1000 từ, làm sao để thể hiện được con người mình vừa chân thành lại ấn tượng nhất.

Nhiều bạn sinh viên lo lắng hỏi tôi về điểm GPA hay điểm tiếng Anh và sợ mình bị mất cơ hội học bổng nếu điểm số không có gì ấn tượng. Lo lắng như vậy là các bạn chưa hiểu rõ về giáo dục ở Mỹ và Fulbright rồi. Một điểm số không bao giờ thể hiện toàn bộ con người mình. Có thể bạn điểm GPA không cao vì bạn mải mê theo đuổi niềm đam mê của mình qua các dự án thực tế, ý nghĩa bên ngoài. Hay vì bạn còn bận đào sâu nghiên cứu mảng kiến thức ngành mà bạn thực sự đam mê, khác với ngành bạn đang theo học trên trường… Điểm GPA thấp, trong những hoàn cảnh đó, nhiều khi lại là lợi thế để khẳng định sự tâm huyết với con đường bạn đang theo đuổi. Quan trọng vẫn là “bạn là ai” và “tại sao lại là bạn”.

Bài luận trong hồ sơ ứng tuyển vì vậy mà đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tôi không nhớ mình đã viết bao nhiêu bản nháp cho bài luận của mình. Viết rồi gạch bỏ, lại viết rồi xoá file. Mỗi lần nghĩ là viết đã tạm ổn, tôi gửi cho những người đã biết về tôi để thử xem hình ảnh của mình từ bài viết đã thể hiện được tốt chưa. Vì tôi quyết định ứng tuyển khá muộn, khi chỉ còn 2 tháng, nên việc những bản nháp đầu tiên bị chê nhiều khiến tôi áp lực và căng thẳng lắm.

Có lẽ chồng tôi, dù chẳng có kinh nghiệm ứng tuyển học bổng bao giờ, lại là người đặt cho tôi nhiều câu hỏi khiến tôi suy ngẫm nhất.

“Em có chắc đó là điều mình muốn?”, “Em có chắc đây là con người em?”, “Cả đoạn này em viết rất hay nhưng chỉ để chứng minh một điểm rất bé. Liệu có đáng?”

Mỗi lần viết rồi xoá, tôi lại phải bắt đầu lại từ đầu. Nhưng cũng mỗi lần viết rồi xoá, tôi lại phải bắt mình trả lời những câu hỏi mới về bản thân, để sau đó tôi có được những thức nhận mới về chính mình. Tôi nhận ra bên trong chúng ta đã có sẵn câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi trong cuộc sống. Nhưng nhiều khi vì bị cuốn theo công việc bên ngoài, hay bị quay cuồng bởi những tiếng nói, quan điểm nhiều chiều, ta không có thời gian để hiểu sâu hơn về bản thân mình.

Việc đặt bút viết cũng giống như cuộc hành trình để mình được nhìn lại những trải nghiệm cũ và mở lòng lắng nghe chính mình được tốt hơn.

Dần dần tôi không còn cảm thấy áp lực hay căng thẳng mỗi lần phải viết lại bài luận nữa. Ngược lại, tôi thấy như được khai sáng những góc mới ở bản thân mình mà bấy lâu không để ý tới. Càng viết tôi càng thấy con đường mình muốn đi sáng và rõ hơn rất nhiều.

TẠI SAO LẠI LÀ TÔI?

Tôi chưa bao giờ chọn một học bổng chỉ vì chữ “danh giá”. Tôi tin vào sự phù hợp nhiều hơn. Vậy nên tôi mới chơi trò “bỏ hết trứng vào một rổ” thay vì rải hồ sơ như nhiều người khác.

Để biết phù hợp hay không ngoài việc đọc các nguồn thông tin trên các kênh chính thống như website, booklet… tôi thường tìm hiểu qua alumni (những người từng được học bổng đó).

Ngày trước khi ứng tuyển Global Ugrad thời sinh viên, tôi hay theo dõi các bài viết của các anh chị alumni để hiểu hơn về con người họ. Với Fulbright, qua quá trình hoạt động cộng đồng với các anh chị alumni, tôi đã biết đây là nơi mình thuộc về và mong muốn trở thành: những người rất quan tâm, trăn trở để giải quyết các vấn đề cho cộng đồng, xã hội, và lấy niềm vui từ những giá trị mình tạo ra. Đã từ lâu, dù không theo đuổi học bổng Fulbright khoảng thời gian ấy, nhưng tôi đã rất yêu cộng đồng Fulbrighters, và luôn coi các anh chị là nguồn cảm hứng để mình nỗ lực và cố gắng trong những việc mình làm.

Nhưng yêu thôi, phải lòng thôi là chưa đủ. Còn phải làm sao để xứng đáng với học bổng ấy. Lí do tôi được Fulbright dù thời gian ứng tuyển chưa đầy 2 tháng là vì lúc ứng tuyển tôi đã sẵn sàng. Với Global Ugrad ngày trước lại rất khác. Tôi dành một năm để cố gắng vươn lên và dùng học bổng làm động lực để mình trở thành một con người tốt hơn, sẵn sàng bước ra ngoài vùng thoải mái để phát huy được tối đa những tiềm năng bên trong được tốt nhất. Tôi có biết những người đã từng dành 5 năm, 7 năm để phấn đấu cho Fulbright. Riêng quá trình nỗ lực để bản thân xứng đáng với học bổng, họ đã tự đẩy mình lên một tầm mới, làm sức bật cho những bước tiến xa về sau. Tôi tin rằng đó mới là giá trị thực sự của việc apply học bổng.

Bạn là ai? Và tại sao lại là bạn? Câu hỏi tưởng đơn giản nhưng là cả một quá trình khám phá, trải nghiệm không ngừng.

Càng hiểu về bản thân, càng hiểu về học bổng, bạn sẽ càng thêm niềm tin rằng mình là người xứng đáng cho học bổng này. Và riêng điều đó đã đủ để tạo sức bật cho những cố gắng về sau trong quá trình ứng tuyển.

Rễ có chắc thì cây mới vững. Móng có bền, nhà mới trụ được với thời gian. Trước khi vội tìm hiểu những kỹ thuật hay bí kíp để hồ sơ ấn tượng, nổi bật, hãy dành thời gian tìm câu trả lời cho những câu hỏi căn bản nhất. Khi bạn đã có nền móng chắc chắn, để ngọn cây xanh tươi không phải là điều quá khó khăn.

Tôi tin rằng ai cũng có thế mạnh và điểm khác biệt riêng của mình. Cái chúng ta cần để có được học bổng là sự phù hợp và chút may mắn. Hãy coi đây là cơ hội để hiểu sâu hơn về chính mình. Hãy coi đây là cơ hội để phát triển bản thân lên một tầm cao mới. Để mình được xứng đáng không chỉ với học bổng, mà xứng đáng với cuộc đời ý nghĩa mình được lựa chọn theo đuổi.

Theo Facebook Trần Thị Thuỳ Trang

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,820 lượt xem