Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

“Chuẩn” Hóa Cách Trình Bày Điểm Mạnh Và Điểm Yếu – Tự Tin Ghi Điểm Với Nhà Tuyển Dụng

Cách thể hiện điểm mạnh và điểm yếu của bạn quyết định ấn tượng của nhà tuyển dụng với bạn đấy. Đừng bỏ lỡ các gợi ý dưới đây để có phần trình bày xuất sắc nhất khi dự phỏng vấn nhé

  Nói về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân có lẽ là một trong những phần khó nhất lúc phỏng vấn. Bạn không muốn bị “đứng hình” khi trình bày phần này, chúng tôi có thể giúp bạn.

Là một ứng viên tham gia phỏng vấn, nếu được hỏi “Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?”, bạn cần nêu bật được bạn tốt những mặt nào, và cố gắng hạn chế – nhưng phải thành thật – về những mặt bạn chưa tốt.

Giả sử có hai người dự tuyển – Minh Nhật và Thanh Tâm – phỏng vấn vào vị trí quản lý chăm sóc khách hàng. Như thường lệ, người phỏng vấn sẽ yêu câu Nhật và Tâm chia sẻ về các ưu và khuyết điểm của họ.

Đầu tiên là Thanh Tâm. Khi được hỏi “Đâu là những điểm mạnh nhất và yếu nhất của bạn?”, Tâm trả lời: “Điểm mạnh của tôi là làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên, tôi thường bị stress khi trễ deadline công việc vì một đồng nghiệp khác phạm lỗi, đó là điểm yếu của tôi.”

Đây là một câu trả lời không mới và không có gì để suy nghĩ thêm. Hầu hết chúng ta đều tự cho rằng mình là một nhân viên chăm chỉ – có ai thực sự thừa nhận bản thân không chăm chỉ cơ chứ? Bên cạnh đó, điểm yếu của Tâm về cơ bản không phải là điểm yếu, cộng thêm việc cô ấy đang cố đùn đẩy trách nhiệm: người nào đó – không phải TÔI – mắc sai sót, khiến tôi căng thẳng và áp lực.

Bây giờ, đến lượt của Minh Nhật. Anh chàng cũng gặp khó khăn với câu hỏi này. “Thật lòng hiện tại tôi không thể nghĩ ra một điểm yếu nào. Chắc tôi sẽ tập trung hơn. Ưu điểm của tôi có lẽ là khả năng hòa hợp với mọi người. Tôi khá thoải mái và thường không dễ vướng phải cảm xúc tiêu cực”.

Câu trả lời của Nhật mở đầu bằng một sự phủ định, từ chối, và sau đó là một câu với những từ ngữ mơ hồ: chắc là, có lẽ, khá là, thường thì. Rõ ràng Nhật đang tự làm khó mình trước nhà tuyển dụng.

Vậy đâu là cách hay nhất để trả lời câu hỏi loại này khi đi phỏng vấn?

Đánh giá điểm yếu của bạn

Hãy giải quyết yếu tố hóc búa này trước – những khuyết điểm. Đối với đa số ứng viên, đây chắc chắn là phần đáng sợ nhất của câu hỏi. Mỗi người đều có điểm yếu riêng, nhưng liệu bao nhiêu người thật sự dám thừa nhận chúng, đăc biệt là trong buổi phỏng vấn?

Một số ví dụ về điểm yếu bạn có lẽ đã từng đề cập đến:

  • Quá nghiêm khắc với bản thân
  • Cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người
  • Không quen dùng các phần mềm mới

Cách tốt nhất để xử lý câu hỏi này là hạn chế sự chú ý của nhà tuyển dụng vào các khuyết điểm, hãy cho họ thấy thái độ tích cực khi bạn nói về những khuyết điểm đó. Trong danh sách điểm yếu của mình, chọn ra 1 mục và đưa ra giải pháp của chính bạn để khắc phục điểm yếu. Tránh xa việc chỉ cá nhân hóa phẩm chất bản thân, hãy tập trung vào tính chuyên nghiệp trong một tập thể. Ví dụ, “tôi cho rằng mình là người có suy nghĩ bao quát. Tuy nhiên, đôi khi tôi bỏ qua các tiểu tiết quan trọng. Vậy nên tôi cần đảm bảo rằng trong nhóm luôn có một người cẩn thận chú ý đến từng chi tiết nhỏ để bù đắp.

Đánh giá điểm mạnh của bạn

Đã đến lúc để thể hiện bản thân, vì vậy bạn phải thật tỷ mỉ. Đánh giá kỹ năng để xác định điểm mạnh của bạn. Đây là một bài tập cần thiết trước buổi phỏng vấn. Hãy lập danh sách các kỹ năng bạn có và chia chúng thành 3 nhóm:

  • Kỹ năng chuyên môn: có được từ học tập và kinh nghiệm (ví dụ: tin học, ngoại ngữ, bằng cấp, khả năng hướng dẫn, đào tạo và kỹ năng kỹ thuật khác…)
  • Kỹ năng có liên quan: các kỹ năng linh hoạt bạn có được từ công việc này đến công việc khác (ví dụ: kỹ năng giao tiếp, phân tích và xử lý vấn đề, kỹ năng lập kế hoạch…)
  • Đặc điểm tính cách: những phẩm chất đặc biệt của bạn (ví dụ: đáng tin cậy, linh hoạt, thân thiện, chăm chỉ, giàu tình cảm, nghiêm túc, làm việc nhóm tốt…)

Dưới đây là một số điểm mạnh bạn có thể đề cập đến:

  • Nhiệt huyết
  • Đáng tin cậy
  • Sáng tạo
  • Kỷ luật
  • Kiên nhẫn
  • Lễ phép
  • Có quyết tâm
  • Muốn cống hiến
  • Trung thực
  • Linh hoạt

Sau khi hoàn thành danh sách này, chọn ra 3 – 5 ưu điểm phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng. Hãy chắc chắn rằng bạn có thể đưa ra các ví dụ cụ thể để chứng minh vì sao chúng được xem là những điểm mạnh của bạn.

Ghi lại câu trả lời của bạn

Hãy viết một lời trình bày với thái độ tích cực và tự tin nhất mà bạn có thể nói:

“ Điểm mạnh của tôi là thích nghi nhanh với sự thay đổi. Khi còn làm vị trí quản lý chăm sóc khách hàng ở công ty cũ, tôi có khả năng xoay xở với môi trường làm việc thiếu sự gắn kết và sau đó phát triển nó thành một đội hỗ trợ lẫn nhau. Về các khuyết điểm, tôi cảm thấy kỹ năng quản trị của mình cần phải vững vàng hơn nữa, vì vậy tôi luôn nỗ lực làm việc để cải thiện nó.”

Khi đối mặt với câu hỏi phỏng vấn dạng này, hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng đang tìm kiếm một người phù hợp. Cô ấy đang hình dung bạn dựa trên những gì bạn trả lời. Một câu trả lời đơn giản chắc sẽ không thể tước đi cơ hội của bạn, trừ khi bạn thể hiện thái độ rõ ràng không muốn làm công việc này. Hãy đặt năng lượng vào phần thể hiện điểm mạnh – điều bạn cần phải chỉ ra. Sau đó, để người phỏng vấn biết rằng mặc dù bạn không hoàn hảo, nhưng bạn đang cố gắng từng ngày để khắc phục những khuyết điểm của mình.

Theo interview.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,389 lượt xem